Diệu Hạnh Giao Trinh
chuyển ngữ
Tương truyền rằng
thời xưa, ở trong biển lớn phía đông của Phổ Đà Sơn có một hải đảo
với phong cảnh diệu kỳ, trên bờ thì trăm chim thi nhau ca hót, dưới
biển thì cá tôm bơi lội thành đoàn, trai thì bắt cá, gái thì đan
lưới, tất cả đều sống một đời sống tự do tự tại nên được gọi là đảo
Bồng Lai.
Đến một năm nọ,
có một ông vua tham lam hung ác lên ngôi trị vì, muốn xây hoàng cung
nên nay thì bức bách dân chúng phải lên núi đốn cây đập đá, mai thì
ức hiếp trăm họ bắt xuống biển sâu mò san hô, ngọc trai... Nếu có ai
tỏ ý phản kháng thì nhẹ nhất cũng bị roi đòn, nặng hơn thì chém đầu.
Từ đấy chim muông bay đi hết, cá tôm cũng bỏ trốn, và trăm hoa đều
tàn tạ. Dân chúng không chịu đựng nổi những khổ nạn như thế nữa nên
cũng rầm rộ kéo nhau đi tìm đất khác mà nương thân.
Vua thấy như vậy
thì nổi trận lôi đình, sai một đại tướng quân dẫn binh đi bắt dân
chúng phải trở lại, đồng thời phải tìm chim, cá và hoa tươi mang về
đảo. Đại tướng quân nọ lên tàu lênh đênh trên biển cả tìm kiếm khắp
nơi nhưng chẳng kiếm được gì.
Một hôm, đại
tướng quân đột nhiên thấy trên mặt biển xa xa có một hòn đảo nhỏ,
bầu trời ở phía trên hòn đảo ấy lác đác những đám mây ngũ sắc, ráng
trời đủ màu chói sáng cả mắt. Ông vội vàng dương buồm, cho tàu chạy
mau về nơi ấy. Lên đảo hỏi han rồi mới biết đây là Phổ Đà Sơn.
Ông thấy trên đảo
cây cao chọc trời tỏa hương ngào ngạt, trăm hoa nở rộ, từng bầy chim
tung bay xoè cánh khoe mầu, tranh nhau hót líu lo. Bên cạnh biển
xanh thì cát vàng óng ánh, trúc tím thành rừng, và dưới đất thì có
những búp măng non vàng ngậy hấp dẫn.
Đại tướng quân
mừng quá chạy xồng xộc vào rừng trúc tím lắc những búp măng hấy dẫn
ấy để kéo chúng lên. Nhưng lắc tới lắc lui, lắc tới mồ hôi ướt đẫm
cả lưng mà búp măng không hề suy suyển, ông tức qua xoay qua nhổ
trúc tím, nhổ tới nhổ lui, nhổ tới đau lưng mỏi tay mà trúc tím
không hề lay động.
Đại tướng quân
tức giận quá độ, "xoẹt" một tiếng rút dao ra bổ bên phải, chém bên
trái, "phập, phập, phập", chém vào măng vàng, măng vàng bắn ra những
ngôi sao chói lọi, bổ vào trúc tím, trúc tím toé ra những tia sáng
rực rỡ. Ông đã dùng hết sức lực mà măng vàng chém không đứt, trúc
tím bổ không ngã, mệt quá bèn ngồi bệt xuống đất thở phù phù.
Ở đầu bên kia của
rừng trúc tím có một ni cô đang ngồi giặt áo. Khi cô nghe tiếng dao
chém vào thân trúc thì đứng dậy hỏi :
- Ai chém thần
trúc loạn lên vậy ?
Đại tướng quân
hướng theo âm thanh tiếng nói mà nhìn thì thấy một ni cô vô cùng
xinh đẹp, bèn bước tới gần gân cổ lên hét :
- Ta là đại tướng
quân của vua đảo Bồng Lai sai đến đây tìm kỳ hoa dị thảo, phượng
hoàng chim chóc đem về !
Ni cô nói :
- Núi này là
thánh địa, là đất Phật, dẫu một nhánh cây hay một cọng cỏ cũng được
tưới tẩm bằng nước cam lồ, xin ông đừng xúc phạm vào lề lối nhà Phật
!
Đại tướng quân
cười gằn :
- Lề lối nhà Phật
cái gì ? Quốc vương đã tuyền lệnh hoa nào tươi đẹp nhất, cô nương
nào diễm lệ nhất cũng phải đều đem về cống hiến lên cung vua. Một cô
gái đẹp như cô chắc chắn sẽ làm cho quốc vương vừa lòng lắm đấy !
Ni cô nào có ai
khác lạ, chính là hóa thân của Quan Âm Bồ Tát. Ngài thấy ông đại
tướng quân vô lễ quá, hơi bực mình bèn nhổ trên đầu mình một sợi tóc
đen nhánh, đặt xuống một khối đá bằng phẳng và nói :
- Nếu ông nhặt
được sợi tóc này lên thì trăm loài chim muông trong rừng này ông đều
có quyền lựa, trăm loài hoa tươi trên núi ông đều có quyền hái.
