17 - Trì Kinh Quan Âm
Diệu Hạnh Giao Trinh
chuyển ngữ
Những năm cuối
đời nhà Đường, thiên hạ rất loạn lạc. Nào Hoàng Sào, nào Lý Khắc
Dụng v.v… dấy binh ở Trung Nguyên làm cho sinh linh lầm than khốn
khổ, người chết, người bị thương nằm ngổn ngang la liệt, thật là một
cảnh tượng thương tâm !
Thời ấy, dân
chúng vùng Tô Châu Hàng Châu bị nạn đao binh nhiễu hại nên lúc nào
cũng sống trong phập phồng lo sợ. Ở Lâm An (Triết Giang), có một
người tên là Tiền Lưu, là một người rất lương thiện chính trực, lại
dũng cảm nghĩa khí, tự mình luyện tập võ công thâm hậu, nhìn thấy
hoàn cảnh hỗn loạn, nhìn thấy dân chúng của cả vùng Tô Châu Hàng
Châu lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, sự an toàn không được bảo đảm, nên
rất muốn khởi binh để bảo vệ họ và để bảo toàn an ninh cho toàn vùng
Đông Nam, tuy nhiên ông sợ không trù bị được lương thực khí giới,
lại còn sợ việc không thành mà còn bị gán cho tội phạm thượng làm
loạn, vì thế ông do dự mãi không dám lấy quyết định.
Một hôm bỗng
nhiên ông nằm mộng thấy Quan Âm Bồ Tát nói với ông rằng :
- Tiền Lưu, ông
đừng lưỡng lự nữa, ông đã có ý muốn bảo toàn an ninh cho dân chúng
miền Đông Nam và có tâm muốn cứu dân thoát khỏi cảnh binh lửa, thì
đó là một thiện tâm hiếm có. Trời luôn luôn phù hộ người thiện nên
sẽ phù hộ cho ông trăm trận trăm thắng, ông hãy mau khởi binh đi !
Tiền Lưu bèn đem
nỗi lo âu của mình bạch với Bồ Tát, Ngài trả lời :
- Ông đừng lo
những chuyện đó, đừng rụt rè nhát gan, mà phải biết rằng một người
thôi mà cũng có thể có ngàn tay ngàn mắt. Không tin, ông hãy xem ta.
Bồ Tát nói xong,
Tiền Lưu thấy trước mặt mình là một vùng ánh sáng chói lòa, rồi lại
thấy kim thân Bồ Tát ngàn tay ngàn mắt, cao một trượng sáu hiện ra
trong vùng ánh sáng ấy. Ngài Quan Âm còn nói thêm để thuyết phục ông
:
- Tiền Lưu, ông
phải biết, nếu vì người khác mà có ngàn tay ngàn mắt thì sẽ lập được
sự nghiệp thiên thu. Ông đừng chần chờ nữa, cứ dũng cảm mà ra tay,
tính mệnh của sinh tinh toàn vùng Đông Nam nay đã trói buộc vào chỉ
một mình ông mà thôi đó ! Khởi binh thành công rồi, mong ông quy y
tin tưởng Phật Pháp, lấy từ bi làm tôn chỉ để lợi ích cho quần sinh.
Nếu được như thế thì hai mươi năm nữa, ông hãy đến núi Thiên Trúc
tìm ta.
Tiền Lưu tỉnh dậy
rồi thì rất kinh ngạc, tự nghĩ rằng :
- Bồ Tát đã chỉ
dạy, lời Ngài nói chắc chắn không sai.
Thế là ông lập kế
khởi binh, chiêu tập các thanh niên tráng kiện dũng cảm trong các
xóm làng. Ông còn bảo người vẽ cho ông một tấm tranh Quan Âm Bồ Tát
ngàn tay ngàn mắt để treo trong nhà, và kể cho những thanh niên dưới
trướng nghe chuyện Quan Âm Bồ Tát đã ứng mộng bảo ông khởi binh bảo
vệ an ninh cho dân chúng ở miền Đông Nam.
Nghe nói chính
Quan Âm Bồ Tát đã chỉ dạy, có Quan Âm Bồ Tát phù hộ, người nào cũng
phấn khởi và can đảm lên, tin tưởng bội phần, tham gia nườm nượp,
chẳng bao lâu đã tổ chức thành một đoàn quân hùng hậu. Dưới sự chỉ
huy của Tiền Lưu, quả nhiên đoàn quân hùng hậu này đánh tới đâu
thắng tới đó, lập kỳ công dồn dập, bảo vệ được nửa giải giang sơn
miền Đông Nam và mang lại cảnh thái bình an lạc cho trăm họ. Từ Thái
thú Tô Châu, Tiền Lưu đã lên ngôi Ngô Việt Vương, danh tiếng truyền
đến ngàn đời.
Tiền Lưu vẫn khắc
ghi trong lòng lời dặn dò của Quan Âm Bồ Tát, tin kính Phật thuần
thành, một lòng hướng thiện, thương yêu bảo bọc dân như con ruột,
biến vùng Tô Châu Hàng Châu thành một giải đất phồn hoa thịnh vượng,
trăm họ an cư lạc nghiệp.
Hai mươi năm sau,
Tiền Lưu nhớ đến lời dặn của Bồ Tát phải lên núi Thiên Trúc tìm, bèn
lên đó cố gắng tìm kiếm khắp nơi, nhưng biết Bồ Tát Quan Âm sẽ hiển
thánh ở nơi nào ? Tìm tới tìm lui, đột nhiên ông nhìn thấy trước mắt,
trên một tảng đá cao, có một vị tăng đang ngồi ngay ngắn chăm chú
đọc một quyển kinh trong tay.
