Ðại Bi Sám Pháp
Và Tiến Trình Bản Địa
Hóa Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm.
Tháng Giêng năm 1996, trong khi còn ở Ðài Bắc, tôi có dịp được
tham dự một buổi “Ðại Bi Sám Pháp Hội” tổ chức tại chùa Nông
Thiền, bản tự của Thiền sư Thánh Nghiêm. Có thể vì đây là một
buổi chiều thứ Sáu, số người tham dự -khoảng chừng năm trăm
người- đa phần đều là phụ nữ. Họ ở trong khoảng lứa tuổi từ đôi
mươi cho đến sáu mươi, có người mang theo con nhỏ. Mặc dù đàn
ông rõ ràng chỉ chiếm phần thiểu số -chưa tới một trăm người-
nhưng tuổi tác của họ có vẻ đồng nhất hơn, trong khoảng từ ngoài
hai mươi cho đến bốn mươi. Ðây là giới sinh viên và những người
chuyên nghiệp. Buổi lễ kéo dài trong khoảng hai giờ, từ 2 giờ
cho đến 4 giờ chiều. Căn cứ vào thời khoá sinh hoạt của chùa
Nông Thiền và một ngôi chùa chi nhánh khác trong thành phố,
trung bình nghi lễ này được tổ chức hai lần trong tháng ở cả hai
nơi. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho tín đồ, ngày giờ có thể được
thay đổi, có khi vào buổi chiều, có khi vào buổi tối, hoặc là
vào ngày cuối tuần có khi là những ngày trong tuần. Khi tôi hỏi
Thiền sư Thánh Nghiêm tại sao nghi lễ này được tổ chức thường
xuyên như thế, ngài đã trả lời: “Bởi vì người Trung Hoa ‘có
duyên’ với Bồ Tát Quán Âm.” Tính cách phổ thông của nghi lễ này,
dĩ nhiên không phải chỉ giới hạn trong những ngôi chùa thuộc
tông phái của sư Thánh Nghiêm. Những tự viện tại Ðài Loan, Hồng
Kông, Trung Hoa Lục Ðịa, cũng như các cộng đồng người Hoa hải
ngoại đều tổ chức những khoá lễ này một cách khá đều đặn và
thường xuyên.
Ðược chủ trì bởi một vị sư gọi là “sám chủ” và những người phụ
lễ, những người tham dự pháp hội đã tụng đọc một số đoạn kinh
văn trong bộ kinh “Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng
Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà-Ra-Ni”, gọi tắt là Kinh Thiên
Thủ, do ngài Dà Phạm Ðạt Ma dịch ra Hán văn vào khoảng năm
650-660 (đã được nói sơ qua trong Ch. 2). Buổi lễ nói chung là
rất khéo phối trí như một vũ hội và tạo nên một ấn tượng sâu xa.
Trong suốt hai giờ đồng hồ, tiếng cầu kinh được chen lẫn với
những âm thanh nhạc điệu trầm bỗng, phù hợp với những động tác
thay đổi nhịp nhàng. Người ta đứng, cúi đầu, đảnh lễ, quỳ trên
hai đầu gối trong những công đọan có khi kéo dài đến cả mười
phút. Trọng tâm của buổi lễ là trì chú Đại Bi, hai mươi mốt biến
và sau đó là nghi thức sám hối.
Nghi lễ mà bây giờ người ta thấy đang được thực hành tại Đài
Loan và những nơi khác là dựa theo bản kinh văn của đời Thanh
(1644-1912), vốn đặt căn bản trên bộ sám pháp dài và phức tạp
hơn do ngài Trí Lễ (960-1028, còn gọi là Tứ Minh tôn giả)
(1) soạn ra lần đầu tiên, được
gọi là Thiên Thủ Nhãn Đại Bi Thần Chú Sám Pháp. Kamata
Shigeo (1973) cũng đã quan sát một nghi lễ tương tự như vậy tại
HongKong năm 1973, theo đúng một trình tự y như thế. Từ trước
đời Tống, trước khi ngài Trí Lễ sáng tác ra bộ sám pháp này thì
Thần chú Đại Bi đã rất phổ thông, mọi người mọi giới đều đã tụng
đọc thần chú này cho những mục đích khác nhau, nhưng thông
thường vẫn chỉ là để thỉnh cầu những điều linh ứng. Đến ngài Trí
Lễ mới bắt đầu đặt ra một nghi thức trì tụng thần chú, và từ đó
người ta cần phải đến một tự viện để tham dự nghi lễ sám hối do
chư tăng chủ trì để có thể hưởng được những lợi lạc về mặt tinh
thần cũng như vật chất mà trong kinh đã hứa khả. Thế nên ngưòi
ta sẽ không ngạc nhiên chút nào khi thấy trong sám pháp này,
được hiệu đính vào đời Thanh và sử dụng cho đến nay, đã liệt kê
danh hiệu của Trí Lễ Đại Sư cùng với danh hiệu của những vị Phật
và Bồ Tát khác khi đảnh lễ.
So sánh với bộ sám pháp nguyên thủy của ngài Trí Lễ thì bộ sám
pháp này đã được đơn giản hoá rất nhiều. Nghi lễ được bắt đầu
với niệm ba lần danh hiệu của Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, tiếp
theo sau một bài kệ dâng hương. Đại chúng sau đó tụng đọc một
đoạn kinh văn giải thích lý do tại sao thực hiện nghi lễ sám hối
này, nội dung lấy ra từ bản sám pháp của ngài Trí Lễ. Một điều
cũng cần lưu ý là Bồ Tát Quán Âm ở đây được tôn xưng như là một
vị Phật của thời quá khứ:
Kính lạy đời quá
khứ,
Chính Pháp Minh Như
Lai.
Chính là đời hiện
nay,
Quán Thế Âm Bồ Tát,
Bậc thành công đức
diệu,
Đủ lòng đại từ bi,
Nơi trong một thân
tâm
Hiện ra ngàn tay
mắt
Soi thấu khắp pháp
giới
Hộ trì các chúng
sanh
Khiến phát lòng đạo
sâu
Dạy trì chú Viên
Mãn
Cho xa lìa đường ác
Được sanh trước Như
Lai
Những tội nặng vô
gián
Cùng bịnh ác lâm
thân,
Khó nỗi cứu vớt
được
Cũng đều khiến tiêu
trừ
Các tam muội, biện
tài
Sự mong cầu hiện
tại
Đều cho được thành
tựu
Quyết định chẳng
nghi sai
Khiến mau được ba
thừa
Và sớm lên quả Phật
Sức oai thần công
đức
Khen ngợi chẳng hay
cùng!
Cho nên con một
lòng
Quy mạng và đảnh lễ
Sau đó là phần đảnh lễ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà,
Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Phật, Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, Thiên Thủ
Thiên Nhãn Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Tự Tại Bồ Tát, Đại Thế Chí
Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
cùng rất nhiều những vị Bồ Tát khác cũng như ngài Ma Ha Ca Diếp
tôn giả và vô lượng vô số đại thanh văn tăng A la hán. Đại chúng
qùy lạy đảnh lễ mỗi khi danh hiệu các vị này được xướng lên. Tên
của ngài Trí Lễ được nêu lên trong bản kinh này trước khi đảnh
lễ các vị Hộ thế tứ vương, Giang hải thần, Dược thảo thọ lâm
thần, Xá trạch thần, Thổ thần, Sơn thần, Cung điện thần, v.v…
Sau khi đảnh lễ xong, những phẩm chính trong Thiên Thủ Kinh được
tụng đọc lớn.
Kinh nói: Nếu có vị
tì khưu, tì khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di, hay đồng nam, đồng nữ
nào, muốn tụng trì chú này, trước tiên phải phát tâm đại từ đối
với chúng sanh và sau đây y theo tôi mà phát nguyện:
Nam mô Đại Bi Quán
Thế Âm,
Nguyện con mau biết
tất cả pháp.
Nam mô Đại Bi Quán
Thế Âm,
Nguyện con sớm được
mắt trí huệ
Nam mô Đại Bi Quán
Thế Âm,
Nguyện con mau độ
các chúng sanh
Nam mô Đại Bi Quán
Thế Âm,
Nguyện con sớm được
phương tiện khéo
Nam mô Đại Bi Quán
Thế Âm,
Nguyện con mau lên
thuyền bát nhã
Nam mô Đại Bi Quán
Thế Âm.
Nguyện con sớm được
qua biển khổ
Nam mô Đại Bi Quán
Thế Âm,
Nguyện con mau được
đạo giới định.
Nam mô Đại Bi Quán
Thế Âm,
Nguyện con sớm lên
non Niết Bàn
Nam Mô Đại Bi Quán
Thế Âm,
Nguyện con mau về
nhà vô vi,
Nam mô Đại Bi Quán
Thế Âm,
Nguyện con sớm đồng
tâm pháp tánh.
Nếu con hướng về
nơi non đao,
Non đao tức thời
liền sụp đổ,
Nếu con hướng về
lửa nước sôi
Nước sôi, lửa cháy
tự khô tắt.
Nếu con hướng về
cõi Địa ngục
Địa ngục liền mau
tự tiêu tan
Nếu con hướng về
loài ngạ quỷ
Ngạ quỉ liền được
tự no đủ
Nếu con hướng về
chúng Tu La
Tu La tâm ác tự
điều phục
Nếu con hướng về
các súc sanh,
Súc sanh tự được
trí huệ lớn.
Tiếp theo đại chúng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát (10 lần)
và A Di Đà Phật (10 lần) rồi tụng đọc một đoạn kinh tiếp, trong
đó Quán Thế Âm Bồ Tát tuyên hứa với Phật: “Nếu
chúng sanh nào trì tụng thần chú Đại Bi mà còn bị đọa vào 3
đường ác, nếu không được sanh về các cõi Phật, nếu không được
vô lượng tam muội biện tài, tôi thề không thành chánh giác. Tụng
trì thần chú Đại Bi tất cả sự mong cầu trong đời hiện tại, nếu
không được vừa ý, thì chú này không được gọi là Đại Bi tâm đà ra
ni.” Sau đó là đến phần tụng đọc thần chú Đại Bi, cả thảy
hai mươi mốt biến.
Sau khi tụng chú rồi, đại chúng liền qùy xuống đọc lớn bài phát
nguyện sám hối do ngài Trí Lễ soạn có nội dung như sau:
Đệ tử...(tên của người dự
sám hội)
cùng pháp giới chúng sanh, hiện tiền một tâm, vẫn đủ ngàn pháp,
đều có sức thần, cùng với trí sáng trên sánh chư Phật, dưới đáng
muôn loài. Bởi niệm vô minh che ánh sáng kia, nên đối cảnh hôn
mê, khởi lòng chấp nhiễm, nơi pháp bình đẳng, sanh tưởng ngã
nhơn. Lại do ái kiến làm gốc, thân miệng làm duyên, trong nẻo
luân hồi, gây nên đủ tội: thập ác, ngũ nghịch, báng pháp, báng
người, phá giới, phạm trai, hủy hoại chùa tháp, trộm của tăng kỳ,
làm nhơ tịnh hạnh, xâm tổn thường trụ, đồ vật thức ăn, dù ngàn
Phật ra đời, khó bề sám hối. Những tội như thế, không lường
không ngằn, khi bỏ báo thân, ưng đọa tam đồ, chịu vô lượng khổ.
Lại trong đời này, do túc, hiện nghiệp hoặc bị lửa phiền thiêu
đốt, tật bịnh vây quanh, duyên ngoài bức bách, ma ngoại quấy
nhiễu, chướng ngăn đạo pháp, khó nỗi tiến tu.
May gặp thần chú Viên Mãn Đại Bi có thể mau trừ những tội như thế,
cho nên nay con, hết lòng trì tụng, con nguyện nương về Quán Âm
Bồ Tát, 10 phương đạo sư, phát lòng Bồ Đề, tu hạnh chân ngôn,
cùng với chúng sanh, tỏ bày các tội, cầu xin sám hối, nguyện đều
tiêu trừ.
Nguyện đấng đại bi Quán Âm BồTát ngàn tay nâng đỡ, ngàn mắt chiếu
soi, khiến cho chúng con, duyên chướng trong ngoài, thảy đều dứt
sạch, mình người hạnh nguyện cùng được viên thành, mở tánh bản
tri, dẹp trừ ma ngoại, ba nghiệp siêng cần, tu nhân Tịnh Độ.
Nguyện cho chúng con, khi bỏ thân này, không vào đường khác,
quyết được sanh về thế giới Cực Lạc của Phật Di Đà, rồi được
thừa sự Đại Bi Quán Âm, đủ các tổng trì, rộng độ quần phẩm, đồng
thoát khổ luân, đều thành Phật đạo.
Sau khi phát nguyện sám hối rồi,
đại chúng quy y đảnh lễ Tam Bảo và nghi lễ được kết thúc với lời
cầu nguyện dâng lên
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Phật A Di Đà, Thiên
Quang Vương Tĩnh Trụ Phật, Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, Thiên Thủ Thiên
Nhãn Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và
Tổng Trì Vương Bồ Tát.
Mặc dù đang chăm chú theo dõi tiến trình của nghi lễ và cố gắng
để hòa nhịp với những động tác thay đổi thường xuyên trong nghi
lễ, tôi cũng không khỏi không để ý đến một số lượng lớn những
bình chứa đầy nước lã được đặt dọc theo bờ tường ở ngay phía sau
bàn thờ. Đây là những chiếc bình nhựa có kích thước khác nhau mà
những người tham dự pháp hội đã mang đến và sẽ đem về nhà sau
khi buổi lễ chấm dứt. Có người cho tôi biết, những bình nước này,
vì được chú nguyện trong buổi lễ, đã trở thành “Đại Bi Thủy”, sẽ
có công năng tiêu trừ tật bệnh. Niềm tin tưởng này đã phát xuất
từ đời Tống và sớm hơn. Từ đời Thanh trở đi, như ta biết, việc
trì tụng chú Đại Bi cùng với Tâm Kinh Bát Nhã đã được đưa vào
nhựt khóa của hai buổi công phu sớm chiều trong tất cả các tự
viện Trung quốc. Nghi thức Đại Bi Sám Pháp được mô tả ở đây đồng
thời cũng là một phần không thể thiếu trong nghi quỹ kỹ niệm
những ngày vía của Bồ Tát Quán Âm trong ba ngày lễ chính của Bồ
Tát (ngày 19 của các tháng 2, 6, và 9 Âm lịch) đặc biệt là ngày
“Đản Sanh” của ngài. Tính cách đại chúng của Chú Đại Bi cũng như
phẩm kinh chứa thần chú này đã được minh chứng qua việc tín đồ
cho ấn tống và phát không tại khắp các chùa chiền.
Thần Chú Đại Bi như thế chính là một phương tiện hiệu quả nhất
trong việc phổ biến tín ngưỡng Quán Âm. Rất nhiều những mẫu
chuyện linh ứng mà chúng ta có được hôm nay do kết quả của việc
trì tụng thần chú này đã được phát xuất từ dưới thời Đường, Tống.