Đại tướng quân
nghe thế thì ôm bụng cười ngất :
- Ta có sức mạnh
nhấc được ngàn cân, xá gì một sợi tóc cỏn con như vậy ! Một sợi tóc
như vậy mà nhặt không lên thì sao gọi là đại tướng quân !
Không nói thêm
lời nào, ông đưa tay ra nhặt. Nhưng bàn tay của ông thô kệch như cán
xẻng, bốc tới bốc lui mà nhặt không lên khiến ông nóng nảy mồ hôi
dầm dề.
Ngài Quan Âm đứng
một bên lạnh lùng nhìn, lúc ấy mới thổi nhẹ một hơi, sợi tóc nọ vờn
bay lên trước mặt đại tướng quân, bay thẳng lên đầu Ngài trở lại.
Đại tướng quân mở
bành hai con mắt to như cái chén uống rượu, hoảng hốt nói :
- Cái này không
tính ! Tay tôi hơi lớn mà sợi tóc thì quá nhỏ nên tôi mới nhặt không
lên !
Ni cô cười một
cách châm biếm, chỉ một bồn nước rửa chân sơn màu vàng óng ánh trên
mặt đất mà nói :
- Nếu ông có thể
bưng được bồn nước này lên mà không đổ ra ngoài thì trăm loài chim
muông trong rừng này ông đều có quyền lựa, trăm loài hoa tươi trên
núi ông đều có quyền hái.
Tên đại tướng
quân liếc xéo ni cô một cái rồi mừng rỡ trở lại, nghĩ bụng rằng bồn
nước rửa chân bé nhỏ như thế làm gì mà đại tướng quân ta không bưng
lên nổi !
Ông không thèm
nói lời nào, đưa tay ra bưng.
Nào ngờ bồn nước
rửa chân sơn vàng này vừa trơn vừa bóng, nếu ông quá dùng sức với
tay phải thì nước sẽ đổ xuống hết qua bên trái, còn nếu quá dùng sức
với tay trái thì nước sẽ đổ hết lên tảng đá. Ông tìm thế bưng tới
bưng lui mà nước cứ tròng trành một cách nguy hiểm. Ông đỏ mặt tía
tai, tròng mắt lòi ra ngoài mà chỉ bưng bồn nước lên tới lưng bàn
chân, lên cao hơn nữa thì không nổi.
Quan Âm Bồ Tát
thấy bộ dạng lố bịch của ông ta bất giác cười phì một tiếng. Nghe
tiếng cười, đại tướng quân ngước mặt lên nhìn, người ni cô ban nãy
không còn nữa mà đứng trước mặt ông là Quan Âm Bồ Tát, với chuỗi anh
lạc đầy người, phóng ánh sáng huyền diệu. Ông sợ quá sững cả người,
hai tay run bần bật, hai chân mềm nhũn, "bình" một tiếng, ông quỵ
xuống, nguyên cái đầu ụp vô chậu nước rửa chân. Vì đại tướng quân
đần độn ấy kinh hãi ú ớ muốn kêu lên nên bị uống mấy hớp nước lạnh.
Ngài Quan Âm đưa
chân ra nhẹ khều chậu nước, cả đại tướng quân cả chậu nước đều bị
lật ngửa. Mà lạ thay, nước trong chậu sao chảy hoài không ngừng,
càng chảy càng mạnh, chẳng mấy chốc như cả vạn thác nước đổ xuống
biển đông hải. Trong chớp mắt thủy triều phồng to lên, cuồng phong
đẩy những ngọn sóng lên thật cao rồi "ầm" một tiếng, đổ xuống cung
điện ở đảo Bồng Lai.
Ngay lúc ấy nhà
vua đang vui hưởng ngũ dục trong một buổi yến tiệc linh đình với
rượu ngon thịt béo, bỗng nhiên thấy cuồng phong rồi nước biển ào ạt
đổ xuống, những ngọn sóng khổng lồ cuốn sập bức tường rào xung quanh
cung điện. Nhà vua sợ quá há hốc miệng, các đại thần cũng sợ quá ôm
đầu chạy trốn, tạo nên một cảnh vô cùng hỗn loạn. Thủy triều mỗi lúc
mỗi to, mỗi lúc một cao, thêm một tiếng động long trời lở đất, ngọn
sóng thần đã nhận chìm cả cung điện xuống đáy đại dương mênh mông.
Ông vua tàn ác đã
theo cung điện của mình chìm xuống đáy biển. Cái chậu rửa chân sơn
vàng ban nãy biến thành một con tàu lớn, cứu vớt dân lành đáng
thương trên đảo Bồng Lai, nương theo gió rẽ sóng lướt đến gần Phổ Đà
Sơn rồi thoắt biến thành một hòn đảo. Dân chúng xây nhà đắp vườn
trên hòn đảo này, và sinh sôi nẩy nở tạo lập một cuộc sống mới.
Bởi vì hòn đảo
này do một con tàu biến thành nên người dân di cư đến đấy đặt tên
cho nó là "Châu Đảo" (châu nghĩa là thuyền).
Diệu Hạnh Giao
Trinh