Những Nguồn Kinh
Ðiển Liên Quan Ðến
Tín Ngưỡng Tôn Thờ
Bồ Tát Quán Âm
Ðể chuẩn bị cho công trình nghiên cứu này tôi đã đọc lại một số
kinh điển mà qua đó Bồ Tát đã được giới thiệu đến người Trung
quốc. Dĩ nhiên khi làm công việc này không phải vì tôi coi trọng
kinh điển hơn các nguồn mạch khác nhưng bởi một lẽ đơn giản là
người Trung Hoa có thể đã không biết đến Bồ Tát Quán Thế Âm nếu
như kinh điển của Phật giáo đã không được dịch qua Hán văn. Kinh
điển vì thế được xem như là phương tiện đầu tiên mà từ đó tín
ngưỡng thờ phượng Quán Âm được xây dựng và chuyển hóa. Thế nhưng
cho dù tính cách quan trọng của kinh điển thường được giới Phật
tử tinh hoa xem như khuôn vàng thước ngọc, quả là một điều ngây
thơ nếu cho rằng tất cả kinh văn đều được các Phật tử thuần
thành nghiên cứu đọc qua hoặc bất cứ những gì vạch ra trong kinh
điển đều được tất cả mọi tín đồ hoàn toàn tuân thủ. Khi nghiên
cứu Phật giáo một cách tổng quát, hay cụ thể hơn đối với trường
hợp Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng ta phải để ý đồng đều đến hai khía
cạnh, một bên là bức tranh lý tưởng xuất hiện trong sách vở, một
bên là mặt thực tế của quần chúng đang thực hành được minh họa
bởi những khắc họa, lịch sử mỹ thuật, lễ nghi tế tự cũng như
trong văn chương nghệ thuật. Gregory Schopen đã từng nêu rõ rằng,
khi những nhà nghiên cứu về Phật giáo (cũng như nghiên cứu về
tôn giáo nói chung) chỉ hoàn toàn dựa vào kinh điển, kết quả
thường là méo mó nếu không nói là hoàn toàn sai lạc. (Schopen
1997:1-14). Trên một bình diện khác, chỉ khi nào chúng ta biết
được Bồ Tát Quán Âm đã được trình bày như thế nào trong kinh
điển nguyên thủy chúng ta mới đánh giá đúng mức tiến trình
chuyển hóa đặc biệt mà vị Bồ Tát này đã trãi qua tại Trung quốc.
Bằng vào việc khảo sát kỷ lưỡng những khoảng cách giữa một Quán
Âm Trung hoa và hình ảnh ban đầu của Ngài trong kinh điển ta mới
có thể có được những hiểu biết một cách tường tận về vị Bồ Tát
này.
Ðã có một số lượng khá lớn kinh sách Phật giáo nói về Bồ Tát
Quán Âm. Cụ thể như Hậu Ðằng Ðại Dụng (Goto Daiyo) đã liệt kê ra
khoảng hơn 80 bộ kinh trong đó có sự xuất hiện của Bồ Tát (Goto
1958:283-88). Danh sách này không phải ngưng lại ở đây bởi vì
chỉ nội những kinh điển Mật tông liên quan đến Bồ Tát cũng đã
lên tới 88, chiếm hết 506 trang trong bộ Ðại Chính Tân Tu Ðại
Tạng Kinh (Taisho, vol. 20), bộ Tam Tạng kinh điển Trung quốc ấn
bản mới nhất được in tại Nhật bản vào năm 1922-23. Khi chúng ta
khảo sát những kinh điển này, một điều rất dễ nhận ra là vị trí
của Bồ Tát không phải lúc nào cũng đồng nhất, giống nhau.
Những vai trò của Avalokitesvara rất đa dạng, từ một nhân vật
khiêm nhường trong đoàn tùy tùng thị giả bao quanh Ðức Phật
Thích Ca đến một ngôi sao độc chiếm trên bầu trời riêng rẻ như
là một đấng cứu rỗi toàn năng. Những khuôn mặt của Bồ Tát trong
kinh điển, cũng như trong mỹ thuật và các phương tiện thể hiện
khác đã nói lên những tiếng nói khác nhau, đa năng và đa diện.
Từ khiêm nhường đến quan trọng, ta có thể liệt kê ra bốn vai trò
chính như sau:
(1) như là một nhân vật mờ nhạt trong phối cảnh;
(2) vị thị giả chính và là vị Phật tương lai kế vị Phật Vô Lượng
Thọ, Vô Lượng Quang (A Di Ðà);
(3) người tiết lộ những phương thức cứu độ hiệu quả thông qua
việc niệm danh hiệu của Bồ Tát hoặc nói ra những thần chú đặc
biệt do yêu cầu của Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát đã nổi
bật như một nhân vật chuyên giải cứu khổ nạn và đôi khi còn được
biết đến như là một vị Phật quá khứ.
(4) một linh thần độc lập chuyên cứu khổ cứu nạn.
Mặc dù các vai trò 2, 3 và 4 đều xuất hiện tại Trung Quốc (vai
trò 1 không được chú ý đến) nhưng chỉ có vai trò 4 là đóng vai
tuồng chủ yếu. Những vai trò khác nhau mà Bồ Tát Avalokitesvara
thể hiện trong kinh điển có thể đã phản ảnh tầm vóc quan trọng
của Bồ Tát ngày càng gia tăng. Mặt khác chúng cũng có thể đã
phản ảnh những khuynh hướng của các truyền thống giáo phái khác
nhau tôn thờ Bồ Tát. Người ta thấy có ít nhất ba khuynh hướng
tín ngưỡng khác biệt: Tôn thờ Bồ Tát như là một nhân vật Ðại Từ
Ðại Bi chuyên cứu độ chúng sanh được thể hiện qua kinh Pháp Hoa;
xem ngài như là vị thị giả chính của Phật A Di Ðà trong các kinh
sách Tịnh Ðộ; là vị thánh giả có quan hệ với hòn đảo thánh địa
Bồ Ðà Lạc Ca (Potalaka) trong huyền thoại Phật giáo được đề cập
đến trong kinh Hoa Nghiêm. Ba truyền thống tín ngưỡng này đã
hoàn toàn phát triển độc lập với nhau. Trong các kinh điển Mật
tông, đảo Bồ Ðà Lạc Ca được mô tả như là nơi trụ xứ của Bồ Tát
Avalokitesvara.
Trong khi nghiên cứu các kinh điển, tôi đã sử dụng phương pháp
phân loại học dựa vào sự gia tăng tầm mức quan trọng của Bồ Tát
thay vì liệt kê và đặt chúng phụ thuộc vào các truyền thống tông
phái Phật giáo Trung Quốc chẳng hạn như kinh Pháp Hoa với Thiên
Thai tông, kinh Hoa Nghiêm với Hoa Nghiêm tông, kinh Vô Lượng
Thọ và Quán Vô Lượng thọ kinh với Tịnh Ðộ tông, hoặc Tâm Kinh và
Thủ Lăng Nghiêm với Thiền Tông. Mặc dù nếu chúng ta liệt kê theo
hình thức này có thể là một bằng chứng cho thấy rằng Quán Âm Bồ
Tát đã được tôn thờ bởi hầu hết các tông phái chính của Phật
giáo Trung Quốc, tuy nhiên không phải là không có lý do cho thấy
tại sao đây không phải là cách thức xếp loại tốt. Trước tiên bởi
vì trong khi những kinh sách này được kể như là những kinh điển
cơ bản của các tông phái đó, giới tăng sĩ Trung quốc –chưa kể
đến những Phật tử bình thường- đã không hề học tập kinh điển gắn
liền với tông phái của họ. Những kinh điển này cùng với một số
kinh điển Mật tông khác đã được ưa chuộng bởi tất cả những người
sùng mộ Quán Âm không phân biệt tông phái, thế cho nên quả là
điều gượng ép vô nghĩa khi cột chúng vào một sự phân chia giả
tạo. Hơn thế nữa, như đã trình bày trước đây, khuynh hướng tổng
hợp các tông phái khác biệt ngày càng mạnh mẽ kể từ thời Tống
trở đi, bởi vậy tốt nhất là ta không nên áp đặt một sự phân chia
tông phái triệt để theo mô hình Nhật Bản đối với thực tế Trung
Quốc. (Yu 1981, 1998).
Phương pháp phân loại học ở đây đặt căn bản trên vị trí và vai
trò của Bồ Tát. Nó giúp cho ta hiểu được lý do tại sao người
Trung quốc đã lựa chọn và đặt trọng tâm trên một số kinh điển
đặc biệt nào đó, bởi vì những kinh điển này trước tiên đã làm
nổi bật vai trò trung tâm của Bồ Tát Quán Âm như là một nhân vật
cứu khổ cứu nạn. Trong khi quan tâm đến những vai tuồng khác
biệt của Bồ Tát tôi đồng thời cũng lưu ý đến những danh hiệu và
hình tướng của Ngài đã được mô tả trong những kinh sách này.
Bồ Tát Quán Âm
Nhân Vật Trong Ðoàn
Tuỳ Tùng Thị Giả của Ðức Phật.
Một trong những bộ kinh sớm nhất đề cập đến Bồ Tát dưới danh
hiệu Quán Âm là “Thành Thủ Quang Minh Ðịnh Ý Kinh”, một cuốn
kinh trong hệ Bát Nhã do ngài Chi Diệu dịch ra Hán Văn vào năm
185. Bồ Tát Quán Âm là người cuối cùng trong số ba mươi vị Bồ
Tát được gọi là “minh sĩ” (T 15:451c). Ðây là một trong những
cuốn kinh được dịch ra Hán văn sớm nhất, chưa đầy 40 năm sau khi
nhà sư người An Tức, An Thế Cao, đến Lạc Dương vào năm 148 thực
sự mở đầu phong trào truyền pháp vào Trung Hoa
(1). Phải nói rằng người khai sơn
phá thạch đóng góp công đầu trong việc dịch thuật kinh điển từ Phạn
ngữ qua Hán văn là ngài Chi Ca Lâu Sấm (Lokaksema), sống cùng
thời với ngài Chi Diệu. Trong số những bộ kinh này, nhà học giả
chuyên nghiên cứu về công trình dịch thuật của Chi Ca Lâu Sấm,
Paul Harrison (1993), hiện nay chỉ chấp nhận chín bộ kinh là xác
thực. Khi nghiên cứu những cuốn kinh này, người ta khám phá ra
một điều khá thích thú là: Bồ Tát Avalokitesvara đã không hề
thấy xuất hiện trong bất cứ cuốn kinh nào, dù chỉ đóng một vai
trò rất khiêm nhượng. Hầu như Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và thỉnh
thoảng Di Lặc Bồ Tát thường là vị thượng thủ dẫn đầu những Bồ
Tát tham dự pháp hội. Cũng chẳng có gì là khó hiểu tại sao Bồ
Tát Văn Thù Sư Lợi mà không phải Bồ Tát Avalokitesvara được nhắc
nhở đến, vì tất cả những cuốn kinh này đều thuộc hệ Bát Nhã vốn
xem trọng trí tuệ mà Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là đại biểu trong khi
Bồ Tát Avalokitesvara là đại biểu của từ bi. Avalokitesvara được
gọi là Khuy Âm trong kinh Ugrapariprccha (T12:15b) do nhà dịch
giả người An Tức, An Huyền (ca.180). Trong kinh Duy Ma Cật do cư
sĩ Chi Khiêm dịch (ca. 220-252) cũng gọi ngài bằng một danh xưng
tương tự như vậy (T 14:519b). Trong hai cuốn kinh này, Bồ Tát
Avalokitesvara đã xuất hiện cùng với khoảng năm mươi vị Bồ Tát
khác. Và rồi Ngài đóng một vai trò quan trọng hơn khi cùng với
Bồ Tát Ðại Thế Chí trở thành hai vị Bồ Tát hàng đầu được nói đến
trong các kinh điển về cõi Tây Phương Cực Lạc của vị Phật Ðại
Thừa, A Di Ðà, cụ thể là trong cuốn kinh Vô Lượng Thọ Phật với
đoạn văn liên hệ nói về Bồ Tát Avalokitesvara như sau:
Có hai Bồ Tát tối tôn đệ nhứt oai thần quang minh chiếu khắp cõi
Ðại Thiên.
- Bạch đức Thế Tôn Hai
Bồ Tát ấy danh hiệu là gì?
- Nầy A Nan! Bồ Tát thứ nhứt hiệu là Quán Thế Âm, Bồ Tát thứ hai
hiệu là Ðại Thế Chí. Hai Bồ Tát ấy ở cõi nước Ta Bà nầy tu Bồ
Tát hạnh, lúc mạng chung chuyển sanh về nước An Lạc.
- Nầy A Nan! Có chúng sanh nào sanh về nước An Lạc, thân của họ
đều đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, thành mãn trí huệ thâm nhập
diệu pháp, thần thông vô ngại, các căn sáng suốt mau lẹ. Người
căn trí chậm lụt nhứt thì thành tựu hai pháp nhẫn. Người căn trí
lanh lợi thì được vô lượng vô sanh pháp nhẫn.
Hán dịch: Tào Nguỵ, Pháp Sư Khương Tăng Khải
Việt dịch: Việt
Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Ðây là một trong những cuốn kinh Ðại Thừa được dịch sang Hán Văn
sớm nhất. Cuốn kinh này đã được dịch cả thảy 12 lần trong đó năm
dịch bản vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Dịch giả của những
bản văn này đến nay vẫn còn là nguồn tranh cãi (Fujita
1970:13-115). Trong số những bản văn còn tồn tại, bản dịch sớm
nhất được xem như là của Ngài Chi Ca Lâu Sấm với tựa đề Phật
Thuyết Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác Kinh
(2) trong đó Quán Âm và Thế Chí
luôn luôn là hai vị Bồ Tát thị giả của Ðức Phật A Di Ðà có năng
lực hóa hiện khắp mười phương cõi Phật. Kinh này không nhấn mạnh
đến biểu tượng ánh sáng nhưng tuyên xưng rằng, “Ngay trong
thế gian, nếu các thiện nam và các thiện nữ, gặp lúc cấp nạn,
rơi vào khủng bố, quay về nương tựa, Bồ Tát Quán Âm, đều được
giải thoát”. Tuy nhiên trong Phật Thuyết Vô Lượng Thọ
Kinh, mà bản dịch theo truyền thống cho là của ngài Khang
Tăng Ngãi người nước Khang Cư vào năm 252
(3) đã đề cập đến vầng hào quang
oai nghiêm của hai vị Bồ Tát này với “oai thần quang minh,
chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới.” Năm 1160, một tín
đồ thuần thành của Tịnh Ðộ tông, cư sĩ Vương Nhật Hưu, đã kết
tập bộ Ðại A Di Ðà Kinh bao gồm tất cả những kinh điển
Hán tạng liên quan, trong đó cũng đã nhấn mạnh đến vầng hào
quang và năng lực cứu độ của Bồ Tát:
Phật A Di Ðà cùng tất cả hàng Bồ Tát và Thanh Văn trong cõi
nước Tịnh Ðộ từ trên đỉnh đầu phóng quang đến khắp mọi hướng.
Các chúng Thanh Văn trong cõi
Phật ấy, ánh sáng nơi mình phóng xa bảy trượng còn các Bồ
Tát có thể phóng quang đến vô số hàng vạn ức do tuần. Trong số
này có hai vị Bồ Tát tôn qúy vào bậc nhất. Một vị là Quán Thế Âm
và vị kia là Ðại Thế Chí luôn luôn kế cận Ðức Phật và đỡ đần
ngài trong mọi công việc. Phật A Di Ðà và hai vị Bồ Tát cùng bàn
bạc mọi chuyện hiện tại và tương lai của quốc độ mười phương thế
giới. Khi Ðức Phật muốn sai phái họ đến các cõi Phật khác, các
Ngài có thể ứng hiện đến đó ngay lập tức bằng đôi chân thần kỳ
như là của một vị Phật. Các Ngài cũng có thể phân thân hóa hiện
đến cõi Ta Bà này để độ chúng. Mặc dầu các Ngài hiện diện ở đây
thế nhưng không bao giờ vắng mặt ở cõi Tây phương Tịnh Ðộ.
Nguồn cảm hứng từ cuốn kinh này đã được phản ánh ngay vào mỹ
thuật. Một trong những bức tượng Tây phương Tam Thánh sớm nhất
có niên đại vào khoảng 420C.E. đã được tìm thấy tại hang động
169 Bỉnh Linh Tự, Tây bộ Cam Túc. Danh hiệu của các vị Bồ Tát đã
được khắc rõ ràng trên vòng khung trang trí. Trong hình người
ta thấy Bồ Tát Quán Thế Âm đứng ở bên trái của Phật A Di Ðà trên
tay cầm một bông sen đang nở. Ðiều này là một minh chứng cho sự
khởi đầu của tín ngưỡng Tịnh Ðộ tại Trung Quốc. Ðược cổ vũ nồng
nhiệt bởi đại sư Huệ Viễn (344-416), nguồn cảm hứng Tịnh Ðộ đã
bắt đầu được phản ánh qua mỹ thuật thể hiện niềm tin vào cả Phật
A Di Ðà, Bồ Tát Quán Âm cũng như cảnh giới tuyệt vời của Tây
Phương Tịnh Ðộ. Một văn bia đá được khai quật tại tu viện Vạn
Phật, thuộc địa phận Thành Ðô tỉnh Tứ Xuyên không xác định niên
đại nhưng được tìm thấy cùng với những tấm bia khác có niên đại
trong khoảng từ 530 đến 580 C.E., mặt trước khắc họa hình hai vị
Bồ Tát mà chiếc đầu đã bị hư bể (có thể là Quán Âm và Thế Chí,
hai vị thị giả của Phật A Di Ðà) và mặt sau ngay trung tâm là
hình Phật A Di Ðà, trong đó cảnh giới Tịnh Ðộ được thể hiện bằng
một hoa viên với những con sông đào tượng trưng cho ao tái sanh
nơi mà những người sanh về cảnh giới Tây phương đang bơi lội
giữa những bông sen đang hé nở. Khoảng chừng năm mươi năm sau,
cũng chung nguồn cảm hứng tái sanh về Tây phương Tịnh Ðộ đã đưa
đến những sáng tạo nghệ thuật tương tự tại miền Bắc, cụ thể là
tại hang động số 2, phía nam Thưởng Ðường Sơn dưới thời Bắc Tề
(550-577) cũng đã khắc họa một cảnh tượng tái sanh vào Tịnh Ðộ
tương tự như tại Tứ Xuyên (Howard 1996a:16-17, Howard et al.
forthcoming; Yuan 1991). Những tranh khắc họa về cảnh giới Tịnh
Ðộ và Tây Phương Tam Thánh đã trở thành những đề tài chính của
mỹ thuật Trung hoa trong những thời kỳ tiếp theo sau đó.
BỒ TÁT QUÁN ÂM,
VỊ PHẬT TƯƠNG LAI KẾ VỊ PHẬT A DI ÐÀ
Một vài kinh điển Hán tạng trong thời kỳ sơ khởi đều chia xẻ một
chủ đề chính là Bồ Tát Quán Âm được Phật thọ ký trở thành một vị
Phật tương lai. Hai trong số những cuốn kinh này nay đã không
còn tồn tại nhưng căn cứ vào tiêu đề, người ta thấy có nội dung
tương tự như trong Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký Kinh, do nhà
sư người nước Vu Ðiền, Dharmodgata, dịch vào năm 453
(4). Trong cuốn kinh này Ðức
Thích Ca Mâu Ni đã tiết lộ rằng vào thời quá khứ xa xưa Ngài là
một vua sống dưới thời một vị Phật mà cõi Phật này còn bao la
rộng lớn hơn là của Phật A Di Ðà. Trong khi nhà vua đang thiền
định ở trong vườn thượng uyển rồi nhập vào tam muội thì hai cành
sen mọc lên từ lòng đất vươn dài đến hai bên tả hữu của vua và
hai đồng nam được sinh ra từ những đóa sen này. Một người là
Quán Âm và người kia là Thế Chí. Sau khi Ðức Phật A Di Ðà nhập
niết bàn và cũng là lúc chấm dứt thời kỳ Chánh Pháp, Bồ Tát Quán
Âm sẽ thành Phật hiệu là Phổ Quang Công Ðức Sơn Vương Như Lai
(T12:356a-357a). Trong kinh Bi Hoa (Karuna Pundarika
Sutra) do ngài Ðàm Vô Sấm dịch vào khoảng năm 414-426 cũng kể
lại một câu chuyện tương tự. Ở đây, Quán Thế Âm nguyên là Thái
tử trong số một ngàn hoàng tử, con của một vị chuyển luân thánh
vương. Nhưng rồi Ngài đã phát hạnh nguyện Bồ Tát với vị Phật Bảo
Tạng và được thọ ký trở thành vị Phật kế tục Phật A Di Ðà mang
cùng một danh hiệu như trên (Quang Minh Công Ðức Sơn Vương Như
Lai: Pien-chu I-chieh Kuang-ming Kung-te-shan Wang Ju lai.
T3:185-86).