Thế nên, một câu hỏi không thể không được đặt ra là, bằng cách
nào và tại sao mà thần chú và bộ kinh đặc biệt này lại có thể
đạt đến một sự thành công lâu dài như thế? Cuối cùng, như đã
được mô tả trong chương 2, đây chỉ là một trong rất nhiều bộ
thần chú được quảng bá bởi rất nhiều bộ kinh mật tông tôn vinh
Bồ Tát Quán Âm. Mặc dù một bộ kinh khác, Thỉnh Quán Âm Kinh,
trước đó cũng đã rất nổi tiếng do sự quảng bá của vị tổ Thiên
Thai Tông, ngài Trí Giả (538-597), nhưng đã không còn phổ thông
kể từ sau đời Tống. Ba bộ thần chú trong Thỉnh Quán Âm Kinh
cũng có vẻ như không được ưa chuộng lắm trong giới tăng sĩ
chứ chưa nói đến quảng đại quần chúng như là Đại Bi Thần Chú,
ngay cả trước thời Tống. Cũng vậy, cho dù đã có một sám pháp căn
cứ trên bộ kinh này do ngài Tuân Thức (963-1032) -một người
đương thời và rất gần gũi với ngài Trí Lễ, soạn ra, nhưng nghi
lễ này đã không còn được tồn tại cho đến ngày hôm nay.
(2)
Tôi cho rằng việc ngài Trí Lễ soạn ra bộ Đại Bi Sám Pháp này
dưới thời Tống phần lớn là do ảnh hưởng của việc thần chú Đại Bi
đã được trì tụng rộng rãi trong đại chúng kể từ đời Đường. Nghi
lể này một khi được tạo ra lại trở thành một khí cụ quan trọng
khác trong việc quảng bá thần chú và bộ kinh đặc biệt này. Lý do
chính khiến cho sám pháp này đã có thể đạt được một hiệu quả như
thế là vì nó cuối cùng đã tạo được cho người bản địa một nghi
thức hành lễ mang màu sắc Trung Hoa để phụng thờ một linh thần
mật giáo có xuất xứ từ ngoại quốc. Đối với ngài Trí Lễ, cũng
giống như Tuân Thức, vì là một thiền sư thuộc phái Thiên Thai,
thế nên khi họ sáng tạo ra những nghi lễ, chắc chắn là họ trung
thành với mô hình của Thiên Thai tông dùng trong những nghi thức
sám hối. Mô hình này đầu tiên đã do ngài Trí Giả soạn ra trong
Pháp Hoa Sám Nghi và rồi sau đó được bổ sung tỉ mỉ hơn
bởi một vị tổ Thiên Thai khác, ngài Trạm Nhiên (711-782) trong
Pháp Hoa Tam Muội Hành Sự Vận Tưởng Bổ Trợ Nghi với mười
công đoạn liên tiếp bao gồm tất cả các nghi thức sám hối. (Kamata
1973:283; Stevenson 1987:475-76). Với việc sắp xếp cách trì tụng
chú Đại Bi đưa vào trong nền tảng triết lý và khuôn khổ lễ nghi
của truyền thống Thiên Thai, ngài Trí Lễ đã làm công việc bản
địa hoá cái nghi lễ mật tông này.
Như vậy, trong chương này, trước tiên tôi nêu ra một vài bằng
chứng cho thấy sự gia tăng tính cách đại chúng của Thần Chú Đại
Bi kể từ đời Đường cho đến đời Tống, sau đó đưa ra những lý cớ
để lý giải việc đời Tống ưa chuộng kinh điển mật tông, và cuối
cùng là bản phân tích về nghi lễ sám pháp của ngài Trí Lễ. Tôi
hy vọng chứng minh rằng Thiên Thai sám pháp do ngài Trí Lễ sáng
tạo ra đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bản địa
hoá bộ thần chú mật tông và qua đó đã góp phần vào việc chuyển
hoá hình ảnh của một Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Avalokitesvara
thành một Đại Bi Quán Âm Trung quốc. Tính cách đại chúng của
thần chú và sám pháp đặt trọng tâm chung quanh việc tụng đọc tập
thể thần chú này đã góp phần tạo nên những hiểu biết phổ quát về
Thiên Thủ Quán Âm dưới thời Tống. Tiếng tăm của hình tướng Quan
Âm đặc biệt này đã đưa đến việc sáng tạo nên truyền thuyết Công
chúa Diệu Thiện, được xem như là một hoá thân Trung hoa của Bồ
Tát, sẽ được bàn đến trong chương 8.
Như đã được đề cập đến trước đây (chương 2), bộ kinh văn mật
tông đầu tiên, Thỉnh Quán Âm Kinh, vốn rất được ưa chuộng
trong hàng ngũ tăng sĩ thuộc phái Thiên Thai. Tổ Thiên Thai,
ngài Trí Giả, đã đặc biệt chú trọng đến bộ kinh này và dùng nó
làm nền tảng cho một loại hình sau cùng trong bốn loại hình
thiền định: không thiền hành và không tọa thiền (Stevenson
1986:50; Donner and Stevenson 1993:275-80). Tuân Thức, một đại
sư của Thiên Thai tông sống cùng thời với ngài Trí Lễ đã soạn ra
một nghi thức hành lễ khác gọi là Thỉnh Quán Thế Âm Bồ Tát
Tiêu Phục Độc Hại Đà La Ni Tam Muội Nghi. Bộ này căn cứ trên
một bộ kinh văn ngắn hơn, Thỉnh Quán Thế Âm Sám Pháp,
được liệt kê trong Quốc Thanh Bách Lục do ngài Quán Đính
(561-632) kết tập vào năm 605. Nghi lễ này kéo dài trong 49 ngày.
Bồ Tát Avalokitesvara được gọi là “Đại Bi” trong bộ kinh này và
tuyên xưng như là người cứu rỗi, “lặn lội trong ngũ đạo luân hồi”
để cứu độ quần sinh (T 20:36b).
Tất cả những kinh văn liên quan đến Thiên Thủ Thiên Nhãn
Avalokitesvara đều đã được phiên dịch ra Hán Văn vào thời Đường.
Tuy nhiên chỉ có những bộ kinh do ngài Dà Phạm Đạt Ma và vị
Thiền sư mật tông Bất Không Kim Cương dịch là phổ biến hơn cả.
Ngài Trí Lễ đã dựa trên bản dịch của ngài Dà Phạm Đạt Ma để soạn
ra bộ sám pháp của mình. Và như vậy, bộ Đại Bi Sám Pháp được
dùng ngày hôm nay là những phần được chọn lựa rút ra từ nguyên
bản nghi thức của ngài Trí Lễ soạn. Ngài Trí Lễ cũng đã trích
đoạn rất chọn lựa, chỉ giữ lại một vài đoạn của phẩm kinh còn
hầu như đã loại bỏ hết những phần khác trong nghi thức sám pháp
của mình. Điều quan trọng hơn cả là, khi soạn ra một nghi thức
tương tự như Thiên Thai Liên Hoa Thiền Định Sám, ông ta đã biến
đổi một cách hoàn hảo bộ kinh mật tông này thành một sản phẩm
mang màu sắc tín ngưỡng Thiên Thai.
Ngài Trí Lễ đã bắt đầu nghi thức sám pháp của mình bằng cách
trích dẫn đoạn mở đầu của cuốn kinh, giới thiệu khung cảnh Bồ
Tát Quán Âm diễn nói thần chú. Bộ kinh này đã do chính Đức Thế
Tôn tuyên thuyết tại cung điện của Bồ Tát Avalokitesvara trên
đảo Bồ Đà Lạc Ca. Sau khi giải thích nguồn gốc và công năng của
thần chú, Bồ Tát Avalokitesvara kêu gọi bất cứ những ai muốn trì
tụng thần chú này nên phát tâm từ bi đến tất cả mọi loài chúng
sanh bằng cách theo ngài phát mười đại nguyện. Đây là mười đại
nguyện đã được ngài Trí Lễ trích lại trong nghi thức sám hối của
mình và được tiếp tục sử dụng cho đến hôm nay trong các Đại Bi
Sám Pháp hội, như buổi lễ ở Đài Loan mà tôi vừa mô tả.
Sám pháp của ngài Trí Lễ bao gồm phần tiếp theo của bộ kinh: “Nếu
chúng sanh nào xâm tổn tài vật, thức ăn uống của thường trụ sẽ
mang tội rất nặng, nay do tụng trì chú Đại Bi liền được trừ diệt.
Chúng sanh nào tụng chú này, tất cả tội thập ác ngũ nghịch, báng
pháp, phá người, phá giới, phạm trai, hủy hoại chùa tháp, trộm
của tăng kỳ, làm nhơ phạm hạnh, bao nhiêu tội ác nghiệp nặng như
thế đều được tiêu hết, duy trừ một việc: kẻ tụng đối với chú còn
sanh lòng nghi. Nếu có sanh tâm ấy, thì tội nhỏ nghiệp nhẹ cũng
không được tiêu, huống chi tội nặng?” Ngài Trí Lễ đã dùng
đoạn kinh văn này như là phần căn bản cho việc sám hối, tuy
nhiên đã không sao chép đúng y nguyên văn từ bản kinh, cũng như
đã loại bỏ đoạn tiếp theo liệt kê những ích lợi mang đến do việc
trì tụng thần chú này.
Ngài Trí Lễ sau đó đã trích một số đoạn kinh kế tiếp, bắt đầu
với 84 câu thần chú Đại Bi và đoạn mở đầu bằng câu “Bồ
tát thuyết chú xong, cõi đất 6 phen biến động, trời mưa hoa báu
rơi xuống rải rác, 10 phương chư Phật thảy đều vui mừng, thiên
ma ngoại đạo sợ dựng lông tóc. Tất cả chúng hội đều được quả
chứng. Hoặc có vị chứng quả Tu đà hoàn, có vị chứng quả Tư đà
hoàn, hoặc có vị chứng quả A na hàm, có vị chứng quả A la hán,
hoặc có vị chứng được sơ địa, nhị địa, tam địa, tứ địa, ngũ địa
cho đến thập địa, vô lượng chúng sanh phát lòng bồ đề.”.
Đến đây vị Đại Phạm Thiên Vương liền bạch hỏi Bồ Tát
Avalokitesvara xin ngài miêu tả “hình trạng và tướng mạo” của
thần chú này. Bồ Tát liền cho biết đấy là Đại từ bi tâm vốn
ngang hàng với chín loại tâm khác:
tâm bình đẳng, tâm vô vi, tâm chẳng nhiễm trước, tâm không quán,
tâm cung kính, tâm khiêm nhường, tâm không tạp loạn, tâm không
chấp giữ, tâm vô thượng Bồ Đề.
Sám pháp của ngài Trí Lễ tiếp theo đã loại bỏ đoạn kinh mô tả
những linh ứng do việc trì tụng thần chú mang đến, tuy nhiên ông
giữ lại phần mô tả cách thức thiết lập nơi thiêng liêng để hành
lễ. Trong bản kinh đã chỉ cho người hành trì những phương thức
để đối đầu với những vấn nạn khác nhau hoặc đạt đến một số mục
tiêu đặc biệt nào đó, tuy nhiên ngài Trí Lễ đã không đưa những
phần này vào trong sám pháp của mình. Cũng như trước, ông đã cố
tình loại bỏ những đoạn liên hệ đến phép lạ, những chuyện thần
bí phi thường.
Trong tất cả những nhân dạng mang màu sắc mật tông của Bồ Tát
Avalokitesvara được đưa vào Trung quốc, chỉ có hình tướng của
Thiên Thủ Thiên Nhãn Avalokitesvara là trở thành phổ biến nhất.
Với sự sản xuất những hình tượng về ngài, việc trì tụng Thấn chú
Đại Bi của cả giới tăng sĩ cũng như cư sĩ, những linh nghiệm của
thần chú, việc sao chép Thiên Thủ Kinh và tụng đọc những đoạn
trọng yếu trong phẩm kinh này cụ thể như mười đại nguyện cùng
với thần chú trong các pháp hội, đã đưa đến việc ngài Trí Lễ
soạn ra bộ Đại Bi Sám Pháp vào thời Tống.
Từ Thiên Thủ Thiên
Nhãn Avalokitesvara
Đến Đại Bi Quán Âm
Bồ Tát
Mặc dù các tính từ “cứu khổ” và “Đại Từ Đại Bi” đã được dùng khi
nói đến danh hiệu của Bồ Tát Quán Âm từ những thời kỳ rất sớm,
tuy nhiên chỉ sau khi cuốn Thiên Thủ Kinh được giới thiệu
vào đời Đường, từ đó danh hiệu “Đại Bi” mới được xem như đặc
biệt dành riêng để chỉ vị Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn
Avalokitesvara. Đây là do sự thành công nhanh chóng mà những tín
đồ tôn thờ ngài đã đạt được dưới đời Đường. Mặc dù hình tượng
này chỉ đến sau so với những hình tượng mật tông khác của Bồ Tát
Avalokitesvara được đưa vào Trung Hoa, nhưng do nhờ sự quảng bá
rộng rãi tín ngưỡng tôn thờ ngài đặc biệt là của ba vị đại sư
Mật Tông tên tuổi (Thiện Vô Úy, Kim Cương Trí, và Bất Không Kim
Cương tất cả đã dịch các kinh điển sang Hán Văn) cũng như sự ủng
hộ của triều đình, hình tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn
Avalokitesvara đã có thể vượt qua và chiếm lĩnh tiếng tăm của
các hình tượng mật tông khác của Bồ Tát. Maria Reis-Habito trong
luận án cũng như các bài nghiên cứu đã xuất bản của bà khi so
sánh các bản dịch Hán văn khác nhau của kinh điển mật tông tuyên
xưng Thiên Thủ Thiên Nhãn Avalokitesvara đã giải thích lý do tại
sao bản dịch của ngài Dà Phạm Đạt Ma hầu như đạt đến tình
trạng độc tôn đã đi tìm căn
nguyên
sự gia tăng đức tin của cả hai giới tăng sĩ và cư sĩ vào
thần chú, và cho rằng động cơ thúc đẩy việc thực hiện Đại Bi Sám
Pháp là do việc tôn trọng đạo hiếu trong luân lý Khổng Mạnh.
Trong khi sử dụng những nguồn tài liệu thời hậu-Tống làm cơ sở
chính để tiến xa hơn trên lập luận này tác giả có thể đã cho
thấy có một mối liên hệ mật thiết giữa nghi lễ sám hối với tín
ngưỡng tôn thờ người quá vãng, tuy nhiên điều này không thể áp
dụng cho thời Tống và những giai đoạn trước đó
(3). Như tôi sẽ chứng minh tiếp
theo đây trong chương này, ngài Trí Lễ đã nhìn nghi lễ này trong
một khung cảnh rộng rãi bao quát hơn liên quan đến việc phục hồi
đời sống tâm linh và cải hoá đạo đức.
Trong một công trình nghiên cứu dài và có tầm vóc, Kobayashi
Taichiro (1983) đã đi tìm dấu vết sự phát triển của tín ngưỡng
tôn thờ Đại Bi dưới đời Đường. Thu thập từ những nguồn mạch tài
liệu đa dạng và phong phú bao gồm tự truyện của những tăng sĩ,
những bản khắc chữ, những họa phẩm (đáng tiếc đa phần đã không
còn tồn tại), thi văn cùng những truyện kể dân gian, ông ta đã
vẽ ra được một bức tranh khá sinh động về sự gia tăng tính cách
đại chúng của vị linh thần vừa mới được du nhập. Từ bằng chứng
của sáng tạo mỹ thuật thể hiện qua những hình tượng và tranh vẽ,
tín ngưỡng mới tôn thờ Đại Bi tập trung tại kinh đô Tràng An,
nhưng đồng thời cũng lan rộng đến cả vùng Tứ Xuyên. Những hình
thái mỹ thuật diễn tả về Bồ Tát cũng đã theo sát nội dung của
từng dịch bản kinh văn mới. (4)
Kobayashi xem những giai đoạn cuối Đường và Ngũ Đại là thời đại
“hoàng kim” của tín ngưỡng Đại Bi và xem tinh thần nhiệt thành
tôn giáo của ba vị tăng sĩ trong thời kỳ này như là những thí dụ
tiêu biểu (1983:85) Trì tụng thần chú, tạo dựng tôn tượng và hủy
hoại một bộ phận của thân thể mình cúng dường cho Bồ Tát đã là
những phương cách bày tỏ niềm tin tôn giáo của họ. Ba vị đại
tăng này đã nêu lên những thí dụ minh họa cho cách thế đó.
