Diệu Hạnh Giao Trinh
chuyển ngữ
Một hôm,
Quan Âm Bồ Tát đến chân núi Cửu Hoa Sơn. Cửu Hoa Sơn ở trong địa
phận của tỉnh An Huy, sở dĩ mang tên là Cửu Hoa Sơn là vì dãy núi
này có tổng cộng là 9 đỉnh núi, và đỉnh nào cũng giống y như một đóa
hoa sen. Chín đỉnh núi đâm vào tận mây xanh, giống như chín đóa hoa
sen xanh nở rộ trong không trung. Ngài Quan Âm ngước lên nhìn thắng
cảnh núi Cửu Hoa, không khỏi lấy làm ưa thích.
Quan Âm
Bồ Tát hoá thành một vị tăng hành cước, thong thả bước lên núi. Mới
cất bước, Ngài chợt nghe tiếng tụng kinh. Ngài đưa mắt nhìn thì thấy
trong một thung lũng có một vị tăng Tây Tạng đang ngồi kết già phu,
đối mặt vào tường mà tụng Bát Nhã Tâm Kinh một cách thành kính. Nhìn
thấy vị tăng Tây Tạng đang tụng Bát Nhã Tâm Kinh, Quan Âm Bồ Tát cảm
thấy tâm mình bị chấn động.
Câu mở đầu của Bát Nhã Tâm Kinh là "Lúc Bồ Tát Quán Tự Tại hành
Bát Nhã Ba La Mật Đa một cách thâm sâu, quán chiếu thấy năm uẩn là
Không, thoát khỏi tất cả mọi khổ ách". Quán Âm, Quán Âm, đó có
nghĩa là quán sát âm thanh của tiếng kêu cầu mà tìm đến để cứu khổ.
Vị tăng Tây Tạng này ngồi kiết già tụng Tâm Kinh trong thung lũng,
chắc hẳn phải có nguyên do gì đây. Ông tụng Tâm Kinh, hiển nhiên là
muốn cầu nguyện Quan Âm Bồ Tát độ cho thoát khỏi khổ ách.
Ngài Quan Âm nghĩ, hôm nay đến Cửu Hoa Sơn có lẽ là có chút nhân
duyên với vị tăng Tây Tạng này chăng, ta nên đến xem lai lịch của vị
tăng Tây Tạng này như thế nào ?
Ngài Quan
Âm bèn thi triển chút thần thông để nhìn vào quá khứ của vị tăng Tây
Tạng.
Thì ra vị
tăng này là hoàng tử của Tân Quốc ở Tây Tạng, tên là Cầu Na Bạt Đà.
Sinh ra là đã có túc căn, từ nhỏ đã chán ghét mọi điều thế tục vinh
hoa, về sau còn thẳng thừng lìa bỏ vương cung, trốn thành đi tu.
Ngài rất thông minh, trí huệ sâu sắc, căn cơ giác ngộ rất cao,
nghiên cứu đến chỗ thâm áo của kinh điển Phật giáo, công phu tu hành
tinh chuyên, chẳng bao lâu làu thông tam tạng, thâm nhập Đại thừa.
Ngài phát đại nguyện hoằng dương Đại Thừa Phật giáo ở Trung độ (Trung
Hoa), nên vừa đi vừa khất thực hướng về phía đông, vào đến nội
địa Trung quốc, giảng Hoa Nghiêm kinh cho dân chúng ở Trung độ,
nhưng có biết đâu, vì ngài không biết nói tiếng Trung Hoa nên khi
ngài tuyên giảng Hoa Nghiêm Kinh chả ai nghe hiểu ngài muốn nói gì
cả, khiến cho ngài đau lòng và xấu hổ, bèn trốn vào núi Cửu Hoa đối
diện với vách tường tĩnh tọa, hy vọng được Ngài Quan Âm giúp đỡ bằng
cách đến chỉ giáo cho mình. Vừa khéo đúng lúc ấy ngài Quan Âm đến
Cửu Hoa Sơn và biết được chuyện của ngài. Thấy Cầu Na Bạt Đà thành
tâm và cương quyết như thế, Quan Âm Bồ Tát càng thêm tán thán :
- Vị tăng
Tây Tạng này thật có quyết tâm, nghị lực kiên cường, nếu ta không
đến giúp đỡ ông thì ai giúp ông bây giờ !