Mối liên hệ giữa Phật A Di Ðà và Bồ Tát được trình bày trong
những kinh điển này phảng phất mối quan hệ thế tập trong chế độ
quân chủ hay cụ thể hơn, mối quan hệ huyết thống giữa cha và
con. Chính màu sắc vương giả và liên hệ huyết thống này đã gây
ấn tượng mạnh mẽ và rất phù hợp với cảm quan của người Trung Hoa,
thế cho nên một trong những cuốn kinh do người bản địa sáng tác
sớm nhất, Quán Thế Âm Bồ Tát Vãng Sanh Tịnh Ðộ Bổn Nguyện
Kinh, đã được xây dựng chung quanh chủ đề này. Ðược đề cập
đến trong cuốn Mục Lục kết tập vào khoảng năm 265-316 với dịch
giả khuyết danh, cuốn kinh này đã giới thiệu hình ảnh Ðức Thích
Ca Mâu Ni như là người cha, và A Di Ðà là mẹ cùng hai người con
trai là Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí. Tô đậm chung quanh những
tình tiết liên quan đến cái chết đau thương của người mẹ hiền và
sự đối xử độc ác của người kế mẫu, câu chuyện đã nói lên một
nhận thức khá độc đáo của người bản địa về mối liên hệ giữa
những nhân vật mang tính chất bi thảm trong các kinh điển Phật
giáo. Vấn đề này sẽ được bàn đến trong chương kế tiếp.
Quán Âm và Quán Thế Âm do đó là những danh hiệu
được dùng luân phiên trong những dịch bản kinh điển sớm nhất.
Một số các nhà học giả trong đó có Ðinh Phước Bảo (1874-1952)
cho rằng Quán Âm là một danh xưng rút gọn của Quán Thế Âm chỉ
được dùng dưới triều đại nhà Ðường để tránh phạm húy vì tên tộc
của Hoàng đế Ðường Thái Tông (627-649) là Lý Thế Dân (Tay
1976:17). Ðiều này rõ ràng là không có cơ sở bởi vì trong thực
tế danh hiệu Quán Âm đã xuất hiện trước cả Quán Thế Âm và danh
hiệu này đã trở nên nổi tiếng khi được ngài Cưu Ma La Thập dùng
trong bản dịch kinh Pháp Hoa vào năm 406. Trong tất cả những
kinh điển ban đầu này, người ta không thấy đề cập đến hình tướng
dung mạo cũng như ý nghĩa về danh hiệu của Bồ Tát. Về điểm sau,
chúng ta cần đi sâu vào kinh Pháp Hoa để tìm những lý giải.
BỒ TÁT QUÁN ÂM
Vị Bồ Tát Chuyên Cứu Khổ Cứu Nạn
Một trong những bộ kinh quan trọng tuyên xưng vai trò của Bồ Tát
Quán Âm là kinh Pháp Hoa. Bộ kinh này đã được dịch sang Hán văn
cả thảy sáu lần trong đó ba dịch bản vẫn còn tồn tại đến bây giờ.
Năm 1992 nhà học giả Nhật Bản Karashima Seishi đã đem đối chiếu
những bản dịch Hán Văn này với nguyên bản Phạn ngữ và những bản
dịch Tạng văn. Bản dịch đầu tiên là của ngài Ðàm Ma La Sát,
người xứ Nhục Chi (Scythia), vào năm 286 mang tựa đề là Chánh
Pháp Hoa Kinh. Phẩm thứ 23 của bộ kinh này có tên là Phổ
Môn dành riêng để nói về Bồ Tát Avalokitesvara, dưới danh
hiệu là Quang Thế Âm (Abhalokasvara). Ðây là vị Bồ Tát
chuyên cứu khổ ban vui, có năng lực cứu vớt con người ra khỏi
bảy khổ nạn, giải phóng họ ra khỏi tam độc tham, sân, si cũng
như giúp những người sinh đẻ hiếm muộn được toại nguyện khi muốn
cầu xin con trai hay con gái. Sau đây là đoạn kinh văn liên hệ
đến danh hiệu Bồ Tát:
Phật bảo ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: " Nếu
có chúng sanh đối diện với vô
lượng trăm nghìn muôn ức các khổ não, hoạn nạn, nghe đến danh
hiệu Quang-Thế-Âm Bồ-Tát tức thì liền được giải thoát, xa
rời mọi khổ nạn. Do nhân
duyên đó mà gọi là Quang-Thế-Âm.
Nếu có người nhớ tưởng đến danh hiệu
Quang-Thế-Âm Bồ-Tát này, dầu rớt vào trong biển lửa lớn, phủ
trùm hết thảy đồi núi ruộng đồng, đốt cháy hết rừng bụi, nhà cửa,
ngọn lửa kia sẽ chẳng cháy được khi y nghe đến danh hiệu Bồ-Tát
Quang Thế Âm.
Nếu có người đi vào sông lớn, đang
kinh hoàng trước giòng cuồng lưu chảy xiết, khi niệm đến danh
hiệu Quang Thế Âm này và nhất tâm tìm về nương tựa vào Bồ
Tát, năng lực siêu phàm của Ngài liền cứu giúp cho khỏi chìm đắm
và đưa đến nơi chốn an toàn.
Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh
vì tìm san-hô, hổ-phách, trân châu các thứ báu… vào trong biển
lớn, giả sử gió lớn thổi ghe thuyền của kia sắp bị nhận chìm bởi
quỉ La-sát, trong ấy nếu có nhẫn đến một người thầm nghĩ đến
năng lực của Bồ Tát và xưng danh hiệu của Ngài, thì các người đó
đều được thoát nạn. (Ðoạn tiếp theo mô tả năng lực của Bồ Tát
cứu độ con người ra khỏi các ác nạn: Gió bảo, khí giới, quỷ mị,
tù đày, và đạo tặc, tất cả đều do niệm đến danh hiệu của Bồ Tát).
Cảnh giới của Quang Thế Âm là vô cùng vô tận vì ở đó có
đầy đủ năng lực siêu phàm của Bồ Tát. Bởi Ngài tràn đầy ánh sáng
(quang), do nhân duyên đó mà có tên gọi là Quang Thế Âm.
(T9:129a)
Bản dịch Pháp Hoa đầu tiên này đã cho thấy một điều rất rõ rằng
nghe và niệm đến danh hiệu của Bồ Tát là lý do chính để những
người tin vào Ngài sẽ được cứu độ và vì Bồ Tát có liên hệ rất
mật thiết với ánh sáng, thế nên Ngài đã được gọi là “Quang Thế
Âm”. John Holt trong “Buddha in the Crown” đã đưa ra nhận xét
rằng, một trong những nét đặc trưng nổi bật trong các kinh điển
nói về Bồ Tát Avalokitesvara là biểu tượng ánh sáng
(1991:31-34). Mối quan hệ giữa Bồ Tát và “âm thanh” đã không
được đề cập đến. Honda Yoshihide đã đưa ra một luận cứ khả tín
rằng danh hiệu Quang Thế Âm có ý nghĩa tương tự như “Tiên Âm
Sanh”. Ðây là danh hiệu của một vị Bồ Tát tương ứng với Bồ Tát
Avalokitesvara trong Phóng Quang Bát Nhã kinh (T 8:1b) do
nhà sư xứ Vu Ðiền, Vô La Xoa (Moksala), dịch vào năm 291, năm
năm sau bộ Chánh Pháp Hoa kinh. Trong cả hai bộ kinh đều có đề
cập đến việc Bồ Tát phóng quang hoặc giải thoát thế gian thông
qua ngôn ngữ hoặc âm thanh vi diệu. Âm thanh mang năng lực giải
thoát là một phẩm chất đặc biệt của Bồ Tát không phải là loại
“âm thanh” thông thường thốt ra bởi những than thở khổ đau của
nhân thế (Honda 1930: 15-17, 27)
Bản dịch kế tiếp còn được lưu hành hiện nay là của ngài Cưu Ma
La Thập, nhà dịch giả nổi tiếng người nước Khâu Tư mang tên là
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, được hoàn tất vào năm 406. Bản
kinh này cùng với một bản dịch thứ ba có tựa đề Thiêm Phẩm
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh do Ngài Xà La Quật Ða (Jnanagupta)
và Ðạt Ma Cấp Ða (Dharmagupta) dịch vào năm 601 đã trình bày một
cái nhìn khác biệt so với bản dịch cũ. Hai bản dịch sau này đã
trở thành cơ sở diễn giải chính thống về danh hiệu của Bồ Tát
trong khắp vùng Tây Á. Trong cả hai bản dịch, danh hiệu của Bồ
Tát được gọi là Quán Thế Âm. Phẩm Phổ Môn là phẩm thứ 25
trong bản dịch của Cưu Ma La Thập còn bản dịch của Xà La Quật Ða
và Ðạt Ma Cấp Ða thì thuộc phẩm thứ 24. Nguyên thủy cả hai bản
dịch của ngài Ðàm Ma La Sát và Cưu Ma La Thập đều không có phần
Kệ Tụng ở cuối kinh duy chỉ có bản dịch của Ngài Xà La Quật Ða
và Ðạt Ma Cấp Ða là có phần này. Trong ba cuốn kinh Diệu Pháp
Liên Hoa thì bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập là phổ thông nhất
tại Trung quốc, do đó sau này người ta đã thêm vào phần Kệ Tụng.
Trong bản kinh này khi Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Phật lý do tại sao Bồ
Tát Quán Thế Âm lại mang danh hiệu như thế, Phật đã trả lời: “Thiện-nam-tử!
Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não,
nghe Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này một lòng xưng danh.
Quán-Thế-Âm Bồ-Tát tức thì xem xét tiếng tăm kia, đều
được giải thoát.” (Watson 1993:298-99- Bản Việt dịch của
HT Thích Trí Tịnh, Phẩm Phổ Môn). Trong bản kinh này đã nêu lên
một yêu cầu duy nhất cho một người muốn được cứu vớt là chỉ cần
xưng danh hiệu của Bồ Tát. Câu văn cốt lõi được viết bằng chữ in
nghiêng ở trên đã không có trong bản dịch của ngài Ðàm Ma La Sát:
Bồ Tát xem xét, lắng nghe hoặc nhận ra âm thanh thốt ra bởi
những người niệm danh hiệu của Ngài. Danh hiệu “Quán Thế Âm” như
vậy đã mang một ý nghĩa khá rõ ràng.
Những nhà chú giải Trung Hoa đã lý giải danh hiệu của Bồ Tát
bằng cách nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa khả năng quán xét, nhận
biết với những âm thanh kêu cầu đến danh hiệu Ngài của những tín
đồ. Tăng Triệu (374-414) một môn đệ hàng đầu của ngài Cưu Ma La
Thập, trong “Chú Giải về Kinh Duy Ma Cật” đã viết: “Ngài Cưu Ma
La Thập nói rằng bất cứ ai đối diện với hiểm nguy, họ nên trì
niệm danh hiệu và nương tựa vào Bồ Tát. Khi Bồ Tát nghe được
tiếng kêu, người đó sẽ được giải thoát. Bồ Tát còn được gọi là
Quán Thế Niên hay Quán Tự Tại” (HTC 27:350a). Một điểm đáng lưu
ý là ngài Cưu Ma La Thập đã biết đến danh hiệu Quán Tự Tại, tuy
nhiên trong bản dịch kinh Pháp Hoa đã không hề sử dụng đến danh
hiệu này. Ðại sư Cát Tạng (549-629), người sáng lập Tam Luận Tôn
khi chú giải về kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã đưa ra lời giải thích
về danh hiệu Quán Thế Âm như sau: “Quán là trí tuệ có khả năng
xem xét nhận biết và Thế Âm là cảnh giới được nhận biết. Khi
cảnh giới và trí tuệ nhập làm một, ta có danh hiệu Quán Thế Âm”
(T34:624c). Ngài đồng thời cũng lập lại lời giảng của ngài Pháp
Vân (467-529) trước đây khi chú giải về kinh Diệu Pháp Liên Hoa
đã lý giải danh hiệu của Bồ Tát qua bốn điểm: “Quán Thế Âm có
thể được hiểu theo bốn ý nghĩa. Trước tiên là Quán Thế Âm, có
nghĩa là Ngài giải thoát khỏi khổ nạn khi quán xét tiếng kêu cầu
của thế gian. Thứ hai là Quán Thế Thân có nghĩa là Ngài giải
thoát khi quán xét thân nghiệp của chúng sanh. Thứ ba là Quán
Thế Ý có nghĩa là Ngài giải thoát khi quán xét ý nghiệp của
chúng sanh. Thứ tư là Quán Thế Nghiệp, bao gồm tất cả ba danh
hiệu trên. Nếu bạn hỏi tôi tại sao chỉ dùng có mỗi danh hiệu
Quán Thế Âm, thưa bạn, tạo khẩu nghiệp là điều quá dễ dàng nhưng
thực hành các hạnh lành bằng thân và ý là điều khó. Hơn thế nữa,
trong cõi Ta Bà này, chúng ta kính ngưỡng Ðức Bổn Sư bằng âm
thanh tiếng nói của mình. Ðó là lý do tại sao Quán Thế Âm trở
thành danh hiệu chính thức.” (HTC 42:381a).
Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh được coi như là một trong ba bộ kinh
cốt tủy của tông phái Tịnh Ðộ (cùng với Phật Thuyết Vô Lượng Thọ
Kinh –còn gọi là Ðại Kinh, Phật Thuyết A Di Ðà kinh-còn gọi là
Tiểu Kinh). Một trong những bản dịch của bộ kinh này từ lâu được
coi như là do ngài Cương Lương Da Xá (ca. 424-453), một tăng sĩ
người vùng Trung Á, dịch vào năm 430. Tuy nhiên đây là vấn đề mà
các học giả đương đại đang còn nêu lên nghi vấn. Trước tiên
người ta thấy tên tuổi của ngài Cương Lương Da Xá đã không được
liệt kê trong bộ danh mục Xuất Tam Tạng Ký Tập, kết tập bởi Tăng
Hữu (445-518) vào năm 515. Trong cuốn mục lục này Tăng Hữu đã
ghi tác giả của bộ kinh này là khuyết danh. Một học giả nghiên
cứu chuyên sâu về đề tài này, Sueki Fumihito (1986a, 1986b) cho
biết là đã có rất nhiều ý kiến liên quan đến nguồn gốc của bộ
kinh. Mặc dù nhiều học giả tin rằng bộ kinh này được kết tập tại
Ấn Ðộ (Hayashima 1964; Hirakawa 1984), nhưng một số khác lại tin
rằng nó được kết tập tại Trung Á (Kasugai 1953, Fujita 1985),
chưa kể là những người khác cho là tại Trung Quốc (Tsukinowa
1971).
Gần đây nhất, đa số các học giả đã có khuynh hướng đồng ý rằng
bộ kinh này là một thành phẩm của nhiều giai đoạn. Mặc dù bộ
kinh được hình thành sơ khởi tại vùng Trung Á, cụ thể là Qoco
(Kao Ch’ang) xứ Turfan, nhưng sau đó đã được kết tập với những
thêm thắt mới tại Trung Quốc (Yamada 1976; Pa 1977). Bộ kinh này
đã nêu ra mười sáu chủ đề liên quan về Quán. Chủ đề thứ
mười đặc biệt liên quan đến Quán Thân Tướng Ðức Quán Thế Âm (Quán
Thế Âm Quán). Trong phẩm kinh này đã hướng dẫn hành giả quán
tưởng về thân tướng của Bồ Tát với rất nhiều chi tiết tỉ mỉ
khiến một số học giả cho rằng nó đã được dựa vào một hình mẫu
sẵn có (Pas 1995:38). Chi tiết miêu tả về hình tượng, đặc biệt
nơi thiên quang giữa đỉnh đầu có một vị hoá Phật – thông thường
là Phật A Di Ðà- có thể được xem như là một kiểu mẩu cho các
nghệ nhân sau này dùng để phân biệt Bồ Tát cùng với những vị
khác. Biểu tượng ánh sáng của Bồ Tát được đề cập đến trong kinh
Pháp Hoa càng được miêu tả đậm nét hơn trong bộ kinh này: “Trong
thân quang của Bồ Tát hiện tất cả sắc tướng của ngũ đạo chúng
sanh. Bồ Tát đầu đội thiên quang bằng chất báu Tỳ Lăng Già Ma ni.
Nơi thiên quang có một vị Hoá Phật đứng, cao hai mươi lăm do
tuần” (Takakusu 1969: 1982. Bản Việt dịch, Hòa Thượng Thích
Thiền Tâm).
Bộ kinh này có
mối liên hệ rất gần gũi với năm bộ kinh cùng có chủ đề quán
tưởng xuất phát từ vùng Trung Á –có thể là Turfan- được dịch
sang Hán Văn vào khoảng cuối thế kỷ thứ tư và giữ thế kỷ thứ năm
(5). Nội dung của cả năm cuốn
kinh này đều chỉ cho hành giả cách thức thiền quán như thế nào
để có thể tạo ra hình ảnh của Phật hay Bồ Tát bằng nỗ lực tập
trung tư tưởng là chủ yếu chứ không cần phải nhờ đến một thần
lực bên ngoài. Khi thiền giả thấy được hình ảnh của Tam Thánh
cũng có nghĩa là họ đã được cứu độ. Hành giả cũng được cho biết
là trước giờ lâm tử, Phật A Di Ðà cùng với Bồ Tát Quán Âm và Thế
Chí sẽ hiện ra tiếp dẫn họ về cõi Tây Phương Tịnh Ðộ. Quán trong
trường hợp này vì thế mang ý nghĩa quán tưởng chứ không phải là
quan sát, nhận biết hay xem xét.
Một bộ kinh
khác, Thủ Lăng Nghiêm, theo truyền thống người ta tin là do ngài
Bát Thích Mật Ðế (Paramiti) dịch ra Hán văn vào năm 705. Tuy
nhiên vấn đề này nay vẫn còn là một nghi vấn vì một số các nhà
học giả đương đại cho là bộ kinh này đã được kết tập tại Trung
Quốc (Mochizuki, 1946). Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát đã được
gọi bằng danh hiệu Quán Thế Âm hay Quán Âm, tuy nhiên danh hiệu
này đã được lý giải một cách khác biệt. Ðây là cách giải thích
thứ ba về ý nghĩa của danh hiệu Quán Âm. Trong bộ Kinh này, Bồ
Tát bắt đầu bằng cách cho đại chúng biết ngài đã đạt được thiền
định tam muội là do nhờ quán chiếu về tánh nghe, dưới sự chỉ dạy
bởi bổn sư của Ngài là một vị Phật cũng mang danh hiệu là Quán
Thế Âm:
Ban đầu, ở
trong tính-nghe, vào được dòng viên-thông, không còn tướng
sở-văn nữa. Trần-tướng đã vẳng-lặng, hai tướng động, tĩnh rõ
thật không sinh. Như vậy thêm lần, các tướng năng-văn, sở-văn
đều hết. Không dừng lại nơi chỗ dứt hết năng-văn, sở-văn mà tiến
lên nữa, thì năng-giác, sở-giác, đều không. Không-giác tột bậc
viên-mãn, các tướng năng-không, sở-không đều diệt. Sinh-diệt đã
diệt, thì bản-tính tịch-diệt hiện-tiền. (Luk 1966:135 -bản
Việt dịch Tâm Minh Lê Ðình Thám).
Cái tiếng được
nói đến trong kinh Lăng Nghiêm không phải là tiếng kêu cầu danh
hiệu Bồ Tát của những tín đồ trì tụng mà là bất cứ thanh âm nào,
khi ta quán tưởng sâu xa vào thực chất của chúng đều dẫn đến
thực chứng Tánh Không. Mặc dù cuốn kinh đề cập đến năng lực cứu
vớt chúng sanh ra khỏi nhiều khổ nạn cùng với mười bốn pháp thí
vô úy của Bồ Tát, nhưng nguyên do của việc làm này thì lại khác
biệt với kinh Diệu Pháp Liên Hoa: “Ta
không tự quán
cái tiếng, mà quán cái tâm năng-quán, nên khiến cho chúng-sinh
khổ-não thập phương kia, quán cái âm-thanh, thì liền được
giải-thoát.”. (Luk 1966:139 -bản Việt dịch Tâm Minh Lê
Ðình Thám). (6) Bồ Tát một lần
nữa đi đến kết luận bằng cách liên hệ danh hiệu của mình với sự
thiền quán về tánh nghe: “Bạch
Thế-tôn, đức Phật Như-lai kia, khen tôi khéo được pháp-môn
viên-thông, ở trong Đại-hội, thụ-ký cho tôi cái hiệu là
Quán-Thế-Âm; do tôi thấy-nghe thấu-suốt mười phương, nên
danh-tiếng Quán-Âm cùng khắp thập phương thế-giới".” (Luk
1966:142-bản Việt dịch Tâm Minh Lê Ðình Thám). Trong kinh Thủ
Lăng Nghiêm, Quán như thế không có nghĩa là xem xét hay
lắng nghe tiếng kêu cầu giúp đỡ của những người tín ngưõng vào
Ngài, cũng không phải là quán tưởng về thân tướng của Bồ Tát mà
là đi sâu vào bản tánh của thanh âm để thực chứng rằng chúng
hoàn toàn trống rỗng.