Tiểu sử của họ đã được ghi chép lại trong Tống Cao Tăng
Truyện. Nhân vật đầu tiên là sư Trí Huyền (809-881), người
gốc gác ỏ Mai Châu, Tứ Xuyên. Sư nổi tiếng là người học rộng và
tinh thông Phật pháp, đặc biệt là những kinh sách về Tịnh Độ. Lý
Thương Ẩn và một số những khuôn mặt trí thức nổi tiếng đương
thời rất ái mộ ngài. Tuy nhiên khi sư được mời để giảng pháp tại
kinh đô, với thổ ngữ khá nặng của vùng Tứ Xuyên, rất khó mà có
người hiểu được ngài. Sư liền trở về quê nhà và đi lên núi Tai
Voi (Tượng Nhĩ Sơn) -một nơi tôn thờ tín ngưỡng Đại Bi- và liên
tục trì tụng Thần Chú Đại Bi. Một đêm nọ, sư nằm mơ thấy một vị
thần tăng đến cắt đứt lưỡi ngài và thay bằng một cái mới. Sáng
hôm sau khi tỉnh dậy, sư bắt đầu nói thổ ngữ của vùng Tràng An
một cách trôi chảy. (T 50:763c).
Vị sư thứ hai là Thần Trí (819-886), người sống đồng thời cùng
với sư Trí Huyền, đã bắt đầu trì tụng thần chú khi mới lên 12
tuổi. Sau khi xuất gia vào năm hai mươi tuổi, sư đã lặn lội đi
khắp vùng Đông Nam Trung quốc chữa trị đủ mọi loại bệnh bằng
nước lã đã được gia trì chú Đại Bi. Người ta lũ lượt tìm đến sư
và vì thế sư được gọi là “Đại Bi Tăng.” Trong khoảng từ năm 847
đến 859 sư về kinh đô hoằng hoá và đã chữa lành bệnh bị ma ám
cho con gái của vị Thừa tướng đương triều, bằng cách liên tục
gia trì chú Đại Bi lên cô gái này trong suốt bảy ngày (T
50:869c).
Vị sư thứ ba, Đạo Châu (863-941) vốn là một nhạc sĩ, nổi tiếng
với giọng tán tụng kinh Phật rất hay. Thúc đẩy bởi niềm tin sâu
xa vào chú Đại Bi, sư đã lấy máu của mình vẽ lên một bức hình Bồ
Tát đang đứng. Năm 882 Khi Hoàng Sào nổi loạn chiếm đóng Tràng
An, sư đã tự chặt cánh tay trái của mình (ngay tại cùi chỏ) và
đốt lên để cúng dường Bồ Tát, cầu nguyện cho hoà bình. Sư đồng
thời cũng cắt lỗ tai trái của mình trong khi đang cầu mưa cho
dân làng. Kết quả của niềm tin này là khi sư viên tịch ở tuổi
78, thể xác của sư đã không bị sình thối mà vẫn tươi nhuận như
là đang nhập định. Nhục thân của sư sau đó đã được sơn phết và
ướp xác để bảo quản. (T50:859b)
Khi mà sự linh nghiệm của thần chú được mọi người biết đến,
những trụ khắc Đại Bi Thần Chú đã bắt đầu được dựng lên. Công
trình sớm nhất là của sư Hồng Duy tại chùa Ngoạ Long tại kinh đô
xây dựng vào năm 871. Những thủ bản tìm được ở Đôn Hoàng cũng
cho ta những bằng chứng khác về tín ngưỡng này. Một bản kinh thu
gọn của Thiên Thủ Kinh chỉ bao gồm mười lời nguyện của Quán Âm
và bài thần chú đã được lưu hành. Được biết dưới tên gọi là Đại
Bi Chí (?) Thỉnh, có thể là đã được dùng để trì tụng trong một
nghi thức hành lễ nào đó. Bản kinh này thường được sao chép
chung cùng với một bộ thần chú khác, Tôn Thắng Đà La Ni Kinh.
Cụ thể như trong hai bản sao chép do sư Huệ Loan thực hiện đều
có chứa cả hai bản kinh này. Một bản được thực hiện vào năm 899
(S4378) tại Chùa Đại Bi, Hồ Bắc, được kết thúc với lời ghi chú,
“cho những người đọc bảo hộ kinh này được hưởng công đức tinh
thần”, trong khi ở một bản khác (S 2566) mang lời đề tặng “xin
hồi hướng công đức cho toàn thể chúng sanh đều trọn thành Phật
đạo.” Sư Huệ Loan đã làm công việc sao chép bộ kinh này liên tục
trong suốt 19 năm. Với một niềm tin tuyệt đối vào Bồ Tát, sư đã
lặn lội suốt từ Hồ Bắc đến Đôn Hoàng trong một sứ mệnh duy nhất
là phổ biến thần chú Đại Bi. Cho đến cuối đời Đường, cả bản kinh
và bộ thần chú này đã được lưu hành rộng rãi cả trong giới tăng
sĩ cũng như cư sĩ. Những bản kinh này do những người Phật tử
thuần thành cúng dường ấn tống để hưởng công đức hoặc hồi hướng
đến cho người khác. (Reis-Habito 1993:127-32).
Dưới đời Đường, những điều linh ứng do trì tụng Thần Chú Đại Bi
đã thấy được xuất hiện trong những tuyển tập chuyện ngắn.
Quảng Dị Kỉ đã ghi lại
năm truyện về Quán Âm trong đó có một truyện nói về sự linh
nghiệm của Thần Chú Đại Bi đã được Dudbridge tóm tắt lại như sau:
Lý Hiền trì tụng thần chú Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm và nhờ đó
mà có được năng lực trừ được con qủy gây bệnh sốt rét. Trong khi
Hiền vắng nhà, bà chị bị lâm bệnh (sốt rét) qua đời nhưng sau đó
đã sống lại. Bà kể lại rằng mình đã bị đám âm binh hành hạ tại
nghĩa trang và rồi chúng nhận ra rằng bà là chị của Hiền nên rất
sợ bị trả thù, nhờ vậy bà đã được chúng cho hồi sinh trước khi
Hiền trở về nhà. (Dudbridge 1995:182)
Bởi vì nhân vật chính ở trong câu chuyện này không phải là một
tăng sĩ, nó cho ta thấy một điều rằng, ngay cả một người bình
thường vẫn có thể nhận thức được năng lực của thần chú và biết
cách vận dụng nó. Công năng hàng ma phục qủy là một trong những
lợi ích được hứa hẹn đến ở trong bản kinh. Thật ra, hầu hết
những câu chuyện linh ứng liên quan đến thần chú xảy ra dưới
thời Tống đều đề cập đến năng lực này. Những người bình thường
không những biết cách trì tụng thần chú mà một số người còn có
thể gia trì thần chú vào nước biến chúng thành thuốc chữa bệnh
như nhà sư Thần Trí đã làm được nói ở trên. Một số các mẫu
chuyện linh ứng trong bộ sưu tập năm 1929 -được đề cập ở chương
4- đều nói đến năng lực của thần chú Đại Bi. Ngoại trừ câu
chuyện thứ nhất nói đến một vị tăng thời Đường, tất cả còn lại
đều xảy ra vào thời Tống. Sư Trí Giả (trùng pháp hiệu với vị tổ
Thiên Thai) tục danh họ Vũ, nguyên quán tại Tràng Sa. Trước khi
xuất gia là môt võ quan và rất thích săn bắn. Một hôm ông bắt
được một con rùa trắng và làm thịt để ăn. Chẳng bao lâu sau đó
ông bị mụt nhọt nổi lên khắp người rồi lông mày, râu tóc, các
ngón chân, ngón tay đều bị rơi rụng ra. Ông ở trong tình trạng
đau đớn cùng cực và sắp chết đến nơi. Dĩ nhiên ông bị cho nghỉ
việc và trở thành kẻ ăn mày lang thang đầu đường xó chợ. Trong
khi ông ta đang đi xin ăn tại xứ An Nam (tức Việt Nam ngày nay),
một nhà sư bắt gặp và cảm thấy thương xót, liền bảo: “Ngươi hãy
nên sám hối và trì tụng Thần Chú Đại Bi mà ta sẽ dạy cho ngươi.
Nếu ngươi siêng năng trì tụng, ngươi sẽ nhận được một phần
thưởng xứng đáng. Nghe lời khuyên bảo đó, ông liền nhất tâm trì
tụng thần chú. Lần hồi các mụn nhọt biến mất và các ngón tay
liền mọc ra trở lại. Ông liền cạo đầu đi tu và trở thành một nhà
sư (Quán Thế Âm Bồ Tát Linh Cảm Lục.)
Chuyện kể thứ hai nói về một người đã kết hợp việc trì tụng thần
chú với niềm tin Tịnh Độ. Trương Cương là một học giả vào thời
Tống đã lập nguyện trước tôn tượng Đức Phật là sẽ trì tụng
100,000 biến Thần Chú Đại Bi để được tái sanh về cõi Tịnh Độ.
Đột nhiên ngã bệnh ở tuổi sáu mươi, ông liền nhất tâm niệm Phật
và sau đó tập hợp toàn thể gia đình lại, bảo rằng, “Ta đã trông
thấy cõi Tây Phương Tịnh Độ với Đức Phật A Di Đà đang ngự trên
toà sen. Cháu nội ta, Vương Nhị (mất hồi mới lên ba) hiện đang
qùy trên nền đất vàng đảnh lễ ngài.” Nói xong thì mất, trên
miệng vẫn chưa dứt câu niệm Phật. (II:8)
Một câu chuyện khác liên quan đến nước được gia trì chú nguyện
Đại Bi: Bà Vũ, phu nhân của Lữ Hồng, viên phó quan chức chưởng
Bộ Hình là người tin tưởng tuyệt đối vào Bồ Tát Quán Âm và
thường nhận được những điều linh ứng. Bà luôn giữ hàng chục chai
nước trong một căn phòng tinh khiết. Tay cầm cành dương, bà đọc
chú nguyện Đại Bi và thấy Bồ Tát Quán Âm hiện ra phóng quang vào
những chai nước này. Những ai hay ốm đau bệnh hoạn nhờ uống nước
này mà được bình phục. Điểm đặc biệt là những bình nước này để
đến bao lâu cũng không bị hư hỏng và ngay cả không bị đông đặc
lại thành đá vào mùa Đông. Người ta gọi bà là Bà Quán Âm (yuan
chun). Hai tỳ nữ của bà cũng là những Phật tử Tịnh Độ thuần
thành, một người đặc biệt rất khắc khổ, có khi nhịn ăn suốt cả
tháng, chỉ uống mỗi ngày một tách nước được gia trì chú nguyện
này. (I I:8)
Barrend J.ter Haar (1992) đã lưu ý đến sự thịnh hành của việc
trì tụng chú, kinh điển và niệm danh hiệu các vị thánh thần
trong bộ sưu tập truyện tích của Hồng Mai (1123-1202), Chuyện
Được Nghe, kết tập vào năm 1198. Ông tìm ra bốn mươi chín câu
chuyện về trì tụng thần chú và mười hai câu chuyện liên quan đến
việc niệm các danh hiệu thánh thần. Trong số này 11 truyện nói
về trì tụng thần chú Đại Bi và 7 truyện đề cập đến việc niệm
danh hiệu Quán Âm. Trong truyện, thần chú được sử dụng 7 lần để
xua đuổi ma quỷ và 2 lần để trị bịnh, còn danh hiệu của Bồ Tát
được dùng trong 5 lần để trị bịnh. Bồ Tát Quán Âm đã xuất hiện
trong hai trường hợp, một lần dưới dạng một nhà sư tay cầm tích
trượng và bình tịnh thủy (III 1318) và một lần khác không diễn
tả rõ nhân dạng (III 1441); trong hai truyện khác Bồ Tát cũng
đã xuất hiện như là một bà già trong y phục trắng (I:88,89) còn
ở một truyện khác thì không nêu rõ phái tính. Trong số sáu mươi
mốt trường hợp những người dự phần vào những hoạt động tín
ngưỡng này, ba mươi bốn người là cư sĩ tại gia và hai mươi lăm
người hoạt động trong lãnh vực tôn giáo như tăng sĩ, sa môn, v.v…
Trong hai trường hợp còn lại, tính danh không được xác định rõ.
(J.ter Haar 1992:19-20)
Đến thời Tống, những hiểu biết liên quan đến năng lực hàng ma
phục qủy và chữa bệnh của Thần Chú Đại Bi đã lan rộng nhanh
chóng. Mặc dù đôi khi giới tăng sĩ là người thực hiện năng lực
này nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa rằng việc trì tụng
thần chú chỉ giới hạn riêng cho họ. Tất cả mọi người, mọi giới,
đàn ông cũng như phụ nữ hầu như đã trì tụng thần chú này trên
căn bản thường xuyên. Bởi vậy mỗi khi sinh mệnh của họ bị hăm
dọa, thần chú đã tự động phát huy năng lực gia hộ. Một số tin
tưởng khác liên hệ với thần chú, cụ thể như năng lực chữa bệnh
của nước được gia trì chú nguyện Đại Bi, hay do trì chú mà được
tái sanh vào cõi Tịnh Độ cũng đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên
không có bằng chứng nào nêu lên cho thấy có người nào đã sử dụng
đến những nghi qủy mật tông hay những cách thức được chỉ bày
trong Thiên Thủ Kinh nhằm đạt đến những mục tiêu tâm linh hoặc
giải quyết những vấn nạn trong đời sống. Thần Chú Đại Bi như thế
đã hiện hữu một cách độc lập tách rời khỏi bộ kinh. Quần chúng
có thể đã tin tưởng mãnh liệt vào Chú Đại Bi với năng lực tiêu
trừ ma qủy mà không hề hay biết rằng thần chú này đã có liên
quan đến Bồ Tát Quán Âm. Chính đại sư Trí Lễ là người, khi soạn
ra sám pháp, đã đưa thần chú vào một khung cảnh tâm linh và cung
cấp cho ta một mối liên hệ lâu dài và sâu xa giữa thần chú, mười
lời nguyện về cứu độ phổ quát của Bồ Tát Quán Âm và những hiệu
quả lành mạnh của một sự sám hối đích thực. Cũng cùng một tiến
trình như vậy, bằng cách xây dựng nghi lễ trên căn bản học
thuyết cứu độ của Thiên Thai tông, đại sư Trí Lễ đã kết hợp một
nghi lễ mật tông vào truyền thống này. Ngài đã cho ta một nền
tảng mang màu sắc Thiên Thai trong việc trì tụng chân ngôn.
Thiên Thủ Thiên Nhãn Avalokitesvara như thế đã được hoá thân
thành một Đại Bi Quán Âm.
