Diệu Hạnh Giao Trinh
chuyển ngữ
Trong những hình
tượng của Quan Âm đại sĩ, thường có một cặp đồng nam đồng nữ đứng
hai bên, đồng nam tên là Thiện Tài, đồng nữ tên là Long Nữ.
Long Nữ vốn là
con gái út của Long Vương ở biển Ðông Hải, xinh xắn thông minh, được
Long Vương cưng chìu hết mực. Một hôm, Long Nữ nghe nói rằng ở nhân
gian có lễ rước đèn rất nhiệt náo, cô bèn nằng nặc đòi đi xem.
Long Vương lắc
đầu, bộ râu rồng rung rung :
-
Chỗ ấy đất lạ,
người lại hỗn tạp, con là công chúa rồng, không thể đến nơi ấy.
Long Nữ hết nhõng
nhẽo đến giả bộ khóc lóc nhưng Long Vương vẫn không nhường. Cô bé
chu chiếc miệng nhỏ xíu nghĩ thầm "Phụ vương không cho phép, nhưng
con vẫn cứ đi !".
Vào canh hai,
Long Nữ lẻn ra khỏi thủy tinh cung không một tiếng động, biến thành
một cô gái đánh cá xinh đẹp, bước lên ánh trăng thênh thang hướng
đến chỗ rước đèn náo nhiệt kia.
Ðó là một thị
trấn chuyên về nghề đánh cá, ở ngoài đường đèn lồng vô số kể ! Có
đèn con tôm, đèn con cua, đèn con sò, đèn con ốc biển và cả đèn san
hô nữa. Long Nữ hết quay qua bên phải nhìn xong quay qua bên trái
ngắm, càng nhìn càng ngắm càng vui thích.
Tại một ngả tư
đường, cô nhìn thấy hết đèn con cá này tới đèn con cá khác, hết núi
đèn này tới núi đèn khác, muôn màu muôn sắc, sáng rực chói lọi, thật
là hứng thú nên cô đứng trước một ngọn núi đèn mà ngắm nghía một cái
say mê, xuất thần.
Lúc ấy, từ một
cái lầu cao bên đường, có người hắt xuống nửa chén trà lạnh. Nước
trà quái ác không hắt xuống bên này hay bên kia, mà lại nhắm đúng
đầu của Long Nữ mà hắt xuống. Long Nữ giật bắn người la oai oái, số
là một khi công chúa rồng biến thành một thiếu nữ, nếu chạm phải
nước thì phải hiện lại nguyên hình. Lòng cô nóng như lửa đốt, sợ
rằng giữa đường mà hiện tướng rồng thì mưa to gió lớn sẽ nổi lên,
các ngọn đèn lồng muôn màu muôn sắc sẽ bị hư hoại hết. Vì thế, không
đếm xỉa tới gì khác nữa, cô gắng sức lách ra khỏi đám đông chạy về
phía bờ biển. Vừa tới bãi cát, có tiếng "phù phù" vang lên, và Long
Nữ lập tức biến thành một con cá rất lớn, nằm sõng soài trên cát, vô
phương động đậy.
Không bao lâu sau,
có một anh ngư phủ đến bãi cát, thấy con cá to lớn toàn thân vẩy màu
vàng óng ánh, liền bắt lấy vác ra chợ rao bán.
Chiều hôm ấy,
đang ngồi chơi trong rừng trúc tím, Quan Âm đại sĩ nhìn thấy rõ ràng
những gì đã xẩy ra ở thị trấn kia nên khởi từ bi tâm, Ngài nói với
Thiện Tài đứng bên cạnh :
- Con hãy mau đến
thị trấn đánh cá mua một con cá lớn, đem ra biển phóng sinh.
Thiện Tài khấu
đầu bạch :
- Bồ Tát ơi, đệ
tử lấy đâu ra tiền mà mua cá ?
Quan Âm bật cười,
dạy :
- Con bốc một nắm
tro trong lư hương là được.
Thiện Tài gật đầu,
vội vàng chạy về Quan Âm viện bốc một nắm tro, bước lên một đóa hoa
sen và vun vút lướt như bay về phía thị trấn đánh cá.
Lúc ấy anh chàng
ngư phủ kia đã vác cá ra đến đường cái rồi, mượn một cái rìu sửa
soạn chặt đầu cá để bán lẻ. Ðột nhiên trong số người đang vây quanh
nhìn, có một cậu bé chỉ vào mắt của con cá mà kêu lên :
- Con cá đang
khóc kìa ! Con cá khóc !
