Nhắc lại Ngài Quan Âm gặp vị tăng Tây Tạng ở Cửu Hoa Sơn, vị
này đã tâm sự với Ngài rằng vì mình không nói được tiếng Trung
hoa nên không giáo hóa được chúng sinh ở Trung độ, được Bồ Tát
hóa hiện tướng "bảo mã" để khuyến khích ngài đi chu du bốn
biển đồng thời học tiếng Trung hoa. Vị tăng đã nói :
- Ở
Trung độ nạn đao binh không ngừng hoành hành, nhưng tâm người
thì lại hiểm ác, đệ tử thuyết Pháp cho họ, họ không nghe thì
thôi, còn cho là đệ tử thuộc hạng tà môn ngoại đạo nên cười
chê chỉ trích và đâu đâu cũng đệ tử cũng bị đối xử một cách
khinh bỉ. Đệ tử hoàn toàn có thể nhẫn nhục chịu đựng hết những
điều đó, song chỉ thương cho những chúng sinh ấy, phải đương
đầu với ma nạn, sống trong biển khổ mà không thấy đó là nguy
hiểm, vẫn cố chấp mê muội không chịu tỉnh ngộ.
Quan Âm Bồ Tát vốn có tôn chỉ là "tầm thanh cứu khổ", vì thế
trong khi chờ đợi vị tăng Tây Tạng nói được tiếng Trung hoa để
hoằng dương Phật Pháp, Ngài quyết định vân du ở Trung độ để
dẫn dắt cho chúng sinh hướng thiện và thoát khổ.
Ngài bèn dặn dò Long Nữ và Thiện Tài ở lại coi sóc Phổ Đà Sơn,
còn mình thì hóa thành một bà lão, một mình xuống vùng Trung
Nguyên. Trên đường bà vừa đi vừa xin ăn, thấy rằng ở chốn ấy
người lương thiện thì rất hiếm, còn người ngu ác thì lại đầy
dẫy. Người ta không tin vào quả báo, ham tiền ham lợi, chiếm
đoạt giết chóc lẫn nhau, chỉ chú ý tới chuyện trước mắt mà
không cần biết tới hậu quả về sau. Nhất là dân chúng thuộc hạ
tầng cơ sở thì lại càng ngu muội tối tăm, gặp đủ thứ khổ nạn
thảm cảnh mà không chịu thức tỉnh. Vì thế Ngài Quan Âm quyết
định giảng Pháp cho những người này trước.
Một
hôm, Ngài Quan Âm đến vùng Trung Châu, chọn một động đá trên
núi Thái Thất làm nơi hiển hóa. Đêm ấy, Ngài ứng mộng cho dân
chúng các vùng lân cận, nói với họ rằng :
-
Vài ngày nữa Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ đi ngang chỗ này để điểm
hóa cho những người có nhân duyên, cứu họ thoát tất cả mọi khổ
ách. Các vị hãy lưu tâm chờ đợi, đừng bỏ lỡ cơ hội, Bồ Tát
đứng trước mặt mà không thấy. Nhưng thấy hay không là tùy nơi
lòng thành tâm của mỗi người, chỉ cần có lòng thành là thế nào
cũng gặp.
Nói
xong, Ngài hiện ra bảo tướng trang nghiêm, một lúc sau, bảo
tướng từ từ biến mất. Hôm sau mọi người gặp nhau, ai cũng bàn
tán về giấc mộng đêm qua, thì ra ai cũng thấy đồng một giấc
mộng, vì thế mọi người đều kinh ngạc, và ai cũng mong muốn,
chờ đợi Bồ Tát giáng lâm. Nhưng họ không biết Bồ Tát sẽ hóa
thân là người như thế nào để điểm hóa, cho nên người này nhìn
người kia bèn nghi là Bồ Tát hóa thân, tạo ra những ngộ nhận
khá khôi hài. Mấy ngày trôi qua rồi mà chưa ai phác giác ra Bồ
Tát đã hóa thân ở đâu.
Thật ra, Quan Âm Bồ Tát hóa thân làm bà lão ăn xin, đã đến đây
từ mấy ngày nay rồi. Lúc ấy đương gặp nạn hạn hán, thật lâu
rồi trời không mưa, lúa mạ trong ruộng hầu như đã cháy khô,
mùa màng không gặt hái được gì, trước mắt dường như thiên tai
sắp giáng xuống, dân chúng làng trên xóm dưới ai nấy đều hốt
hoảng. Khi họ thấy bà lão ăn xin thì họ bảo năm nay mất mùa,
gặp cảnh thiên tai, chính mình còn đang buồn sầu vì cơm không
có mà ăn, lấy đâu dư cơm cho người ăn xin !