Bây giờ chúng
ta tiếp tục khảo sát về sự xuất hiện danh hiệu của Bồ Tát theo
thứ tự niên đại. Ngài Bồ Ðề Lưu Chi trong bản dịch Pháp Hoa
Kinh Luận năm 508 đã tổng hợp hai danh hiệu của Bồ Tát và
gọi là Quán Thế Tự Tại. Danh hiệu Quán Tự Tại được chính
thức dùng lần đầu tiên trong bản dịch Ðại Bát Nhã Ba La Mật
Ða Kinh, năm 663, của Ngài Huyền Trang, cũng như trong bản
dịch Hoa Nghiêm 80 phẩm của ngài Thực Xoa Nan Ðà, năm
695-699 (khác với bản dịch 60 phẩm của ngài Giác Hiền vào năm
420 trong đó Bồ Tát được gọi là Quán Thế Âm). Khuy Cơ (632-682),
đại đệ tử của ngài Huyền Trang trong bộ luận Bát Nhã Tâm Kinh
U Tán đã giải thích ý nghĩa của danh hiệu Quán Tự Tại và
đứng trên quan điểm của thầy mình, phê phán những người sử dụng
danh hiệu Quán Thế Âm là sai lầm:
Bồ Tát đắc quả
vị hiện tại vì đã thực hành lục độ ba la mật trong quá khứ. Bởi
Bồ Tát quán xét thâm sâu vạn pháp bằng trí tuệ bát nhã thế nên
Ngài đã đạt đến mười cảnh giới tự tại. Thứ nhất Ngài đã làm chủ
được sinh tử vì có thể kéo dài hay rút ngắn thọ mạng tùy ý. Thứ
hai Ngài đã làm chủ được tâm vì không còn vướng bận trong vòng
sinh tử. Thứ ba Ngài làm chủ được giàu sang vì có thể biến hiện
ra của cải theo ý muốn đó là kết quả của việc thực hành hạnh bố
thí ba la mật trong quá khứ. Thứ tư Ngài làm chủ được nghiệp quả
vì Bồ tát luôn luôn làm các hạnh lành và khuyến khích mọi người
cũng làm theo như thế. Thứ năm Ngài làm chủ được đời sống hiện
tại đi đến bất cứ nơi đâu thong dong tự tại, do kết quả cuả việc
thực hành hạnh trì giới ba la mật. Thứ sáu Ngài làm chủ được
kiến thức siêu việt để có thể ứng hiện tùy duyên do kết quả của
việc thực hành hạnh nhẫn nhục ba la mật. Thứ bảy, Ngài là chủ
của các hạnh nguyện từ đó có thể mang hạnh phúc đến bất cứ nơi
đâu mà Ngài quán chiếu do kết quả của thực hành tinh tấn ba la
mật. Thứ tám, Ngài là chủ tể của quyền lực siêu nhiên với năng
lực siêu phàm không thể nghĩ bàn kết quả của thiền định ba la
mật. Thứ chín Ngài là chủ của nguồn tuệ giác do nương vào tiếng
nói, âm thanh mà đạt đến trí tuệ viên mãn. Thứ mười, Ngài là một
vị Pháp chủ vì những hiểu biết của Ngài luôn luôn đúng theo
kinh điển và đây là kết quả của việc thực hành trí tuệ ba la mật.
Ngài tuy là vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ nhưng đã trải qua quá
trình thực chứng rốt ráo như một vị Phật. Không có bất cứ nơi
chốn tối tăm nào mà hào quang của Ngài không thể chiếu rọi tới.
Do đó mà Ngài có danh hiệu là Quán Tự Tại. Nếu ai gọi Ngài là
Quán Âm đều sai lạc cả chữ lẫn nghĩa. (HTC 41:439a)
Tại sao các
dịch giả kinh điển đã cho vị Bồ Tát này mang hai danh hiệu khác
nhau? Nhưng dù thế nào đi nữa, mặc cho những phê phán của cả
Ngài Huyền Trang lẫn Khuy Cơ, người ta vẫn thích gọi Bồ Tát là
Quán Thế Âm hay Quán Âm. Ðồng thời cũng không có một chứng cớ
nào xác minh rằng sự phiên dịch danh hiệu này của những dịch bản
trước đây là lầm lẫn. Thực ra sở dĩ có những danh hiệu khác biệt
bằng tiếng Trung Hoa là do tên của Bồ Tát đã được dịch ra từ hai
từ ngữ phát âm khác nhau. Quán Thế Âm được dịch từ chữ Avalokitasvara
trong khi Quán Tự Tại là phiên âm của chữ Avalokitesvara.
Pháp Vân, người kết tập một cuốn từ điển thuật ngữ Phật giáo,
Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập, đã giải thích rằng hai danh hiệu này
là kết quả của hai bản kinh có nguồn gốc khác nhau được mang vào
Trung quốc. (T54:1062a). Trong một bài tham luận liên quan đến
vấn đề này xuất bản vào năm 1927, học giả Mironov đã xác nhận
những nhận định của ngài Pháp Vân đưa ra từ thế kỷ thứ năm là
đúng đắn. Sau khi khảo sát những mảnh thủ bản Phạn ngữ của kinh
Diệu Pháp Liên Hoa do Otani khám phá tại Ðông bộ Turkestan hoặc
Tân Cương, ông viết: “Một trong ba bộ của các mảnh thủ bản do
căn cứ vào cấu trúc ngữ pháp của thời cổ có thể được xác định
niên đại vào khoảng cuối thế kỷ thứ năm, ông đã tìm thấy ba mảnh
của phẩm thứ hai mươi bốn tuyên xưng Bồ Tát Avalokitesvara. Bởi
vì chỉ trên một mảnh lá nhỏ mà danh hiệu của Bồ Tát được viết là
Avalokitasvara đến 5 lần,
ta khó có thể tin rằng đây là chuyện nhầm lẫn trong khi ghi chép.
Như vậy, có vẻ như người ta đã tìm ra cái khâu chính trong vấn
đề không ăn khớp giữa hai truyền thống Ấn Ðộ và Trung Hoa. Không
còn hoài nghi gì nữa, Avalokitasvara
là danh hiệu nguyên thủy của Bồ Tát và rồi sau này đã được thay
thế bằng Avalokitesvara.” (Mironov
1927:243) Căn cứ trên khám phá này, học giả Hậu Ðằng Ðại Dụng đã
nêu giả thuyết rằng danh hiệu Avalokitasvara đã được dùng trong
các kinh điển mang vào Trung quốc có xuất xứ từ Kucha như các bộ
kinh mà ngài Cưu Ma La Thập và các nhà truyền giáo vùng Trung Á
đã dịch ra Hán văn, trong khi đó danh hiệu Avalokitesvara được
tìm thấy trong nguồn kinh điển gốc gác từ Ấn Ðộ do ngài Huyền
Trang mang về trong chuyến Tây du thỉnh kinh nổi tiếng của Ngài.
(Goto 1958:9)
Những nhà dịch
giả kinh điển Hán văn như thế đã tiếp cận danh hiệu Bồ Tát đến
từ hai nguồn khác nhau. Và rồi một điều khá lý thú là cho dù bị
chống đối mạnh mẽ bởi ngài Huyền Trang, danh hiệu Quán Âm hay
Quán Thế Âm đã trở thành phổ cập cả trong vùng Tây Á. Những nhà
chú giải, như được đề cập trước đây cũng đã đưa ra những lời
giải thích hoàn toàn tán đồng về ý nghĩa “âm thanh” như là một
phần nội dung chính trong danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Trước khi đi
sâu vào nguồn kinh điển Mật tông vốn trình bày Bồ Tát như là một
nhân vật chuyên cứu khổ cứu nạn, người đã nói ra những thần chú
linh nghiệm, thiết tưởng ta cũng cần nên biết qua hình ảnh của
Bồ Tát đã được mô tả như thế nào trong kinh sách. Ngoại trừ bộ
kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã đưa ra những hướng dẫn để quán
tưởng Bồ Tát một cách chi tiết, các bộ kinh còn lại đã không đề
cập đến thân tướng của Ngài một cách rõ ràng. Do thiếu chi tiết
cụ thể, những nghệ nhân tạo hình đã không thể sáng tác ra một
hình tượng đặc biệt về Ngài mà chỉ mô phỏng theo những kiểu mẫu
đã có sẵn từ Ấn Ðộ và Trung Á. Một số tượng đồng Bồ Tát thếp
vàng có niên đại thế kỷ thứ năm dưới danh hiệu Quang Thế Âm hay
Quán Thế Âm đã được tìm thấy. Ða số đều thuộc về triều đại Thái
Hoà (T’ai-ho) của Bắc Ngụy (477-499). Kiểu cách sớm nhất thuộc
loại này được tìm thấy trong bộ sưu tập phương Tây của Freer là
một bức tượng đồng thếp vàng được biết như là “Liên Hoa Thủ” có
niên đại vào năm 453. (fig 2.1. Howard 1993:99). Những ghi chú
lưu lại thường thể hiện những ước nguyện cầu cho cha mẹ đã quá
vãng được nương tựa vĩnh viễn vào Bồ Tát như trên bức tượng đồng
năm 470 hay cầu cho họ được tái sanh về đảo Bồ Ðà Lặc Ca của Bồ
Tát trên bức tượng năm 498. (Matsubara 1995:I:35,88). Ða phần
các bức tượng thường miêu tả Bồ Tát trong tư thế đang đứng với
tay phải cầm đoá hoa sen trong khi tay trái nắm chặt cái khăn
choàng hoặc tịnh bình. Thỉnh thoảng Bồ Tát cũng được miêu tả
đang ngồi trong tư thế trầm ngâm với tay phải tựa vào cằm. Mô
hình Bồ Tát với “Thiên quang có vị hoá Phật ở giữa đỉnh đầu”,
một trong những đặc tính tiêu biểu của Bồ Tát, chưa thấy xuất
hiện trong giai đoạn này. Theo Angela Howard, mô hình này chỉ
được xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng hạ bán thế kỷ thứ sáu.
Trong thực tế, kiểu cách mô tả này lúc sơ khởi không khác xa
mấy với hình tượng của Bồ Tát Di Lặc.
(7).
Matsumoto
Eiichi cũng đã đưa ra một nhận xét tương tự trong việc nhận diện
hình tượng giữa Quán Âm và Di Lặc và đã đưa ra một thí dụ cụ thể
để minh chứng cho quan điểm này. Ðó là câu chuyện được chép
trong Tống Sử kể chuyện Ðái Ngung, một nhà điêu khắc nổi tiếng
dưới thời Nguyên Gia (420-430), được một người bạn ở Triết Giang
(Chi Yang) nay thuộc tỉnh Sơn Ðông là Tưởng Dịch (Chiang I) nhờ
làm một bức tượng Quán Âm. Mặc dù Ngung đã nỗ lực bỏ công sức ra
rất nhiều năm nhưng vẫn không đạt được kết quả. Thế rồi một đêm
Ngung nằm mơ và được báo mộng rằng sở dĩ việc đúc tượng không
thành công là do người bạn của ông ta không có duyên với Bồ Tát
Quán Âm, thay vào đó nên đúc một bức tượng Di Lặc. Sau khi thức
dậy, Ngung định báo cho bạn biết chuyện này thì đồng thời cũng
nhận được một bức thư của Tưởng gởi đến báo cho biết là nên làm
tượng Di Lặc vì ông ta cũng đã nằm mộng thấy một giấc mơ y hệt
như Ngung trong cùng đêm hôm đó. Thế là Ngung không cần phải
thay đổi các chi tiết và bức tượng đã được hoàn thành một cách
nhanh chóng (8). Trong thực tế
người ta thấy có những nét rất giống nhau trong rất nhiều hình
tượng của hai vị Bồ Tát do tín đồ tạo ra (Matsumoto 1937: 8-9).
(9)
Mặc dù ta không
thấy kinh sách mô tả hình tướng của Bồ Tát Quán Thế Âm như thế
nào, tuy nhiên một số kinh điển đã có đề cập đến việc Bồ Tát thị
hiện ra những ứng thân khác nhau mà một cách tổng quát, có thể
được phân ra làm hai loại chính: Loại thứ nhất gồm một danh sách
những ứng thân của Bồ Tát dưới các dạng trời, người hay phi nhân
như là những phương tiện thiện xảo để độ chúng, được miêu tả
trong các bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thủ Lăng Nghiêm và Ðại
Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh, một bộ kinh quan trọng của Mật
Tông. Loại ứng thân thứ hai được trình bày trong các kinh điển
Mật Tông qua đó Bồ Tát xuất hiện với nhiều đầu, cùng nhiều tay
cầm những vật biểu tượng khác nhau, ban bố những thần chú vô
cùng linh nghiệm. Một đặc điểm nổi bật khác của kinh điển Mật
Tông là đã cung cấp những hướng dẫn rất chi tiết liên quan đến
việc khắc họa hình tượng của Bồ Tát.
Kinh Diệu Pháp
Liên Hoa đã trình bày tất cả ba mươi ba ứng thân của Bồ Tát
(10): “Phật
bảo Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: "Thiện-nam-tử! Nếu có chúng sanh trong quốc
độ nào đáng dùng thân Phật được độ thoát thời Quán-Thế-Âm Bồ-Tát
liền hiện thân Phật vì đó nói pháp.” (Watson 1993:301 -
Phẩm Phổ Môn, bản Việt dịch, HT Thích Trí Tịnh). Cũng cùng một
công thức như vậy, Kinh Pháp Hoa tiếp tục mô tả những ứng thân
khác của Bồ Tát như Duyên-giác, Thanh-văn, Phạm-vương, Đế-Thích,
Tự-tại-thiên, Đại-tự-tại-thiên (11),
Thiên-đại-tướng-quân, Tỳ-sa-môn, Tiểu-vương, Trưởng-giả, Cư-sĩ,
Tể-quan, Bà-la-môn, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, phụ
nữ của Trưởng-giả, Cư-Sĩ, Tể-quan, Bà-la-môn, Ðồng-nam, Ðồng-nữ,
Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la,
Ma-hầu-la-dà, nhơn cùng phi nhơn, và Chấp-Kim-Cang thần. Những
hình ảnh khắc họa tại động Ðôn Hoàng đã làm nổi bật một số những
ứng thân khác nhau của Bồ Tát. (12)
Một vài điểm
thiết tưởng cũng cần được nêu ra ở đây. Trước tiên, ba mươi ba
ứng thân của Bồ Tát đã có mối liên hệ đến một tôn giáo phổ cập
mà chỉ người thời cổ Ấn Ðộ mới có thể hiểu được. Phạm Vương, Ðế
Thích là những vua Trời của Ấn Ðộ giáo. Tỳ Sa môn, Trời, Chuyển
Luân Vương là những vị thần quan trọng và những nhân vật lý
tưởng trong thế giới tinh thần cũng như trong lý thuyết về bản
thể học vũ trụ của người Ấn. Ngay cả những loài phi nhơn của bầu
vũ trụ đó như A tu la, rồng, dạ xoa cũng chỉ có thể hiểu được
bởi những người được nuôi dưỡng và lớn lên từ chiếc nôi của nền
văn hoá Ấn Ðộ. Ðó là lý do tại sao Hậu Ðằng đã nêu ra luận điểm
khả tín là tác giả của phẩm Phổ Môn trong Diệu Pháp Liên Hoa
muốn nhắm đến đối tượng thính giả là những người quen thuộc với
truyền thống Vệ Ðà cũng như thần thoại, tín ngưỡng Ấn Ðộ giáo.
Bằng cách để cho một vị Bồ Tát Phật giáo có khả năng mang những
ứng thân quan trọng của những vị thần thời kỳ tiền Phật giáo và
ngoài Phật giáo, Avalokitesvara như vậy đã nghiễm nhiên chiếm
một vị trí vượt trội hơn so với tất cả những vị thần đã được
sùng kính đương thời. (Goto 1958:294-95).
Hơn thế nữa,
con số ba mươi ba chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh của truyền thống
Vệ Ðà và Ấn Ðộ Giáo. Nó chắc chắn là có liên hệ đến Tầng Trời
thứ Ba mươi ba của vua Trời Phạm Thiên, một trong những vị thần
quyền lực nhất của Vệ Ðà, người cai quản ba mươi hai vua Trời
khác. Ðây là cõi trời thứ hai trong sáu cõi trời sắc giới với
cung điện tọa lạc trên đỉnh núi Tu Di, trung tâm của vũ trụ. Con
số này như vậy đã mang một ý nghĩa tượng trưng chứ không phải
thuần túy khía cạnh văn chương chữ nghĩa. (Goto 1958:167-68).
Thứ hai, những
ứng thân của Bồ Tát Avalokitesvara để từ vị trí đó có thể nói
Pháp hiệu quả hơn thường mang tính cách chung chung chứ không
phải là những cá nhân cụ thể. Chẳng hạn khi Bồ Tát xuất hiện như
là một vị vua, kinh không nói rõ vị vua đó tên hiệu là gì hay đi
sâu vào tiểu sử mà chỉ nói một cách tổng quát. Nó đề cập đến vai
trò hơn là con người thực. Ðiểm thứ ba và cũng là cuối cùng,
trong tất cả những ứng thân của Bồ Tát Avalokitesvara, người ta
thấy chỉ có bảy ứng thân nữ. Khi đưa ra những điểm nhận xét này
tôi muốn làm nổi bật lên những khác biệt so với ba mươi hai hiện
thân của Bồ Tát theo kiểu cách Trung Quốc mà rõ ràng là muốn
thay thế ba mươi ba ứng thân trước đây. Về điểm này, ta thấy tất
cả những ứng thân mang ảnh hưởng Vệ Ðà và Ấn Ðộ Giáo đã hoàn
toàn biến mất và điều đặc biệt, trong những ứng thân Trung quốc,
nữ thân đã chiếm phần đa số, với nhân vật thường phảng phất
những hình ảnh liên hệ đến lịch sử hoặc những chuyện dân gian
phổ biến tại Trung Quốc. Ðây là một trong rất nhiều phương tiện
đã được dùng để bản địa hoá Bồ Tát Avalokitesvara thành một Quán
Thế Âm Trung Hoa.
Những ứng thân
của Bồ Tát Avalokitesvara cũng đã được đề cập đến trong Kinh
Thủ Lăng Nghiêm và Ðại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh.
Mặc dù hầu như tất cả ba mươi hai ứng thân của Bồ Tát được đề
cập đến trong kinh Lăng Nghiêm đều tương ứng với Diệu Pháp Liên
Hoa, duy chỉ có điểm khác biệt chính yếu là Kinh Lăng Nghiêm đã
đưa ra những lời giải thích tại sao Bồ Tát đã chọn lựa những ứng
thân như vậy. Chính việc biện giải một cách chu đáo cho sự lựa
chọn đúng đắn từng ứng thân đối với từng đối tượng nói pháp của
Bồ Tát đã làm nổi bật được tính cách quan trọng của phương tiện
thiện xảo. Sau đây là một vài thí dụ cụ thể:
6. Nếu có chúng
sanh, muốn làm thiên chủ, lãnh đạo chư thiên, thì con hiện thân
Đế Thích, thuyết pháp cho họ khiến được thành tựu.
7. Nếu có chúng
sanh, muốn thân được tự tại, đi khắp mười phương, thì con hiện
thân Tự Tại Thiên, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
14. Nếu có
chúng sanh, thích đàm luận những lời hay giữ mình trong sạch,
thì con hiện thân Cư Sĩ, thuyết pháp cho họ, khiến được thành
tựu.
15. Nếu có
chúng sanh, thích cai trị việc nước, trông coi các ban ấp, thì
con hiện thân Tể quan, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
18. Nếu có
thiện nữ nhân, ham học pháp xuất gia, trì các giới cấm, thì con
hiện thân Tỳ Kheo Ni, thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
21. Nếu có
thiện nữ nhân, lập thân trong cung vua, chủ việc nội chính, giúp
việc nước nhà, thì con hiện thân nữ chủ (hoàng hậu), hay phu
nhân, mệnh phụ, đại gia (nữ giáo sư của hoàng hậu và các cung
phi), thuyết pháp cho họ, khiến được thành tựu.
22. Nếu có con
trai, chẳng hoại trinh nam, thì con hiện thân đồng nam, thuyết
pháp cho họ, khiến được thành tựu.
25. Nếu có con
Rồng, muốn ra khỏi loài rồng, thì con hiện thân rồng, thuyết
pháp cho họ, khiến được thành tựu.
Ba mươi hai ứng
thân của Bồ Tát trong Kinh Lăng Nghiêm rất gần giống với kinh
Diệu Pháp Liên Hoa, ngoại trừ việc loại bỏ Chấp Kim Cang Thần,
và thay thế Tỳ Sa Môn (tức Bắc Thiên Vương) bằng Tứ Ðại Thiên
Vương. Diệu Pháp Liên Hoa như thế chính là một khuôn mẫu của Thủ
Lăng Nghiêm. Cũng giống như Pháp Hoa, Thủ Lăng Nghiêm đã đưa ra
lời hứa hẹn giải thoát những người tín ngưỡng thuần thành ra
khỏi tất cả những mối hiểm nguy. Cùng mang một đặc tính chung
như trong các kinh điển Mật Tông tuyên xưng Bồ Tát
Avalokitesvara -sẽ được đề cập sau-, Thủ Lăng Nghiêm đã liệt kê
lần lượt những lợi ích này và gọi đó là mười bốn pháp thí vô uý
của Bồ Tát (13). Ðặt căn bản trên
những nguyên tắc phương pháp luận nhằm giải thích về “tánh nghe”
và “tiếng”, kinh Lăng Nghiêm đã cung ứng mối liên hệ triết lý
giữa tuệ giác được vận dụng để soi chiếu thực tánh của vạn pháp
là rỗng không và kết quả đưa đến tình trạng tâm lý không còn sợ
hãi. Ðiều này đã gợi lại cho ta nội dung được trình bày trong
Bát Nhã Tâm Kinh khi Bồ Tát Quán Tự Tại “đi sâu vào Bát Nhã
Ba La Mật Ða, soi thấy năm uẩn đều không” nên “tâm không
chướng ngại” và “không còn sợ sệt” (Conze 1959:163).