Nghi Thức Tiến Hành
Đại Bi Sám Pháp
của Ngài Trí Lễ
Theo Maria Reis-Habito, mối liên hệ khá rõ ràng đầu tiên về việc
trì tụng Chú Đại Bi như là một hành vi sám hối được tìm thấy
trong thời khoá nhật dụng của Thiền sư Trí Giác, tức Vĩnh Minh
Diên Thọ (904-976). Trong Trí Giác Thiền Sư Tự Hành Lục
do sư Văn Trùng (Sung) kết tập, đã liệt kê ra 108 công việc mà
thầy mình thực hiện hàng ngày, trong đó điều số 9 nói rõ,
“Tụng thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Thần Chú sáu lần mỗi ngày để
tiêu trừ các tội lỗi của tất cả chúng sanh trong Pháp Giới gây
ra bởi lục căn.” Điều 70 cũng nhắc đến thần chú này: “Vào
buổi tối, đốt hương cho tất cả chúng sanh trong mười phương và
trì tụng Chú Bát Nhã (thần chú trong Tâm Kinh) cùng Chú Đại Bi.
Nguyện cầu cho họ thấu suốt tâm mình để đạt đến tình trạng viên
mãn, sáng suốt như trí tuệ bát nhã” (HTC 111:155b, 161a;
Reis-Habito 1991:43-44). Đây là những mối liên hệ khá thích thú
vì cho ta thấy những bằng chứng quan trọng rằng ngài Diên Thọ là
một người tin tưởng vào việc trì tụng thần chú Đại Bi và đã sử
dụng thần chú này trong bối cảnh của một cuộc sám hối phổ quát.
Chắc chắn Thiền sư Diên Thọ là một nhân vật tăm tiếng đối với
ngài Trí Lễ, đang hành hoạt trong cùng một khung cảnh địa lý và
vẫn còn tại thế khi sư Trí Lễ bước vào tuổi thanh niên, thế nên
một điều hoàn toàn khá hợp lý là việc làm của ngài Diên Thọ đã
gây cảm hứng cho sư Trí Lễ trong việc tin tưởng và thiện cảm
đối với Chú Đại Bi.
Tuy nhiên ngài Diên Thọ đã không soạn ra nghi thức cho việc trì
tụng thần chú. Chính ngài Trí Lễ đã làm công việc này. Động cơ
nào đã thúc đẩy sư Trí Lễ áp đặt một khuôn khổ Thiên Thai lên
một cuốn kinh mật tông, Thiên Thủ Kinh? Mặc dù chúng ta đã không
tìm thấy một văn bản nào của ngài Trí Lễ liên quan về vấn đề này,
nhưng tạm thời có thể đưa ra lời lý giải căn cứ trên những điều
mà chúng ta được biết về thái độ của triều đình đối với Phật
giáo trong giai đoạn này. Ngài Trí Lễ đã sống ở một thời kỳ đang
có sự bảo trợ mạnh mẽ của triều đình trong việc phiên dịch những
kinh sách mới. Hoàng Đế Thái Tông đã cho thiết lập ba sảnh đường
để phiên dịch kinh sách tại Thái Bình Hưng Quốc Tự vào năm 980,
và hai năm sau đó đã chính thức cho thành lập một văn phòng
phiên dịch kinh sách Phật giáo. Vua là người kế tục công việc
khôi phục lại những công trình dịch thuật kinh
điển Phật giáo mà vương triều nhà Ðường đã bảo hộ trước đây vốn
đã bị suy sụp kể từ năm 810. Cho đến khi văn phòng này bị giải
thể vào năm 1082, trong hơn 100 năm, những hoạt động dịch thuật
đã lên đến cao điểm với 259 cuốn kinh gồm 727 phẩm đã được dịch
sang Hán văn, chỉ đứng hàng thứ hai sau kỷ lục dưới thời Ðường.
Thiên Tức Tai, người phiên dịch cuốn Ðại Thừa Trang Nghiêm Bảo
Vương Kinh (cuốn kinh đã nâng vị trí của Quán Âm như là một nhân
vật sáng tạo vũ trụ được đề cập đến trong Chương 2), là một
trong số những tăng sĩ ngoại quốc tham gia vào những công trình
dịch thuật này.
Hoàng Ðế Thái Tông đồng thời cũng đã phái những
tăng sĩ Trung hoa đi đến tận Tây Vực để tham cứu Phật pháp. Ðã
có những sự tiếp xúc giữa nhà Tống Trung quốc và Ấn Ðộ trong bốn
thập niên cuối của thế kỷ thứ 10 và nửa đầu thế kỷ thứ 11 (Jan
1967 :135 ; Huang 1990, 1995). Jan
Yun-hua đã nêu rõ rằng một số lượng lớn kinh sách được
dịch thuật trong giai đoạn này thuộc truyền thống mật tông. Việc
lựa chọn loại kinh điển này cũng như việc triều đình sủng ái
Thiên Tức Tai và các tăng sĩ Mật tông truyền giáo có vẻ như đã
gây nên một vài chống đối trong giới tăng sĩ bản xứ. Hoa Nghiêm,
Pháp Tướng Tông và Luật Tông vốn đã được triều đình sùng mộ kể
từ thời Ðường, thế nên để bảo vệ những lợi quyền của truyền
thống mình, những tăng sĩ thuộc các tông phái này có thể đã
không nhìn vào hướng phát triển mới này với tất cả thiện cảm
(Jan 1967 :136-38 ; 140-42). Tán Ninh (919-1001), tác giả
Tống Cao Tăng Truyện đồng thời cũng là một học giả của Luật
Tông, người chứng kiến những chiều hướng phát triển này, có thể
đã bày tỏ quan điểm phe phái của mình một cách gián tiếp khi lên
tiếng than phiền về việc thiếu kém những bậc tăng tài trong
truyền thống Mật tông đương thời khi viết về tiểu sử của ngài
Bất Không Kim Cương (Tsao 1990 :149-51) :
Ý Kiến [của Tán Ninh] :
Xét về mặt truyền thừa giáo pháp Mật tông, Trung Quốc xem ngài
Kim Cương Trí là vị tổ khai sáng, Bất Không Kim Cương là đệ nhị
tổ và Huệ Lãng là đệ tam tổ. Sau những vị này, người ta có thể
trông chờ những sự đổi thay, hoặc tốt hơn hoặc xấu hơn. Gần đây,
có rất nhiều chi phái xuất hiện, tất cả đều tự nhận rằng mình đã
được truyền thừa đại giáo pháp của Dư giáo (Mật tông). Với một
số lượng đông đảo các vị thầy Mật tông hiện nay, tại sao không
có vài người cho thấy được những quyền năng? Phải chăng giống
như [một câu truyện cổ tích nói về] những loài biết bay được gọi
là dư giáo đẻ ra những con rồng, những con rồng sinh ra loài
phượng hoàng rồi không lâu sau đó những con phượng hoàng chỉ
sinh ra những bầy gà. Chúng ta có hy vọng gì tránh khỏi những
đổi thay này không? (T 50 :714a ; Tso, 149).
Mặc dù vào thời Tống sơ, Thiên Thai Tông và
Thiền Tông chưa được phổ biến lắm ở triều đình và do đó vị thế
của họ không hề bị hăm dọa do việc triều đình sủng ái Mật tông,
tuy nhiên có thể không phải là chuyện ngẫu nhiên mà Trí Lễ và
người pháp hữu của mình, Tuân Thức đã soạn ra và bổ khuyết những
nghi lễ sám hối đặt căn bản trên những bộ kinh tuyên xưng Bồ Tát
Quán Âm. Với việc sử dụng khuôn khổ nghi thức của Thiên Thai
tông cho những nghi lễ mật tông này, họ đã không hề làm công
chuyện cạnh tranh với mật tông mà thật sự ra là đã Hán hoá
truyền thống này. Tuy nhiên cùng một lúc với việc đưa một số
phương thức hành trì mật tông -chẳng hạn như trì chú- vào dòng
chính của Phật giáo Trung Quốc, họ cũng đã góp phần vào việc
giúp cho Mật tông tồn tại ở Trung Hoa. Như một số học giả đã nêu
rõ là, cho dù triều đình đã rất mực ủng hộ Mật tông dưới đời
Ðường và các vương triều nhà Tống lúc ban sơ, điều này cũng đã
không tạo được điều kiện để cho Mật tông có thể thâm nhập vào xã
hội Trung Hoa. Người ta không thấy một sự ủng hộ cụ thể nào của
giới trí thức cũng như quần chúng (Chou 1944-45 :246 ; Jan
1967 :142). Thế nên, nếu như không có Tuân Thức và Trí Lễ đã đưa
một số yếu tố mật tông vào trong những nghi lễ mà họ sáng tạo,
những cách thức hành trì Mật tông có thể đã hoàn toàn biến mất
khỏi Phật giáo Trung Quốc. Tuy nhiên điều khá quan trọng mà
chúng ta cần nhận thức rõ là, họ đã không bảo tồn Mật tông như
là Mật tông mà thay vào đó đã bản xứ hoá nó bằng cách kết hợp
với giáo thuyết và phương thức thiền quán của Thiên Thai tông.
Trí
Lễ, Vị Thầy của Sám Pháp.
Ðại sư Trí Lễ, cũng giống như vị pháp hữu đương
thời Tuân Thức, là những người tin tưởng nhiệt thành vào giáo
thuyết và những phương thức thiền quán của Thiên Thai. Sư quê
quán tại Triết Giang, trung tâm chính của Phật giáo Thiên Thai
đời Tống. Hai vị tăng này là hai người bạn thân thiết mà cuộc
đời của họ có những điểm rất giống nhau. Ngài Trí Lễ có tục danh
là Kim, gia đình sinh sống tại Tự Minh (nay là thành phố Ninh
Ba). Ðây là một gia đình hiếm muộn nên cha ngài cùng với vợ đã
cầu nguyện với Ðức Phật để xin được cứu giúp. Thế rồi một đêm
ông ta nằm mơ thấy một vị tăng Ấn Ðộ mang đến cho mình một đứa
bé và bảo rằng, « Ðây là La Hầu La, con trai của Ðức Phật ».
Chẳng bao lâu sau đó thì bà vợ thụ thai. Khi Trí Lễ ra đời, ông
liền được đặt tên này. Lúc lên 7 tuổi thì mẹ ngài qua đời và
ngài đã không ngừng than khóc rồi xin với cha được đi tu. Ngài
thọ giới đàn năm 15 tuổi và ban đầu tu học theo Luật tông. Tuy
nhiên vào năm 979, khi lên 20 tuổi, ngài bắt đầu nghiên cứu giáo
lý Thiên Thai và theo tu học cùng với ngài Bảo Vân. Mặc dù đã
xuất gia, nhưng mối liên hệ giữa hai cha con ngài Trí Lễ vẫn rất
chặt chẽ. Trong năm tiếp theo, người cha lại nằm thấy một giấc
mơ khác về đứa con trai mình. Trong giấc mơ này, ông thấy ngài
Trí Lễ đang qùy trước thầy mình, Bảo Vân, người đang cầm một
chai nước đổ vào mồm người con. Từ đó trở đi, ngài Trí Lễ thông
suốt toàn bộ giáo lý của Thiên Thai tông. Và kể từ hai mươi hai
tuổi, ngài đã thường lên tòa giảng để thay thế thầy giảng pháp.
Vào năm 984 thì Tuân Thức tìm đến núi Thiên Thai
để học đạo với sư Bảo Vân. Ngài Trí Lễ đã xem Tuân Thức như là
một người bạn chân tình và đối đãi như anh em ruột thịt. Vào năm
1000, một cơn đại hạn hán đã bao trùm trên toàn huyện hạt. Ngài
Trí Lễ và Tuân Thức liền cho thực hiện Kim Quang Minh Sám Pháp
để cầu mưa (một nghi lễ dựa trên Kinh Kim Quang Minh, Survarna
–prabhasa Sutra). (5) Trong dịp
này, ngài đã phát nguyện sẽ cúng dường một cánh tay mình lên Ðức
Phật nếu như trong vòng 3 ngày mà trời không mưa. Tuy nhiên trời
đã mưa xuống trước kỳ hạn này. Viên thứ sử sở tại, Su-Chi
(987-1035), đã vô cùng cảm kích nên đã viết lại câu truyện về
phép lạ này đồng thời cho khắc lên bia đá để lưu lại cho hậu thế
(Getz 1994 :67). Vào năm 1016, ở tuổi năm mươi bảy, ngài Trí Lễ
phát nguyện rằng sẽ thực hiện Liên Hoa Sám Pháp trong ba năm
liên tiếp và sau khi hoàn tất sẽ tự thiêu để cúng dường thân xác
mình cho bộ kinh mầu nhiệm này cùng với hy vọng được thác sanh
vào cõi Tịnh Ðộ. Năm sau, 1017, ngài triệu tập đồ chúng lại và
dạy bảo rằng, «Có người đã hy sinh cả thân mạng mình cho nửa
bài kệ hay tự thiêu để cúng dường cho một câu kinh (Diệu Pháp
Liên Hoa). Ðó là vì cái tâm của bậc thánh nên dâng hiến trọn vẹn
cho Phật pháp. Ta nay muốn hy sinh thân mạng mình và cúng dường
thể xác này để cảnh tỉnh những kẻ biếng lười» (Tứ Minh Hành
Giáo Lục 1, T 46 :858a). Ngài đã đi đến một thoả thuận với mười
vị tăng khác cùng thực hiện dự án 3 năm này. Thế nhưng khi kế
hoạch tự thiêu này được tiết lộ, nhiều người đã cầu khẩn ngài từ
bỏ ý định trong đó kể cả Tuân Thức, nhà hàn lâm Dương Ức, viên
tổng đốc Li I-keng, cũng như vị phò mã đương triều Lý Tuân Hsu.
Cuối cùng ngài và mười vị tăng kia chấp thuận lời thỉnh cầu và
họ đã thực hành Ðại Bi Sám Pháp trong ba năm để thay thế việc tự
thiêu như kế hoạch ban đầu. Mặc dù người ta đã ngăn được ngài
thực hiện lời nguyện này, tuy nhiên được biết là sau đó đại sư
Trí Lễ cũng đã đốt ba ngón tay của mình để cúng Phật. (T
46 :858c).
Ngài Trí Lễ sẵn sàng hy sinh cánh tay mình để
cứu nạn hạn hán và sau đó phát nguyện tự thiêu để tuyên xưng
kinh Diệu Pháp Liên Hoa rõ ràng không phải là một thí dụ đơn lẽ,
nhưng là một biểu trưng của một niềm tin tôn giáo thịnh hành
đương thời. Tuân Thức được biết cũng đã có những ý định tương
tự. Tự thiêu hay tự hủy hoại một phần thân thể mình là một kiểu
cách rất phổ biến để bày tỏ đức tin tại Trung hoa trong thời
trung cổ, từ lâu đã là một khía cạnh quyến rũ đối với các nhà
học giả nghiên cứu tôn giáo (Gernet 1960 ; Jan 1965). Mặc dù
trước ngài Trí Lễ không thiếu gì những vị tăng sĩ đã tự thiêu
hay hy sinh huỷ hoại một phần thân thể mình để bày tỏ đức tin
đối với kinh Pháp Hoa, nhưng trong trường hợp của ngài Trí Lễ và
Tuân Thức, hành động này không phải chỉ đơn thuần biểu lộ niềm
tin tôn giáo, mà đồng thời động cơ thúc đẩy còn là ước muốn mang
lại phúc lợi cho chúng sanh. Dĩ nhiên, đây là một phương thức cổ
điển để thực hành Bồ Tát Ðạo như đã từng được tuyên xưng trong
các câu chuyện của Tiền Thân hay Thí Dụ Kinh (Jataka & Avadana).
