Diệu Hạnh Giao Trinh
chuyển ngữ
Ngày xưa
tại đảo Lục Hoành ở Châu Sơn có một gia đình họ Trương, gồm hai vợ
chồng và một cô con gái duy nhất tên là Thụy Châu. Năm ấy, Thụy Châu
vừa tròn 20 tuổi. Người ta thường ví nhan sắc của một cô gái đôi tám
như một đóa hoa nhưng Thụy Châu thì đẹp không khác gì một tiên nữ
cõi trời. Người trong đảo thường tự hỏi ai sẽ có diễm phúc cưới được
cô gái xinh đẹp tuyệt trần này về làm vợ !
Nào có
ngờ đâu một ngày kia, trời chạng vạng tối, đột nhiên có một bọn cướp
xông vào nhà ông bà Trương bắt cóc Thụy Châu đem về cho đại vương
của họ làm áp trại phu nhân. Hai vợ chồng ông bà Trương van xin thế
nào chúng cũng không nghe, đối với một bọn cướp thì có lý lẽ nào mà
chúng chịu nghe ? Cuối cùng Thụy Châu cũng bị bắt mang đi. Bọn cướp
đưa Thụy Châu đến một con thuyền cập ở bến đò, nhưng lúc ấy thủy
triều đang xuống, thuyền mắc cạn, không thể đi được. Bọn cướp đành
kiếm một lữ điếm tạm trú đêm ấy.
Thụy Châu
bị nhốt trong một căn phòng nhỏ trong lữ điếm. Ðêm đã khuya, cô nằm
trên giường khóc lóc bi thương, không tài nào nhắm mắt ngủ. Bỗng
nhiên giữa tiếng khóc của cô, có tiếng "két" của cánh cửa vừa mở ra.
Một bà lão đầu tóc bạc phơ bước vào nói :
- Cô
nương, xin cô làm ơn làm phước… tôi già cả không nơi nương tựa, cô
giúp tôi được không ?
Thụy Châu
nhìn bà lão đói khổ kia, lòng rất cảm thương, không ngờ trên thế
gian này cũng có người khổ không kém gì mình. Cô vội vàng lấy chút
lương khô mà bọn cướp mang đến cho cô ban nãy, nói với bà lão :
- Bà ơi,
cháu cũng đang trong cơn hoạn nạn, nhưng có chút lương khô đây, bà
dùng cho đỡ đói.
Bà lão đỡ
lấy nắm lương khô, không một lời cám ơn, từ từ ăn hết. Ăn xong bà
lại thở ra :
- Ui chao
! Ðêm nay không biết ngủ ở đâu đây !
Thụy Châu
nói :
- Bà ở
lại đây mà ngủ đi !
Nói xong
cô đỡ bà lão lên giường nằm. Bà lão cũng chẳng làm khách, buông gậy,
cởi dép, vừa đặt lưng xuống giường là ngủ ngay, chẳng mấy chốc đã
ngáy pho pho !
Trong
phòng chỉ có mỗi một cái giường đã nhường cho bà lão ngủ rồi, Thụy
Châu chỉ còn biết ngồi trong góc phòng mà khóc thương cho thân phận
khổ nạn của mình.
Khóc cho
đến nửa đêm thì cô mệt quá ngủ thiếp đi, khi bừng tỉnh thì trời cũng
vừa hừng sáng. Cô ngẩng đầu lên nhìn thì không thấy bà lão nằm trên
giường nữa, nhưng dưới đất thì còn lại đôi dép của bà. Thụy Châu
thầm nghĩ :
- Bà lão
vô ý quá đi thôi, làm sao lại quên đôi dép ở đây ! Già cả như thế mà
không có dép làm sao mà đi ?
Nghĩ đến
đây có bèn ấy đôi dép của bà lão dấu trong người, định rằng khi nào
gặp lại sẽ trao trả cho bà. Chẳng bao lâu, bọn cướp đưa Thụy Châu
lên thuyền. Thuyền vừa mới rời Lục Hoành, mặt biển đang êm bỗng nổi
gió lớn. Từng ngọn sóng khổng lồ ập xuống tứ phía, chẳng bao lâu
thuyền đã lật nhào. Khi Thụy Châu rơi xuống nước thì đôi dép kia
cũng rơi theo sau, nhưng lại bỗng nhiên biến thành hai chiếc lá sen,
nâng Thụy Châu lên khỏi mặt nước. Toàn thể bọn cướp đều bị chết chìm
làm mồi cho cá biển, còn Thụy Châu thì đứng trên lá sen, nương theo
gió mà rẽ sóng trôi giạt thẳng về đảo Lục Hoành. Thụy Châu vừa bước
lên bờ thì hai chiếc lá sen nọ bỗng biến thành một luồng khói, bay
bay theo gió hướng về Phổ Ðà Sơn.
Thế là
Thụy Châu được về đoàn tụ với cha mẹ. Người trong làng ai cũng đến
chúc mừng. Khi nghe Thụy Châu kể lại chuyện mình làm sao thoát hiểm,
và đến đoạn bà lão đi chân đất, tất cả mọi người đồng thanh nói : Bà
lão ấy chắc chắn là hóa thân của đức Quan Thế Âm.
Từ đó
chuyện "Quan Âm đi chân đất" được loan truyền khắp nơi.
Diệu Hạnh GiaoTrinh