Diệu Hạnh Giao Trinh
chuyển ngữ
Tương truyền đời
vua Đường Hàm Thông, có một vị tăng người Nhật tên là Huệ Ngạc đến
Trung Quốc. Thầy đã từng viếng thăm rất nhiều núi cao sống rộng, đã
từng lễ bái rất nhiều chùa cổ, chùa lớn. Hôm ấy, phong trần dầy dạn,
thầy rảo bước lên núi Ngũ Đài, một trong những thánh địa Phật giáo ở
Trung Quốc. Cảnh Ngũ Đài Sơn rất đẹp, với những tảng đá linh sừng
sững, những cây tùng cổ chọc trời, những dòng nước róc rách từ khe
núi chảy ra, với trăm hoa đua nhau khoe sắc, hoặc những mái chùa ẩn
hiện sau lùm cây, núi thẳm. Thật là một phong cảnh huyền bí, thanh
tịnh.
Thầy Huệ Ngạc
cùng phương trượng của Ngũ Đài Sơn cùng nhau tụng kinh, nói Pháp,
tham thiền, đánh cờ, hai người trở thành đôi bạn tri kỷ.
Một hôm, thầy Huệ
Ngạc thấy được một bức tượng Quan Âm Bồ Tát ở hậu viện của chính
điện, tượng khắc bằng gỗ đàn hương, thần thái an tường, mọi chi tiết
được khắc một cách cân xứng và tỉ mỉ, cho tới búi tóc, lông mi cũng
tinh vi sinh động như người sống.
Thầy Huệ Ngạc
đứng trước tượng Quan Âm Bồ Tát, hết ngắm nghía đến tán thán, say mê
đến nỗi thầy phương trượng đến mời thầy dùng cơm, thầy cũng không
nghe thấy.
Thầy phương
trượng thấy thầy say mê như thế bèn hỏi :
- Pháp sư thấy
tôn tượng Bồ Tát điêu khắc thế nào ?
Thầy Huệ Ngạc
không tiếc lời khen ngợi :
- Đẹp ! Đẹp ! Tôi
đến từng tuổi này lần thứ nhất mới thấy được một bức tượng như thế !
Điêu khắc tinh vi đến nỗi biểu hiện được thái độ an tường của đại sĩ,
thật là một đức Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát sống vậy !
Thầy phương
trượng thấy thầy quá ưa thích nên cười tủm tỉm mà nói :
- Nếu Pháp sư ái
mộ Ngài như thế thì tôi xin cúng dường pháp sư đem về thờ đó !
Thầy Huệ Ngạc
nghe thế vội vàng chắp tay lễ tạ. Thầy tiếp lấy bức tượng, mừng quá
không kềm chế được nên quyết định về Nhật Bản lập tức, xây chùa thờ
tượng của Ngài để cho người Nhật có cơ duyên đến lễ bái Bồ Tát. Thầy
Huệ Ngạc rời Ngũ Đài Sơn rồi còn đến Cửu Hoa Sơn, cuối cùng từ Thiên
Đài Sơn xuống lấy tàu ở cửa biển Linh Giang dương buồm về nước.
Hôm ấy, tàu đến
hải phận Phổ Đà Sơn, bỗng nhiên có một ngọn gió lớn thổi đến, thổi
mạnh đến nỗi tàu nghiêng bên này, ngả bên kia rồi cuối cùng xoay
vòng vòng tại chỗ. Thầy Huệ Ngạc không còn có cách nào hơn là cho
tàu tiến đến một thung lũng trong đảo Phổ Đà, hạ buồm thả neo, chờ
sóng yên gió lặng rồi mới tính chuyện đi tiếp.
Hôm sau, gió đã
yên và sóng đã lặng. Thầy Huệ Ngạc lại cho dương buồm nhổ neo. Nhưng
tàu vừa mới rời khỏi thung lũng, mặt biển đột nhiên nhả ra từng cuộn
từng cuộn sương mù màu trắng xám. Sương mù bay lên mỗi lúc mỗi cao,
giống như một bức mành vải được treo ngay trước mặt tàu vậy, ngăn
chận không cho tàu đi tiếp.
Thầy Huệ Ngạc
thấy chuyện kinh dị, đứng trên bong tàu ngước mặt lên trời, thì trên
đầu là một khoảng màu xanh biếc ; nhìn trái nhìn phải, thì hai bên
bức mành sương mù là màu nước biển xanh trong. Thầy Huệ Ngạc đành
cho quay mũi tàu, đi vòng bức mành sương mù mà tiến tới phía trước.
Những hễ mũi tàu hướng về bên trái thì mành sương mù cũng bay về bên
trái ; hễ quay về bên phải thì mành sương mù cũng phất phới bay về
bên phải. Con tàu cứ chuyển lui chuyển tới trên biển mà không tiến
lên được, cuối cùng phải quay về hải phận của Phổ Đà Sơn, thầy Huệ
Ngạc không nghĩ ra cách nào khác nên lại đành một lần nữa cho tàu
đến thung lũng, hạ buồm thả neo, chờ sương tan rồi sẽ đi tiếp.