Một thí dụ gần với thời đại và địa phương nhất là trường hợp tự
huỷ thân thể với ý nguyện cao đẹp của Lưu Bản Tuân (844-907),
người sau này đã được Triệu Trí Phong (1159-1249 ?) tôn xưng như
là ngũ tổ của Mật tông Trung quốc.
Trong những nỗ lực hoằng truyền chánh pháp của
Triệu Trí Phong, những bức tranh miêu tả hành động tự hy sinh
tột bực của Lưu đã được khắc vào vách đá tại ba nơi khác nhau ở
Tứ Xuyên. Một ở động Tì Lô Xá Na và hai chỗ khác trên núi Bảo
Đính, cạnh suối Đại Phật (địa phận Ta tsu)
(6), những cảnh miêu tả việc tự
hủy thân của Lưu cùng với lời dẫn giải hiện vẫn còn tồn tại.
Được biết dưới tên gọi “Thập Luyện Đồ” người ta thấy cảnh Lưu
đốt cháy ngón tay trỏ của bàn tay trái vào năm 886, đốt nhang
trên bàn chân trái mình vào năm 937, tự móc mắt phải và cắt tai
trái vào năm 939, cùng bốn hành động khác xảy ra vào năm 940 gồm
để một cây đèn cầy đang cháy trên phía trái tim cùng năm cây
hương trên đỉnh đầu, tự chặt đứt cánh tay trái, và bó vải được
nhúng sáp vào bộ phận sinh dục rồi đốt cháy trong một ngày một
đêm; và cuối cùng để những cây hương đang cháy trên hai đầu gối
của mình vào năm 941 (7). Lưu đã
nhận chịu tất cả sự hành xác này với ý nguyện là để giúp đỡ cho
những kẻ khác mà danh tính của họ đôi khi đã được xác định. Mặc
dù chúng ta không có cách nào để tìm hiểu xem liệu các ngài Trí
Lễ và Tuân Thức có hay biết gì về Lưu, hoặc những hành động của
Lưu có được kiểm chứng qua sử liệu hay không, truyền thống nối
kết việc tự hủy các bộ phận thân thể với lòng từ bi, quan tâm
đến phúc lợi của xã hội hiện vẫn còn rất quyến rũ và tiêu biểu
cho một kiểu mẫu tín ngưỡng Phật giáo phát xuất kể từ đời Tống.
Như đã trình bày ở trên, Trí Lễ giống như người
pháp hữu của mình, Tuân Thức, đã được biết đến như là “Bậc Thầy
về Sám Pháp”, là một người rất mực trung thành về những nghi lễ
sám hối của phái Thiên Thai. Kể từ năm 999, ngài đã dành trọn
thời gian của mình để thực hiện các pháp hội sám hối hoặc thuyết
pháp mà không hề rời khỏi chùa đến nửa bước. Ngài đã thực hiện
cả thảy 5 lần hai-mươi-mốt-ngày Liên Hoa Sám Pháp, 20 lần
bảy-ngày Kim Quang Minh Sám Pháp, 50 lần bảy-ngày A Di Đà Sám
Pháp, 8 lần bốn-mươi-chín ngày Thỉnh Quán Âm Sám Pháp, và 10 lần
hai-mươi-mốt-ngày Đại Bi Sám Pháp. Thêm vào đó chưa kể đến ba
năm Liên Hoa Sám Pháp và ba năm liên tục thực hiện Đại Bi Sám
Pháp như đã được đề cập đến trước đây.
(8)
Việc ngài Trí Lễ quan tâm nồng nhiệt đến vấn đề
nghi lễ, kể cả việc soạn ra bộ Đại Bi Sám Pháp, phải nên được
nhìn và hiểu thông qua quan điểm giáo thuyết của ngài trong cuộc
tranh chấp nội bộ về giáo lý giữa hai phái Sơn Gia và Sơn Ngoại
của Thiên Thai Tông xảy ra vào đời Tống. Ngài Trí Lễ được xem
như là người đại biểu chính thức của phái Sơn Gia mà đối với
ngài, câu nói nổi tiếng “ba ngàn thế giới chứa trong một sát na
của niệm” là một thực tế. Bồ đề và phiền não chẳng khác gì nhau,
thanh tịnh hay nhiễm trước cũng thế, tất cả đều hàm chứa trong
mỗi con người. Tuy nhiên không giống với phái Sơn Ngoại và những
môn nhân đệ tử của Thiền tông, những người luôn nhấn mạnh đến
bản chất hư vọng của vô minh, ngài Trí Lễ đã xem cái xấu ác và
bất tịnh là những gì rất thực mà người tu cần phải đối đầu. Nghi
lễ sám pháp vì thế đối với ngài rất quan trọng. Và cho dù phiền
não cũng như trí tuệ không thể bị tiêu trừ đi trong ý nghĩa tối
hậu, tuy nhiên thông qua thực hành tu tập, con người có thể thay
đổi được cục diện. Như chúng ta sẽ thấy trong Đại Bi Sám Pháp do
ngài Trí Lễ soạn, mặc dù ta không thể loại trừ được điều xấu ác
trong con người mình, nhưng bằng sám hối và nhận diện chúng với
Bồ Tát Quán Âm thông qua quán tưởng, ta có thể làm ngưng điều ác
và hoạt hoá trí huệ, mà cả hai vốn đã có sẵn trong ta từ thuở
ban sơ. Như thế, trong sám hội ta “đóng vai” Quán Âm chung cuộc
ta có thể hy vọng hành động thực sự như một vị bồ tát.
Vào năm 1021 lúc đại sư Trí Lễ được sáu mươi hai
tuổi, vị hoàng đế đương triều đã yêu cầu ngài thực hiện một Liên
Hoa Pháp Hội trong ba ngày đêm để cầu cho quốc thái dân an. Do
thỉnh cầu của vị hoạn quan cầm đầu nội cung, Du Nguyên Thanh,
ngài đã soạn ra cuốn “Tu Sám Yếu Chỉ”, qua đó đã giải
thích ý nghĩa của mười bước liên tục trong nghi lễ sám pháp Liên
Hoa Tam Muội. Bởi vì bộ Đại Bi Sám Pháp của ngài cũng đã được mô
phỏng từ nghi thức này, việc tìm hiểu nội dung của cuốn sách sẽ
giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc nhận thức quan điểm
tổng quát của ngài Trí Lễ đối với những nghi lễ sám hối. Cuốn
sách này vì thế là một tài liệu rất quan trọng. Trước tiên ngài
đã lược kê ra mười bước thực hiện Liên Hoa Sám Pháp như sau:
1)
Trang nghiêm và thanh tịnh hoá nơi hành lễ,
2)
Thanh tịnh bản thân,
3)
Tịnh tam nghiệp,
4)
Thỉnh Tam Bảo,
5)
Cầu nguyện Tam Bảo,
6)
Đảnh lễ Tam Bảo,
7)
Sám hối lục căn, cùng với bốn loại sám hối khác [nguyện
cầu Đức Phật, tuyên xưng công đức, hồi hướng công đức và phát
nguyện],
8)
Đi nhiễu quanh bàn thờ,
9)
Đọc kinh,
10)
Tọa thiền và chánh quán thật tướng. (T 46 :868a-870b)
Trong khi vẫn đi theo đúng những bước truyền
thống mà tổ Trí Giả đã vạch ra, ngài Trí Lễ đã gom phần tọa
thiền và chánh quán thật tướng vào một bước duy nhất vì tin
tưởng vững chắc vào việc đưa tất cả những nghi lễ hiện tượng
(sự) vào trong quán tưởng sâu xa về nguyên lý (lí).
Ngài Trí Lễ đã mở đầu phần nghị luận với việc
giảng thuyết về ý nghĩa và những phương pháp sám hối đồng thời
đưa ra lời chú giải về từng bước trong tiến trình nghi lễ, dài
nhất là các bước thứ (7) và (10). Đặt căn bản trên giáo lý Thiên
Thai, ngài Trí Lễ đã phân biệt ra ba loại sám hối: sám hối qua
những động tác trong nghi lễ (tác pháp sám), sám hối bằng
cách nắm bắt một hình tướng của Phật hay bồ tát (thủ tướng
sám), và sám hối bằng cách quán tưởng về vô sanh (vô sanh
sám). Loại sám hối thứ nhất liên hệ đến việc thực hiện những
hoạt động về thân và khẩu theo đúng những quy điều và cách thức
tiến hành đã được quy định. Loại sám hối thứ hai liên hệ đến
việc quán tưởng với sự tập trung tâm cao độ cho đến khi trông
thấy được hình tướng của một vị Phật hay bồ tát. Và cuối cùng là
loại sám hối được xem như quan trọng nhất, được ngài Trí Lễ giải
thích như sau :
Phải nên hiểu rằng tâm của ta nguyên thủy là
trống rỗng không tội cũng không phước vốn có một ông chủ. Khi ta
quan sát rõ cái hình tướng thật của nghiệp báo và thấy được gốc
nguồn của tội lỗi, ta nhận thức được rằng Pháp Giới đã được hợp
nhất một cách tuyệt hảo và cái như thị chân thật đó thật là tinh
khiết và trong sáng. Mặc dầu có đến ba phương pháp sám hối,
chúng được thực hiện một cách đồng bộ. Người ta có thể giảm nhẹ
cái trước nhưng không bao giờ được loại bỏ cái sau. Cái vô sanh
là quan trọng nhất, trong khi phép quán tưởng hình tướng tương
đối ít quan trọng hơn. Sở dĩ như vậy là vì giáo lý về diệu quán
đứng hàng đầu trong tất cả những giáo lý của Đại thừa. Sự tiêu
trừ tội lỗi cũng giống như thí dụ của cỏ và cây héo úa khi đất
bị cày lên. Sự biểu hiện của hạnh đức cũng giống như thí dụ của
muôn ngàn hình tướng được phơi bày ra một cách toàn diện khi
giòng sông được chiếu sáng. Ta nên dùng phép quán sâu xa về
nguyên lý (lí quán) để soi sáng việc thực hiện mặt nghi
lễ hiện tượng (sự nghi). Hiểu biết như vậy thì mỗi cái
qùy lạy, mỗi vòng đi nhiễu sẽ làm tiêu trừ tội lỗi của không
biết bao nhiêu a tăng tỳ kiếp, và việc cúng dường mỗi cây đèn
mỗi giọt nước sẽ tạo ra vô vàn phước báu lớn như cõi hư không.
Thế nên một khi dùng lời để nhận những tội lỗi gây ra bởi sáu
căn, ta nên nhớ phải thực hiện cả ba cách sám hối. Khi tâm của
ta ở trong một tình trạng được tập trung như thế, chỉ lúc đó ta
mới có thể thực hành nghi lễ Liên Hoa Tam Muội (HTC 100:905a)
(9).
Ngài Trí Lễ đồng thời cũng đã đưa ra những lý
giải sâu xa hơn về việc sám hối và phép quán tưởng về thật
tướng, tức là bước thứ bảy và thứ mười trong Liên Hoa sám pháp :
Việc đầu tiên khi ta thực hành sám hối được gọi
là phơi bày tội lỗi. Tại sao như thế? Thì cũng giống như rễ của
cỏ cây héo úa khi bị phơi bày ra nhưng sẽ sum sê lớn mạnh khi
được che đậy, tương tự như vậy, rễ của điều thiện nên được che
lại để cho tất cả mọi thiện hành có thể lớn dậy, thế nhưng rễ
của điều ác nên được phơi bày ra để cho tất cả mọi ác hành có
thể bị tiêu diệt. Thập-tâm lội theo dòng và lội ngược dòng
(nghịch thuận thập tâm) dẫn đến hai bến bờ của vô minh và
giác ngộ. Khi một người bị vô minh che lấp thực tại và tạo nên
ác nghiệp, thập-tâm trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi đi
ngược lại con đường dẫn đến niết bàn. Khởi đi từ vô minh vô
thủy, dục vọng và tà kiến trổi dậy dẫn dắt con người đến tình
trạng của một nhất-xiễn-đề (icchantika).
(10) Lìa bỏ niềm tin vào luật
nhân quả, con người sẽ mãi đắm mình lặn hụp trong biển sinh tử
không còn hy vọng có ngày được thoát ra. Thế nhưng bây giờ ta có
được cơ duyên hiếm hoi biết đến Tam Bảo, ngay bất cứ lúc nào
khởi lên được một niệm về chánh tín, ta có thể chỉnh lưu quá khứ
và vun trồng tương lai bằng cách phát khởi thập-tâm hướng đến
niết bàn, đi ngược lại dòng luân hồi sinh tử.
(11) Bắt đầu với niềm tin sâu xa
vào luật nhân quả, ta sẽ đạt đến thực chứng viên mãn rằng bản
chất của tâm vốn tịch tĩnh. Mỗi một thập-tâm trước đây sẽ bị lật
nhào và tiêu hủy. Nếu ta không hiểu được cái thập-tâm cũ, ta
cũng sẽ không hiểu được tại sao tội lỗi được tạo ra. Nếu ta
không hiểu được cái thập tâm mới sau này, ta không thể nào thực
hành được việc sám hối. Một cách tóm tắt: bản tánh của tất cả
tội lỗi không khác với bản tánh của thực tướng. Thập ác, ngũ
nghịch, tứ ba-la-di giới và bát tà đạo (trái ngược với bát chánh
đạo) tất cả đều là những cánh cửa pháp về nguyên lý của độc
(lí độc) cũng như là những chức năng nguyên thủy của bản
tánh bị nhiễm trước (tính nhiễm). Một người đạt được sự
thực chứng này thì được gọi là người thực hành sám hối (năng
sám). Đồng thời cũng được gọi là quán sát sâu xa về hiện
tượng (sở quán). Mê và ngộ nguyên thủy vốn không hai. Lí
và sự cuối cùng vẫn là một. Một khi mà cái ngăn che và cái bị
ngăn che cả hai được mang đến điểm tột cùng, cái sám hối và cái
được sám hối đều cùng được quên đi, ta không làm gì cả mặc dù
ta thực hành tinh tấn mỗi ngày. Điều này được gọi là Vô Tội
Tướng Sám Hối và cũng còn được gọi là Đại Trang Nghiêm Sám Hối
hay Tối Thượng Đệ Nhất Sám Hối. Ta nên đi vào sự quán tưởng về
nguyên lý vô sanh này như là vị chủ lễ và việc thực hiện các
nghi lễ điều hợp các điều kiện. (T 46 :869a-b).
Ngài Trí Lễ đã gọi bước thứ mười và cũng là bước
cuối cùng trong Liên Hoa Tam Muội Sám Pháp là “phương pháp
tọa thiền và chánh quán về thực tướng”, xem đó như là mục
tiêu tối hậu của toàn bộ nghi lễ. Ngài đã liên hệ đến phần này
như là “chánh tu” bởi vì hành giả hoàn toàn tập trung
quán tưởng về lí, trong khi mà cho tới điểm này, mặc dù lí đã bị
lôi cuốn vào (để cho tâm của một người đã trở nên tập trung để
có thể thấy được lí-sự viên dung), cái “sự tu” -hiện
tượng tu tập- mới là mối quan tâm ngay chính lúc này của hành
giả. Nhưng làm thế nào để một người thực hiện việc quán tưởng?