Lăng Nghiêm
cũng chia xẻ một khía cạnh đặc biệt khác của kinh điển Mật Tông
là đã miêu tả Bồ Tát Avalokitesvara với rất nhiều đầu, nhiều tay
và nhiều mắt:
Do con được Bản
Văn huyền diệu, tâm diệu lìa văn: Kiến, Văn, Giác, Tri thành một
bửu giác viên dung trong sạch, chẳng thể chia cách, nên hay hiện
nhiều dung mạo vi diệu, thuyết vô biên bí mật thần chú, trong đó
từ một đến tám vạn bốn ngàn con mắt và cánh tay, tùy nghi thị
hiện, hoặc từ hoặc oai, hoặc định hoặc huệ, cứu giúp chúng sanh
được tự tại. (Luk 1966:141)
Ðại Thừa
Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh do Thiên Tức Tai dịch từ tiếng
Tây Tạng ra Hán văn vào khoảng năm 1000 cũng chia xẻ một số lớn
những đặc tính chung của kinh điển Mật Tông. Bộ kinh này đã được
xếp loại vào mục kinh điển Mật Tông trong bộ Ðại Chính Tân Tu
Ðại Tạng Kinh (T vol. 20). Bởi vì đây là một trong vài bộ kinh
hiếm hoi đã miêu tả Bồ Tát Quán Âm như là nhân vật chuyên cứu
khổ cứu nạn với năng lực vô biên, ta sẽ đi sâu vào chi tiết hơn
sau này. Trong bộ kinh này, Bồ Tát đã hiện ra hai mươi ứng thân
để cứu độ mọi loài chúng sinh: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh
Văn, Ðại Tự Tại Thiên, Na La Diên Thiên, Ðế Thích, Phạm Vương,
Nhật Thần, Nguyệt Thần, Hoả Thần, Thủy Thần, Phong Thần, Long
Thần, Tì Na Dạ Ca Thiên (Chướng Ngại Thần), Dạ Xoa, Tỳ Sa Môn,
Vua, Tể Quan, Phụ Mẫu. (T20:50c-51a). Một điểm đáng lưu ý là so
sánh với ba mươi ba hay ba mươi hai ứng thân trước đây, đã có
thêm nhiều vị thần của Ấn Ðộ giáo được đưa vào trong bộ kinh này
cho thấy dụng tâm muốn trình bày Bồ Tát Avalokitesvara như là
người sáng tạo ra vũ trụ đồng thời cũng là người cứu vớt nhân
sinh. Trong số này chỉ có một ứng thân nữ duy nhất là người mẹ.
Bây giờ chúng
ta nghiên cứu đến những ứng thân của Avalikitesvara trong các
kinh điển Mật Tông vốn tuyên xưng Ngài như là người đã ban phát
những thần chú cứu nạn linh ứng, trong đó Ðại Thừa Trang
Nghiêm Bảo Vương Kinh có thể được xem như là một thí dụ cụ
thể. Cũng nên có một khái niệm về hai từ ngữ “hiển” và “mật”
được dùng để phân biệt hai loại kinh điển Phật giáo tại Trung
Hoa cũng như khắp vùng Trung Á. Ðiểm nổi bật của Phật giáo Mật
Tông cũng còn được gọi là Tan-tra là nhấn mạnh đến khả năng của
một con người có thể hoàn thành Phật đạo trong một kiếp cùng với
việc sử dụng những thần chú, đại thủ ấn, mạn đà la, và quán
tưởng để đạt được những lợi ích tinh thần cũng như thế tục.
Những vị thần được quán tưởng thông qua các nghi qũy thường là
những nhân vật siêu nhiên vượt khỏi cõi phàm trần, cụ thể là
hình người với nhiều đầu, nhiều tay.
Khi liệt kê một
số kinh điển được dịch sang Hán văn trước thời Ðường vào truyền
thống kinh điển Mật Tông, tôi đã không theo quan điểm của giới
học giả Nhật Bản về lãnh vực này. Học giả Nhật Bản đã phân chia
ra hai loại Mật Tông, mà họ gọi là “tạp” (zo) và “thuần” (jun).
Thuần là những kinh điển do ngài Pháp sư Mật Tông Bất Không dịch
vào đời Ðường, được xem như do Phật Tì Lô Xá Na, vị Pháp Thân
Phật, giảng thuyết mà cụ thể như Ðại Tì Lô Xá Na Kinh (Ðại
Nhật Kinh: Mahavairocana) và Nhiếp Chân Thật Kinh
(Chinkang ting ching: Tattvasamgraha Sutra). Ngược lại họ xem
tất cả những kinh điển Mật Tông dịch trước thời Ðường do Phật
Thích Ca, vị Hoá Thân Phật, giảng thuyết là “tạp”, ngay cả những
kinh điển có cùng nghi thức hay những mục tiêu tương tự như “thuần”.
Rõ ràng là đã có vấn đề màu sắc đẳng cấp trong cách thức xếp
loại này mà một học giả Nhật Bản đã đưa ra một nhận định bao
quát như sau: “Những tín đồ Tạp Mật tông (Zomitsu) nhằm đạt đến
những lợi ích thế tục, trong khi đó những tín đồ Thuần Mật Tông
(Junmitsu) theo đuổi cứu cánh đạt thành Phật quả. Kinh điển Tạp
Mật tông liên hệ rất ít đến tư tưởng Phật giáo, trong khi Thuần
Mật Tông là sự hòa điệu giữa nghi lễ Mật Tông và tư tưởng Phật
giáo Ðại thừa” (Matsunaga 1979:ii). Bởi vì sự phân biệt mang
tính đẳng cấp như thế phản ảnh phần nào những quyền lợi thế tục
của phái Chân Ngôn Tông Nhật Bản mà mục đích là để tạo đặc quyền
cho sự truyền pháp của ngài Không Hải (Kukai), giới học giả hiện
nay đã không áp đặt sự phân chia này vào thực tế lịch sử của
Phật giáo Trung Quốc. (14)
Một trong những
kinh điển sớm nhất như thế là Thỉnh Quán Thế Âm Bồ Tát Tiêu
Phục Ðộc Hại Ðà La Ni Kinh – gọi tắt là Thỉnh Quán Âm
Kinh do ngài Nan Ðề dịch vào những năm cuối của triều đại
Ðông Tấn (317-420). Thiên Thai Tông đã luôn luôn đặc biệt chú
trọng đến bộ kinh này kể từ khi Trí Giả Ðại sư (538-597), một vị
tổ Thiên Thai, đã dùng bộ kinh như là một trong những nguồn mạch
của một trong bốn hình thức nhập định: không phải thiền hành mà
cũng không phải tọa thiền (Stevenson 1986:50; Donner and
Stevenson 1993:28, 275-80). Mặc dù ở bộ kinh này Bồ Tát xuất
hiện trong một nhân dạng bình thường, không phải với nhiều đầu,
nhiều tay như những kinh điển Mật tông khác, nhưng trong bộ kinh,
thần chú vẫn chiếm một vị trí quan trọng như các bộ kinh sau này.
Nhan đề của
cuốn kinh đã được giải thích bằng một câu chuyện trong phần mở
đầu của cuốn kinh. Thành Vương Xá đang trải qua những trận dịch
bệnh kinh khủng do qũy Dạ Xoa gây ra. Một phái đoàn dân chúng đã
tìm đến Phật để xin được cứu giúp khẩn cấp. Ðức Thế Tôn liền bảo
họ hãy kêu cầu đến Bồ Tát Avalokitesvara bằng cách cúng dường
đến Ngài những cành dương và tịnh thủy. Rồi Bồ Tát đã xuất hiện
trước mặt Phật và dạy mọi người trì tụng ba chuổi thần chú mà
đặc biệt chuổi cuối cùng gồm mười lăm câu thần chú rất có uy lực.
Ðược biết thần chú này mang tên Lục Tự Chương Cú Thần Chú
khi trì niệm cùng với tuyên xưng danh hiệu Bồ Tát Avalokitesvara
sẽ giúp cứu vớt con người ra khỏi mọi hiểm nguy. Cụ thể như Bồ
Tát Avalokitesvara sẽ hiện thân làm người hướng đạo dẫn lối kẻ
lạc đường đến chốn an toàn; sẽ hiện thành giếng nước và thực
phẩm để cứu giúp những người đang sắp chết vì đói khát. Phụ nữ
đang trong cơn thập tử nhất sinh khi sinh đẻ sẽ được bình an; kẻ
đi buôn bị đạo tặc cướp của sẽ phục hồi tài sản vì kẻ ác bỗng
chốc sẽ hồi tâm. Thần chú này không phải chỉ cứu giúp con người
thoát qua khỏi những khổ nạn trong cõi đời này mà còn giúp họ
không còn bị tái sanh vào trong các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ,
súc sanh, và a tu la. Ngược lại họ sẽ được sanh vào cảnh giới
tốt đẹp, gặp Phật, nghe Pháp và hoàn toàn giải thoát.
Avalokitesvara trong bộ kinh này được gọi là Ðại Bi với tâm từ
vô lượng luôn luôn lăn xả vào năm cảnh giới tái sanh để cứu vớt
chúng sanh (T20:36b).
Bắt đầu từ thời
đại Bắc Chu (556-681), rất nhiều kinh điển Mật Tông về Bồ Tát
Avalokitesvara cùng những thần chú mới đã được đưa vào giới
thiệu với Trung Quốc. Hình ảnh của Bồ Tát trong những kinh điển
này không xuất hiện dưới thân tướng bình thường mà là những hình
ảnh đặc biệt Mật Tông với nhiều đầu và nhiều tay. Một trong
những hình ảnh đầu tiên về Bồ Tát được trình bày trong kinh điển
là Avalokitesvara Mười Một Ðầu (Thập Nhất Diện, Ekadasamukkha).
Con số mười một không phải là một con số ngẫu nhiên mà là tiêu
biểu cho tám hướng, các phương trên, dưới và điểm cố định ở
trung tâm tượng trưng cho sự tổng hợp toàn bộ trong truyền thống
Ấn Ðộ. Mallman (1948) cho rằng hình ảnh nhiều đầu này nói lên ý
nghĩa “Phổ Môn” của Bồ Tát được dùng làm tựa đề cho phẩm thứ 24
của bản Phạn ngữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Strickmann 1996:140).
Ba bộ kinh được dịch sang Hán văn bởi các ngài Da Xá Quật Ða (trong
khảng 563-577), Huyền Trang năm 659, và Bất Không Kim Cương
trong thế kỷ thứ 8 liên quan đến vị Bồ Tát này. Tiếp đến là hình
ảnh Bồ Tát Avalokitesvara với dây thòng lọng (Amoghapasa – Pu
k’ung ssu so: quyến sách) kéo về Ngài những chúng sinh đau khổ
để giải thoát cho họ, được đề cập đến trong bảy bộ kinh, trong
đó sớm nhất là bộ kinh do Xà Na Quật Ða dịch vào đời Tùy
(581-618) và những bộ còn lại do ngài Huyền Trang và Bồ Ðề Lưu
Chi dịch vào đời Ðường. Thứ ba là những bộ kinh nói về Thiên Thủ
Thiên Nhãn Avalokitesvara trong đó mười ba bộ được phiên dịch
vào thời Ðường. Bên cạnh những bộ do các ngài Trí Thông (dịch
vào khoảng 627-649), và Dà Phạm Ðạt Ma (hoàn tất năm 650), người
ta không thể không nói đến những đóng góp đáng kể của các ngài
Huyền Trang, Bồ Ðề Lưu Chi và ba vị đại sư Mật giáo Thiện Vô Úy
(636-735), Vajra Bodhi Kim Cương Trí (670-741), và Bất Không Kim
Cương trong những công trình dịch thuật này. Thứ tư là hình ảnh
mang màu sắc Mật Tông của Bồ Tát Avalokitesvara tay cầm bánh xe
với ngọc như ý (như ý luân – cintamanicakra), tượng trưng cho
năng lực bố thí vô biên và khả năng sẵn sàng đáp ứng mọi lời kêu
cầu của chúng sinh là chủ đề chính trong tất cả những bộ kinh do
các ngài Nghĩa Tịnh, Bồ Ðề Lưu Chi, Thực Xoa Nan Ðà, Bất Không
Kim Cương và những vị khác phiên dịch vào thới Ðường.
Mặc dầu trong
những kinh điển Mật Tông vừa kể đã tôn sùng những hình ảnh khác
nhau về Bồ Tát Avalokitesvara nhưng tựu trung tất cả đều chia xẻ
một số đặc tính chung. Thứ nhất, việc trì tụng thần chú là điểm
tối trọng yếu. Cụ thể như trong Thỉnh Quán Âm Kinh và Ðại Thừa
Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh đều hứa hẹn người trì tụng sẽ được
cứu thoát qua mọi khổ nạn cũng như đạt được trí tuệ bát nhã cùng
những lợi ích thế tục khác. Những lợi ích này thường được liệt
kê ra theo thứ tự số mục. Một điểm nổi bật khác là việc mô tả
thời gian, chi tiết, và cách thức tiến hành một số nghi thức như
thế nào được xem là đúng đắn: làm thế nào để thiết lập một đồ
hình nổi (mạn đà la), cách vẽ những hình ảnh biểu trưng trên vải
trắng hoặc len trắng (pata), làm thế nào để sửa soạn một đàn
tràng tế lễ, một thần chú nên được trì tụng bao nhiêu biến,
những lễ vật nào được dùng trong nghi lễ tế hoả (hộ-ma), các
cách thức bắt ấn (mudra), việc sử dụng quán tưởng trong suốt
buổi hành lễ, cùng những phương thức thần bí để tránh một số
tai họa đặc biệt. Ðiểm cuối cùng, trong tất cả những kinh điển
này -ngoại trừ những bộ do ngài Huyền Trang dịch- Bồ Tát được
gọi bằng danh hiệu Quán Thế Âm.
Một câu hỏi
được nêu ra ở đây là thứ tự liên tục của những kinh điển Mật
Tông đã được dịch qua Hán văn có phản ảnh thứ tự xuất hiện những
thể dạng Mật Tông khác nhau của Bồ Tát tại Ấn Ðộ? Có thể đã có
chuyện như thế nhưng khó mà tìm ra tài liệu chứng minh sự tiến
triển này. Một lý do cụ thể là không phải hoàn toàn những thể
dạng Mật Tông này đều được phổ cập tại cả Trung quốc lẫn Ấn Ðộ.
Chẳng hạn như hình ảnh Quán Thế Âm Mười Một Ðầu hay Thiên Thủ
Thiên Nhãn Quán Thế Âm rất phổ biến tại Trung quốc mà một số ảnh
tượng nay vẫn còn tồn tại, điều này đã không xảy ra tại Ấn Ðộ.
Một lý do tại sao ta nên cẩn thận trong việc áp đặt một chuổi
thứ tự liên tục cứng nhắc lên sự xuất hiện các thể dạng Mật Tông
của Bồ Tát là vì sự xuất hiện này được xảy ra đồng bộ trong một
số bộ thần chú. Michel Strickmann đã lưu ý chúng ta về hai bộ
sưu tập thần chú như thế: một là bộ Ðà La Ni Tạp Tập với
mười phẩm và thứ hai là bộ Ðà La Ni Tập Kinh với mười hai
phẩm. Dịch giả của bộ thứ nhất tuy khuyết danh nhưng do được
liệt kê trong cuốn Mục Lục của Tăng Hữu, niên đại được xác định
là vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ sáu. Bộ thứ hai chưa hề được
dịch ra Hán văn do ngài A Ðịa Cù Ða (Atikura), một tăng sĩ gốc
người Trung Á, trích ra từ cuốn kinh Kim Cang Ðại Ðạo Tràng
Kinh vào năm 654. Học giả Strickmann cũng đã lên tiếng than
phiền về sự kiện những kinh điển chân ngôn hầu như hoàn toàn bị
bỏ quên trong những nghiên cứu đương đại về Phật giáo do những
đặc tính duy nhất là: “những kinh điển chân ngôn vừa rườm rà
luộm thuộm lại vừa hỗn tạp nếu không nói là quá “thần bí” khả dĩ
có thể tạo được sự quan tâm nghiêm chỉnh và lâu dài. Lại nữa
theo truyền thống ghi chép sử, mà mối quan tâm chủ yếu là những
nhân cách xuất chúng nên chỉ dành một chỗ đứng khiêm nhường để
đề cập đến những nội dung kinh văn mà đa phần là vô danh lại vừa
không có chủ hướng thực dụng rõ rệt.” Strickmann đã gọi những
kinh điển chân ngôn này là “cảm ứng kinh” bởi vì “chúng được
viết ra trên quan điểm thực chứng mang lại hiệu quả chứ không
phải để phản ảnh quan điểm triết học”. Những kinh điển này đã
“xây dựng nền tảng cho những nghi lễ và chúng ta phải nên nhìn
chúng trong mối tương quan lưu hành giữa những người có nhu cầu
tương ứng, trong giới cư sĩ cũng như tu sĩ” (Strickmann
1990:80).
Ðối với những
hành giả đặc biệt quan tâm đến những nghi lễ cầu khấn sự xuất
hiện của Bồ Tát cùng những nỗi sợ hãi và niềm hy vọng thực sự
của những tín đồ đang tham dự vào những nghi lễ này, hai bộ thần
chú nói trên đã cung cấp những dữ kiện vô giá. Thế nên ta không
thể không đề cập đến một số điểm nổi bật về tín ngưỡng tôn thờ
Bồ Tát Avalokitesvara trong hai bộ thần chú này. Bộ thứ nhất,
Ðà La Ni Tạp Tập, gồm ba mươi bảy thần chú do Bồ Tát
Avalokitesvara nói ra được phân bố trong sáu của mười phẩm của
bộ kinh (15). Những thần chú này
được xem như có công năng trợ giúp những người trì tụng được
tiêu trừ tội lỗi, thoát khỏi các cơn bệnh đau mắt, đau bao tử,
sốt, bị trúng độc, bất tỉnh, cùi, mất trí nhớ, các bệnh về da,
thổ tả, đau răng, lo lắng sợ hãi, điên, phù thủng và bị ma qủy
ám. Những thần chú này cũng giúp cho con người đạt thành mọi sở
nguyện, kể cả việc thay đổi phái tính. Có rất nhiều cách thức để
khấn cầu Bồ Tát qua đó đã phản ảnh những truyền thống nghi lễ
khác nhau. Một cách thức bảo rằng tín đồ phải thực hành phép
kiêng cử, không ăn thịt, uống rượu và đồ ngũ vị tân (tỏi, hành,
ném, kiệu, hẹ) trong bảy ngày. Sau đó họ phải cung kính đốt
nhang bằng gỗ đàn hương trước ảnh tượng của Bồ Tát đồng thời
tụng 108 biến thần chú này. Với nhất tâm cầu nguyện và tuyên
xưng danh hiệu của Bồ Tát ba lần, người đó sẽ được toại nguyện.
Nếu người nào tâm linh tiến bộ, họ sẽ gặp được Bồ Tát hiện ra
trong giấc mơ. (T 21:607b) Ngoài ra còn có một cách thức khác để
cầu khấn Bồ Tát nêu rõ rằng tín đồ nên vấy bùn bằng hương liệu
trên mặt đất trước tôn tượng Bồ Tát, rồi ngày đêm cúng dường
hương hoa trước ảnh tượng của Ngài và lục thời trì tụng thần chú
này 120 biến (mỗi bốn giờ một lần, lấy giờ ngọ hay nữa đêm làm
căn bản). Ðáp ứng với những lời nguyện cầu, Bồ Tát
Avalokitesvara sẽ hiện ra với thân tướng thích ứng và giúp họ
đạt thành sở nguyện (T 21:607c).
Mặc dầu cả hai
nghi qũy đều nói đến việc thờ cúng ảnh tượng của Bồ Tát, coi đó
như là trọng tâm của nghi lễ nhưng đã không miêu tả cách thức
tạo dựng tôn tượng hay chỉ rõ cho ta biết về hình dung của Ngài
như thế nào. May mắn là trong một đoạn kinh thứ ba đã nêu rõ
việc này:
Ngươi phải dùng
len hay vải trắng tinh khiết để họa tôn tượng của Bồ Tát trong y
phục màu trắng. Ngài đang ngự trên một toà sen, cầm trên tay một
đoá sen và tay kia là chiếc tịnh bình. Tóc của Ngài dược bới cao.
Ngươi phải thực hành lễ nghi trì tụng liên tục từ ngày mồng tám
đến ngày rằm trong tháng. Phải bận y phục mới và sạch sẽ. Hãy
tinh khiết hoá vùng đất phía trước tôn tượng của Ngài bằng cách
rải phân bò rồi phủ lên đó bằng bùn tẩm hương liệu. Ðổ sữa tươi
vào trong mười hai cái chung, cắm nhang thơm hảo hạng trong bốn
bát nhang cùng hoa tươi trong mười sáu cái bình, nước tinh khiết
trong bốn chung lớn. Ðốt trầm hương trong mười sáu chiếc đỉnh
trầm. Sửa soạn đốt lên bếp lửa bằng loại củi có nhựa và để sẵn
cạnh mình tám trăm hoa sen. Với tâm thành kính bắt đầu tụng đọc
thần chú. Sau mỗi biến, liệng một đóa sen vào bếp lửa. Tiếp tục
tụng đọc thần chú với tâm không vướng bận và gián đoạn. Bồ Tát
Avalokitesvara sẽ hiện ra từ hướng Ðông. Ngài phóng ra hào quang
chói lọi làm cháy bùng thêm ngọn lửa cao. Và rồi Ngài sẽ xuất
hiện ngay chính giữa ngọn lửa này với nhân dạng giống như trong
hình vẽ: Y phục màu trắng, tóc bới cao, một tay cầm hoa sen, tay
kia cầm tịnh bình. Khi ngươi trông thấy Bồ Tát, chớ sợ hãi mà
nên hiểu rằng ngươi sẽ không bao giờ còn bị tái sanh vào các
cảnh giới dịa ngục, súc sanh hay ngạ qủy. Ngươi sẽ đạt được mọi
ý nguyện. (T21:612b-c).
