Diệu Hạnh Giao Trinh
chuyển ngữ
Vào thời Đông
Trưng, vua Đường Thái Tông mỗi lẫn đi hay về cũng đều ngừng chân lại
ở Kế Châu. Về tới Trường An rồi, để chứng tỏ sự lưu tâm của mình đối
với dân chúng ở Kế Châu, vua đặc biệt phái Uất Trì Kính Đức
(lnd : một võ tướng nổi danh đời Đường) đến đấy trông coi việc xây cất một ngôi chùa.
Lệnh của vua là
phải xây một ngôi chùa to nhất nước, và khắc một pho tượng Phật cũng
lớn nhất nước, toàn quốc không có ngôi chùa nào hay pho tượng Phật
nào lớn bằng. Uất Trì Kính Đức phụng mệnh vua, bèn triệu tập hơn
mười người thợ nổi tiếng, bảo họ chế tạo cho họ mô hình của một cái
lầu Quan Âm cho chùa Đại Phật. Ông đòi hỏi rằng :
- Tượng Phật cao
nên lầu cũng phải cao. Không được dùng đinh, không được dùng ốc. Bây
giờ các ông cũng như Bát Tiên sang sông vậy, mỗi người hãy về thi
thố tài năng của mình đi !
Một tháng sau,
những người thợ trình lên cho ông một vài mô hình, nhưng ông xem một
lúc, lắc đầu không ngừng, không có cái nào được ông chấm cả. Cái thì
bắt chước những kiến trúc bằng gỗ đã từng xây ở chỗ khác rồi nên
không có cá tính gì cả ; cái thì quá cứng ngắc, không đủ đẹp mắt và
trang nhã ; cái thì tạm có thể gọi là tinh xảo nhưng lại không thể
chứa được một pho tượng Phật cao năm, sáu trượng (17 hay 20 thước
tây).
Một tháng lại
trôi qua, đám thợ lại trình lên một vài mô hình khác. Uất Trì Kính
Đức mới thoạt nhìn đã giận quá, râu xõa ra hết vì mấy cái mô hình ấy,
cái nào cũng như cái nấy, chỉ là những đồ bỏ không hơn không kém !
Ông lớn tiếng quát lên :
- Đồ ngu ! Đồ ngu
!
Không có mô hình
nào của lầu Quan Âm làm cho Uất Trì Kính Đức vừa ý khiến ông lo lắng
sủi cả bọt mép, ăn thì nuốt không xuống, ngủ thì không chợp mắt được.
Buổi chiều hôm ấy,
ông ngồi nốc một mình hai lượng rượu giải sầu, mê mê tỉnh tỉnh dựa
vào chồng mền được xếp ngay ngắn đằng sau lưng, đột nhiên thấy một
ông lão râu đen đẩy cửa bước vào phòng, tay cầm một cái lồng dế. Uất
Trì Kính Đức nhìn cái lồng, nó không giống một cái lồng dế bình
thường mà lại tinh xảo đặc thù, hình dáng như một cái lầu các, từ
ngoài nhìn thì thấy có hai gian, từ trong nhìn thì thấy có ba tầng,
ở giữa trống không thông lên tới đỉnh. Mắt ông chợt sáng lên, đây
đúng là một mô hình của lầu Quan Âm mà ông thấy trúng ý mình nhất.
Ông vội hỏi :
- Sư phụ à, cái
lồng dế này bao nhiêu tiền ?
Ông lão râu đen
đáp :
- Bao nhiêu cũng
không bán.
Uất Trì Kính Đức
lo quá :
- Tôi đặc biệt
cần một cái lồng dế như thế này.
- Tôi đặc biệt
đem cái lồng này đến tặng ngài đó chứ !
Nói xong ông lão
râu đen đặt lồng dế lên bàn, quay người bỏ đi ra ngoài.
- Ông ơi khoan đi
đã, để tôi trả tiền cho ông !
Uất Trì Kính Đức
đưa chân lên toan chạy đuổi theo thì "huỵch" một tiếng, ông từ
giường lăn xuống đất, thì ra đó chỉ là một giấc mộng !
Ông đứng dậy,
lượt qua một lần trong óc những gì đã mộng thấy, mừng rỡ quá chạy ra
khỏi phòng và ngay đêm ấy, cho gọi bọn thợ đến, tả lại cho họ nghe
tỉ mỉ hình dáng cái lồng dế mà ông đã thấy trong mộng.