Theo ngài Trí Lễ, cái này được gọi là “quán môn”:
Đây là buông bỏ ngoại giới cho nội giới, đi tìm
kiếm cái tâm và loại trừ mọi sắc tướng. Không nên tìm kiếm bất
cứ một pháp nào khác và xem đó như là điều kiện để tu tập. Chỉ
quan sát [và quán tưởng] vào cái niệm hiện tại này mà ta đang
có. Cái niệm vi tế nhất chợt thoáng qua mới đúng là cái quan
trọng nhất. Tại sao ta vứt bỏ cái niệm hư vọng này để đi tìm cái
Như Thị? Ta nên quan sát cái nhất niệm này như là vô hạn trong
cái dụng và vô tận trong cái thể của nó. Tất cả thập phương chư
Phật, muôn loài chúng sanh, quá khứ, hiện tại, vị lai, hư không
giới và tất cả sơn hà đại địa đều có mặt ở trong đó không một
miễn trừ. Giống như một hạt châu trong võng lưới Đế Thích hay là
một lượn sóng trong biển cả bao la. Sóng không hề có một bản thể
nào khác mà là được hình thành bởi toàn thể đại dương. Bởi vì
đại dương không giới hạn, cũng vậy sóng không có biên giới. Mặc
dù một hạt châu rất là bé nhỏ, nó phản chiếu tất cả mọi hạt châu
khác. Những phản chiếu của tất cả những hạt châu khác đều được
chứa đựng trong một hạt châu. Thế nên nhiều hạt châu không phải
là nhiều mà một hạt châu cũng không phải là ít. Cái nhất niệm mà
ta đang có cũng tương tự như thế. Bản thể của nó xuyên suốt qua
tam giới và tự tánh của nó tỏa rộng khắp mười phương. Không có
gì là không được chứa đựng trong đó và không có gì là không do
nó sinh ra... Bây giờ ta nên quan sát một chân lý rằng vạn pháp
không khác gì Nhất Tâm, và Nhất Tâm không khác gì vạn pháp. Đừng
bao giờ nghĩ rằng cái Nhất Tâm sinh ra vạn pháp, cũng như cái
Nhất Tâm chứa đựng vạn pháp. Không nên thiết đặt sự phân chia
nhị nguyên giữa cái trước với cái sau, hoặc chủ thể và đối thể.
Mặc dù chúng ta nói đến vạn pháp, bản thể và đặc tánh của chúng
nguyên thủy đều rỗng không. Mặc dù chúng ta nói đến Nhất Tâm,
thánh và phàm đều được phân biệt. Phá tức là xây. Không có cái
gì vừa hiện hữu vừa không hiện hữu. Ta cũng nên quên luôn cả
ngoại giới lẫn quán chiếu nội tâm, và cắt lìa sự đối lập của cả
hai. Bởi vì nó không thể diễn tả được bằng lời cũng như được
khái niệm hoá bằng ý, nếu ta bị buộc phải gán cho nó một cái
tên, ta muốn gọi nó là bất tư nghị diệu quán. Cái quán tưởng này
không những chỉ hủy diệt cái lớp vỏ bọc giới hạn ngoài cùng
của mọi tội lỗi, mà còn mở ra được nguồn suối sâu sắc nhất về
lí. (T 46 :870a-b).
Cẩm
Nang Hướng Dẫn Thực Hành
Đại Bi
Sám Pháp
Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào bản hướng dẫn thực
hành Đại Bi Sám Pháp của ngài Trí Lễ một cách chi tiết. Trong
Lời Tựa, ngài Trí Lễ có nói rằng mặc dù ngài đã thuộc nằm lòng
Chú Đại Bi ngay từ hồi còn bé, nhưng đã không biết phải trì tụng
như thế nào cho đúng phương pháp (trì pháp). Sau này, khi
bắt đầu tu tập theo phương pháp thiền định của Thiên Thai và
nghiên cứu cuốn kinh Thiên Thủ Kinh, ngài thấy rằng nó có thể
phục vụ cho cả hai mục đích vừa khai mở trí huệ thông qua thiền
quán (quán huệ) đồng thời thỏa mãn yêu cầu về việc thực
hiện nghi lễ (sự nghi). Thế nên ngài đã soạn cuốn hướng
dẫn này trước tiên là để cho chính mình dùng. Trong bốn cách
phân loại thiền định của ngài Trí Giả thì loại này có thể được
sắp xếp vào loại cuối cùng, không phải thiền hành mà cũng không
tọa thiền, hay được gọi là Tùy Từ Ý thiền (giữ cho tâm
luôn tỉnh thức bất cứ nơi đâu mà nó hướng đến). Sám pháp này
được thực hiện trong 21 ngày và bao gồm 10 công đoạn:
1)
Trang nghiêm thánh hoá nơi hành lễ;
2)
Tịnh tam nghiệp (thân, khẩu, ý);
3)
Tạo cho mình một khu vực riêng biệt để hành lễ;
4)
Cúng dường phẩm vật;
5)
Thỉnh Tam Bảo và chư thiên;
6)
Cầu nguyện;
7)
Đảnh lễ;
8)
Phát nguyện và trì tụng chú;
9)
Sám hối;
10)
Thực hành quán niệm.
Như ta biết, ngài Trí Lễ đã dùng Liên Hoa Tam
Muội làm kiểu mẫu cho sám pháp này. Tuy nhiên khi so sánh mười
công đoạn trong sám pháp này với Liên Hoa Tam Muội, ta thấy ngài
Trí Lễ đã thay thế việc đi nhiễu quanh bàn thờ và đọc kinh Pháp
Hoa bằng đảnh lễ, phát nguyện và tụng chú Đại Bi.
Ngài Trí Giả trước đây đã phân biệt ra ba loại
sám hối là tác pháp sám, thủ tướng sám, và vô
sanh sám. Cuốn cẩm nang hành lễ của ngài Trí Lễ đã rút ra
những yếu tố từ cả ba phương cách sám hối này. Để có thể có được
một cái nhìn rõ ràng hơn về sám pháp của ngài Trí Lễ, ta hãy đọc
nội dung một số đoạn nói về nghi thức hành lễ do ngài soạn ra:
-
Kinh dạy,
“Người trì tụng chú nên ở nơi tịnh thất, treo phan đốt đèn,
dùng hương hoa cùng các thức ăn uống để cúng dường.” Cuốn
Thỉnh Quán Âm Nghi được lưu trữ trong Bách Lục tại chùa Quốc
Thanh có nói, “Người trì tụng nên trang hoàng nơi hành lễ bằng
cách rải đất thơm, treo phan che màn. Để một tôn tượng của Đức
Phật quay mặt về hướng Nam và tôn tượng của Bồ Tát Quán Âm
quay về hướng Đông.” Trong sám hội này, ta nên dùng hình tượng
Thiên Thủ Thiên Nhãn Avalokitesvara, hoặc Quán Âm 40 tay. Nếu
không có thì dùng hình tượng 6 tay hay 4 tay cũng được.
Trong trường hợp không có các hình tượng trên, ta có thể dùng
bất cứ hình tượng Quán Âm nào. Nếu không có hình tượng Quán Âm
thì có thể dùng hình tượng của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hoặc
Bồ Tát Phổ Hiền để thay thế. Mười hành giả nên ngồi trên nền
nhà mặt quay về hướng Tây. Nếu mặt đất bị ướt hay nghiêng thì
có thể ngồi trên ghế đẩu thấp. Phải cúng dường vật phẩm hàng
ngày tùy theo khả năng. Nếu gặp khó khăn thì cố gắng cúng
dường thật tốt vào ngày đầu tiên. Buổi lễ sẽ kéo dài trong 21
ngày. Không được rút ngắn lại.
-
Tịnh hoá tam
nghiệp. Cả Kinh lẫn Liên Hoa Tam Muội đều yêu cầu người tham
dự sám hội phải tắm rửa, thay y phục sạch sẽ và luôn giữ gìn
thân, ý. Ngay cả nếu không dơ cũng phải tắm rửa mỗi ngày.
Trong suốt thời gian sám hội, không được nói chuyện vặt, không
được tham dự vào việc giải trí vui chơi ngoài xã hội, hoặc lễ
hội chúc mừng; không được suy nghĩ đến chuyện đời dù chỉ trong
một giây phút mà phải luôn luôn hướng tâm theo đúng những lời
dạy ở trong Kinh. Những lúc được nghỉ để ăn uống, tâm cũng
phải được giữ trong tình trạng như vậy không được lơ là. Trở
lại nơi hành lễ ngay lập tức khi xong việc, không được tìm cớ
để la cà ở chỗ khác. Một điều cần thiết là nên hiểu rõ ràng về
hành động của thân, cái gì được phép làm, cái gì bị cấm, lúc
nào phải im lặng, lúc nào được tỏ bày ý kiến, dừng lại như thế
nào và thiền quán cách nào.
-
Trong ngày đầu
tiên của sám hội, trước khi chính thức đảnh lễ, tất cả hành
giả phải tạo cho mình một khu vực riêng và sẽ hành lễ trong
phạm vi đó. Phạm vi của khu vực như thế có thể được phân ranh
giới bằng dao kẻ, nước, hột cải trắng, tro sạch, chỉ ngũ sắc,
hoặc cái gì có thể trông thấy được, sau khi đã được gia trì
lên đó 21 biến chú Đại Bi như đã được quy định ở trong Kinh.
-
Sau khi đã tạo
cho mình một chỗ như vậy rồi, đứng trước tôn tượng Thiên Thủ
Thiên Nhãn và quán chiếu như thế này: Không có sự khác biệt ở
thân và tâm giữa Tam Bảo cũng như toàn thể chúng sanh trong
Pháp giới và chính mình. Những vị Phật là những đấng đã hoàn
toàn giác ngộ, trong khi toàn thể chúng sanh vẫn còn đang sống
trong mê mờ. Để cứu độ chúng sinh, con nay xin quy kính Tam
Bảo để xoá đi những chướng ngại gây ra bởi vô minh từ bao đời.
Với những quán chiếu này, tất cả mọi người đều qùy xuống. Vị
sám chủ thực hiện nghi lễ niệm hương và đọc bài kệ :
Nguyện mây hương màu này
Khắp cùng mười phương cõi
Cúng dường tất cả Phật
Tôn Pháp, các Bồ Tát
Vô biên chúng Thanh văn
Và cả thảy Thánh hiền
Duyên khởi đài sáng chói
Trùm đến vô biên cõi,
Khắp xông các chúng sanh
Đều phát lòng Bồ đề
Xa lìa những nghiệp vọng
Trọn nên đạo vô thượng
-
Trong khi đang
qùy và niệm hương, hành giả nên tiếp tục quán chiếu như thế
này, “Mặc dầu Tam Bảo đã được giải thoát khỏi mọi chướng ngại
và đạt đến cõi tịnh, nhưng vì lòng từ bi vô hạn, nếu được cung
thỉnh với tất cả tâm thành, các ngài sẽ đến cõi đời này để
giải trừ khổ đau và ban bố hạnh phúc cho chúng sanh.” Nghi lễ
sau đó được tiếp tục với công thức cung thỉnh bắt đầu với,
“Nhất tâm đảnh lễ: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn,” và tiếp
theo là Phật A Di Đà, Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Phật, Chánh
Pháp Minh Như Lai [Quán Âm], Đại Bi Chú, và tất cả các Bồ Tát,
chư thiên, chư thần được đề cập đến trong Thiên Thủ Kinh.
-
Không có kệ
cầu nguyện ở trong bản kinh. Đây là lời nguyện được sáng tác
ra cho bộ sám pháp này :
Kính
lạy đời quá khứ,
Chính Pháp Minh Như Lai.
Chính là đời hiện nay,
Quán Thế Âm Bồ Tát,
Bậc thành công đức diệu,
Đủ lòng đại từ bi,
Nơi trong một thân tâm
Hiện ra ngàn tay mắt
Soi thấu khắp pháp giới
Hộ trì các chúng sanh
Khiến phát lòng đạo sâu
Dạy trì chú Viên Mãn
Cho xa lìa đường ác
Được sanh trước Như Lai
Những tội nặng vô gián
Cùng bịnh ác lâm thân,
Khó nỗi cứu vớt được
Cũng đều khiến tiêu trừ
Các tam muội, biện tài
Sự mong cầu hiện tại
Đều cho được thành tựu
Quyết định chẳng nghi sai
Khiến mau được ba thừa
Và sớm lên quả Phật
Sức oai thần công đức
Khen ngợi chẳng hay cùng!
Cho nên con một lòng
Quy mạng và đảnh lễ
Khi phát lời cầu nguyện đến Bồ Tát Quán Âm qua bài kệ này, ta
phải thật thành tâm, và nếu cầu nguyện cho chính bản thân mình,
phải có trí huệ để lời nguyện phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, ta
không nên cầu cho mình được kéo dài thọ mạng. Nên nhớ rằng tâm
của ta phải luôn hướng về phúc lợi của toàn thể chúng sanh. Chỉ
khi nào ta tập trung và thành tâm, lời nguyện cầu mới được đáp
ứng. Đừng bao giờ xem nhẹ việc này.
-
Bởi vì bản chất của Tam Bảo là lòng từ vô
lượng và luôn luôn muốn cứu vớt chúng sanh, ta phải nên tin
rằng họ đang hiện diện trong sám hội này mặc dù mắt trần của
chúng ta không thể trông thấy được. Thế nên bạn phải dâng
hương, đảnh lễ đầu cúi sát trên mặt đất với hết lòng tôn
kính. Bất cứ lúc nào nghe đến danh hiệu của Thần Chú Đại Bi và
Quán Âm, ta phải đảnh lễ ba lần. Các danh hiệu của chư thiên,
chư thần thì không phải làm như thế.
Phần tiếp theo cũng là phần dài nhất là phát
nguyện và trì tụng thần chú. Trong phần này, ngài Trí Lễ đã lý
giải pháp hành riêng biệt của mình trên cơ sở của học thuyết
Thiên Thai. Sau đó là đến phần xưng tội và sám hối. Buổi lễ được
kết thúc khi người tham dự sám hội rời khỏi khu vực hành lễ
riêng biệt của mình đi đến thiền đường để thực hành quán tưởng.
Khi chúng ta nghiên cứu những hướng dẫn của ngài
Trí Lễ trong cuốn cẩm nang thực hành Đại Bi Sám Pháp, một điều
khá rõ ràng là không những ngài đã dùng cấu trúc của Liên Hoa
Tam Muội mà còn sử dụng cả nghi thức hành lễ của sám pháp này
như một mẫu mực. Như đã được nêu ra trước đây, mặc dù ngài đã
thay thế việc tụng kinh Pháp Hoa bằng trì chú Đại Bi, thế nhưng
cái nền tảng thể hiện ra của sám pháp này vẫn được đặt căn bản
một cách vững chắc trên hai điểm trọng yếu của Thiên Thai về
hiểu biết giáo nghĩa và thực hành thiền quán. Cũng giống như
ngài Trí Giả và Trạm Nhiên trước đây, ngài Trí Lễ đã khẳng định
việc phối hợp giữa những động tác trong nghi lễ (sự) với việc
quán tưởng về nguyên lý (lí), cũng như về ba loại sám hối mà qua
đó tất cả các sám pháp của Thiên Thai được thiết kế để hoàn
thành. Giống như “Thỉnh Đức Đại Bi” hoặc là những bản kinh chép
tay rút ra từ Thiên Thủ Kinh được tìm thấy tại Đôn Hoàng, bản
cẩm nang thực hành của ngài Trí Lễ đã xem nặng việc phát mười
đại nguyện và trì tụng thần chú Đại Bi như là những chủ đề trung
tâm của cuốn kinh. Tuy nhiên những lời nguyện này đã được ngài
hoàn toàn hướng vào một lời chú giải nguyên thủy vận dụng những
luật tắc về lý giải kinh điển rất tinh vi và phức tạp của Thiên
Thai tông. Những lời nguyện vì thế không còn là những ước vọng
đơn thuần của một người tín đồ thuần thành chất phác, mà trở
thành những cánh cửa qua đó mười phương thức thiền quán căn bản
có thể được thực hành.