Qua sáng sớm thứ
ba, mặt trời đỏ ửng từ đáy biển từ từ trồi lên, phóng ngàn tia ánh
ráng nhuộm sáng cả bốn phương trời. Thầy Huệ Ngạc ra đứng ở khoang
tàu ngước nhìn lên trời thì thấy giữa những áng mây ngũ sắc có một
toà lầu nguy nga lộng lẫy, cờ phướng sáng ngời, tiên nữ vây quanh,
phóng ánh sáng màu ngọc chói lòa cả mắt. Thầy rất hoan hỉ, chắp tay
đảnh lễ, rồi lập tức cho dương buồm, nhổ neo. Nhưng kỳ lạ thay, tàu
vừa rời khỏi thung lũng thì những cảnh vật kỳ diệu trên trời cũng
đột nhiên biến mất, mây đen che kín mặt trời, gió biển khơi dậy
những ngọn sóng khổng lồ. Thầy Huệ Ngạc đâm ra lo lắng, nghĩ rằng
mình đã trì hoãn ở đây hết mấy ngày trời rồi, lần nào cũng kết thúc
như vậy thì bao giờ mới có thể thỉnh tượng Ngài Quan Âm về Nhật Bản
đây ? Thôi thì chút gió, chút sóng có là gì đâu, cứ cho tàu chạy !
Mau cho tàu chạy !
Thầy Huệ Ngạc yêu
cầu đoàn thủy thủ lái tàu đi ngược gió, rẽ sóng hướng về phía trước
mà đi. Gió trở nên dữ dội hơn, sóng vọt cao hơn, nhưng thầy Huệ Ngạc
không hoảng không loạn, cứ điềm tĩnh đứng ở mũi tàu mà chắp tay tụng
kinh niệm Phật.
Tuy gió và sóng
từ từ bình lặng trở lại, nhưng tàu chưa đi được bao xa bỗng nhiên
đứng lặng như thể mọc rễ rồi vậy. Thầy cúi đầu nhìn thì thấy có từng
đóa, từng đóa hoa sen sắt nổi lên, trong nháy mắt, cả mặt biển Phổ
Đà Sơn đều phủ kín hoa sen sắt, con tàu buồm bị bao vây và kềm chặt
ở giữa.
Thầy Huệ Ngạc quá
sợ hãi, tâm nghĩ rằng cứ mỗi lần tàu chạy là đều bị sóng gió ngăn
chận, hôm nay lại có hoa sen sắt kềm chặt khóa tàu đứng yên, không
lẽ đó là vì Quan Âm Đại sĩ không chịu đi Nhật Bản chăng ? Thầy trở
lại khoang tàu, quỳ trước tượng Quan Âm Bồ Tát khấn nguyện rằng :
- Nếu như chúng
sinh ở Nhật Bản không có cơ duyên được chiêm ngưỡng thánh nhan, đệ
tử nguyện tuân lệnh Bồ Tát, Bồ Tát chỉ đâu đệ tử đi đó, và xây chùa
viện để thờ Bồ Tát ở nơi ấy.
Khấn chưa dứt lời
đã nghe "lập cập, lập cập", từ đáy biển nổi lên một con trâu sắt.
Trâu sắt một mặt bơi thẳng về phía trước, một mặt há miệng thật to
nuốt chửng những đóa hoa sen sắt. Chỉ một lúc sau, trên mặt biển
bỗng mở ra một con đường vừa đủ cho tàu chạy. Thầy Huệ Ngạc cho tàu
chạy theo con trâu sắt, và nương theo con đường mới được mở ra ấy mà
tiến. Không lâu sau, lại nghe "lập cập, lập cập", con trâu sắt chìm
xuống đáy biển sâu, và những đóa sen mới đây còn tràn đầy mặt biển
cũng không còn nữa. Thầy Huệ Ngạc định thần nhìn kỹ, thì ra con tàu
đã trở lại thung lũng của Phổ Đà Sơn.
Mây đã tan, trời
quang đãng, mặt trời đã treo cao trong hư không. Lúc ấy có một người
đánh cá họ Trương từ trên núi xuống, nói với thầy Huệ Ngạc rằng :
- Tôi đã thấy hết
những gì xẩy ra mấy hôm nay, ngài đi không được đâu ! Thôi chi bằng
thỉnh Pháp sư đến nhà tôi ở lại vài bữa rồi hãy đi !
Thầy Huệ Ngạc
thấy vị này sốt sắng như thế thì nhận lời. Tay thầy ôm bức tượng
Quan Âm Bồ Tát, đi theo người đánh cá trèo lên núi Phổ Đà. Phóng tầm
mắt nhìn ra xa thì thấy một bãi cát vàng óng ánh, thủy triều lúc
dâng lúc lùi, những đỉnh núi cây cỏ xanh tươi vây quanh đảo, rồi xa
hơn nữa là mặt biển như một tấm gương sáng mang mang không biên giới.
Sáng thì thưởng
thức mặt trời mọc, đêm thì lắng nghe tiếng thủy triều, nếu so với
Ngũ Đài Sơn thì đảo này có một nét đặc sắc khác hẳn. Thầy Huệ Ngạc
lại nghĩ, Bồ Tát Quan Âm đã không muốn sang Nhật thì mình ở lại đây
xây chùa, để Ngài Quan Âm định cư ở Phổ Đà Sơn vậy !
Người đánh cá họ
Trương nghe tới chuyện xây chùa thì mừng rỡ vô cùng, tình nguyện
nhường căn nhà tranh của mình biến thành một ngôi miếu nhỏ. Tạo miếu
xong thầy Huệ Ngạc bèn đặt tượng lên thờ, sớm tối lễ bái.
Từ đó, bức tượng
Quan Âm Bồ Tát khắc bằng gỗ đàn hương đã lưu lại ở Phổ Đà Sơn. Còn
căn miếu nhỏ kia thì được mang tên "Bất Khẩn Khứ Quan Âm Viện" (Viện
Quan Âm không chịu đi).
Diệu Hạnh Giao Trinh