Tin chắc rằng đây
chính là Bồ Tát hóa thân, ông vội vàng đến trước mặt vị tăng nhân
sụp xuống lạy, bạch rằng :
- Bồ Tát trên cao,
trong hai mươi năm qua đệ tử đã tuân lời giáo huấn của Bồ Tát, khởi
binh dẹp loạn, tạo được công nghiệp. Nay giải đất Đông Nam đã bình
an, cuộc thế bắt đầu ổn định. Đệ tử đã mệt mỏi với cảnh phồn hoa thế
tục, quyết tâm nương cửa Phật, kính mong Bồ Tát phương tiện thâu nạp
để tử.
Vị tăng nhân kia
vội bỏ cuốn kinh trong tay xuống, đỡ Tiền Lưu dậy, cung kính trả lễ
mà rằng :
- Đại vương, tôi
không phải là Bồ Tát, ngài đã nhận lầm rồi. Bần tăng tên là Nhất
Không, hành cước lên núi đi ngang qua đây, đã gặp được Bồ Tát tại
đây, cũng chính Bồ Tát dạy tôi phải ở đây chờ đợi Đại Vương.
Tiền Lưu mừng rỡ
hỏi :
- Bồ Tát đã đến
thật rồi, vậy Bồ Tát đã dạy những gì ?
Vị tăng nhân đáp
:
- Hôm ấy ở đây
cũng có một vị tăng nhân ngồi trên tảng đá này xem kinh. Lúc ấy tôi
không biết đó là Bồ Tát, đến hỏi thăm Ngài, thì Ngài bảo có nhân
duyên với bần tăng, muốn đem kinh "Đại Bi Tâm Đà La Ni" và kinh "Đại
Bi" truyền trao cho bần tăng.
Ngài lại bảo hôm
nay Đại vương sẽ đến nơi này, dạy bần tăng phải ở đây chờ đợi, nếu
gặp Đại vương thì phải chuyển lời của Ngài cho Đại vương như sau :
Đại vương đã công thành danh toại, trăm họ tôn kính, nếu như Đại
vương có thể hoằng dương Phật Pháp thì ảnh hưởng sẽ rất lớn, mong
Đại vương tạo thêm công đức từ nay.
Hiện thời Bồ Tát
sẽ không thâu nạp ngài vì chưa phải là lúc Đại vương nương thân cửa
Phật, trong tương lai, khi cơ duyên đầy đủ thì Bồ Tát sẽ đến độ ngài.
Lúc đó bần tăng
mới biết là được gặp Bồ Tát, vội vàng khấu đầu lễ bái nhưng Bồ Tát
đã ẩn thân rồi. Vì thế bần tăng vâng lời dạy của Bồ Tát, cung kính ở
đây chờ Đại vương đến.
Tiền Lưu nghe thế,
vui mừng không bút nào kể xiết.
- Bồ Tát đã quan
tâm đến đệ tử như thế, lại một lần nữa chỉ bày đường đi nước bước,
đệ thử thật là tri ân vô tận. Bồ Tát đã chỉ dạy rồi thì tôi sẽ tuân
mệnh của Ngài và quyết tâm hoằng dương Phật Pháp một cách sâu rộng.
Nhất Không đại sư, đại sư và tôi gặp nhau nơi đây thì đó cũng là
nhân duyên giữa hai chúng ta. Để kỷ niệm Bồ Tát thị hiện trên núi
này, tôi muốn lập một cái am xem kinh ở đây. Tôi muốn thỉnh đại sư
trụ trì ở am này, không biết đại sư có đồng ý hay không ? Nếu đại sư
đồng ý, kính xin đại sư ở lại nơi đây.
Pháp Sư Nhất
Không nói :
- Đại vương tuân
lời chỉ dạy của Bồ Tát mà hoằng dương Phật Pháp, muốn bần tăng trụ
trì đại nghiệp thiên thu này, thật là một vinh hạnh lớn cho bần tăng,
vậy bần tăng quyết sẽ giúp sức cho đại sư.
Ngô Việt Vương
Tiền Lưu trở về Lâm An, không lâu sau, hạ lệnh xuất ra một khoản
tiền, kêu gọi thợ đến núi Thiên Trúc xây một cái am trì kinh ngay
chỗ mà Bồ Tát đã hiển thánh, dưới sự điều khiển của Pháp sư Nhất
Không. Vài tháng sau, một cái am hùng vĩ tráng lệ được dựng lên một
cách đồ sộ.
Trong am có pháp
tượng trang nghiêm của Quan Âm Bồ Tát ngồi xếp bằng xem kinh, tòa
sen của Ngài là lấy tảng đá trắng chỗ Ngài đã từng ngồi lên mà khắc
thành. Đó là tượng "Trì Kinh Quan Âm", hay còn được gọi là "Độc kinh
Quan Âm".
Ngoài việc xây
"am xem kinh" nói trên, Ngô Việt Vương Tiền Lưu còn hoằng dương Phật
pháp một cách rộng rãi ở vùng Tô Châu Hàng Châu, đâu đâu cũng trùng
tu lại các chùa chiền lớn nhỏ, tính ra cũng hơn trăm cái.
Dân chúng nhờ ông
bảo bọc mà được sống cảnh an cư lạc nghiệp nên rất ủng hộ và yêu mến
ông. Ngô Việt Vương tin Phật nên trăm họ ai ai cũng tin Phật, vì thế
ở vùng Tô Châu Hàng Châu tỷ số Phật tử cao hơn những chỗ khác. Phật
giáo hưng thịnh ở Tô Châu Hàng Châu chính là bắt đầu từ đời Đường
vậy.
Diệu Hạnh Giao Trinh