Bà
lão chần chừ nấn ná trước những cửa nhà như thế thật lâu mà
rồi cũng không xin được một miếng ăn nào. Cuối cùng bà không
khỏi thở dài, tự nói cho mình nghe :
-
Ôi thật đang tiếc, hạn hán tuy là một thiên tai nhưng cũng là
do con người tự chiêu cảm lấy mà thôi ! Giá như dân chúng ở
đây biết kính trọng trời đất, biết làm việc thiện một chút,
bớt việc giết chóc, quy y cửa Phật thì trời đâu có giáng tai
họa xuống cho họ như thế này ! Thật đáng thương cho tôi, một
bà già đói khổ, tới đây xin ăn khắp cả mười nhà rồi mà không
xin được lấy một hạt thóc hay nửa hạt gạo ! Ở đây thiên hạ
thật là không biết hướng thiện. Người mà không biết hướng
thiện thì tránh làm sao được tai họa ?
Lúc
ấy có một ông lão tên là Lưu Thế Hiển, nghe được những lời
than thở của bà lão cảm thấy có gì kỳ lạ, hơn nữa cũng thấy
những lời bà nói thật là có lý. Bất giác ông nghe tâm động, tự
nghĩ : "Có khi nào chính bà cụ này là hóa thân của Quán Thế
Âm Bồ Tát chăng ?". Mấy hôm nay thiên hạ xôn xao tìm kiếm,
nhưng không hề có lấy một người chú ý tới người đàn bà già yếu
đến từ phương xa này, chỉ vì ai cũng có tâm bợ đỡ người quyền
thế !
Ông
bèn đến chào bà lão :
-
Thưa cụ, những gì cụ nói tôi đã nghe thấy, lời cụ nói rất là
có lý. Đúng như cụ nói, ở đất này người ta không biết hướng
thiện nên mới chiêu cảm thiên tai, nhưng không biết thiên tai
này có tránh được không ? Nói cách khác, nếu ai cũng chịu hối
lỗi và cải thiện, chẳng biết có cứu vãn được tình thế hay
không ?
Quan Âm Bồ Tát đáp :
-
Lòng trời vốn rất nhân từ, tâm phúc thiện mạnh gấp ba tâm muốn
trừng phạt kẻ ác. Chỉ cần người ta thật sự chịu thành tâm hối
lỗi thì làm gì mà trời không dung tha, tai họa trước mắt có gì
đâu mà không cứu được ?
Lưu
Thế Hiển nghe những lời ấy rồi, đoán chắc rằng bà cụ già này
là Quan Âm Bồ Tát bèn quỳ xuống đất lễ lạy và nói :
-
Bồ Tát trên cao, tạ ơn Bồ Tát hiển hóa thị hiện, đệ tử phàm
phu mắt thịt không biết được từ dung, suýt nữa không thấy được
Thái Sơn trước mắt ! May nghe được những lời giáo huấn của Bồ
Tát, tâm trí được mở mang, nay con quỳ xin Bồ Tát dùng chút
pháp lực giáng xuống một cơn mưa lớn để cứu đất này khỏi nạn
hạn hán. Đệ tử nguyện tạo chùa, cúng dường Bồ Tát và khuyến
khích ngu dân một lòng hướng thiện, quy y Phật Pháp, con van
xin Bồ Tát từ bi ban ơn !
Nói
xong, ông dập đầu lạy không ngừng.
Quan Âm Bồ Tát nghe Lưu Thế Hiển nói thì rất hoan hỉ, trả lời
rằng :
-
Còn có người có lòng như ông, biết chí thành cầu nguyện mà
không vì lợi riêng, thật là hiếm có ! Chỉ vì dân chúng ở đất
này thật sự quá cứng đầu khó đổi, bị tai họa đâu có gì là lạ !
Thôi thì để ta làm cho họ mắt thấy tai nghe cũng được. Ngày
mai giờ ngọ ba khắc, ta quyết định hiển hóa ở trên núi Thái
Thất, thi triển pháp lực làm một cơn mưa để cứu đất này khỏi
nạn hạn hán, nhờ ông đi nói với tất cả mọi người ở đây, bảo họ
đến xem, cho họ mắt thấy Phật Pháp vô biên thì lòng tin của họ
mới chắc chắn, sau này ông có lấy lời thiện mà khuyến dụ thì
cũng dễ cảm hóa họ hơn.
Lưu
Thế Hiển lại cúi xuống bái tạ, nhưng Bồ Tát đã biến mất rồi.
Lưu
Thế Hiển thuật lại cho mọi người nghe những lời nói của Quan
Âm Bồ Tát, nhưng ai cũng nửa tin nửa ngờ :
-
Giữa thanh thiên bạch nhật Bồ Tát xuất hiện, sao không ai thấy
mà chỉ mình ông thấy ?
Lưu
Thế Hiển đáp :
-
Cái bà già ôm bát đi xin ăn hồi nãy chính là hóa thân của Bồ
Tát đó !