Mọi người nhìn kỹ,
quả nhiên từ đôi mắt cá tuông xuống hai hàng lệ châu lóng lánh. Ðiều
ấy khiến cho người nhìn phải kinh ngạc và cảm động, có người cho là
kỳ quái, có người thì tán thán, tiếng bình luận lao xao nổi lên tứ
phía.
Anh chàng ngư phủ
sợ rằng của trên trời rơi xuống mà mình mới nhặt được sẽ biến thành
mây khói, bèn vội vàng vung chiếc rìu lên toan chém xuống, thì đột
nhiên từ phía sau lưng có tiếng người kêu lên :
- Ðừng chặt !
Ðừng chặt !
Người ta chỉ thấy
một chú sa di nhỏ chạy đến vừa thở hổn hển vừa nói :
- Tôi muốn mua
con cái này !
Vừa nói chú vừa
dúi một nắm bạc vào tay anh chàng ngư phủ, và luôn miệng hối anh ta
vác cá ra bờ biển trở lại. Anh chàng ngư phủ vui mừng thầm nghĩ :
- Ðúng là tiền
lời, số ta hôm nay hên quá ! Ta vác cá ra bờ biển, rồi biết đâu khi
chú tiểu quay lưng đi rồi, cá lại rơi vào tay ta trở lại như trước !
Anh chàng ta vác
cá đi theo chú tiểu ra bờ biển và thả cá vào nước. Con cá vừa chạm
nước biển thì lập tức quẫy mình khiến bụi nước bắn tung lên, và bơi
ra thật xa, thật xa. Ra tới ngoài khơi rồi, cá mới quay mình lại
hướng về phía chú tiểu mà gật đầu, rồi biến mất trong nháy mắt.
Anh chàng ngư phủ
thấy cá đã bơi ra xa rồi mới bỏ ý nghĩ bắt cá lại kiếm chác, bèn móc
túi lấy bạc ra đếm. Nào ngờ mới mở lòng bàn tay ra, thì bạc kia liền
biến thành tro nhang ! Hắn quay đầu lại tìm chú tiểu, chú tiểu cũng
đã cao bay xa chạy rồi.
Trở lại long cung,
từ khi khám phá công chúa nhỏ đã biến mất, cung trong cung ngoài gì
cũng đều loạn lên như cái tổ ong. Long Vương giận đến nỗi râu rồng
dựng đứng, thừa tướng rùa cuống quýt duỗi đầu cổ ra thật dài, tướng
quân sò giữ cửa sợ đến nỗi phun bọt trắng loạn xạ, và các cung nữ
tôm ngọc cứ khom lưng mà run lẩy bẩy… Cứ thế mà hỗn loạn cho tới khi
trời sáng, Long Nữ về tới thủy tinh cung, mọi người mới thở phào nhẹ
nhõm !
Long Vương tức
giận con gái út tự tiện đi ra ngoài, vi phạm quy luật của cung đình,
hầm hầm mắng cô một trận rồi còn nghĩ rằng "Chuyện này mà đến tai
Ngọc Hoàng Thượng Ðế thì thế nào cái tội 'dạy con gái bất nghiêm'
cũng sẽ rơi lên đầu". Trong cơn tức giận, Long Vương đang tâm đuổi
con gái ra khỏi thủy tinh cung.
Long Nữ đau khổ
cùng cực, biển đông mang mang, biết đâu là chỗ dung thân ? Cô khóc
tức tưởi, bơi đến biển Liên Hoa. Tiếng khóc của cô vọng đến rừng
trúc tím, Bồ Tát Quan Âm nghe thấy biết ngay là Long Nữ đã đến, bèn
sai Thiện Tài đi đón Long Nữ về. Thiện Tài tung tăng nhảy nhót đến
trước mặt Long Nữ hỏi :
- Long Nữ muội
muội, có nhận ra chú tiểu hôm nọ không ?
Long Nữ vội vàng
chùi nước mắt, đỏ mặt nói :
- Huynh là ân
nhân cứu mệnh tiểu muội, làm sao tiểu muội không nhận ra được ?
Nói xong liền
khấu đầu lễ. Thiện Tài đưa tay kéo Long Nữ dậy :
- Ði, chúng ta đi,
Bồ Tát Quan Âm bảo huynh đi đón muội về!
Thiện Tài và Long
Nữ nắm tay nhau chạy về rừng trúc tím. Long Nữ thấy Bồ Tát Quan Âm
đoan tọa trên tòa sen, liền sụp xuống lễ. Bồ Tát Quan Âm rất mến
thương Long Nữ, nên để cho hai anh em ở chung trong động đá Triều Âm
cách đấy không xa. Về sau, người ta gọi động đá này là "Thiện Tài
Long Nữ động".
Diệu Hạnh Giao
Trinh