Ðây là một đoạn
kinh văn khá quan trọng bởi nhiều lý do. Trước tiên, theo
Strickmann, đây là lần đầu tiên nghi thức tế hỏa hộ-ma (homa)
của Phật giáo được miêu tả. Nguyên là nghi lễ chính của tôn giáo
Vệ Ðà thời cổ, hộ-ma không hề là một nghi thức Phật giáo. Văn
chương Phật giáo cho biết nghi lễ tế hỏa thường được người Bà La
Môn cũng như những người phù thủy thuộc giai cấp hạ tiện thực
hành. Nhưng rồi những người Phật tử lần hồi đã biến nghi thức
này trở thành một trong những nghi quỹ chính của Mật Tông. Cũng
theo Strickmann, Phật giáo đã khai triển nghi lễ hộ-ma này theo
cách của mình như một nghi lễ cúng tế thần linh. Mẫu mực hộ-ma
của Phật giáo gồm hai nghi lễ song song đã xuất hiện trước đây:
đầu tiên là nghi lễ liệng hạt cải vào lửa để xua đuổi ma qủy và
kế tiếp bao gồm việc đốt những loại nhang khác nhau trước ảnh
tượng để cầu xin những thần linh tương ứng xuất hiện. (Strickmann
1996:141-42). Như vậy nghi lễ được miêu tả trong đoạn kinh văn ở
trên thuộc vào phần thứ hai của nghi thức hộ-ma, còn phần thứ
nhất tức là việc ném hạt cải vào lửa cũng đã được trình bày
trong phần nghi lễ của các kinh điển Mật Tông liên hệ đến Bồ Tát
Avalokitesvara, sẽ được nói đến sau này. Một điểm thứ hai rất
đáng lưu ý trong đoạn kinh văn trên là đã đặc biệt nhấn mạnh đến
mối quan hệ giữa Bồ Tát và màu trắng. Ta thấy không phải chỉ
riêng vật liệu để hoạ hình Bồ Tát phải là màu trắng mà ngay cả
Bồ Tát cũng được vẽ với y phục màu trắng.
Như vậy “Bạch
Y” (Pandaravasini) lúc ban sơ cũng có thể là một vị thị giả của
Bồ Tát nhưng sau này đã trở thành một nữ thần cùng với Tara,
Bhrkuti, Prajnaparamita, Locana, và Usnisaraja bao quanh Bồ Tát
Avalokitesvara trong mạn đà la được miêu tả trong phẩm thứ hai
của bộ kinh Ðại Phương Quảng Bồ Tát Tàng Văn Thù Sư Lợi Lang
Bổn Nghi Qũy (Manjurimulakalpa) được kết tập nhiều lần khác
nhau trong vòng từ thế kỷ thứ tám cho đến thế kỷ thứ mười (Przyluski
1923; Macdonald 1962). Bản gốc Phạn ngữ của bộ kinh này đã bị
thất lạc nhưng đã được ngài Thiên Tức Tai -người dịch bộ Ðại
Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh- dịch sang Hán văn. Bộ kinh này
đã cung ứng cơ sở thần học để biện giải cho việc Bồ Tát có thể
hoá thân dưới bất cứ hình dạng nào, kể cả phụ nữ, để đưa tất cả
mọi loài chúng sanh về với Chánh pháp: “Bồ Tát không những có
năng lực hoá hiện dưới những ứng thân khác nhau mà còn có khả
năng hội nhập vào từng vai trò và hoàn cảnh nếu cần để tuỳ theo
căn cơ trình độ của các loài chúng sanh mà chuyển hoá họ. Trong
số những ứng thân này (chim chóc, quỷ Dạ xoa, v.v…), ứng thân nữ
đã được công khai xem như là phương tiện thiện xảo trong vai trò
‘dẫn dắt chúng sinh bằng những phương cách thế tục’
(16)”. Những vị nữ thần bao quanh
Bồ Tát Avalokitesvara không phải là những “công nương tỳ thiếp”
mà trái lại được xem như là những “tỳ nữ” hay “môn đệ” của Bồ
Tát. David Snellgrove (1987:I, 150) đã lập luận rằng, không
giống như những vị thần linh Ấn Ðộ giáo, Bồ Tát Avalokitesvara
là người độc thân thế nên việc trình bày hình ảnh Ngài được bao
quanh bởi một đoàn nữ nhân tùy tùng chắc chắn là bắt nguồn từ
cảm hứng của phong tục đương thời về hình ảnh của những vị hoàng
tử trong thực tế đời thường. Bộ kinh này có thể đã cung ứng nền
tảng thần học cho một Bạch Y Quán Âm nữ thân. Một số giáo phái
địa phương cụ thể như Minh Vương (Vidyaraja) ở vùng Vân Nam và
Tứ Xuyên có thể đã được xây dựng trên nền tảng của bộ kinh điển
này (Howard 1999).
Bồ Tát
Avalokitesvara cũng chiếm giữ một vị trí quan trọng trong bộ
sưu tập kinh điển Mật giáo thứ hai, Ðà La Ni Tập Kinh,
được kết tập vào khoảng thế kỷ thứ bảy. Ở đây người ta thấy
trình bày một thứ tự đẳng cấp về các vị tôn thần trong Mật tông.
Hai phẩm đầu tiên dành riêng cho Phật Ðảnh (Usnisa). Hai phẩm
tiếp theo đề cập đến Bát Nhã Ba La Mật (Prajnaparamita,) được
xem như là “Mẹ của chư Phật”. Ba phẩm kế tiếp (4, 5 và 6) liên
quan đến Bồ Tát Avalokitesvara được trình bày dưới năm dạng:
Thập Nhất Diện (Mười Một Ðầu), Thiên Thủ (Ngàn Cánh Tay), Bạch Y
(Áo Trắng), Bất không vương, và Mã Ðầu (Ðầu Ngựa). Các phẩm 7,
8, và 9 nói về Kim Cương Thủ (Vajrapani). Phẩm thứ 10 và 11 đề
cập đến chư Thiên. Phẩm cuối cùng là đại lễ hội về nghi lễ chúc
lành với sự tham dự của toàn thể hội chúng. Bộ sưu tập này đã đề
cập đến Thập Nhất Diện Quán Âm, Thiên Thủ Quán Âm cùng với Bất
Không Vương Quán Âm mặc dù những cuốn kinh riêng lẽ nói về họ
được dịch sang Hán văn vào những thời điểm khác nhau. Hình như
là vào khoảng giữa thế kỷ thứ bảy, khi bộ kinh này được kết tập,
tất cả những hình tướng thuộc dạng Mật tông của Bồ Tát
Avalokitesvara, ngoại trừ Như Ý Luân, đã hoàn toàn xuất hiện tại
Ấn Ðộ. Hơn thế nữa, những thể dạng này chắc là đều phổ cập như
nhau cho nên mới được đưa vào bộ sưu tập này.
Bây giờ chúng
ta sẽ lần lượt đi vào từng bộ kinh một đã trình bày những nhân
dạng chính của Bồ Tát Quán Âm. Trước tiên là bộ kinh Phật
Thuyết Thập Nhất Diện Quán Thế Âm Thần Chú Kinh do ngài Da
Xá Quật Ða dịch vào khoảng hạ bán thế kỷ thứ sáu. Ðây có thể xem
như là bộ kinh sớm nhất đã giới thiệu thể dạng Mật tông đầu tiên
của Bồ Tát vào Trung Hoa.
Cuốn kinh này
đã đưa ra một lịch trình hàng ngày cho người thọ trì với tắm gội
vào buổi sáng (nếu vì lý do nào đó mà không thể tắm được thì ít
nhất là cũng phải súc miệng, rửa mặt, rửa tay) rồi trì tụng 108
biến thần chú. Kết quả là người thọ trì thần chú sẽ hưởng được
mười điều lợi lạc trong kiếp sống này:
1.
Không bị ốm đau bệnh hoạn;
2.
Sẽ được chư Phật mười phương gia hộ;
3.
Luôn luôn có được tiền bạc, áo quần, thực phẩm, vật dụng
đầy đủ mà không cần phải tham muốn;
4.
Không bị kẻ thù gia hại;
5.
Có khả năng khiến cho mọi loài chúng sanh phát khởi lòng
từ;
6.
Không bao giờ bị hảm hại bởi độc dược, bùa phép của ma
qủy, nóng sốt;
7.
không hề bị nạn về dao và gậy;
8.
Không bao giờ bị chết đuối;
9.
Và, sẽ không bị chết bất đắc kỳ tử.
Thêm vào đó,
người thọ trì thần chú sẽ được: (1) thấy vô lượng chư Phật trước
giờ lâm tử; (2) không bao giờ còn bị sa vào địa ngục; (3) không
bao giờ bị các loài độc trùng ác thú làm hại; (4) sẽ tái sanh
vào cảnh giới của Phật A Di Ðà. Ngay cả người phạm tứ trọng tội
ba-la-di hay tội ngũ nghịch nếu chỉ trì tụng thần chú này một
lần thì tất cả tội lỗi thảy đều tiêu trừ.
Cuốn kinh sau
đó đã chỉ dạy cách thức thờ phượng với những hướng dẫn rất chi
tiết. Trước tiên tôn tượng Bồ Tát Avalokitesvara Mười Một Ðầu
phải được khắc bằng gỗ chiên đàn trắng, rắn chắc và thớ mịn
nhưng không được lấy gỗ từ cây bị khô héo. Tượng phải cao đúng
một thước ba tấc, với mười một đầu, ba đầu ở phía trước mang
khuôn mặt của Bồ Tát, ba đầu ở bên trái mang những khuôn mặt
giận dữ, ba đầu bên phải cũng mang khuôn mặt Bồ Tát nhưng phía
trên đỉnh đầu ló ra những chiếc răng chó, chiếc đầu ở phía sau
có bộ mặt tươi cười, và chiếc đầu ở trên chóp của tất cả mười
đầu kia mang khuôn mặt của một vị Phật. Tất cả những khuôn mặt
này đều nhìn về phía trước, được bao quanh bởi những vầng hào
quang. Tất cả mười một đầu đều được trang điểm bởi những vương
miện bằng hoa mà trên đó là Ðức Phật A Di Ðà. Bồ Tát Quán Thế Âm
cầm một chiếc tịnh bình bên tay trái với những đóa hoa sen tuôn
ra từ nắp bình đang mở, cánh tay phải của Ngài mang đầy những
chiếc vòng châu báu với bàn tay trong tư thế bắt ấn vô uý.
Khi hoàn thành
xong bức tượng hãy an vị Ngài lên bàn thờ mặt xây về hướng Tây.
Rải đầy bông hoa lên mặt đất. Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ bảy,
trì tụng thần chú mỗi ngày ba lần: 108 biến vào buổi sáng, 108
biến vào giữa trưa và 108 biến vào buổi tối. Chưa cần phải cúng
dường thực phẩm lúc này. Từ ngày thứ tám đến ngày mười ba mới
bắt đầu cúng thực phẩm, nước uống và trái cây. Không được để
phẩm vật trong chén dĩa thường mà phải dùng những chiếc khay bện
bằng cỏ tươi. Hành giả qùy trên chiếc nệm cỏ lách day mặt hướng
vế phía tôn tượng của Bồ Tát. Ðến ngày thứ mười bốn và mười lăm,
đốt gỗ chiên đàn hương cúng dường lên Bồ Tát đồng thời lấy một
thau đồng tinh khiết đổ vào nửa lít dầu Xôma đặt ở phía trước
mặt. Rồi dùng nhang làm bằng hương liệu cây Aguru, lớn cỡ bằng
đầu đủa, cắt ra làm 1008 khúc, mỗi khúc dài chừng một tấc. Bắt
đầu chính ngọ ngày thứ mười lăm, hành giả lấy một khúc nhang,
nhúng vào dầu Xôma, gia trì thần chú vào đó rồi liệng vào bếp
lửa chiên đàn. Cứ tiếp tục làm như thế cho đến hết 1008 khúc
nhang. Trong hai ngày này hành giả phải kiêng cử không được ăn
uống. Ðến đêm thứ mười lăm, Bồ Tát Avalokitesvara sẽ hiện đến
đàn tràng, lúc đó tôn tượng của Bồ Tát sẽ tự lay động. Ðồng thời
mặt đất cũng sẽ rung động. Khuôn mặt của vị Phật trên chóp đỉnh
của bức tượng sẽ ban lời ngợi khen và hứa hẹn sẽ thoả mãn mọi
cầu xin của hành giả.
Cuốn kinh được
kết thúc bằng cách chỉ dẫn một số phương thức để đối phó với
nguyệt thực, ác mộng, dịch bệnh của người và gia súc cùng ma qủy
quấy phá. Sau đây là một vài ví dụ cụ thể: Lấy một số lượng đồng
đều realgar và huỳnh hoàng (ocher) để lên trên lá cây và gia trì
chú 1008 biến trước tôn tượng của Bồ Tát Avalokitesvara, xong
trộn những thứ trên vào nước ấm để tắm, tất cả những chướng ngại,
ác mộng, và bệnh hoạn sẽ tiêu trừ. Ðể loại trừ ma qủy xâm nhập
vào nhà, dùng 108 cây nhang đặt trước tôn tượng của Bồ Tát, gia
trì chú một lần cho mỗi cây xong liệng vào bếp lửa. Hết 108 cây
nhang, các loài ma qủy sẽ kinh hoàng bỏ chạy (T 20:149b-151b).
Nhóm kinh điển
Mật tông thứ hai được giới thiệu vào Trung Quốc tập trung chung
quanh hình ảnh Bồ Tát Avalokitesvara đang cầm dây thòng lọng (quyên
sách - Amoghapasa) mà bộ kinh sớm nhất thuộc loại này là Bất
Không Quyên Sách Chú Kinh do ngài Xà Na Quật Ða dịch vào đời
nhà Tùy (581-618). Bồ Tát đã tuyên thuyết bộ kinh này cùng với
thần chú tại đảo Bồ Ðà Lạc Ca, nơi trụ xứ của Ngài. Thần chú sẽ
vô cùng linh nghiệm nếu hành giả nhịn đói một ngày một đêm trong
khi trì tụng và sẽ bình phục ngay lập tức các căn bệnh như sốt
cao, đau mắt, đau tai, đau môi, đau lưỡi, sưng nướu, đau tim,
đau bụng, đầu gối, lưng, hông, phong thấp, bệnh trỉ, tiêu chảy,
táo bón, ghẻ chóc, ung nhọt, và kinh phong. Người trì tụng thần
chú cũng sẽ được thoát khỏi sự bắt bớ giam cầm cũng như được bảo
hộ không bị mắng chữi vô cớ, tai tiếng hàm oan hoặc bị đánh đập,
giết chóc. Ðược như vậy là do năng lực vô biên của thần chú sẽ
làm tiêu giảm những tội lỗi nặng nề gây ra từ những kiếp trước.
Cũng tương tự như bộ kinh đã được đề cập trước đây, bộ kinh này
cũng liệt kê ra một bản danh sách những lợi lạc cho người trì
tụng cùng cách thức tạo ra tôn tượng của Bồ Tát. Ðể có thể đạt
được những lợi lạc sau đây, hành giả phải thực hành nhịn đói
trong các ngày mồng tám, mười bốn và rằm mỗi tháng, trì tụng
thần chú này bảy biến vào ban ngày và bảy biến vào ban đêm. Hành
giả phải tập trung tư tưởng không được nghĩ đến bất cứ điều gì
khác và tịnh khẩu. Kết quả là hành giả sẽ đạt được hai mươi điều
lợi lạc trong kiếp sống này:
1.
Không còn bị bệnh hoạn quấy rầy. Ngay cả nếu bị bệnh cũng
sẽ được hồi phục nhanh chóng do năng lực của thiện nghiệp mà
hành giả đã vun trồng.
2.
Thân sẽ mềm mại, da tỏa mùi hương. Hành giả sẽ được mọi
người kính trọng và yêu mến.
3.
Lục căn sẽ được giữ gìn.
4.
Sẽ được giàu có lớn, đạt được những điều ước muốn và
không ai có thể cướp giật được tài sản của mình.
5.
Không bị hỏa tai.
6.
Không bị thủy tai.
7.
Không bị quân vương bức bách. Hành giả sẽ hoàn toàn gặp
may mắn trong mọi chuyện.
8.
Không bị nạn mưa đá, không bị nhiễm nọc độc của rồng dữ.
9.
Không bị hại bởi hạn hán, bảo tố hay cuồng phong.
10.
Nếu bị côn trùng làm hại mùa màng, hãy làm theo cách thức sau
đây: trộn cát và nước xong gia trì bảy biến thần chú vào đó rồi
đem đặt vào tám góc chung quanh khu vực đồng áng đang bị côn
trùng phá hoại, vạch ranh giới cho khu vực này và chuẩn bị nước
tưới bằng cách gia trì thần chú vào đó. Phun nước từ trên xuống
dưới khắp cả cánh đồng, tất cả các côn trùng độc hại sẽ bị loại
trừ.
11.
Không bị ma quỷ ám hút hết tinh lực hay làm tình với ma trong
giấc mộng.
12.
Ðược tất cả mọi loài chúng sanh yêu mến và không ngừng kính
trọng.
13.
Không bị ai nuôi dưỡng oán thù chống báng.
14.
Nếu kẻ ác muốn hảm hại, chúng sẽ không thành công và sẽ tự
nguyện bỏ cuộc.
15.
Tất cả những lời nguyền trù ếm và ma thuật sẽ tự động tan biến
không làm phương hại đến.
16.
Sẽ là người mạnh mẽ nhất trong đám đông.
17.
Sẽ được giải phóng khỏi tất cả những điều phiền não.
18.
Ở chốn chiến trường, hãy nhất tâm trì niệm thần chú, tên đạn,
dao, gậy sẽ không phạm đến thân mình.
19.
Luôn luôn đuợc bảo vệ bởi các thiện thần.
20.
Mỗi lần tái sanh đều đạt được Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả).
(T. 20:399c-400a).
Cuốn kinh
còn hứa hẹn một sự “chết lành” cho những người tin tưởng đọc
tụng thần chú này trước giờ lâm tử với tám điềm lành sẽ hiện ra:
1.
Trong ngày chết, Bồ Tát Avalokitesvara sẽ hiện ra trước
mặt dưới hình dáng của một tăng sĩ.
2.
Tâm sẽ không bị tán loạn và thân sẽ an ổn không bị đau
đớn.
3.
Dù bị bệnh hoạn cũng sẽ không bị vấy nhiễm bởi nước tiểu,
phân hay các thứ bất tịnh khác.
4.
Tâm ở trong trạng thái tỉnh thức, không hoang mang hay
bất định.
5.
Không chết trong tư thế nằm úp mặt.
6.
Ðầy đủ biện tài trong ngày chết.
7.
Sẽ được tái sanh vào cảnh giới Phật chọn lựa.
8.
Luôn luôn có thiện hữu trí thức không bao giờ bị bỏ rơi.
Việc tạo hình tượng Bồ Tát cũng là một chủ điểm quan trọng trong
bộ kinh này qua những lời hướng dẫn cụ thể như sau: Lấy một tấm
vải dệt màu trắng dài mười thước và rộng năm thước. Không được
cắt tấm vải này ra. Không được dùng keo để làm mực vẽ mà nên
trộn chung bột nhang, sữa, và phẩm màu với nhau. Họa hình Bồ Tát
Avalokitesvara trông tương tự như hình ảnh của thần Siva. Tóc
của Bồ Tát sẽ được cuộn lại thành búi và đầu mang vương miện.
Phủ lên vai trái của Ngài là một tấm da nai màu đen. Thân của Bồ
Tát được che phủ bởi những vòng ngọc ngà châu báu. Người thợ họa
hình phải giữ đúng tám điều giới cấm (không sát sanh, không trộm
cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không dùng
dầu thơm và đồ trang điểm, không nghe âm nhạc và nhảy múa, không
được nằm giường nệm mà ngủ bằng chiếc chiếu trải trên sàn), và
không được ăn những loại thực phẩm bất tịnh. Nên tắm rửa và thay
áo quần sạch sẽ. Người trì chú nên đặt tôn tượng ở một nơi tinh
khiết. Phủ mặt đất phía trước tôn tượng với phân bò. Lập một
đàn tràng tế lễ rộng mười sáu thước vuông rải đầy hoa trắng.
Dùng tám bình hoa, mỗi bình chứa một đấu nước để cắm hoa… Hành
giả nên nhịn ăn ba ngày ba đêm trước khi hành lễ (nếu khó khăn
thì ít nhất là một ngày một đêm), xong tắm gội sạch sẽ. Quỳ
trước tôn tượng và trì tụng thần chú 1008 biến. Hành giả sẽ tự
thấy mình thoát ra hướng về phía một ánh sáng rực rỡ như một
ngọn đuốc trước mặt tôn tượng. Y sẽ cảm nhận một niềm hoan hỷ vô
biên. Bồ Tát Avalokitesvara sẽ xuất hiên lúc đó và giúp hành giả
đạt thành mọi ý nguyện. (401c-402a).
