Diệu Hạnh Giao Trinh
chuyển ngữ
Quan Âm Bồ Tát
đến Cô Tô thì gặp ngay lúc thành phố này đang bị nạn đao binh hoành
hành, dân chúng thành Cô Tô bị lính người Kim tàn sát chết cả hơn
mười vạn người, oan hồn vất vưởng các nơi đồng hoang mông quạnh thật
là khổ sở. Bồ Tát thấy thế khởi lòng lân mẫn, phát tâm từ bi sâu
rộng, nên thi thố pháp lực để cứu vớt những oan hồn ấy thoát khỏi
mọi khổ ách.
Bồ Tát hóa thành
một ni cô ở tuổi trung niên, tay cầm tịnh bình dương liễu, đến nơi
có nhiều oan hồn tụ tập mà chồng đá xây một cái đài cao vài trượng,
lên đài ngồi kết già phu và tụng những bộ kinh phá địa ngục chướng
như "Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô
Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh" hoặc là "Đại Bi Chú Kinh", mỗi lần
một ngàn biến. Xong một ngàn biến thì Ngài lấy nhánh dương liễu chấm
vài giọt nước cam lồ trong tịnh bình, nhìn lên không trung mà rắc
khắp một vòng, sau đó cắm lại nhánh dương liễu vào tịnh bình đâu đó
cẩn thận rồi mới tụng kinh tiếp.
Sự Quan Âm Bồ Tát
lập đài tụng kinh để siêu độ oan hồn của những người đã bị giết hại
trong chiến tranh làm cho những người đương thời rất ngạc nhiên. Họ
không hiểu ý nghĩa hành động này, mà chỉ thấy một người thiếu phụ
xinh đẹp đến xây một cái đài rồi lên đó ngồi tụng kinh, họ cho là kỳ
quái nên ùn ùn kéo nhau đến nhìn rồi nhao nhao bàn tán với nhau, mỗi
người một ý, không ai đồng ý với ai. Người thiếu phụ nói để chấm dứt
sự nghi ngờ của mọi người :
- Ở đây người vô
tội đã bất hạnh chết dưới tay người Kim rất nhiều, số người chết oan
như thế lên tới cả chục ngàn sinh linh, thật là thê thảm. Những oan
hồn ấy không ở trong ba giới cũng không vào sáu nẻo, mà cứ lưu lạc
bơ vơ vất vưởng ở bên ngoài. Hôm nay bần ni có nhân duyên đến chỗ
này, vâng theo tôn chỉ từ bi của đức Phật làm sao cho họ được siêu
độ, vì thế nên mới xây đài phát nguyện tụng kinh trong 49 ngày, dùng
nhành dương liễu rảy nước cam lồ khắp nơi, để họ thoát mọi khổ ách
và vãng sinh nước Cực Lạc. Mọi người không nên nghi ngờ, bần ni
không hóa duyên cũng chẳng khất thực, chỉ muốn hoàn thành bổn nguyện
của mình, thế thôi.
Mọi người nghe
vậy thì lục tục kéo nhau bỏ về.
Thấm thoát ngày
thứ 49 đã đến, chiều hôm ấy là ngày cuối, hết hạn tụng kinh của
người thiếu phụ. Mọi người đúng kỳ hạn lại kéo nhau đến, yên lặng
nghe Bồ Tát thuyết pháp. Quan Âm Bồ Tát nói :
- Các vị hãy nghe
tôi nói, tôi tụng kinh này tên là "Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm
Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh" có thể
phá các chướng trong địa ngục, siêu độ tất cả mọi khổ cách trong thế
giới u minh, tụng xong được một tạng thì tất cả mọi tai họa đều được
tiêu trừ hết.
Tiếp theo Bồ Tát
đưa tịnh bình lên rồi lại nói :
- Nước trong bình
này của tôi gọi là cam lồ công đức thủy, rảy khắp mười phương chỉ
cần một giọt thôi là đã có thể vãng sinh Cực Lạc quốc. Coi như bần
ni có nhân duyên với chỗ này nên không tính trước mà lại đến, bần ni
đã làm xong trách nhiệm của mình, tức là lập cách siêu độ giải trừ
khổ ách cho hằng vạn sinh linh chết oan. Bây giờ công đức đã viên
mãn, bần ni cũng phải đi nơi khác.