Cũng tương tự như thế, khi dùng lối chú giải của
Thiên Thai luận bình về “chín loại tâm” được gọi là “hình trạng
và tướng mạo” của thần chú, ngài Trí Lễ đã làm cho cái ý nghĩa
đáng suy gẫm của chúng trở thành cái bầu khí của toàn thể buổi
lễ khi mỗi hành giả tham dự sám hội rút vào thiền quán một mình.
Với cung cách này chẳng khác gì ngài đã chuyển hoá thần chú từ
bùa chú thần bí trở thành một cửa ngỏ bước vào giác ngộ. Cũng
theo ngài Trí Lễ, tình trạng nhất tâm mà hành giả đạt được hiện
nay sẽ không khác gì với thực tại tuyệt đối trong đó bao gồm cả
chư Phật và chúng sanh, chân lý và hư vọng, từ đây bất cứ cái gì
một người nghĩ đến cũng đều trở nên vô cùng quan trọng. Từ luận
lý này của ngài Trí Lễ, đi một bước xa hơn, nếu một người nghĩ
đến Quán Âm và rồi ăn năn về tội lỗi của mình thì cũng giống như
nói rằng bản tánh của hư vọng và bản tánh của trí tuệ đều luôn
luôn là những thành phần trong một con người; nếu năng lực của
cái sau tăng lên thì cái trước sẽ giảm xuống. Bởi vì “Quán Âm là
bản tánh nguyên thủy của chúng ta”, như cách nói của ngài Trí
Lễ, một điều hoàn toàn dễ hiểu là tại sao nghi thức sám pháp này
có thể được dùng như là một phương tiện thiện xảo để chuyển hoá
tâm linh. Và đó cũng là điều khá dễ hiểu tại sao ngài Trí Lễ lại
soạn ra một bộ sám pháp mới đặt căn bản trên cuốn Thiên Thủ
Kinh. Bởi vì bộ kinh này và đặc biệt là Thần Chú Đại Bi đã rất
phổ biến dưới thời Tống, và bởi vì Bồ Tát Quán Âm đã được thờ
phượng tại Trung Quốc hơn sáu trăm năm, quả là chuyện không có
gì hợp lý hơn khi lấy một bộ thần chú quen thuộc và một vị Bồ
Tát được mọi người yêu mến để biến thành những phương tiện trợ
duyên cho sự cứu độ và giác ngộ của chúng ta? Tuy nhiên khi làm
công việc này, ngài Trí Lễ đồng thời cũng đã rất thành công
trong việc bản địa hoá một bộ kinh mật tông.
Như điều mà ngài Trí Lễ nêu rõ trong cuốn cẩm
nang thực hành, Đại Bi Sám Pháp rất tiện ích cho tất cả mọi
người, giới tăng sĩ cũng như cư sĩ, trí thức cũng như bình dân.
Mặc dù nhấn mạnh đến tính cách quan trọng của thiền quán, ngài
cũng đã tạo điều kiện thích hợp cho những ai không thể thực hiện
được việc này. Bất cứ lúc nào mà một người có đức tin và trì
tụng thần chú với tất cả tâm thành, ngài đảm bảo với họ rằng, họ
có khả năng vượt qua những nỗi khó khăn trong đời sống và chắc
chắn sẽ tái sanh vào cảnh giới Tịnh Độ, cũng như đạt đến sự phát
triển tâm linh, kể cả kinh nghiệm nhìn thấy được Bồ Tát.
Với những bằng chứng cụ thể, một điều hiển nhiên
là Thần Chú Đại Bi đã rất phổ biến dưới thời ngài Trí Lễ. Tuân
Thức được biết cũng là người tin tưởng mãnh liệt vào Thần Chú.
Cụ thể như khi ngài đứng ra xây dựng sảnh đường Kim Quang Minh
Sám của chùa Thiên Trúc Hạ tại Hàng Châu, ngài đã tụng bảy biến
thần chú mỗi khi một cái cột được dựng lên và mỗi viên gạch được
đặt xuống (12). Hai trường hợp
được nói đến trong Phật Tổ Thống Kỷ cho ta thêm vài thông
tin về tính cách phổ thông của thần chú và Đại Bi sám pháp dưới
thời Tống sơ. Sư Huệ Tài (997-1083), một đệ tử của ngài Tuân
Thức, là một tín đồ thuần thành trong việc trì Chú Đại Bi. Lúc
còn trẻ sư không được thông minh cho lắm và không thể nào hiểu
được giáo lý Phật giáo. Thế rồi sư chuyên tâm trì tụng chú Đại
Bi, luôn luôn cầu nguyện rằng mình sẽ được thông suốt giáo nghĩa
của Thiên Thai. Một đêm sư nằm mơ thấy một vị tăng Ấn Độ rất cao
lớn đến bảo, “Huệ Tài, ngươi nên ghi nhớ đến ta suốt cả đời
ngươi!” Rồi vị tăng cởi áo cà sa của mình mặc vào cho sư. Sáng
hôm sau, khi dự lớp học giáo lý, sư Huệ Tài bỗng nhiên hiểu hết
tất cả những gì nghe được và từ đó trở đi thông suốt hết mọi
giáo lý. Trong những năm về sau, sư sống gần tháp Lai Phong ở
Hàng Châu, mỗi ngày tụng 108 biến Thần Chú Đại Bi, cùng niệm
danh hiệu Phật A Di Đà cả ngày lẫn đêm trong tư thế đứng với một
chân (T 49 :215b-c).
Còn chuyện liên quan đến sám pháp không thể
không nhắc đến trường hợp của sư Huệ Châu, người cùng thời và là
một trong mười nhà sư tham dự ba năm Đại Bi Sám Hội cùng với
ngài Trí Lễ vào những năm đầu của niên hiệu Thiên Thanh đời Bắc
Tống (1023-1032). Việc ngài Trí Lễ hoàn tất ba năm dài sám hội
vào năm 1020 chắc chắn là đã gây cảm hứng cho sư Huệ Châu theo
gót, và đồng thời sư cũng đã thực hiện một sám hội ba năm về Bồ
Tát Phổ Hiền với mười bốn tăng sĩ đồng môn khác. Lúc khởi đầu
sám hội này, sư đã lập nguyện trước tôn tượng của Bồ Tát rằng
nếu sám hội hoàn thành viên mãn, sư sẽ tự thiêu để cúng dường.
Sám hội kết thúc, sư Huệ Châu đã giữ tròn lời nguyện, ngồi một
cách thanh thản giữa ngọn lửa cháy trong dàn củi do nhà chùa và
những người Phật tử thuần thành mang đến (T 49 :216b).
Đại Bi Sám Pháp có được thực hiện thường xuyên
và việc trì tụng Chú Đại Bi có nằm trong nhật khoá của thiền môn
dưới đời Tống như bây giờ hay không? Cuốn sách sớm nhất ghi lại
luật tắc ở chùa chiền còn tồn tại là cuốn Thiền Uyển Thanh
Quy do Trương Lô Tông Trách kết tập vào năm 1103 đã không
cho thấy điều đó. Trong suốt cuốn sách, chỉ có một câu hỏi duy
nhất liên quan đến Đại Bi Quán Âm là câu hỏi số 21, “Bạn có thể
giống được như Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn hay không ?”. Đây là
một trong số “Một Trăm Hai Mươi Câu Hỏi” mà một hành giả Thiền
tông nghiêm chỉnh phải tự nêu lên để xét mình hàng ngày (Yu
1989 :101). Có thể điều này liên hệ đến nhu cầu thiết tha sống
theo tiêu chuẩn đặt ra cho một vị bồ tát.
(13)
Việc trì tụng Chú Đại Bi trong những trường hợp
đặc biệt đã được đặc biết nhấn mạnh đến trong Sắc Tu Bách
Trượng Thanh Quy (Những Quy Luật của Bách Trượng, do Sắc
Lệnh của Triều Đình), do Đắc Huệ (1142-1204) kết tập lần đầu
tiên và bản tu chính đã được ấn hành vào năm 1338 dưới thời
Nguyên. Thần chú “được trì tụng trong những lễ hội kỷ niệm các
vị tổ sư Thiền Tông, những vị sáng lập các tự viện, cũng như cầu
an cho hoàng đế -mà hiện nay phái Tào Động vẫn còn tiếp tục giữ
truyền thống này vào ngày rằm mỗi tháng-, trong nghi lễ cầu mưa,
và trong tất cả các tang lễ của tăng sĩ và các vị trú trì. Cuốn
quy luật này cũng khuyến khích giới cư sĩ thuần thành tập trung
tham dự trì tụng thần chú, cho thấy một điều khá rõ là những
hiểu biết về cách sử dụng thần chú không phải chỉ giới hạn trong
giới tăng già, mà đồng thời cũng rất phổ thông cả trong giới cư
sĩ tại gia” (Reis-Habito 1993 :310). Điều này cũng đã được áp
dụng trong các tự viện của Thiên Thai Tông mà theo sách Tăng
Tu Giáo Uyển Thanh Quy do Tự Khánh soạn vào năm 1347 cho
biết là việc trì tụng Chú Đại Bi cũng đã được thực hiện trong
những trường hợp tương tự như trên. Hơn thế nữa, cuốn sách này
còn có một phần nói về “phương pháp thực hành Đại Bi Sám Pháp”
quy định cách thức thế nào để thực hiện sám pháp này vào ngày
thứ hai mươi mốt của tháng thứ tư (HTC 101 :751a). Chiều hướng
tiến triển từ việc sử dụng chú Đại Bi trong những dịp đặc biệt
đến việc được đưa vào thời khoá tụng niệm hàng ngày dưới đời
Thanh như được minh chứng qua Thiền Môn Nhật Khoá tuy tiệm tiến
nhưng là điều hợp lý. Cũng vậy, việc thực hành Đại Bi Sám Pháp
đồng thời cũng trải qua một cuộc diễn biến song hành từ chỗ bất
định kỳ đến thường xuyên.
Khi tính cách phổ thông của thần chú và Đại Bi
Sám Pháp ngày càng phổ biến rộng rãi dưới thời Tống, những nhắc
nhở liên quan đến Đại Bi Quán Âm đã bắt đầu được thấy xuất hiện
trong các tác phẩm khác. Bích Nham Lục, một tác phẩm sưu
tập các công án nổi tiếng dưới thời Tống do ngài Tuyết Đậu Trùng
Hiển (980-1052) kết tập, đã có liên hệ đến. Công án 89 nêu câu
hỏi, “Tay và mắt của Đại Bi Bồ Tát dùng để làm gì?”. Công án thứ
54 trong Tụng Dong Lục, một bộ sưu tập công án nổi tiếng
khác do Vạn Tùng Hành Tú (1156-1236 hoặc 1166-1246) kết tập cũng
đã có cùng một câu hỏi nội dung tương tự như vậy (T48 :261a-c).
Quán Âm ngàn tay cùng với ngàn mắt nhìn ra từ
lòng bàn tay cũng là một đề tài làm say mê các nhà mỹ thuật và
thi sĩ dưới thời Tống. Những họa phẩm về Đại Bi, như tác phẩm
được trưng bày tại Bảo Tàng Viện Quốc Gia, Đài Bắc, và những
hình tượng về chủ đề này rất phổ thông dưới thời Tống. Mặc dù cả
hai danh sĩ Tô Thuấn Khâm(1008-1048) lẫn Tô Đông Pha (1036-1101)
đã không chính mắt trông thấy những bức tượng bằng sắt đúc tại
Khai Phong, kinh đô của nhà Bắc Tống, hoặc làm bằng gỗ đàn
hương đỏ tại Thành Đô, cả hai đã viết về đề tài này. Tô Đông Pha
đã mô tả như sau :
Nếu tôi yêu cầu ai đó nắm một cái búa ở tay trái
và cầm một con dao ở tay phải, đếm những con ngỗng trời đang bay
qua bằng đôi mắt mình và điều chỉnh chân cho đúng với nhịp trống
đang nghe, cúi đầu chào khách qua đường và bước xuống từng bực
cầu thang với đôi chân mình, thì cho dù ngay cả một tay phù thủy
tài ba cũng vô phương; chưa nói đến việc đang nắm giữ những vật
khác nhau trong ngàn tay và nhìn những sự việc khác nhau với
cùng ngàn con mắt. Thế nhưng khi tôi đi vào thiền định với tất
cả mọi niệm đều lắng đọng, và trong tình trạng tỉnh thức hoàn
toàn như một tấm gương lớn trong suốt, trước mắt tôi khởi dậy
một đống lộn xộn những người, những ma, những chim chóc, súc
vật, và trong tôi một mớ rối rắm những hình tướng, âm thanh,
hương thơm, mùi gia vị. Không một niệm khởi dậy, tôi tương ưng
với tất cả và thích đáng với mọi tương ưng. Thế nên không cần
phải dang rộng ra ngàn cánh tay và mở rộng ra ngàn đôi mắt, chân
lý cũng y như thế (Tay 1976 :100-101).
Tuy nhiên sự gia tăng tính cách phổ thông của
sám pháp cũng có cái giá của nó. Như đã được trình bày trong
phần mở đầu của chương này, nghi thức sám pháp được thực hành
hiện nay là bản thu gọn và đơn giản hoá nghi thức sám pháp
nguyên thủy của ngài Trí Lễ soạn ra. Sám pháp hiện nay chỉ nhấn
mạnh đến phần trì chú và một vài phần trong cuốn kinh, kể cả lời
phát nguyện, thế nhưng phần quán tưởng về nguyên lý đã hoàn toàn
bị loại bỏ. Cùng với việc chuyển qua ý nghĩa thực dụng và tìm
cầu hiệu quả, những động cơ thúc đẩy việc thực hành sám pháp
đồng thời cũng đã trải qua những đổi thay. Thay vì là phương
tiện làm phục hồi đời sống tâm linh cá nhân, hướng đến giác ngộ
như ngài Trí Lễ thoạt tiên vạch ra, nghi thức sám pháp hiện nay
chỉ có thể được dùng như là một phương tiện để mang lại tất cả
mọi loại lợi ích thế tục, kể cả việc một người con hiếu thảo cầu
cho cha mẹ được tái sanh vào cảnh giới tốt lành. Tuy nhiên trên
một phương diện nào đó, chiều hướng phát triển này cũng không
hẵn là điều đáng tiếc. Như đã được đề cập đến trước đây, ngài
Trí Lễ đã khẳng định sự gắn bó giữa những động tác trong nghi lễ
và cái điểm quan trọng của nhất niệm trong hiện tại Như vậy, ai
có thể nói rằng ngay cả không có một thời đoạn được dành riêng
cho việc thiền quán, người tham dự trong sám hội này, tăng sĩ
hay cư sĩ, lại không thể hoá thân thành Quán Âm khi nhất tâm
nghĩ đến và đồng nhất mình với bồ tát? Thế nên khi mà chúng ta
có thể nuôi dưỡng một niềm hy vọng như thế thì cuối cùng đó là
thành quả mà ngài Trí Lễ đạt đến. Với việc sáng tạo ra Đại Bi
Sám Pháp, ngài đã có thể làm cho tất cả mọi người mọi giới Trung
Hoa tạo nên một cái duyên nghiệp với Đại Bi Quán Âm, tức là Bồ
Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Avalokitesvara được bản địa hóa.