Hình ảnh của Bất Không Quyên Sách Quán Âm cũng có thể được mô tả
bằng một đồ hình nổi. Trong cuốn kinh ba mươi chương do ngài Bồ
Ðề Lưu Chi dịch vào thế kỷ thứ tám đã miêu tả như sau: “ Dùng
vàng hay bạc để đúc tôn tượng Bồ Tát Bất Không Quyên Sách với
chiều cao khoảng tám lóng tay. Ngài có hai tay và ba khuôn mặt
khác nhau. Khuôn mặt phía trước tỏa ra nét nhân từ, trong khi
khuôn mặt phía trái rất là giận dữ với miệng mở rộng và đôi mắt
lồi ra, còn khuôn mặt bên phải thì trông ít giận dữ hơn với lông
mày nhíu lại và miệng mím chặt. Ngài đội một vương miện bằng
ngọc trên đó có vẽ hình một vị hoá Phật. Tay trái của Ngài cầm
một chiếc dây thòng lọng trong khi tay phải đưa cao lên với lòng
bàn tay mở ra. Ngài khoác trên mình y phục của cõi trời trang
hoàng bằng những chiếc vòng thất bảo. Bồ Tát ngồi một cách oai
nghi trên tòa sen.” (T 20:252b).
Nhóm kinh điển Mật Tông thứ ba đặc biệt tuyên xưng Thiên Thủ
Thiên Nhãn Avalokitesvara Bồ Tát. Có tất cả mười ba bản khác
nhau đều được phiên dịch dưới thời Ðường (618-907). Một cuốn
kinh mà có nhiều người dịch như thế trong đó kể cả những vị cao
tăng danh tiếng đã cho thấy tiếng tăm và tính cách phổ thông của
hình tượng Avalokitesvara Mật tông đặc biệt này. Maria Dorothea
Reis-Habito đã cẩn thận so sánh nội dung của tất cả những bản
dịch này, đặc biệt là hai bản dịch của Ngài Trí Thông (650) và
ngài Dà Phạm Ðạt Ma (627-649) được căn cứ trên hai bản gốc Phạn
ngữ khác nhau (1939:97-117). Hai bản này có những điểm khác biệt
rất có ý nghĩa. Tại Trung Quốc, bản dịch của ngài Dà Phạm Ðạt Ma
rất phổ thông và nổi tiếng, tuy vậy bản dịch của ngài Trí Thông
đã cung cấp những dữ kiện quan trọng về việc làm tôn tượng cùng
những phép lạ ứng nghiệm do trì tụng thần chú này mà bản dịch
trước không có. Tuy nhiên trước khi tìm hiểu thêm về những điểm
này, ta cần nên nắm nội dung tóm tắt bản dịch của ngài Dà Phạm
Ðạt Ma, mà cho đến bây giờ vẫn được coi như là bộ kinh quan
trọng nhất trong tất cả kinh điển Mật Tông tại Trung Quốc.
Bộ kinh này kể lại Ðức Phật đang tuyên thuyết trong một pháp hội
tại cung điện của Quán Thế Âm Bồ Tát, tọa lạc trên đảo Bồ Ðà Lạc
Ca. Bỗng dưng một “ánh thần thông quang minh, chiếu sáng mười
phương sát độ và cõi tam thiên đại thiên thế giới này đều thành
sắc vàng. Từ thiên cung, long cung cho đến cung điện của các vị
tôn thần thảy đều chấn động. Biển cả, sông nguồn, núi
Thiết Vi, núi Tu Di, cùng thổ sơn, hắc sơn, cũng đều rung động
dữ dội. Ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, tinh tú, và châu báu
và lửa đều bị ánh kim quang rực rỡ kia lấn át làm cho ẩn mất
không hiện.” Lúc đó, ngài Tổng Trì Vương Bồ Tát lấy làm lạ
hỏi Phật việc gì đã xảy ra và Ðức Thế Tôn đã trả lời cho biết lý
do là Bồ Tát Quán Thế Âm sắp tuyên đọc thần chú. Lúc này Bồ Tát
trở thành nhân vật trung tâm của pháp hội, đứng lên tuyên thuyết
trước đại chúng, mở đầu bằng đại danh từ ngôi thứ nhất “Tôi” ở
trong kinh:
Tôi nhớ vô lượng ức kiếp về trước,
có Phật ra đời, hiệu là Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Như Lai, đức
Phật ấy vì thương nghĩ đến tôi và tất cả chúng sanh nên nói ra
môn Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, ngài lại
dùng tay sắc vàng xoa nơi đầu tôi mà bảo: Thiện nam tử! Ông nên
thọ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sanh trong cõi nước
ở đời vị lai mà làm cho họ được sự an vui lớn.
Lúc đó tôi mới ở ngôi sơ địa, vừa
nghe xong thần chú này liền chứng vượt lên đệ bát địa. Bấy giờ
tôi rất vui mừng, liền phát thệ rằng:
“Nếu trong đời vị lai, tôi có thể
làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh với thần chú này, thì
xin khiến cho thân tôi liền sanh ra ngàn tay ngàn mắt.”
Khi tôi phát thệ rồi, thì ngàn tay
ngàn mắt đều hiện đủ nơi thân, lúc ấy, cõi đất 10 phương rung
động 6 cách (21), ngàn đức Phật trong 10 phương đều phóng ánh
quang minh soi đến thân tôi, và chiếu sáng 10 phương vô biên thế
giới. Từ đó về sau, tôi ở trong vô lượng pháp hội của vô lượng
chư Phật, lại được nghe và thọ trì môn đà ra ni này. Mỗi lần
nghe xong, tôi khôn xiết vui mừng, liền được vượt qua sự sanh tử
vi tế (22) trong vô số ức kiếp. Và từ ấy đến nay, tôi vẫn hằng
trì tụng chú này, chưa từng quên bỏ. Do sức trì tụng ấy, tùy
theo chỗ sanh, tôi không còn chịu thân bào thai, được hóa sanh
nơi hoa sen, thường gặp Phật nghe pháp. (T20:1066. Bản
Việt dịch Hoà Thượng Thích Thiền Tâm).
Sau khi giải thích về nguồn gốc và sự linh nghiệm của thần chú,
Bồ Tát Avalokitesvara kêu gọi bất cứ những ai muốn trì tụng thần
chú này phải phát khởi tâm đại bi đến toàn thể chúng sanh và
theo Ngài phát mười đại nguyện:
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau biết tất cả pháp.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm được mắt trí huệ.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau độ các chúng sanh,
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm được phương tiện khéo.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau lên thuyền bát nhã.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm được qua biển khổ,
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau được đạo giới định.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm lên non
Niết Bàn.
Nam mô đại bi Quán Thế
Âm,
nguyện con mau về nhà vô
vi.
Nam mô đại bi Quán Thế
Âm,
nguyện con sớm đồng thân
pháp tánh.
Nếu con hướng về nơi non
đao, non đao tức thời liền sụp đổ. Nếu con hướng về lửa, nước
sôi, nước sôi, lửa cháy tự khô tắt. Nếu con hướng về cõi địa
ngục, địa ngục liền mau tự tiêu diệt. Nếu con hướng về loài ngạ
quỷ, ngạ quỷ liền được tự no đủ. Nếu con hướng về chúng Tu La,
Tu la tâm ác tự điều phục. Nếu con hướng về các súc sanh, súc
sanh tự được trí huệ lớn.
Sau khi đã phát những lời
đại nguyện như thế, hành giả phải chí tâm xưng danh hiệu của Bồ
Tát cùng với bổn sư của ngài là Ðức Phật A Di Ðà. Trong kinh Bồ
Tát Avalokitesvara cũng khả hứa rằng nếu bất cứ ai trì tụng thần
chú này mà còn bị đọa vào đường ác, không
được sanh về các cõi Phật, không được vô lượng tam muội biện
tài, những ước muốn trong đời không được toại ý, kể cả những
người nữ chán ghét nữ thân muốn được thân nam trong kiếp tới,
thì Ngài sẽ không trở thành bậc Chánh Giác.
Những kẻ trộm cắp hay làm thiệt hại của thường
trụ khi tụng đọc thần chú này tất cả tội lỗi đều được tiêu trừ,
kể cả những tội ác nặng nề như ngũ nghịch, thập ác, báng Pháp,
phá giới, hủy hoại chùa tháp, trộm của tăng kỳ. Tuy nhiên nếu có
người sanh lòng nghi hiệu lực của thần chú này thì cho dù chỉ
phạm một lỗi nhỏ, những hậu quả cũng không thể nào tẩy xoá được
huống gì là lỗi nặng.
Chưa kể là những người chuyên trì tụng thần chú
này chắc chắn sẽ hưởng được mười lăm cảnh huống tái sanh tốt và
tránh được mười lăm cảnh chết xấu. Thế nào là mười lăm việc chết
xấu? Ðó là :
1. Không bị chết do đói
khát khốn khổ.
2. Không bị chết do gông
tù đánh đập.
3. Không bị chết vì oan gia thù địch.
4. Không bị chết giữa quân trận chém
giết nhau.
5. Không bị chết do cọp sói cùng ác
thú tàn hại.
6. Không bị chết bởi rắn rít độc cắn.
7. Không bị chết vì nước trôi lửa
cháy.
8. Không bị chết bởi phạm nhằm thuốc
độc.
9. Không bị chết do loài sâu trùng
độc làm hại.
10. Không bị chết vì điên cuồng mê
loạn.
11. Không bị chết do té cây, té
xuống núi.
12. Không bị chết bởi người ác trù
ếm.
13. Không bị chết bởi tà thần, ác
quỷ làm hại.
14. Không bị chết vì bịnh ác lâm
thân.
15. Không bị chết vì phi mạng tự hại.
Sau đó, Bồ Tát nói 84 câu thần
chú Ðại Bi (17),
và do uy lực của thần chú này mà:
“Tất cả chúng hội đều được quả chứng.
Hoặc có vị chứng quả Tu đà hoàn, có vị chứng quả Tư đà hoàn,
hoặc có vị chứng quả A na hàm, có vị chứng quả A la hán, hoặc có
vị chứng được sơ địa, nhị địa, tam địa, tứ địa, ngũ địa cho đến
thập địa, vô lượng chúng sanh phát lòng bồ đề.
Nếu kẻ thiện nam, thiện nữ nào tụng
trì thần chú này, phải phát tâm Bồ Đề rộng lớn, thề độ tất cả
muôn loài, giữ gìn trai giới, đối với chúng sanh khởi lòng bình
đẳng, và thường nên trì tụng chớ cho gián đoạn. Lại nên ở nơi
tịnh thất, tắm gội sạch sẽ, mặc y phục sạch, treo phan, đốt đèn,
dùng hương hoa, cùng các thứ ăn uống để cúng dường, buộc tâm một
chỗ, chớ nghĩ chi khác, y như pháp mà tụng trì. Lúc ấy, sẽ có
Nhựt Quang Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát cùng vô lượng thần tiên
đến chứng minh, giúp thêm sự hiệu nghiệm. Bấy giờ ta cũng dùng
ngàn mắt chiếu soi, ngàn tay nâng đỡ, khiến cho kẻ ấy từ đó về
sau có thể hiểu suốt tất cả sách vở thế gian, thông đạt các điển
tịch Vi Đà và tất cả pháp thuật ngoại đạo. Chúng sanh nào tụng
trì thần chú này, có thể trị lành tám muôn bốn ngàn thứ bịnh ở
thế gian, hàng phục các thiên ma, ngoại đạo, sai khiến được tất
cả quỷ thần. Những kẻ tụng kinh tọa thiền ở nơi non sâu, đồng
vắng, bị sơn tinh, tạp mị, các quỉ vọng lượng làm não loạn phá
hoại, khiến cho tâm không an định, chỉ cần tụng chú này một biến,
các quỉ thần ấy thảy đều bị trói. Nếu hành giả có thể tụng trì
đúng pháp, khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh, lúc ấy ta sẽ
sắc cho tất cả thiện thần, long vương, kim cang mật tích thường
theo ủng hộ, không rời bên mình, như giữ gìn tròng con mắt hoặc
thân mạng của chính họ.” (T 20:106b-108b - Việt dịch: HT Thích
Thiền Tâm).
Bộ kinh này, giống như tất cả
những kinh điển Mật Tông khác đã rất chú trọng đến nghi thức
hành lễ. Là một phần của nghi qũy, bộ kinh đã đưa ra những hướng
dẫn chi tiết về cách thiết lập đàn tràng như sau: Gia trì hai
mươi mốt biến thần chú vào một cây dao xong dùng cây dao này
vạch ranh giới của khu vực lập đàn tràng. Một cách khác là gia
trì hai mươi mốt biến thần chú vào nước sạch rồi tưới chung
quanh bốn phía xác định ranh giới khu vực. Người ta cũng có thể
gia trì hai mươi mốt biến thần chú vào hạt củ cải trắng rồi tung
rải ra bốn hướng. Ranh giới cũng có thể được thiết lập bằng quán
tưởng, hoặc bằng cách gia trì hai mươi mốt biến thần chú vào tro
sạch hay chỉ ngũ sắc. Bất cứ phương pháp nào ở trên đây đều có
thể dùng để xác định ranh giới. (T 20:190b).
Trì tụng thần chú này một cách
đúng đắn như ta thấy, sẽ mang đến những lợi lạc về tinh thần lẫn
thế tục. Bộ kinh cũng còn chỉ ra nhiều phương cách để đối phó
với một số vấn nạn hay giúp cho con người đạt được những mục
tiêu mong muốn. Sau đây là một vài thí dụ cụ thể. Nếu một người
muốn điều khiển âm binh ở chung quanh, hãy vào gò hoang kiếm một
cái đầu lâu đem về rửa sạch, xong lập một đàn tràng trước tôn
tượng của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn, dâng cúng hương, hoa, đồ
ăn , thức uống. Làm như vậy trong bảy ngày, hồn ma sẽ xuất hiện
và tuân theo lệnh sai khiến. Nếu một phụ nữ gặp cảnh sanh đẻ khó
khăn, gia trì hai mươi mốt biến thần chú vào dầu mè, xong chà
vào lỗ rún và âm hộ của người mẹ, đứa trẻ sẽ được sanh ra một
cách dễ dàng. Nếu có người thường có mối lo sợ về bóng tối không
dám đi ra ngoài vào ban đêm, hãy làm một cái vòng bằng chỉ trắng,
gia trì hai mươi mốt biến thần chú, cứ mỗi biến thắt một gút,
mang chiếc vòng này vào cổ thì tất cả mọi nỗi sợ hãi đều tan
biến. (T 20:110b-c).
Bản dịch này chỉ cho biết tên
gọi của bốn mươi loại đại thủ ấn và những lợi ích thù thắng của
nó nhưng không có hình ảnh minh họa. Tuy nhiên trong bản dịch
của ngài Bất Không Kim Cương có trình bày đầy đủ hình ảnh về
những loại thủ ấn này. (T[1064]20:117a-119b). Bởi vì toàn bộ hay
một vài kiểu đại thủ ấn này đã được thấy trên những tôn tượng
của Bồ Tát Quán Âm sáng tạo dưới thời Ðường, Tống, sự hiểu biết
về chúng có thể mang lại những hữu ích cho giới nghiên cứu. Bốn
mươi loại đại thủ ấn được trình bày như sau
(18):
1.
Nếu chúng sanh nào
muốn được giàu lớn, có nhiều thứ châu báu, nên làm theo tay cầm
như ý châu (ấn cintamani mudra.)
(19)
2.
Nếu muốn giải trừ mọi sự lo lắng, cầu được yên ổn, nên
làm theo tay cầm quyến sách (ấn pasa mudra.)
3.
Nếu muốn trị các thứ bịnh trong bụng, nên làm theo tay
cầm bửu bát
(ấn patra mudra.)
4.
Nếu muốn hàng phục tất cả quỷ, thần, ly, mỵ, nên làm theo
tay cầm bửu kiếm
(ấn khadra mudra.)
5.
Nếu muốn hàng phục hết
thảy các loài thiên ma, ngoại
đạo nên làm theo tay cầm bạt chiết la (ấn vajra mudra.)
6.
Nếu muốn hàng phục tất cả các oán địch, nên làm theo tay
cầm chày kim cang, (ấn vajra mudra.)
7.
Nếu muốn trừ tánh ở tất cả chỗ sợ hãi không yên, nên làm
theo tay thí vô úy, (ấn abhaya mudra.)
8.
Nếu muốn trị bịnh mắt mờ không thấy ánh sáng, nên làm
theo tay nhựt tinh ma ni (mặt
trời có con quạ ở bên trong,
ấn suryamani mudra.)
9.
Nếu bị bịnh nhiệt độc, muốn được mát mẻ hết bịnh, nên làm
theo tay cầm châu nguyệt tinh ma ni (mặt
trăng có bóng cây và con thỏ ở bên trong,
ấn candramani mudra.)
10.
Nếu muốn được làm quan, lên chức, nên làm theo tay cầm
cung báu (ấn dhanur mudra.)
11.
Nếu muốn được mau gặp các bạn lành, nên làm theo tay cầm
tên báu (ấn bana mudra.)
12.
Nếu muốn trị các thứ bịnh trong thân mình, nên làm theo
tay cầm cành dương liễu mudra.
13.
Nếu muốn trừ những chướng nạn hung hiểm, nên làm theo tay
cầm cây phất trắng (ấn camari mudra.)
14.
Nếu muốn tất cả người trong quyến thuộc được hòa thuận
nhau, nên làm theo tay cầm cái hồ bình (ấn kalasa mudra.)
15.
Nếu muốn xua đuổi loài hổ báo, sài lang và tất cả ác thú,
nên làm theo tay cầm cái bàng bài (ấn bohai mudra.)
16.
Nếu muốn trong tất cả thời, tất cả chỗ, lìa nạn quan quân
áp bức, nên làm theo tay cầm
cây phủ việt (ấn parasu mudra.)
17.
Nếu muốn có tôi trai tớ gái để sai khiến, nên làm theo
tay cầm chiếc vòng ngọc (ngọc hoàng) mudra.
18.
Nếu muốn được thành tựu các thứ công đức, nên làm theo
tay cầm hoa sen trắng, (ấn pundarika mudra.)
19.
Nếu muốn được sanh về mười phương tịnh độ, nên làm theo
tay cầm hoa sen xanh (ấn utpala mudra.)
20.
Nếu muốn được trí huệ lớn, nên làm theo tay cầm cái
gương báu (bửu cảnh, ấn darpana mudra.)
21.
Nếu muốn được diện kiến mười phương chư Phật, nên làm
theo tay cầm hoa sen tím mudra.
22.
Nếu muốn lấy được kho báu ẩn trong lòng đất, nên làm theo
tay cầm cái bảo kíp mudra.
23.
Nếu muốn được đạo tiên, nên làm theo tay cầm hóa hiện
mây ngũ sắc (Ngũ sắc vân) mudra.
24.
Nếu muốn sanh lên cõi Phạm Thiên, nên làm theo tay cầm
bình quân trì (ấn kundi mudra.)
25.
Nếu muốn được sanh lên các cung trời, nên làm theo tay
cầm hoa sen hồng (ấn padma mudra.)
26.
Nếu muốn xua đuổi giặc nghịch ở phương khác đến, nên làm
theo tay cầm cây bảo kích (ấn kunta mudra.)
27.
Nếu muốn triệu tất cả chư Thiên và Thiện thần, nên làm
theo tay cầm ống loa báu (Bửu Loa, ấn sankha mudra.)
28.
Nếu muốn sai khiến tất cả quỷ thần, nên làm theo tay cầm
cây gậy đầu lâu (Cô Lâu Trượng, ấn munda mudra.)
29.
Nếu muốn mười phương chư Phật sớm đến đưa tay tiếp dẫn,
nên làm theo tay cầm xâu chuỗi ngọc (Số Châu, ấn aksamala
mudra.)
30.
Nếu muốn có được tất cả phạm âm thanh tốt nhiệm mầu, nên
làm theo tay cầm chiếc linh báu (Bửu Ðạt, ấn ghanta mudra.)
31.
Nếu muốn được biện tài nói năng khéo léo, nên làm theo
tay cầm chiếc ấn báu (Bửu Ấn, ấn mudra mudra.)
32.
Nếu muốn được các vị Long vương thường đến ủng hộ, nên
làm theo tay cầm cu thi thiết câu (ấn ankusa mudra.)
33.
Nếu vì lòng từ bi muốn cho tất cả chúng sanh được nhờ sự
che chở giúp đỡ, nên làm theo tay cầm cây tích trượng (ấn
danda mudra.)
34.
Nếu muốn cho tất cả chúng sanh thường cung kính yêu mến
nhau, nên làm theo tay hiệp chưởng (ấn anjali mudra.)
35.
Nếu muốn tùy theo chỗ sanh, thường ở bên Phật, nên làm
theo tay hiện hóa Phật mudra.
36.
Nếu muốn đời đời kiếp kiếp thường ở trong cung điện Phật,
không thọ sanh ở bào thai, nên làm theo tay hiện hóa cung
điện mudra.
37.
Nếu muốn được học rộng nghe nhiều, nên làm theo tay cầm
quyển kinh báu (Bửu Kinh, ấn sutra mudra.)
38.
Nếu muốn từ thân này cho đến thân thành Phật, tâm bồ đề
thường không lui sụt, nên làm theo tay cầm bất thối kim luân
(ấn cakravarti-cakra mudra.)
39.
Nếu muốn 10 phương chư Phật mau đến xoa đầu thọ ký, nên
làm theo tay đảnh thượng hóa Phật mudra.
40.
Nếu muốn có được cây trái ngũ cốc, nên làm theo tay cầm
chùm bồ đào (ấn amalaka mudra.)
Bản
dịch của ngài Dà Phạm Ðạt Ma như đã nói ở trên không cung cấp
chi tiết về cách thức tạo tôn tượng Bồ Tát như trong các bản
dịch khác, cụ thể của các ngài Trí Thông, Bồ Ðề Lưu Chi, và
Tô Phược La. Bản dịch của
ngài Trí Thông mang tựa đề
là Thiên Nhãn Thiên Thủ Quán Thế Âm Bồ Tát Ðà La Ni Thần Chú
Kinh và gồm hai phẩm. Trong phần nhập đề
giới thiệu khá dài, câu chuyện
liên quan đến việc truyền lưu kinh điển đã được đề cập đến một
cách chi tiết cũng như cung cấp những dữ kiện lý thú về tính
cách quan trọng của việc tạo tôn tượng Bồ Tát.
Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ Tát là
hóa thân của Avalokitesvara với những phép thần thông kỳ
diệu để hàng ma phục quỷ. Trước đây, dưới thời Võ Ðức nhà Ðường
(618-626), một vị tăng người Trung Ấn tên là Ch’u t’o t’i po đã
đến kinh đô mang theo một tôn tượng của Bồ Tát bằng len qúy cùng
với một quyển kinh chỉ rõ cách thức lập đồ hình mạn đà la và làm
thủ ấn, tuy nhiên đã không được Hoàng đế Cao Tổ chú ý tới và vị
Tăng này đã thất vọng bỏ đi. Ðến thời Chinh Quán (627-649) một
vị Tăng khác người Bắc Ấn đã đệ trình lên Hoàng đế Thái Tôn bản
kinh chữ Phạn Thiên Nhãn Thiên Thủ Thần Chú và Hoàng Ðế đã ra
lệnh cho ngài Trí Thông cùng với vị Tăng này dịch ra Hán văn…
Rồi một vị Tăng sĩ khác từ Tây vực đã mang đến cho ngài Trí
Thông một bản kinh khác và rồi cũng được phiên dịch. Bản này
cũng không khác bản đầu tiên là mấy ngoại trừ thiếu mất phần
Thần chú căn bản. Ngài Hui lin, sư trưởng chùa Ch’eng chin Ssu
tại Chang chou (Nay là Wu chin, thuộc tỉnh Giang Tô) quen biết
với một vị Phạm tăng người Bắc Ấn là Su-chia shih, người thực
hành nghi quỹ này một cách nhuần nhuyễn và ngày đêm cầu nguyện
rất tín thành với các cách thức bắt ấn quyết trước mạn đà la mà
ông đã lập ra theo đúng quy cách hướng dẫn của kinh sách. Ngài
Hui lin đã thường học hỏi tham cứu với vị Tăng này về các nghi
thức tiến hành rồi ghi chú ra thành văn bản. Ngài cũng đã hỏi Li
Ta’i Yi một cư sĩ tinh thông Phạn ngữ và có kiến thức về Khổng
giáo lẫn Lão giáo để nhờ duyệt xét lại bản văn. Ðến năm Shen-kung
(697) một vị hiền giả thông thái từ kinh đô đến mang theo bộ
kinh thứ hai do ngài Trí Thông dịch -bộ kinh thiếu phần thần chú-
và ngài Hui lin sau đó đã thêm vào để làm cho bộ kinh hoàn chỉnh.
Ta mo chan t’o một vị Phạn tăng khác gốc người Udayana rất giỏi
về thần chú. Ðương kim Hoàng đế đã nhiều lần triệu thỉnh ngài
trong các công tác phiên dịch kinh sách. Ngài đã họa một bức
hình Thiên Thủ Bồ Tát dâng lên Hoàng Ðế cùng với cuốn kinh.
Hoàng Ðế liền ra lệnh cho các cung nữ thêu tấm hình này và những
nghệ nhân cũng căn cứ vào đó để họa lại nhằm mục đích phổ biến
rộng rãi trong dân gian. (T 20:83b-c; Reis-Habito 1993:103-7)
Bản dịch của ngài Trí Thông nêu ra đầy đủ những quy luật trong
việc tạo dựng tôn tượng của Bồ Tát. Theo bản kinh Phạn ngữ này,
hình của Bồ Tát nên được vẽ trên một tấm len trắng chiều rộng
khoảng mười khuỷu tay -tức là mười sáu thước ta, và chiều dài
gấp đôi, tức ba mươi hai thước. Thân của Bồ Tát có màu hoàng kim,
giống màu gỗ đàn hương. Trên mặt Ngài có ba con mắt và trong mỗi
bàn tay của ngàn cánh tay cũng có một con mắt. Không được dùng
keo trộn vào mực vẽ mà chỉ nên dùng sữa hòa với phẩm màu. Bồ Tát
đội bảy vương miện bằng bảo châu, thân Ngài được bao phủ bởi
những vòng ngọc. Một bản kinh văn khác nói rằng vì khó tìm được
len tốt tại Trung quốc, người ta có thể thay thế bằng lụa trắng.
Hình Bồ Tát nên cao năm thước và có hai tay, không nhất thiết
phải vẽ đủ ngàn tay ngàn mắt. Tuy nhiên không được quên chi tiết
về con mắt thứ ba của Ngài nằm ở giữa trán. Tất cả những ai muốn
thực hiện những nghi quỹ này trước tiên đều phải họa hình Bồ Tát
theo đúng phép tắc nêu trên. Nghệ nhân trong khi vẽ hình phải
thực hiện trọn vẹn tám giới luật ngăn cấm. Mỗi khi đi tiêu, tiểu
xong y phải tắm gội sạch sẽ. Sau khi hoàn thành xong bức hình,
cả nghệ nhân lẫn hành giả đều phải thực hành nghi lễ sám hối
trước tôn ảnh của Bồ Tát vì sợ rằng có thể phạm phải những lầm
lỗi mà họ không biết. Gắn tôn ảnh của Ngài vào đồ hình mạn đà
la, chuẩn bị những phẩm vật cúng dường và thực hành các nghi lễ
trong vòng 21 ngày. Thiên Nhãn Thiên Thủ Quán Thế Âm Bồ Tát chắc
chắn sẽ phóng quang rực rỡ lấn át cả ánh sáng của mặt trời và
mặt trăng. Ðiều này sẽ xảy ra ngoại trừ những người không có tâm
thành (T20:93c-94a).
Bản kinh cũng đã giải thích lý do tại sao Bồ Tát lại xuất hiện
trong một thân tướng đặc biệt như vậy: Dưới thời của vị cổ Phật
Tỳ Bà Thi (Vị Phật đầu tiên trong bảy vị Phật của thời quá khứ),
Bồ Tát đã hiện thân ra như thế để chế ngự ma qủy. Từ mỗi con mắt
trong ngàn con mắt của Ngài một vị Phật hiện ra, và từ mỗi cánh
tay trong ngàn cánh tay là một vị Chuyển luân thánh. Ngài như
vậy là nhân vật hàng đầu trong việc hàng ma phục qủy
(20). Bản dịch này cũng đưa ra
một số mẫu chuyện về phép lạ nói lên sự linh nghiệm của thần chú.
Như sẽ được đề cập đến trong chương 3, những mẫu chuyện truyền
kỳ này đã được cóp nhặt lại từ các kinh điển của người bản địa
Trung hoa lưu hành kể từ đời Ðường. Mẫu chuyện đầu tiên kể lại
một bệnh dịch hoành hành dữ dội trong vùng Kế Tân (Kashmir) mà
nạn nhân thường là chết sau một hay hai ngày lây nhiễm. Một vị
Phạm tăng thực hành đúng theo những nghi lễ ở trong kinh đã làm
cho bệnh dịch lập tức biến mất vì những qủy sứ gây bệnh đã bị
tống xuất ra khỏi xứ. Một chuyện khác kể rằng có một ông lão
sinh sống ở tại Varanasi chỉ có một người con trai duy nhất mà
các nhà tướng số tiên đoán là sẽ chết vào năm mười sáu tuổi. Vào
năm đứa con này lên mười lăm tuổi thì có một vị Phạm tăng khất
thực đến nhà và rất đổi ngạc nhiên khi thấy cả hai vợ chồng già
này rất buồn rầu và lo lắng. Khuôn mặt của họ trông bơ phờ thiểu
não và không còn sức sống. Sau khi tìm hiểu lý do, vị Tăng bảo
họ đừng lo lắng và cho biết sẽ có cách để kéo dài thọ mạng cho
đứa con trai. Rồi vị Tăng đã thực hành nghi lễ trì tụng thần chú
Ðại Bi trong suốt một ngày một đêm, và khi kết thúc thì Diêm
Vương hiện ra báo cho vị Tăng biết là mặc dầu đứa trẻ này chỉ
sống đến mười sáu tuổi, nghĩa là chỉ còn một năm nửa thôi, nhưng
do nhân duyên tốt đẹp này, y có thể sống đến tám mươi tuổi. Khỏi
nói thì ai cũng biết là cặp vợ chồng già này vô cùng vui mừng
trước tin vui này. Họ đã bán hết tất cả của cải tài sản cúng
dường cho Tam Bảo. Như vậy một điều rất rõ ràng rằng uy lực linh
nghiệm của thần chú này là không thể nghĩ bàn.
Cũng giống như những kinh điển Mật Tông khác đã được đề cập đến
trước đây, thần chú Ðại Bi có thể được vận dụng trong những tình
huống đặc biệt như là một phương thức để vượt qua những nỗi khó
khăn và đạt được những phúc lợi cụ thể. Chẳng hạn như một phụ nữ
sinh đẻ khó khăn, gia trì hai mươi mốt biến thần chú này vào bơ
sữa trâu rồi cho ăn, người này sẽ lâm bồn dễ dàng và đứa con ra
đời sẽ rất đẹp đẽ, hưởng nhiều phước báu và sẽ được mọi người
yêu mến, kính trọng. Nếu một người bị đau mắt, hãy mời một vị sư
trưởng chuyên về thần chú trì tụng hai mươi mốt biến chú Ðại Bi
và bắt ấn quyết lên mắt, bệnh nhân sẽ được hồi phục nhanh chóng
(T 20:87a).
Hai bản dịch khác của bộ kinh này cũng đã cung cấp những chi
tiết vô cùng hữu ích liên quan đến hình tượng của Bồ Tát Thiên
Thủ Quán Thế Âm và cách thức sáng tạo tôn tượng của Ngài. Cả hai
đều cho thấy một cách rõ ràng rằng bốn mươi đại thủ ấn được đề
cập đến trước đây đều là những thuộc tính tiêu biểu của Bồ Tát.
Bản dịch của ngài Bồ Ðề Lưu Chi nói rõ điều này: Bồ Tát đội một
vương miện bằng hoa trên đầu trong đó có một vị hoá Phật. Phía
trước là mười tám cánh tay, hai cánh tay khoanh lại với bàn tay
chấp trước ngực, mười bốn cánh tay kia mỗi tay cầm giữ một cái
bạt kiết la, chày kim cang, bửu ấn, tích trượng, vòng ngọc, vòng
bất thối kim luân, hoa sen nở, cái quyên sách, nhành dương liễu,
xâu chuổi, hồ bình, tay bắt ấn cam lồ, tay bắt ấn vô úy, và sau
hết, hai cánh tay cuối cùng được đặt ở trước rún, bàn tay mở ra
ngữa lên trên, tay phải trên tay trái. 982 cánh tay còn lại cũng
nắm giữ những phẩm vật khác hay trong dạng các thủ ấn đã được
miêu tả trong kinh (T 20:101b).
Một bản dịch cuối cùng thuộc loại Thiên Thủ Avalokitesvara mà
chúng ta sẽ nói đến là Thiên Quang Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Bí
Mật Kinh do Tô Phược La dịch. Bộ kinh này đã không được lưu
lại trong bất kỳ cuốn danh mục nào, ngoại trừ trong bộ Tam Tạng
Tân Tu Ðại Tạng Kinh là bản sao chép của Nhật Bản, mà niên đại
được biết là năm 1125 (T20:126c). Bộ kinh này có thể đã được
dịch hay kết tập vào đời Ðường bởi vì danh hiệu Quán Tự Tại như
ta biết chỉ bắt đầu được dùng bởi ngài Huyền Trang. Ðiều này đã
giải thích lý do tại sao Bồ Tát Avalokitesvara lại được mô tả là
có “Ngàn Mắt Chiếu Soi” bởi vì Ngài phóng quang chiếu soi khắp
cả chúng sanh với những con mắt này (T 20:125a). Tác giả của bản
kinh này có vẻ như rất quen thuộc với bốn mươi đại thủ ấn của Bồ
Tát, nhưng sắp xếp chúng thành năm loại chính, mỗi loại gồm tám
đại thủ ấn: Như Lai thủ, Kim Cương thủ, Như Ý Châu, Liên Hoa Thủ
và Nghiệp. Bộ Như Lai thủ có công dụng chính là khắc phục mọi
chướng ngại gồm các thủ ấn sau đây: Hóa Phật, quyến sách, vô úy,
phất trắng, bàng bài, phủ việt, bảo kích, và cành dương liễu. Bộ
Kim Cương thủ có tác dụng chế ngự, gồm: Bạt chiết la, chày kim
cang, bửu kiếm, hóa cung điện, bất thối kim luân, bửu bát, nhựt
tinh ma ni, nguyệt tinh ma ni. Bộ thủ ấn Ngọc Như Ý mang đến
những lợi ích cụ thể gồm: Như ý châu, cung báu, kinh báu (Bửu
Kinh), hoa sen trắng, hoa sen xanh, linh báu (Bửu Ðạt), hoa sen
tím, chùm bồ đào. Bộ Liên Hoa Thủ sẽ làm cho mọi người yêu mến
và kính trọng hành giả gồm: Hiệp chưởng, gương báu (bửu cảnh),
ấn báu (Bửu Ấn), vòng ngọc (ngọc hoàng), hồ bình, quân trì, hoa
sen hồng, tích trượng. Và cuối cùng, bộ thủ ấn Nghiệp với tác
dụng chiêu hồi, truyền lệnh gồm: Cu thi thiết câu, đảnh thượng
hóa Phật, xâu chuỗi ngọc (Số Châu), loa báu, tên báu, bảo kíp,
gậy đầu lâu (Cô Lâu Trượng), mây ngũ sắc (Ngũ sắc vân)
(T20:120a).
Tùy thuộc vào những ước vọng mà hành giả muốn đạt đến hay thủ
đắc, bộ kinh hướng dẫn hành giả cách thức tạo dựng tôn tượng của
Bồ Tát với đặc tính tương ứng, cách bắt ấn quyết và trì tụng
thần chú đặc biệt cho từng trường hợp. Chẳng hạn như nếu một
người muốn thoát khỏi bệnh tật đeo đẳng, họ nên làm theo tay
dương chi, nghĩa là nhận dược phẩm từ nhành dương liễu của Bồ
Tát. Trong trường hợp này bức hình của Quán Thế Âm Bồ Tát được
vẽ với tay phải đang cầm một nhành dương liễu trong khi tay trái
để trên ngực trái của Ngài với bàn tay mở ra. Khi bức họa hoàn
tất, người bệnh bắt thủ ấn dương chi với cánh tay phải cong lại
và những ngón tay duỗi ra, đồng thời tụng đọc thần chú và xoa
bóp trên khắp thân mình.
Một điểm khác làm cho bộ kinh này phân biệt với những bộ kinh
khác là sự tán dương đặc biệt đối với Bồ Tát Avalokitesvara.
Trong kinh này Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên xưng rằng Bồ Tát
Avalokitesvara đã thành Phật từ thời lâu xa trong quá khứ trước
cả mình với danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, người trực
tiếp hướng dẫn Ngài lúc đó đang là một nhà khổ tu trên đường
tiến đến Phật quả sau này. Ta bắt gặp nội dung tương tự trong
một cuốn kinh của người bản địa Trung hoa có nhan đề là Quán Thế
Âm Tam Muội Kinh, sẽ được nói đến trong chương kế tiếp. Chưa hết,
Bồ Tát Avalokitesvara còn được tuyên xưng là người có khả năng
giáo hóa cả mười phương chư Phật. Ðiều này cũng chẳng có gì khó
hiểu vì trong trường hợp này, Bồ Tát thực ra là một Pháp Thân,
ứng hiện ra hai mươi lăm vị Bồ Tát với mười một đầu và bốn mươi
cánh tay, tương ứng với con số mắt và tay của Bồ Tát. “Ngàn Tay”
vì thế đã không còn là những cánh tay của một Bồ Tát
Avalokitesvara, mà là của hai mươi lăm phân thân của Bồ Tát
Avalokitesvara với đầy đủ năng lực, ứng hiện trong hai mươi lăm
cảnh giới khác nhau để hàng ma phục qủy và cứu độ chúng sanh.
Trong số tất cả những kinh bổn liên quan đến Thiên Thủ Thiên
Nhãn Quán Thế Âm thì bộ kinh do ngài Dà Phạm Ðạt Ma dịch là nổi
tiếng nhất tại Trung Quốc và được lưu truyền qua mọi thời đại.
Theo học giả Reis-Habito, đây là bản kinh duy nhất trong đó có
đoạn nói rõ mười điều đại nguyện, những ân sủng của mười lăm
cách chết lành cũng như được che chở không bị rơi vào mười lăm
việc chết xấu. Uy lực kiên cố của thần chú Ðại Bi cùng với mười
đại nguyện phổ quát của Bồ Tát có thể là những lý do chính khiến
bộ kinh này có sức thu hút mạnh mẽ hơn những bộ kinh khác. Trong
trường hợp của bộ kinh này, cũng có thể do thiếu phần bao gồm
những hướng dẫn rắc rối trong việc làm tôn tượng hoặc những phép
tắc về quán tưởng mà bộ kinh này có sức lôi cuốn và được phổ cập
trong đại chúng. Những thủ bản được tìm thấy tại Ðôn Hoàng có
niên đại vào thế kỷ thứ tám là một minh chứng cho tính cách phổ
thông của bộ kinh này. Trong số những bản sao chép, có bản chỉ
trích ra mười điều đại nguyện của bộ kinh và được gọi là Ðại
Bi Khải Thỉnh. Những nghi thức đơn giản về sám pháp bao gồm
việc tụng đọc mười điều đại nguyện và thần chú Ðại Bi có vẻ như
đã được thực hành trong thời điểm này. (Reis-Habito
1993:121-32). Cũng do tính cách đại chúng này mà kể từ đời Ðường
trở đi, nói đến Ðại Bi cũng có nghĩa là nói đến Thiên Thủ Thiên
Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát, tuy rằng trước đây trong kinh điển đây
chỉ là một đặc tính tổng quát của Bồ Tát. Ðại sư Trí Lễ (còn gọi
là Tứ Minh Tôn Giả, 960-1028), một trong những tổ sư của Thiên
Thai Tông đời Tống đã căn cứ trên bản dịch của ngài Dà Phạm Ðạt
Ma, gồm kinh văn lẫn thần chú, gọi là Ðại Bi Thần Chú để soạn ra
một nghi thức sám hối được gọi là Ðại Bi Sám Pháp được xem như
là môt bộ sám pháp nổi tiếng hơn cả (chương 7 sẽ đi sâu vào vấn
đề này). Cũng trong cùng thời điểm này, trong khoảng từ thế kỷ
thứ mười một đến thế kỷ thứ mười hai, hình ảnh của một Thiên thủ
Thiên nhãn Bồ tát ngoại nhập đã được bản địa hoá và trở thành
một Công chúa Diệu Thiện của người Trung Hoa (sẽ được nói đến
trong chương 8).
Ta không thấy bất kỳ một bức hoành trướng, bích họa hay những mô
tả khác liên quan đến Thiên thủ Quán Thế Âm Bồ Tát được tìm thấy
tại Ðôn Hoàng có niên đại sớm hơn là thế kỷ thứ chín. Trong số
những tư liệu được tìm thấy tại Ðôn Hoàng mà những bản kinh văn
sao chép là những bằng chứng cụ thể, học giả Reis-Habito nêu giả
thuyết rằng tín ngưỡng tôn thờ Ðại Bi đã bắt rễ ở đây ngay sau
khi ngài Dà Phạm Ðạt Ma dịch bộ kinh này sang Hán văn vào khoảng
giữa thế kỷ thứ bảy. Lý do khiến bà đi đến kết luận như vậy là
vì sự quan hệ mật thiết của nó với Vu Ðiền (Khotan), một trạm
dừng chân quan trọng về phía nam của Con Ðường Lụa nay thuộc
tỉnh Tân Cương và cũng là nơi mà ngài Dà Phạm Ðạt Ma đã dịch bộ
kinh này. Từ đó bà cũng đã nêu ra lập luận rằng Vu Ðiền có thể
đã là trung tâm chính của tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát
Avalokitesvara vào lúc bấy giờ. Thực vậy, điều này có thể được
chứng minh cụ thể không những bởi những nhận xét của khách hành
hương mà còn qua sự truyền lưu của kinh điển. Nhà sư Pháp Hiển
đến Vu Ðiền vào năm 475 và thỉnh được bộ kinh Quán Thế Âm
Diệt Tội Ðà La Ni Kinh –nay đã thất truyền. Ngài Huyền Trang
trong chuyến Tây du thỉnh kinh cũng đã đi ngang qua Vu Ðiền vào
năm 640 và chứng kiến tận mắt nhiệt tình tôn giáo của vua quan
lẫn dân chúng vùng này. Còn nói về nguồn kinh điển có xuất xứ từ
Vu Ðiền thì phải nói đến Dharmodgata, nhà sư người Vu Ðiền đã
dịch bộ kinh Quán Thế Âm Thọ Ký Kinh. Một nhân vật nổi tiếng
khác, Ðại sư Cưu Ma La Thập, cũng là người Vu Ðiền. Trở Cừ Kinh
Thanh (d.464), người anh em thúc bá của Trở Cừ Mông Tốn (r.