Mọi người nghe
nói vị ni sư này đã làm công đức như thế chỉ vì để siêu độ cho người
bị nạn mà không đòi gì để đền bù nên cảm kích vô cùng. Trong đám
những người ấy có một vị đột nhiên đại ngộ, nghĩ rằng việc làm và
lời nói của vị ni sư này không bình phàm chút nào, chắc chắn người
thiếu phụ này phải là Quan Thế Âm Bồ Tát hóa thân. Nếu thỉnh được Bồ
Tát hiển hiện bảo tướng thì một đời hạnh phúc biết bao nhiêu ! Nghĩ
thế rồi, ông chạy lên phía trước nói với người thiếu phụ rằng :
- Nghe nói rằng
Quan Âm Bồ Tát vân du trong nhân gian, hiện bảo tướng ở bất kỳ chỗ
nào, không biết chúng tôi có thể có may mắn thấy được Bồ Tát một lần
không ?
Người thiếu phụ
đáp :
- Tâm tức là Phật,
Phật tức là tâm, nếu thành tâm muốn gặp Bồ Tát thì trong tâm đã có
Bồ Tát, nghĩa là đã là thấy Bồ Tát rồi !
Sau đó, thiếu phụ
chỉ về hướng bờ sông nói :
- Không phải Bồ
Tát đấy sao ?
Mọi người nhìn
theo hướng ngón tay của thiếu phụ, quả nhiên nhìn thấy trên mặt nước
có bóng mặt trăng sáng cực kỳ, và họ thấy Bồ Tát chầm chậm bước vào
trong bóng trăng ấy. Lúc ấy bóng trăng lung linh trên mặt nước gợn
sóng, bảo tướng trang nghiêm và từ bi của Bồ Tát ảnh hiện giữa trời
và nước, ánh sáng chiếu khắp tứ phía.
Mọi người thấy
thế bèn ùn ùn quỳ xuống lễ. Lễ xong đứng dậy, trên đài đá không còn
bóng người thiếu phụ nữa. Người đã lên tiếng vừa rồi thấy điều mình
nghi là đúng nên rất sung sướng, những người ở tại chỗ cũng chợt
hiểu ra rằng người thiếu phụ chính là Quan Âm Bồ Tát hóa thân. Thế
là thiện nam tín nữ trong thành Cô Tô ai nấy đều đồng lòng quyên góp
tiền bạc để xây một ngôi Quan Âm miếu ngay tại chỗ mà Bồ Tát xây đài
tụng kinh và tạc tượng Quan Âm Bồ Tát tụng kinh, rảy nước.
Bức tượng này
được dân gian đặt tên là "Quan Âm rảy nước" (Sái Thủy Quan Âm) hay
là "giọt nước Quan Âm" (Trích Thủy Quan Âm).
Trong số những
người đã nhìn thấy Bồ Tát hiện thân, có nhà họa sĩ Khưu Tử Thanh, là
một họa sĩ có nét vẽ tuyệt vời. Người này tin Phật một cách thuần
thành, có đầy đủ huệ nhãn, muốn cho người đời đồng chiêm bái bảo
tướng Bồ Tát và đồng thấm nhuần pháp vũ, bèn vẽ lại bảo tướng Bồ Tát
thị hiện trong bóng trăng trên nước. Trong bức họa này, ánh trăng
lồng trong ánh nước, bảo tướng trang nghiêm của Đại sĩ lấp lánh
phóng ánh sáng trong mặt nguyệt lung linh, nét bút tinh xảo và xuất
thần, ai thấy cũng phải tấm tắc là tuyệt. Thế nhân gọi bức tranh này
là "Thuỷ Nguyệt Quan Âm".
Một khi bức tranh
Bồ Tát này được vẽ ra rồi là dân chúng thành Cô Tô nối đuôi nhau
trước nhà Khưu Tử Thanh xin ông vẽ cho mình một bức. Khưu Tử Thanh
muốn tuyên dương công đức của Bồ Tát nên ai xin cũng đều nhận lời,
vì thế nên Phật tử đương thời ở đấy, ngoài bức "Sái Thủy Quan Âm" ra,
phần đông cũng đều thờ bức "Thủy Nguyệt Quan Âm", cứ thế cha truyền
con nối cho đến ngày nay. Hiện thời ở Tô Châu Hàng Châu, rất nhiều
nhà riêng hãy còn thờ phụng bức tranh Thủy Nguyệt Quan Âm.
Diệu Hạnh Giao Trinh