Việc bản địa hoá Thiên Thủ Avalokitesvara đã đạt
đến mức hoàn chỉnh nhất với truyền thuyết về Công Chúa Diệu
Thiện do một tăng sĩ sáng tác ra và quảng bá bởi một giới chức
nho gia. Bản văn sớm nhất của truyền thuyết này được viết bởi
Tưởng Chi Kỳ, thứ sử Dự (?) Châu, tỉnh Hồ Nam, nơi mà chùa Đại
Bi thuộc Hương Sơn Tự tọa lạc, căn cứ theo lời kể của vị sư trú
trì. Ngôi chùa này đã thờ một tôn tượng của Đại Bi Quán Âm mà
người ta tin là “nhục thân” của Bồ Tát, người một thời đã từng
sống ở đó như là Công Chúa Diệu Thiện. Bản văn bia ghi lại
chuyện tích này đã được khắc lần đầu tiên vào năm 1100 và sau đó
được khắc lại vào năm 1308, hiện còn tồn tại tại chùa này. Đến
thế kỷ thứ 13, câu chuyện đã nổi tiếng đến độ được Thiền sư Vạn
Tùng Hành Tú liên hệ đến trong bài giảng pháp của mình (T
48:261c) (14). Với sự ra đời và
hy sinh của Công Chúa Diệu Thiện, Đại Bi Quán Âm đã có trụ xứ ở
một nơi cụ thể tại Trung quốc, hay nói một cách văn chương, Bồ
Tát đã được tái sanh thành một cô gái hiếu thảo Trung Hoa. Điều
này đã dẫn chúng ta đi từ kinh điển và nghi lễ đến việc phát
triển một tín ngưỡng tôn thờ Quán Âm mang màu sắc địa phương, và
đó là chủ đề sẽ được nói đến trong hai chương kế tiếp.
Tâm Hà Lê Công Đa
CHÚ THÍCH :
-
Ngài Độc Thể (1600-1679) một đại sư của phái
Luật Tôn đã đơn giản hoá bản văn của ngài Trí Lễ bằng cách
loại bỏ phần nguyên thủy phân chia thành mười công đoạn đồng
thời cắt bỏ một phần lớn của nguyên bản. Ngài cũng đặt một cái
tên mới là “Đại Bi Sám Pháp”, tức là tên được dùng cho đến
ngày hôm nay. Sau đó, một tăng sĩ khác là Chi Hsien đã cho in
cả hai bản này vào năm 1795. Đến năm 1819, sau khi nghiên cứu
thêm một số bản đơn giản hoá khác được dùng kể từ thời Nguyên
(1280-1386), ông đã cho ra đời một ấn bản mới, tức là bản được
dùng hiện nay (Reis-Habito 1993 :321-322 ; Kamata 1973 :284 ;
Getz 1994 :186, note 76). Đó là lý do tại sao tên của các ngài
Trí Lễ, Độc Thể và Chi Hsien được liệt kê như là tác giả của
bản văn hiện nay trong HTC, vol.129.
-
Mặc dầu sám pháp của ngài Tuân Thức dựa trên
Thỉnh Quán Âm Kinh không tồn tại tại Trung quốc, nhưng ngược
lại số phận của nó được may mắn hơn tại Nhật Bản. Theo Mara
Reis-Habito, “Kannon Zembo” (Sám pháp Quán Âm) đã không dựa
trên sám pháp của ngài Trí Lễ mà là trên bộ sám được ngài Tuân
Thức soạn ra. Không phải chỉ có Thần Chú Đại Bi mà “lục tự
thần chú” trong Thỉnh Quán Âm Kinh cũng đã được tụng đọc
(Reis-Habito 1993:331).
-
Reis-Habito trích dẫn việc trì tụng Chú Đại
Bi vào lúc chết cũng như những ngày húy kỵ của các tăng sĩ,
trú trì như đã được quy định trong Sắc Tu Bách Trượng Thanh
Quy của Đức Huệ năm 1338. Bà cũng đã dùng tự truyện của
Hoằng Tán (1610-80), người kết tập một bộ sưu tập những câu
chuyện về những linh ứng của Bồ Tát Quán Âm, Quán Âm Từ Lâm
Tập, để nhấn mạnh đến những chủ đề thờ cúng tổ tiên và
lòng hiếu thảo là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy thực hiện
việc sám hối. Câu chuyện mà bà tóm tắt đặt căn bản trên phần
ghi chú về tác giả: “Hoằng Tán bắt đầu câu chuyện của mình với
cái chết của cha mẹ lúc ông hai mươi chín tuổi. Thực hành bổn
phận đạo hiếu với cha mẹ ông đã thử nhiều phương cách khác
nhau hy vọng là có thể giúp đỡ cho số mệnh của cha mẹ mình ở
thế giới bên kia: không ăn thịt, cá, và rau cải nặng mùi, cũng
như chuyên chú đọc tụng kinh điển trong suốt ba năm cư tang.
Không hài lòng với những cố gắng này, ông đã quyết định trở
thành một nhà sư khổ hạnh sống nơi hoang dã và hàng ngày thực
hiện các nghi thức tôn giáo ‘để tạo công đức cho linh hồn của
tổ tiên ở trong địa ngục’. Vào ngày lễ Vu Lan dành cho linh
hồn người quá vãng, ông đã cúng dường tất cả những gì cần
thiết, nhưng vẫn cảm thấy không được an ổn và xấu hổ về những
nỗ lực yếu ớt của mình. Cuối cùng Hoằng Tán đã mời một họa sĩ
vẽ cho ông bức chân dung của Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm và
thỉnh một nhóm tăng sĩ cùng ông thực hiện một sám hội trong
hai mươi mốt ngày. Khi sám hội kết thúc, một chuyện lạ đã xảy
ra: Bỗng nhiên tôi nhận thấy thân của Bồ Tát phóng ra một
luồng ánh sáng vàng. Bông sen đỏ và xanh trên bàn tay ngài
cũng phóng ra những luồng ánh sáng trắng. Một số nhà sư và cư
sĩ hiện diện cũng đã chứng kiến hiện tượng khác thường này.
Tận đáy lòng, tôi cảm thấy vô cùng sung sướng và an ủi. Tôi
tin chắc rằng năng lực từ bi của Bồ Tát Quán Âm đã cứu đô linh
hồn của tổ tiên tôi ở bên kia thế giới. Tất cả chúng tôi đều
thực hành nghi lễ trước tôn tượng ngài và luồng ánh sáng trắng
kia vẫn không ngừng phóng quang. Bất cứ những ai chứng kiến
đều rất sung sướng và phát lòng tin. Kinh Thiên Thủ cho biết,
chức năng của hoa sen xanh là ‘tái sanh về cõi Tịnh Độ’, và
hoa sen đỏ là ‘đến cùng với chư Phật trong khắp mười phương’”
(Reis-Habito 1993:331).
-
Cũng cùng thời điểm này khi ngài Dà Phạm Đạt
Ma dịch cuốn Thiên Thủ Kinh, thì Uất Trì Ất Tăng đã họa bức
chân dung “Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi” trên ngôi tháp trước
chùa Từ Ân tại Tràng An. Sau khi ngài Bồ Đề Lưu Chi hoàn
thành một bản dịch mới của bộ kinh này, vào năm 713 một vị sư
nữ chùa Diệu Chi tại Thành Đô tên là Wei pa đã thường xuyên
trì tụng thần chú này. Bà có một nữ đệ tử mười một tuổi tên là
Lưu Nghĩa Nhị trong khi thiền định đã khẳng định rằng Bồ Tát
đã hoá hiện ra ngay tại chùa. Để chứng minh điều này cô đã cho
rải tro lên khắp vườn và vào một tối, có những dấu chân khá
lớn đến vài bộ hiện ra. Một họa sĩ được mời đến để thực hiện
bức họa mô tả những gì mà cô đã thấy, nhưng ông này đã không
thành công. Rồi một vị sư tên là Yang Fa Cheng tuyên bố là ông
có thể làm được việc này. Nghĩa Nhị chắp tay hướng lên trời
cầu nguyện và chỉ cho vị sư phải vẽ theo như thế nào. Phải mất
mười năm trời hai người mới hoàn tất xong bức họa này. Sau đó,
vào khoảng năm 722, hai trăm bức tượng Bồ Tát đã được khắc tại
Thành Đô, mỗi bức có 42 tay. Mười lăm cuộn sách hoạ hình miêu
tả Bồ Tát cũng đã được hoàn thành. Tất cả đều được lưu hành
tại kinh đô, và được dâng lên cho Hoàng đế Huyền Tông
(713-756), người đã ban tặng cho Kao Li-shih. Nhà danh họa Ngô
Đạo Tử cũng đã vẽ ba bức họa Đại Bi trong khoảng từ năm 713
dến 755. Khi ngài Chen-chen đến Nhật Bản vào năm 753, ngài đã
mang theo bức tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Avalokitesvara bằng
gỗ đàn hương trắng cùng với bức tranh lụa về Bồ Tát, và như
vậy đã giới thiệu với Nhật Bản việc thờ phượng vị linh thần
mới này. (Kobayashi 1983).
-
Nghi lễ này được mô tả lần đầu tiên trong
Quốc Thanh Bách Lục. Cả ngài Trí Lễ lẫn Tuân Thức đều đã
viết cẩm nang về việc thực hành sám pháp này. Ngài Trí Lễ viết
Kim Quang Minh Tối Thắng Sám Nghi (T no.1946) và Tuân
Thức viết Kim Quang Minh Sám Pháp Bổ Trợ Nghi (T no.
1945).
-
Bên cạnh địa điểm núi Bảo Đính danh tiếng
thường lôi cuốn phần đông du khách và kẻ hành hương, còn có
một chỗ ít biết hơn tọa lạc ở bên phía trái. Cái trước được
gọi là Đại Bảo Đính, cái sau gọi là Tiểu Bảo Đính. Bức “Thập
Luyện Đồ” của Lưu Bảo Tuân đều được khắc họa cả hai nơi.
Angela Howard đã nghiên cứu kỹ lưỡng cả hai địa điểm này và đã
viết một chuyên khảo về đề tài này. Theo bà, Tiểu Bảo Đính có
chức năng như một mạn đà la của mật tông và chỉ mở ra cho
những người đã được điểm đạo, được dùng như là kiểu mẫu cho
việc xây dựng Đại Bảo Đính.
-
Mặc dầu trong khung trang trí kèm theo những
hoạt cảnh giải thích những hình thức hủy thân khác nhau mà Lưu
thực hiện, tuy nhiên ông ta đã không được mô tả qua hình ảnh
của một người không ngón trỏ trái, mắt phải, tai trái, cánh
tay trái,... Nhà nghệ sĩ hoàn toàn đã không đụng chạm đến Lưu
trong khi miêu tả. (Trao đổi cá nhân với Angela Howard, Tháng
4, 1999).
-
Những nguồn tài liệu cung cấp về cuộc đời của
ngài Trí Lễ có thể kể đến Tứ Minh Giáo Hành Lục của
Tông Hiểu, vol. 1 và vol. 7 (100 :1012-1014), “Nien p’u”, HTC
vol.100, pp.880-83 và Tứ Minh Pháp Trí Tôn Giả Thế Lục của
người môn đệ, Tse ch’uan; Phật Tổ Thống Ký của Chí Bàn, vol. 8
(T49 :191c-194b).
-
Quan điểm của ngài Trí Lễ đối với ba loại sám
hối trung thành với truyền thống Thiên Thai. Trong Shih Ch’an
p’o-lo-mi tz’u-ti fa-men (T no. 1916), một trong những kinh
văn căn bản về sám pháp của Thiên Thai tông, đã xem việc sám
hối qua những động tác trong nghi lễ nhằm hỗ trợ cho giới,
hình thức quán tưởng hình Phật, Bồ Tát hỗ trợ cho định và vô
sanh sám hối hỗ trợ cho huệ và phân loại hình thức thứ nhất là
Tiểu Thừa và hai hình thức sau là Đại Thừa (T 46 :485c).
-
Theo kinh Đại Bát Niết Bàn, nhất-xiễn-đề là
loại hữu tình thấp kém nhất trong sáu cảnh giới. Có hai trường
phái giải thích, một cho rằng nhất-xiễn-đề vĩnh viễn bị giữ
trong trạng thái này trong khi thuyết khác cho rằng ngay cả
những loài chúng sanh sâu bọ cuối cùng cũng được cứu độ.
-
Ngài Trí Lễ ở đây đã đề cập đến mười loại
thập-tâm đưa con người vào vòng luân hồi sinh tử : (1) vô minh
và u tối, (2) ảnh huởng bởi ác hữu, (3) không theo thiện trí
thức, (4) tạo ác hành qua thân, khẩu, ý, (5) để cho ác tâm
điều khiển mình, (6) để cho ác tâm tiếp tục kiểm soát không
ngừng, (7) che dấu lỗi lầm của mình, (8) không sợ hãi bị tái
sanh vào những cảnh giới xấu, (9) không bao giờ biết xấu hổ
hay hối hận, và (10) phủ nhận luật nhân quả. Trong khi đó,
thập tâm đi ngược lại giòng luân hồi sinh tử hoàn toàn đối
nghịch lại với loại thập tâm trên : (1) Tin tưởng sâu xa vào
luật nhân quả, (2) thành thật biết ăn năn và xấu hổ, (3) vô
cùng kinh sợ bị tái sinh vào những cảnh giới xấu, (4) Tiết lộ
hoàn toàn những lầm lỗi của mình, (5) cắt đứt ác tâm, (6) phát
tâm bồ đề, (7) nuôi dưõng thiện hành, cắt bỏ ác hành, (8) hộ
trì chánh pháp, (9) tưởng nghĩ đến mười phương chư Phật, và
(10) thấy rõ bản chất không tánh của mọi tội lỗi. Xem Mo-ho
chih-kuan, Phần 1, Chương 4 (T46 :39c-40b).
-
Tsung-chien. Shih-men cheng-t’ung, vol.5; HTC
vol.130, pp834-38; Lien-tsung pao-chien (T no. 1973).
-
Quán Âm được nhắc đến một lần nữa trong công
án 34: “Phổ Môn [Quán Âm] có hiện ra cho ngươi ?” (Yu
1989 :102).
-
Trong khi phát biểu về Thiên Thủ Thiên Nhãn
Đại Bi, Vạn Tùng cho rằng: “Tôi đã được đọc trong truyền thống
cho rằng Đấng Đại Bi nguyên là Công Chúa Diệu Thiện. Điều này
đã được báo cho Lu Đại sư Tao-hsuan, người được nghe chuyện
này từ chư thiên. Tuy nhiên bởi vì Bồ Tát có đến 32 hoá thân
cùng trăm ngàn cách hoá thân khác, tùy theo mỗi người mà có
thể có những biểu hiện khác nhau. Mỗi xác tín như vậy đều có
cơ sở của nó.” (T 48 :261c).
|