Bọn thợ nghe xong
thì hiểu ý ông một cách rõ ràng. Họ làm việc ngày đêm không ngừng,
chẳng lâu sau đã tạo được một cái mô hình của lầu Quan Âm. Uất Trì
Kính Đức nhìn qua là vừa lòng ngay, thế là chỉ mấy ngày sau họ khởi
công xây cất.
Ba tháng nữa trôi
qua, sườn cốt của lầu Quan Âm đã được dựng lên, họ bắt đầu đóng cái
rui. Một buổi trưa nọ, bọn thợ đang ngồi dưới đất vừa ăn cơm vừa
cười nói vui vẻ, thì có một ông lão râu đen bước đến vái chào và nói
:
- Tôi là thợ mộc,
đi cùng với gia đình ngang qua đây nhưng hết tiền lộ phí, xin quý
ông vui lòng cho tôi xin một chút cơm.
Bọn thợ nói :
- Mời ông ngồi
xuống đây ăn chung với chúng tôi.
Ông lão đưa chén
lên, và mấy và cơm rồi gắp một gắp rau bỏ vào miệng, vừa nhồm nhoàm
nhai vừa nói :
- Thiếu muối !
- Ông ăn mặn quá
nhỉ, chúng tôi đã bỏ muối vào rau nhiều rồi đấy !
Một người thợ vừa
nói vừa đưa cho ông một nhúm muối.
Ông lão lại gắp
rau rồi nói một lần nữa :
- Thiếu muối !
Một người thợ
khác lại bốc muối đưa cho ông. Sau một lúc ông lại gắp rau ăn, dùng
tay lau mồm, ngẩng cổ lên nhìn lầu Quan Âm, lắc đầu bước ra ngoài bỏ
đi, vừa đi vừa lầu bầu :
- Thiếu muối !
Thiếu muối !
Sau đó bọn thợ kể
lại chuyện này cho Uất Trì Kính Đức nghe, ông này giật mình và nhận
ra ngay : vóc người cùng mặt mũi của ông lão râu đen này giống y hệt
với ông lão đã đem lồng dế lại cho mình trong mộng, không phải là
thầy Lỗ Ban hiển thánh đó sao ?
Ông đứng trước
lầu Quan Âm, một mặt nhìn cái rui đã đóng xong, một mặt suy nghĩ đến
hai chữ "thiếu muối". Thật lâu sau, ông chợt tìm ra đáp số cho bài
toán đố trên : thì ra cái rui đỡ mái hiên ngắn quá !
(lnd
: muối tiếng Hán là "diêm", đọc là "yán" ; mái hiên, "thiềm", cũng
đọc là "yán" ; "đoản" là ngắn, thiếu…).
Ông bảo thợ leo
lên giàn, nối cái rui dài ra một xích (33 cm), ôi ! Tuyệt vời !
Chống cái đấu xong thì mái hiên lầu dường như muốn cất cánh bay lên
vậy ! Thế là Uất Trì Kính Đức ra lệnh chỗ nào của rui mái hiên có
dáng hất lên như nét "khiêu"
(lnd : nét hất từ dưới lên trên trong thư pháp)
thì nối dài ra một xích.
Một năm sau, lầu
Quan Âm xây xong, Uất Trì Kính Đức muốn mời người đến viết cho một
tấm biển, nhưng những nhà thư pháp nổi danh không phải dễ tìm.
Đêm hôm ấy ông
vừa chợp mắt ngủ thì Lỗ Ban lại đến trong mộng bảo rằng :
- Cái vụ viết
biển đó, ông khoan hãy gấp. Hiện nay có một ngôi sao Thái Bạch vừa
mới giáng trần, sinh ra sẽ là một nhà thơ rất lừng danh, hãy đợi ông
ta viết biển cho !
Thế là Uất Trì
Kính Đức không làm biển, và quả nhiên về sau khi nhà thơ Lý Bạch nổi
tiếng rồi thì có người mời viết cho bốn chữ "Quan Âm chi Các" trên
một tấm biển vuông.
Uất Trì Kính Đức
cung kính lễ lạy Lỗ Ban, vị thợ tài ba ấy. Xây xong lầu Quan Âm rồi,
ông bèn dặn thợ lập một cái miếu cho Lỗ Ban ở phía đông cách đó
không xa. Vì Lỗ Ban tên thật là Công Thâu Ban, là người nước Lỗ nên
dân chúng quen gọi là Lỗ Ban, do đó miếu có tên là "Công Thâu tử
miếu".
Hiện nay cái miếu
tinh xảo, đặc thù ấy hãy còn tồn tại.
Diệu Hanh Giao
Trinh