29 - Đoản cô đạo đầu
Diệu Hạnh Giao Trinh
chuyển ngữ
Xưa thật là xưa
có hai người chị dâu em chồng sống chung với nhau. Hai chị em ăn
tiêu rất cần kiệm ròng rã suốt mười năm trời, khó khăn lắm họ mới
dành dụm được một số tiền. Thế là hai chị em chuẩn bị một cái giỏ
hương đèn hoa quả, cùng nhau lấy thuyền đến Phổ Đà Sơn dâng hương và
lễ bái Bồ Tát Quan Âm.
Lúc ấy Phổ Đà Sơn
chưa có bến đò, thuyền bè cứ thế mà đậu dọc theo một bãi cạn đầu
phía tây của Nam Thiên Môn, và lấy dây thừng cột thuyền lại ở đấy.
Thuyền đến Phổ Đà
Sơn đúng lúc thủy triều xuống, khách hành hương vội xuống thuyền đi
mất, chỉ có cô em chồng là còn ngồi đó ôm bụng, yên lặng cúi đầu
không nhúc nhích. Người chị dâu gấp đi nên thúc dục cô, cô bèn lí
nhí nói với chị rằng mình đang có kinh nguyệt, thân không thanh tịnh
nên không dám bước chân lên đất thánh. Người chị dâu nghe thế, dậm
chân thình thịch trách rằng :
- Cô lớn đầu như
thế mà tới ngày kinh nguyệt cũng tính không ra. Bây giờ lên không
lên, xuống không xuống, ái dà ! Đó chính là nghiệp tội của cô đó
thôi !
Người chị dâu
khiển trách cô em chồng một trận xong, chỉ đành tự xách giỏ lên bờ
đi dâng hương một mình.
Ông lão lái đò
cũng lên bờ uống rượu rồi, trong khoang thuyền chỉ còn lại mỗi một
mình cô gái nhỏ. Nghĩ đi nghĩ lại thân phận mình, muốn dâng hương mà
không dâng được còn bị chị dâu chê trách cho một trận, cô tủi thân
chỉ biết khóc, nước mắt tuông thành dòng, vừa ân hận mà cũng vừa sợ
hãi. Bốn giờ đã trôi qua, nước triều lại dâng lên cao. Nước triều
phủ cả bãi cát, con thuyền theo sóng mà lắc tới lắc lui,cô gái ngồi
một mình trên thuyền vừa đói vừa khát, nghĩ lại thật là đau lòng !
Ngay lúc ấy, từ
rừng trúc tím có một bà lão bước ra, một tay chống gậy, một tay xách
giỏ tre, bước những bước chân run rẩy đến chỗ chiếc thuyền. Bà còng
lưng xuống nhặt một vốc đá nhỏ, và vừa đi vừa ném từng viên đá xuống
nước biển nghe "bõm, bõm". Viên đá vừa chìm xuống đáy biển thì lập
tức biến thành một tảng đá ngầm trồi lên khỏi mặt nước. Bà lão đi
đến đâu ném đá đến đó, và trên bãi cạn một hàng đá ngầm mọc lên ngay
ngắn, thẳng đến chỗ chiếc thuyền, giống như một cái bến đò vậy.
Bà lão lên thuyền,
cười tủm tỉm nói với cô gái :
- Cô nương, cô
đói rồi phải không ?
Vừa nói bà vừa dở
chiếc khăn hoa đậy giỏ tre, lấy ra một bát cơm rau thơm phưng phức
đặt trước mặt cô gái.
Cô em chồng thấy
bà lão đem thức ăn tới, kinh ngạc hỏi :
- Thưa bà, bà làm
sao biết được là cháu đang đói bụng ở nơi này ?
Bà lão cười cười
:
- Chị dâu của cô
bảo tôi đem cơm đến cho cô dùng đó, cô dùng mau đi !
Cô em chồng đói
chịu không nổi nữa, nghe nói chị dâu gởi thức ăn đến thì bưng bát
đũa lên và lấy và để . Ăn no rồi, cô mới đỏ mặt cám ơn bà lão. Bà
lão không nói không rằng, thu dọn bát đũa, xách giỏ bỏ đi. Cô em
chồng mỏi mệt, dựa vào khoang thuyền mà đánh một giấc.
Ông lão lái
thuyền uống rượu xong trở lại, mở to cặp mắt kèm nhèm, quái lạ ! làm
sao chỗ này lại biến thành một cái bến đò ? Hay là ta đi lộn đường
rồi chăng ? Ông lão dụi dụi mắt, tính toán cẩn thận, đâu có lộn !
Chiếc thuyền nhỏ nhà mình đây mà !
Lúc ấy bà chị dâu
cùng những người khách dâng hương cũng vừa về đủ, nghe lão lái đò
nói họ cũng lấy làm lạ. Bà chị dâu bước mau vào khoang thuyền lay cô
em chồng dậy, hỏi cô bến đò làm sao hiện ra ? Cô gái lắc đầu nói
không biết. Bà chị dâu vừa lấy trong giỏ ra hai cái bánh lớn, vừa
trách cô rằng :
- Đoảng như cô là
cùng ! Chỉ biết ngủ chứ không biết gì nữa hết. Thôi, mau ăn bánh đi
!
Cô em chồng ngạc
nhiên :
- Chị cho người
đem cơm về cho em rồi mà ?
Bà chị dâu cũng
ngạc nhiên :
- Ai cho người
đem cơm về cho cô hồi hào ? Cô nằm mơ đấy hẳn ?
Cô em chồng kể
lại chuyện bà lão đem cơm ban nãy. Ông lái đò nghe xong vừa kinh
ngạc vừa vui mừng, vỗ đùi reo lên :
- Người đã tạo
cái bến đò này và đem cơm đến cho cô, chắc chắn là Quan Thế Âm Bồ
Tát !
Những người đồng
thuyền, ai cũng mừng cho cô gái vì cô đã được chính mắt nhìn thấy
Ngài Quan Âm hiện thân, lại còn được Bồ Tát đem thức ăn cho ăn nữa.
Bà chị dâu hãy
còn nghi ngờ, bèn chạy một mạch đến Đại Hùng Bảo Điện của ngôi chùa
trước mặt nhìn lên tượng Ngài Quan Âm, nhìn kỹ thì quả nhiên thấy
vạt dưới của chiếc áo Ngài mặc hãy còn vết ướt của nước biển. Lúc ấy
bà mới chịu tin lời của ông lão lái đò là đúng.
Từ đấy, Phổ Đà
Sơn mới có bến đò. Lại vì có câu chuyện chị dâu chê trách em chồng ở
đấy nên bến đò này mới có tên Đoản Cô Đạo Đầu (Đầu đường cô bị trách).*
* DH có lấy
thuyền từ đảo Phổ Đà đi đảo Lạc Ca, thì không thấy "bến" Đoản Cô Đạo
Đầu, mà thấy một tảng đá lớn có khắc bốn chữ "Đoản Cô cổ kiều" (cầu
xưa "cô bị trách") ở ngay bến tàu.
Diệu Hạnh Giao
Trinh