Mọi
người nghe nói bà già ôm bát xin ăn ban nãy chính là Quán Thế
Âm Bồ Tát thì lấy làm kinh dị, họ tự giận mình có mắt cũng như
mù không nhận ra mặt Phật, cơ duyên ngay trước mắt mà lại bỏ
lỡ. Lại có người tự trách sao đã không chịu bố thí lại còn bất
kính đối với Bồ Tát nên ăn năn hối hận vô cùng. Lưu Thế Hiển
an ủi :
-
Bồ Tát có tôn chỉ là dùng từ bi để cứu khổ, Ngài sẽ không bắt
tội các vị những chuyện lặt vặt như thế đâu, chỉ cần về sau
các vị phát lòng tin chân thành là đủ. Ngày mai giờ ngọ ba
khắc Bồ Tát sẽ hiện chân thân bảo tướng của Ngài, thi triển
pháp lực làm một trận mưa, lúc ấy tất cả đều có thể thấy được
từ nhan của Ngài.
Nghe thế mọi người lộ vẻ vui mừng, lập tức đi truyền bá tin
này khắp nơi và chỉ trong khoảnh khắc, toàn thành đều biết.
Một truyền mười, mười truyền trăm, rồi thì những làng mạc
thành thị xung quanh cũng được nghe tin này luôn. Nghe nói
Quan Âm Bồ Tát sắp đến đất này giáng mưa, ai nấy đều đổi buồn
làm vui, chờ đợi Bồ Tát hiển linh.
Sáng sớm tinh sương ngày hôm sau, dân chúng toàn vùng, nông
dân ngừng cày ruộng, phụ nữ ngừng dệt vải, cửa tiệm ngừng bán
hàng, ai cũng đốt nến thắp hương, chân thành đảnh lễ, chờ đợi
giờ ngọ ba khắc Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện Pháp thân. Nam nữ
lão ấu ai cũng nghễnh cổ nhìn lên trời, đến chớp mắt cũng
không dám chớp lấy một lần !
Gần
đúng chính ngọ, họ thấy trên đỉnh núi Thái Thất có một áng mây
trắng nhẹ nhàng bay lên, rồi từ từ, chầm chậm tỏa rộng ra,
càng lúc càng rộng. Đột nhiên giữa áng mây trắng có một con
đường thông thẳng lên tới đỉnh núi Thái Thất và kim thân Quan
Âm Bồ Tát cao một trượng sáu xuất hiện trên đầu núi. Đầu Ngài
đội khăn, thân khoác cà sa, tay cầm một cái bình bằng ngọc màu
trắng như mỡ dê, trong bình đựng cam lồ và cắm một nhành dương
liễu. Ngài đi chân không, đứng trên một tảng đá bằng ánh sáng.
Mọi người nhìn thấy Ngài bèn quỳ xuống lễ lạy, niệm lớn "Đại
từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát".
Quan Âm Bồ Tát cầm nhánh liễu chấm vào nước cam lồ, hướng về
các thủa ruộng ở bốn phương đông tây nam bắc phất tay rảy
nước. Lạ thay, mây mù tụ họp trong không trung, một cơn mưa
lớn như xối đổ xuống không ngừng trong cả tiếng đồng hồ, sau
đó mây mới tan và mưa mới ngừng, hơi nước bốc lên mù mịt.
Trong cơn mưa rào ấy, hình ảnh Bồ Tát từ từ ẩn mất.
Nhờ
cơn mưa rào trừ được nạn hạn hán cứu trăm họ trong một vùng
đất rất lớn khỏi cảnh thiên tai, nên hình ảnh Quan Âm Bồ Tát
từ bi đã khắc sâu trong tâm những người dân ở đấy. Quả nhiên
sau đó họ trở thành những người chân thành tin kính Phật Pháp.
Lưu Thế Hiển bèn quyên tiền xây một ngôi miếu ngay tại chỗ mà
đức Quan Âm đã hiện thân trên đỉnh núi Thái Thất, trong miếu
có tạc tượng Quan Âm Đại Sĩ, ngày ngày dâng cúng hương hoa.
Còn động đá nơi hóa thân Bồ Tát đã dừng chân nay cũng đổi tên
là Quan Âm động, hãy còn lưu lại cho đến bây giờ.
Đây
là lần thứ nhất Bồ Tát Quan Âm hiện thân ở Trung độ dưới Đại
Bi tướng, đó chính là Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát vậy.
Quan Âm Bồ Tát hiển hóa lần thứ nhất tay cầm tịnh bình dương
liễu cho nên thế gian còn gọi lần hiển hóa ấy là "Dương Liễu
Quan Âm". Đây là hình ảnh Quan Âm Bồ Tát được lưu hành nhiều
nhất nên đã trở thành tiêu chuẩn, dân chúng còn gọi là "Thánh
Quan Âm".
Diệu Hạnh GiaoTrinh |