Ngài Quan
Âm bèn ẩn thân đi, quyết định đến chỉ dẫn cho vị tăng Tây Tạng.
Lúc trời
vừa tối, Cầu Na Bạt Đà vẫn tiếp tục ngồi thiền nhập định như mọi
ngày. Bỗng nhiên, ngài thấy trên tường đá trước mặt hiện ra một vùng
ánh sáng, ánh sáng chói cả mắt. Một hồi lâu sau, trong vùng ánh sáng
ấy hiện ra một đóa hoa sen, và trên hoa sen ấy hiện lên Pháp tướng
của Quan Âm Bồ Tát, và ngay trên đầu Bồ Tát có một con ngựa báu xuất
hiện.
Cầu Na
Bạt Đà nhìn Pháp tướng của Quan Âm Bồ Tát , thấy Bồ Tát thật sự đến
bên mình, trong lòng vừa mừng rỡ vừa kinh ngạc vạn phần, vội vàng
chắp tay lễ bái, khấu đầu cảm tạ, đem tâm sự của mình ra bạch với Bồ
Tát và cầu xin Bồ Tát khai thị, chỉ dẫn cho mình phải làm sao. Quan
Âm Bồ Tát từ bi nhìn Cầu Na Bạt Đà nhưng không nói lời nào, khuôn
mặt lộ vẻ tươi cười, sau Ngài nhè nhẹ ngước lên, thì thấy trên đầu
Ngài con ngựa báu đang dậm bốn vó, rồi chạy trong không trung không
ngừng. Pháp tướng của Quan Âm Bồ Tát lập tức biến mất.
Cầu Na
Bạt Đà nhìn ngựa báu hốt nhiên đại ngộ, nghĩ rằng Bồ Tát để cho ngựa
chạy không ngừng trong không trung phải chăng là để chỉ đạo cho ta
một cách rõ ràng, rằng muốn thông thạo tiếng Trung hoa, phải làm như
con ngựa báu tức là chạy không ngừng, chu du bốn phương và chuyên
tâm học hành ? Phải rồi, ta phải lập tức lìa bỏ chốn thâm sơn này,
đến đại địa của Trung độ. Hôm sau Cầu Na Bạt Đà xuống núi.
Xuống núi
rồi ngài đi vân du ở khắp nơi, quan sát và học tập một cách nghiêm
chỉnh. Sau 9 năm bôn ba gian khổ, ngài đã thông thạo tiếng Hán, nhờ
thế ngài thực hiện được nguyện ước của mình nghĩa là tuyên giảng Đại
thừa Phật Pháp ở Trung độ một cách sâu rộng, mọi người đã có thể
hiểu lời của ngài để tin phục và lãnh hội, Phật Pháp đại thừa cuối
cùng rồi cũng được lưu hành ở Trung độ.
Sau 9
năm, Cầu Na Bạt Đà lên núi Cửu Hoa trở lại, tới chỗ mà năm nào mình
đã đối diện với vách đá tĩnh tọa và được Quan Âm Bồ Tát đến chỉ đạo,
xây lên một cái miếu Quan Âm nhỏ, trong đó khắc một pháp tượng của
Bồ Tát Quan Âm, pháp tượng này không khác gì những pháp tượng khác
nhưng chỉ có điều là ở trên đầu Ngài có một con ngựa báu, vì thế
người sau gọi hình tướng này là "Quan Âm nhiều đầu" hay là "Mã Đầu
Minh Vương", cũng lại tôn xưng là giáo chủ của súc sinh.
Nhưng khi
pháp tượng Ngài Quan Âm được khắc xong thì có một số tín đồ địa
phương cảm thấy thắc mắc, bảo rằng:
- Một bức
tượng Bồ Tát Quan Âm đẹp như thế mà trên đầu lại có thêm một con
ngựa, đặt súc sinh lên trên đầu Bồ Tát có phải là tỏ ra bất kính với
Ngài không ?
Thế là
mọi người nhao nhao đến chất vấn ngài Cầu Na Bạt Đà.
Cầu Na
Bạt Đà kể lại cho đại chúng nghe chuyện chín năm về trước, Ngài Quan
Âm đã hiển hóa lên con ngựa báu chạy trong không trung để chỉ đạo
cho mình, rồi nói tiếp :
- Chúng
sinh chia làm sáu nẻo, phân làm sáu loài, tức là những con đường
thiên, nhân, a tu la, súc sinh, ngạ quỷ, và địa ngục. Bồ Tát Quán
Thế Âm đại từ đại bi, muốn cứu độ tất cả chúng sinh trong sáu nẻo
nên mới hiện ra sáu loại Pháp tướng :
Đường địa
ngục khổ nhất, nên Ngài hiện thân Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn,
tượng trưng cho Đại Bi tướng, truyền rằng đó là giáo chủ của địa
ngục ;
Loài súc
sinh hùng mạnh hiểm ác, nên Ngài hiện thân Quan Âm Mã Đầu, tượng
trưng cho Sư Tử Vô Uý tướng, là giáo chủ của loài súc sinh ;
Đường Tu La đa nghi và hiếu chiến, Ngài hiện thân Quan Âm 11 mặt
tượng trưng cho Đại Quang Phổ chiếu tướng, là giáo chủ loài A Tu La
;
Đường
Nhân thì có thể nói theo sự hay lý, nhìn theo sự thì họ kiêu mạn nên
được gọi là Thiên Nhân, nhìn theo lý thì họ có Phật tính nên được
gọi là Trượng Phu, do đó Ngài hiện thân Chuẩn Đề Quan Âm, tượng
trưng cho Thiên Nhân Trượng Phu tướng, là giáo chủ của loài người ;
Đường
Thiên có Đại Phạm Vương, nên Ngài hiện thân Như Ý Luân Quan Âm,
tượng trưng cho Đại Phạm Thâm Viễn tướng, giáo chủ loài Thiên. (*)
Ngoài sáu
tướng này, Quan Âm Bồ Tát còn có thể tùy cơ ứng hóa mà biến đủ các
loại hình tướng khác nhau. Quan Âm thập nhất diện có mười một mặt,
ba mặt ở giữa là mặt của Bồ Tát, ba mặt bên trái hung bạo giận dữ,
ba mặt bên phải giống như mặt Bồ Tát tuy từ bi hoà ái giống ba mặt
trước, nhưng có răng nanh trắng chĩa lên. Mặt sau là mặt "bạo nộ đại
tiếu" (**), và trên đỉnh là mặt Phật. Mỗi mặt có đội mũ báu, trên mũ
báu có tượng A Di Đà Phật. Ngài Quan Âm Chuẩn Đề thì có ba mặt và
mười tám cánh tay. Lại còn có Như Ý Đà Quan Âm, Lục Tý Kim Thân.
Nói tới Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm lại càng khó có thể nghĩ bàn
hơn nữa, vì không có gì có thể sánh bằng.
Ngài
giảng một cách sinh động cụ thể, nên người nghe ở dưới toà cứ thế mà
nhao nhao gật đầu đồng ý. Cầu Na Bạt Đà nói tiếp :
- Bần
tăng phát nguyện từ nay trở đi sẽ đi quyên hóa để khắc tôn tượng của
sáu Pháp tướng Quan Âm Bồ Tát nói trên. Nếu quý vị phát tâm giúp đỡ
thì thật là công đức vô lượng.
Mọi người
vội móc hầu bao giúp đỡ, và cuối cùng sáu tôn tượng Quan Âm Bồ Tát
được hoàn thành, người đời gọi là "Lục Quan Âm".
chú
thích :
(*)
Tuy nói là có sáu nẻo nhưng trong sách chỉ nói có 5, thiếu đường Ngạ
quỷ.
(**)
Bạo nộ đại tiếu : Người dịch không hiểu làm sao đã "bạo nộ" (nổi cơn
tam bành) mà còn "đại tiếu" (cả cườị) được, bèn vào Google tìm chữ
avalokiteshvara xem hình Bồ Tát Quan Âm 11 mặt ra làm sao, thì trong
một vài hình thấy mặt thứ 10 của Ngài (A Di Đà Phật con xin sám hối)
là mặt ác quỷ nhe răng nanh, phải chăng người Trung Hoa cung kính
không dám nói "ác quỷ" nên dùng chữ "bạo nộ", và nhe răng trở đành
"đại tiếu" ? Xin các bậc cao minh vui lòng chỉ dạy !
Diệu Hạnh GiaoTrinh