401-433) -vị vua cai trị Bắc Lương, trong đó có xứ Ðôn Hoàng, và
cũng là người tích cực thúc đẩy việc phổ biến phẩm Phổ Môn như
là một bản kinh độc lập đối với Pháp Hoa- đã từng đến Vu Ðiền tu
học về Ðại Thừa rồi sau đó chuyên lo công việc phiên dịch kinh
điển, trong đó có bộ kinh Quán Quán Thế Âm kinh mà ông mang về
từ Turfan nay đã thất truyền. Cuối cùng phải kể đến bộ kinh Bát
Thập Hoa Nghiêm do ngài Thực Xoa Nan Ðà dịch vào năm 695 cũng có
nguồn gốc từ Vu Ðiền (Reis Habito 1993:124).
Những bộ kinh cuối cùng liên quan đến các hình tướng của Bồ Tát
Avalokitesvara theo truyền thống Mật tông được xoay quanh hình
ảnh Như Ý Luân. Có chín bản dịch khác nhau và tất cả đều được
dịch dưới thời Ðường đã lâm thời góp phần giới thiệu hình ảnh
mang màu sắc Mật Tông này của Bồ Tát song hành cùng với hình ảnh
của Thiên Thủ Thiên Nhãn với người bản địa Trung Quốc. Bản dịch
của ngài Bồ Ðề Lưu Chi, Như Ý Luân Ðà La Ni Kinh, đã giải
thích ý nghĩa của danh hiệu này bằng cách để cho Bồ Tát
Avalokitesvara bạch cùng Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng, thần chú
này giống như một viên ngọc như ý có thể làm thỏa mãn tất cả mọi
ước vọng của chúng sanh. Rồi khi Bồ Tát tuyên đọc thần chú này,
tất cả các cung điện của các loài thiên ma đều rung động, tất cả
các cánh cửa địa ngục đều mở ra, các loài chúng sanh đều được
giải thoát khỏi mọi khổ đau và tái sanh về cõi trời (T
20:188b-189a). Muốn trì tụng thần chú này, hành giả phải vào một
căn phòng sạch sẽ, ngồi trong tư thế kiết già hay bán già, mặt
quay về hướng Ðông suốt cả ngày lẫn đêm rồi chuyên tâm quán
tưởng đến hình tượng Bồ Tát đang ngự trên tòa sen, dung quang
rực rỡ như mặt trời mới mọc buổi sớm mai. Ðối diện với quán ảnh
vừa tạo ra, hành giả liên tục trì tụng 1080 biến thần chú trong
suốt sáu thời không hề ngưng nghỉ. Cuối cùng Bồ Tát
Avalokitesvara sẽ hiện ra trong giấc mơ của hành giả và bảo: "Thiện
nam tử, chớ sợ hải. Ta sẽ ban cho ngươi tất cả những gì mà ngươi
mong ước". Sau đó họ cũng sẽ được trông thấy Ðức Phật A Di Ðà
hay cõi Tịnh Ðộ hoặc cung điện thất bảo của Bồ Tát trên thánh
đảo Bồ Ðà Lạc Ca, trụ xứ của Bồ Tát (T 20:189b-c).
Bộ kinh này, giống như những bộ kinh khác đã được bàn đến trước
đây, cũng hứa hẹn sẽ mang đến những lợi ích thế tục cho người
trì tụng, chỉ khác một điều là ở đây đã nêu ra những số biến trì
tụng khác nhau cho những người có vị thế khác nhau trong xã hội.
Cụ thể như trong khoảng sáu thời, một vị vua phải tụng 1080 biến,
hoàng hậu và các vương phi 900 biến; hoàng tử 800 biến, công
chúa 700 biến, các quan đại thần 600 biến, người Bà la môn 500
biến; người sát đế lợi 400 biến; người tỳ xá 300 biến, giới cùng
đinh lao động 200 biến, tăng sĩ 108 biến, giới ưu bà tắc 106
biến, ưu bà di 103 biến, đồng nam 100 biến và đồng nữ 90 biến (T
20:190a).
So sánh với các kinh điển hiển giáo, kinh điển mật giáo mang một
số đặc tính trái ngược nổi bật. Bất kể Bồ Tát Avalokitesvara
xuất hiện dưới hình tướng nào, kinh điển mật tông đều nhấn mạnh
đến các điểm: (1) tính cách quan trọng trong việc sáng tạo tôn
tượng Bồ Tát theo một quy cách định sẵn luôn luôn kèm theo những
miêu tả rất chi tiết về hình tướng của Bồ Tát, cụ thể như tay
cầm hoa sen và tịnh bình, mình mang những vòng ngọc ngà châu báu,
... để giúp cho việc quán tưởng dược dễ dàng; (2) số lượng đích
xác bao nhiêu biến thần chú phải trì tụng, thường là 21, 108,
1,008 hay 1,080 biến; (3) khi những nghi qũy được thực
hiện một cách đúng đắn, Bồ Tát Avalokitesvara sẽ hiện ra trong
giấc mơ như là một vị tăng sĩ hay dưới các hình tướng mà hành
giả đã quán tưởng; (4) kết quả của việc trì tụng sẽ mang đến cho
hành giả những lợi ích cụ thể vừa cả thế tục lẫn tâm linh.
Tôi đã dành một số trang đáng kể để nói về những kinh điển Mật
tông bởi lẽ ngoại trừ hai bộ Thỉnh Quán Âm Kinh và Thiên Thọ
Kinh, hầu như tất cả những bộ kinh khác đã không được biết đến
một cách rộng rãi. Ða số những người nghiên cứu về Phật giáo
Trung Quốc -kể cả tôi trước khi nghiên cứu về Bồ Tát Quán Thế Âm-
thường tránh xa các kinh điển Mật Tông, cho đó là lãnh vực quá
chuyên biệt. Hậu quả là giới học giả đã để lại một khoảng trống
về Phật giáo Mật tông Trung quốc chưa được nghiên cứu thấu đáo.
Mặc dầu chúng ta hiện có một số lượng khá lớn kinh điển loại này,
đa phần đã được phiên dịch dưới các thời Ðường, Tống, thế nhưng
trong số các nhà học giả đương đại, ngoại trừ Strickmann, rất ít
người đã dùng chúng như là nguồn tài liệu để tái tạo lại các
loại hình tín ngưỡng và tu tập nhằm giới thiệu đến những độc giả
đương thời tại Trung quốc. Thế nên một mảng nhỏ rất sơ lược mà
tôi vừa trình bày trên đây may ra cũng có thể cung cấp một số
hiểu biết cụ thể và hữu ích về thể loại này.
Thứ nữa, khi đi sâu vào một vài chi tiết liên quan đến những
điều mà Bồ Tát Avalokitesvara khả hứa với những tín đồ trung
thành, ta thấy được một điều là những kinh điển đó đã sáng tạo
nên một bản sắc mới cho vị linh thần này, vốn không được tìm
thấy trong các kinh điển hiển giáo trước đây. Mặc dù trong các
bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Lăng Nghiêm và Quán Kinh của Tịnh Ðộ
-ba bộ kinh được coi như quan trọng nhất trong việc xiễn dương
tín ngưỡng tôn thờ Quán Âm kể từ thời Lục Triều- cũng có nêu ra
những hứa hẹn về các ân sũng thế tục cũng như khả năng cứu vớt
con người khỏi bị tái sanh vào những cảnh giới xấu tương tự như
trong kinh điển Mật Tông, tuy nhiên ở đây Bồ Tát Quán Âm chỉ
đóng vai trò phụ thuộc cho các vị Phật Thích Ca hay A Di Ðà.
Ngược lại, trong các kinh điển Mật Tông, vai trò của Bồ Tát Quán
Thế Âm đã được nâng lên thành một linh thần độc lập, người có
khả năng giải cứu tất cả mọi khổ nạn. Như là một phản ứng lại
sự phát triển của các giáo phái tôn thờ thần Siva và Visnu của
Ấn Ðộ giáo, hình ảnh của một Avalokitesvara Phật giáo Mật tông
cũng đã được cho hiển bày như là một đấng toàn năng toàn trí
tương tự. Tiến trình này đã đạt đến đỉnh cao với Ðại Thừa Trang
Nghiêm Bảo Vương Kinh, như rồi ta sẽ thấy, Bồ Tát sẽ được tuyên
xưng như là người đã sáng tạo ra vũ trụ, trong đó kể cả thần
Siva.
Bồ Tát Quán Thế Âm
Người Cứu Khổ Cứu Nạn
Ðại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh là một bộ kinh rất quan
trọng đối với tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Avalokitesvara bởi vì
đây là một trong vài bộ kinh hiếm hoi đã hé mở cho ta thấy một
trang sách huyền nhiệm về cuộc đời của Bồ Tát. Holt đã cố gắng
tóm tắt lại một cách ngắn gọn và cô đọng bộ kinh này mà ông
phỏng định có niên đại vào khoảng từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ
thứ bảy C.E. Bản Phạn ngữ mà học giả Holt sử dụng có thể không
giống với bản kinh mà người ta căn cứ vào đó để dịch ra Hán văn
vì xem ra có một số điểm khác biệt.
Một thuở nọ trong khi Ðức Phật Cồ Ðàm đang nhập định tại Tịnh Xá
Kỳ Viên cùng với đông đảo chư Tăng, chư thiên câu hội và một thị
giả, trong buổi thiền định nhắm đến "tịnh hoá các pháp giới".
Bổng dưng không biết từ đâu một luồng ánh sáng vàng chói lọi bắt
đầu xuất hiện chiếu sáng khắp cả pháp hội cùng những làng mạc
chung quanh. Trưởng lão Viskambhu vô cùng sửng sốt và hân hoan
trước ánh sáng kỳ diệu này, liền vội vàng hỏi Phật do đâu mà có
những luồng ánh sáng quang minh đẹp đẽ như thế. Ðức Thế Tôn trả
lời cho đại chúng biết những luồng ánh sáng này do Bồ Tát Arya
Avolakitesvara phóng quang vì ngài đang tuyên pháp về niết bàn
cho tất cả các nạn nhân hiện đang bị hành hạ khổ đau trong cõi A
Tì địa ngục (bị thiêu đốt trong hầm lửa đỏ kinh khiếp). Trong
khi Viskambhu còn bán tín bán nghi, Ðức Phật tiếp: Do công năng
tuyên pháp của Bồ Tát, hầm lửa trong ngục A Tỳ bổng chốc trở nên
nguội lạnh và biến thành một hồ sen tươi mát, những kẻ thọ hình
nhờ đó vượt qua mọi khổ đau. Phép lạ này đã được thông báo đến
Diêm Vương, người cai quản mấy tầng địa ngục, cũng đang kinh
ngạc vì chưa biết vị thần nào mà lại có uy lực ghê gớm như thế.
Sau khi nhận ra đó là Bồ Tát Avalokitesvara, Diêm Vương vội tán
thán đức độ của Ngài bằng những lời tuyên xưng nồng nhiệt.
Vô cùng phấn khích trước việc Bồ Tát Avalokitesvara trên đường
đi đến cõi thế gian, trưởng lão Viskambhu hỏi Phật bao giờ thì
Ngài xuất hiện ở cảnh giới này. Ðức Thế Tôn trả lời rằng Bồ Tát
dưới dạng Quán Âm Công Ðức Bảo Vương hiện đang thăm viếng cảnh
giới ngạ qũy, nơi mà các loài qủy đói khát đau khổ đang được
ngài ban pháp bảo. Và rồi giống như “một cơn mưa Pháp”, từ trong
mỗi lỗ chân lông của Ngài, những dòng nước mát sẽ không ngừng
tuôn ra xoa dịu những hoàn cảnh khổ đau đáng thương của họ.
Chúng ngạ qũy tức thời được giải phóng ra khỏi những niềm tin
sai lạc chất chứa bao đời từ trong bản chất, chính là nguồn gốc
tạo nên những ác nghiệp của tham lam đã dẫn họ đến kết quả tái
sanh vào những cảnh giới không tốt đẹp hiện nay. Sau khi giác
ngộ, các loài ngạ qũy chuyển hoá thành những vị Bồ Tát cùng về
trụ xứ tại cõi Tây phương Cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà.
Ðức Thế Tôn cũng kể lại rằng trong một tiền kiếp xa xưa lúc Ngài
là một nhà buôn dưới thời Ðức Phật Tỳ Bà Thi còn trụ thế, Ngài
đã được nghe vị Phật quá khứ kể ra vô số phẩm chất tốt đẹp của
Bồ Tát Avalokitesvara. Vị Bồ Tát này đã xuất hiện từ một luồng
điển do một vị tự tại cổ Phật phóng quang ra trong khi đang nhập
đại định. Chính từ thân thể của vị Bồ Tát đại sĩ này mà thế giới
đã được tạo dựng nên: mặt trời và mặt trăng là từ đôi mắt, Ma hê
thù la từ lông mày, Phạm thiên cùng tất cả chư thiên khác từ đôi
vai, Biện Tài thiên
(Sarasvati) từ hàm răng, gió từ lỗ miệng, trái đất từ đôi
chân, và Bà lâu na
Long vương (Varuna) từ bao tử của Ngài. (Holt
1991:47-48).
Khởi đi từ nội dung của đoạn kinh văn này, bản dịch Hán văn đã
làm nổi bật dụng tâm của tác giả bộ kinh này một cách khá rõ
ràng, đó là làm cho hình ảnh của Bồ Tát Avalokitesvara vượt trội
hơn vị thần Siva của Ấn Ðộ giáo.
Lúc này Quán Tự Tại Bồ Tát bảo thần Ma hê thù la rằng: "Về sau,
khi thế gian bước vào thời kỳ Mạt Pháp, loài người sẽ chấp vào
tà kiến đồng nói rằng kể từ vô thủy, ông là chúa tể của cả vũ
trụ này và là người tạo dựng nên muôn vật." Lúc đó, chúng sanh
vì mất phương hướng đạt đến giác ngộ sẽ trở nên hoang mang và do
vô minh lầm lạc mà thốt lên:
Từ cõi không vô tận
làm thành trái đất này
Thế giới và vạn vật
Ðược dựng lên từ đây.
(T20:49c)
Ðoạn kế tiếp được học giả Holt tóm tắt, kể lại một tiền kiếp
khác của Bồ Tát Avalokitesvara lúc đó là một con ngựa thần tên
là Balaha đã giải cứu cho hoàng tử Sinhala, tiền thân của Ðức
Phật Thích Ca như sau:
Sau khi hoàng tử Sinhala dẫn một đoàn thương buôn 500 người vượt
biển đi tìm châu báu, chiếc thuyền của ông ta gặp phải một cơn
bảo lớn và chìm ngoài khơi của hòn đảo Tamradvipa (Lăng Già).
Nhờ ân sủng của vị Trời mà Sinhala thờ phượng, cả đoàn thương
buôn 500 người đã lên đến đảo an toàn và được tiếp đón nồng
nhiệt bởi một đoàn nữ thiên thần. Thực ra những nữ thiên thần
này là một bầy qũy la sát đang lập mưu để ăn sống hoàng tử và
toàn bộ đám thương buôn. Bọn qũy trong vai thiên nữ giả bộ chia
xẻ những nỗi buồn bực của họ, dụ dỗ và đề nghị họ kết làm vợ
chồng. Một đêm nọ, sau khi Sinhala tận hưởng những lạc thú trong
vòng tay của người đẹp "thiên nữ", cây đèn trong phòng bỗng dưng
bật cười. Sinhala ngạc nhiên hỏi lý do thì ngọn đèn trả lời rằng
một đoàn thương buôn bị đắm thuyền trước đây cũng đã được các
thiên nữ này đối xử ngọt ngào như vậy nhưng chung cuộc tất cả
đều bị cầm tù và ăn tươi nuốt sống cả, bởi vì những thiên nữ đẹp
tuyệt trần kia chỉ là bầy nữ qủy la sát độc ác giả dạng. Cây đèn
đã cảnh báo cho Sinhala biết rằng cả đoàn thương buôn của
Sinhala đang ở trong hoàn cảnh thập phần nguy hiểm và chỉ có một
con đường duy nhất có thể cứu họ thoát hiểm. Cây đèn cho biết là
trên bải biển có một con ngựa với đôi cánh trắng tên là Balaha
có khả năng chở Sinhala cùng đoàn 500 thương buôn đến chốn an
toàn với một điều kiện duy nhất là không ai được mở mắt sau khi
con ngựa đã hạ cánh an toàn ở bờ bên kia. Ðược cây đèn báo động
sự thật, Sinhala lập tức tập hợp đoàn thương buôn và thực hiện
đúng theo những lời hướng dẫn của cây đèn. Cả đoàn liền hối hả
chạy đến bờ biển và leo lên con ngựa Balaha đang chờ sẵn và
trong phút chốc đã bay bổng lên trời một cách thần kỳ. Ðám qũy
la sát khi thấy những con mồi của mình tẩu thoát liền chạy theo
giả bộ khóc lóc một cách thảm thiết. Ðộng lòng trước tiếng khóc
than này cũng như do ham muốn của nhục dục thúc đẩy, cả đám
thương buôn, ngoại trừ hoàng tử Sinhala, mở mắt quay đầu nhìn
lại và tất cả đều bị rơi xuống biển. Họ lập tức bị bầy qũy la
sát bắt ăn sống. Hoàng tử Sinhala là người duy nhất thoát nạn và
sau khi con ngựa hạ cánh an toàn ở bờ bên kia đã quay trở về
cung điện của phụ vương tại Sinhakalpa. (Holt 1991:49).
Câu chuyện trong bản dịch Hán văn được kết thúc bởi một cuộc
đoàn tụ gia đình vui vẻ. Nó không có phần kết thúc khủng khiếp
hơn trong đó người “vợ” cũ, tức mụ phù thủy la sát, đã bám theo
Hoàng tử Sinhala trở lại cung đình rồi trổ tài quyến rũ người
cha kết hôn với mình và tấn phong lên làm hoàng hậu. Sau đó con
quỹ này đã triệu tập tất cả những con qũy la sát khác về triều,
ăn sống nhà vua cùng hoàng gia. Cuối cùng hoàng tử Sinhala đã
đem nội vụ ra ánh sáng cho mọi người đều biết sự thật. Họ đã tôn
hoàng tử lên nối ngôi vua, người đã thành công trong việc ngăn
cấm bọn qũy la sát ở trong rừng sâu, mang lại thanh bình cho
toàn thể đất nước. (Holt 1991:49-50).
Phần cuối cùng dài nhất trong bản kinh Hán văn là đoạn tuyên đọc
và ca ngợi thần chú “Lục tự chơn ngôn” Án Ma Ni Bát Di Hồng
(Om mani padme hum). Thần chú này được Ðức Thế Tôn tuyên xưng là
“tâm thức nguyên thủy vi diệu” của Bồ Tát Avalokitesvara, và là
một viên ngọc như ý mà mãi cho đến nay đã không ai hay biết cả.
Những lợi lạc của thần chú này là gì? Nếu như một người do biết
được rồi tụng đọc thần chú này thì không phải chỉ riêng mình y
mà tất cả ông bà tổ tiên bảy đời về trước đều được cứu độ. Chưa
hết, ngay cả người ngoài tiếp xúc với người mang theo thần chú
này, hay đụng phải con sên, con lãi trong mình của y cũng vẫn
hưởng được phước báu như thường. Tại sao như vậy? Bởi vì:
Những con sên, con lãi sống trong
thân thể của người mang "Lục Tự Chơn Ngôn" đã được định trước sẽ
đạt đến quả vị Bồ Tát bất thối chuyển. Như thế, nếu một người
đeo thần chú này ở trong người hay mang theo trên đầu, bất cứ ai
trông thấy y cũng giống như trông thấy ngôi tháp miếu chứa đựng
ngọc xá lợi hay trông thấy Như Lai... Khi một người trì tụng
thần chú này theo đúng như hướng dẫn, y sẽ đạt được biện tài vô
ngại và khai mở tâm đại từ bi... Chí đến hơi thở của người này
chạm phải bất cứ ai, kẻ đó cũng sẽ được khai mở tâm đại từ bi,
lìa bỏ mọi oán giận cùng tam độc tham sân si, đạt đến quả vị bồ
tát bất thối chuyển và mau chóng thực chứng A nậu đa la tam muội
tam bồ đề (hoàn toàn giác ngộ). Nếu tay của một người mang hay
đeo thần chú này ở trong mình chạm phải bất cứ ai, kẻ được chạm
phải cũng sẽ lập tức đạt đến quả vị bồ tát. (T20:59b-c).
Hầu hết phẩm cuối cùng của bộ kinh đều được dùng để tuyên xưng
những kỳ diệu của Lục Tự Chơn Ngôn (T 20:59c-64a). Hình ảnh của
Bồ Tát như là một người sáng tạo ra vũ trụ có thể là nguồn cảm
hứng cho những bức tượng có giá trị nghệ thuật "Lokesvara với
những cánh tay tỏa ra" sáng tác dưới thời đại Angkor (Cam Bốt)
trong khoảng cuối thế kỷ thứ mười hai đầu thế kỷ thứ mười ba. Ba
trong số những bức tượng loại này (cat. 96, 97, 98) đã được
trưng bày trong cuộc triển lãm "Ðiêu khắc dưới thời đại
Angkor và cổ đại Cam Bốt: Một Thiên Niên Kỷ của Vinh Quang"
tổ chức tại Phòng Trưng Bày Tranh Tượng Quốc Gia (National
Gallery), thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, năm 1977. Trong cuốn danh mục
giới thiệu có ghi chú rằng tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát
Avalokitesvara rất là phổ biến dưới triều đại Jayavarman VII,
thời điểm mà những bức tượng này được tạo ra. Hình tượng của Bồ
Tát loại này thường có một đầu và tám tay. "Thân mình của Bồ Tát
-hình ảnh của vũ trụ- hầu như hoàn toàn được bao phủ bởi những
hình ảnh Phật thu nhỏ lại giống như được phát ra từ mỗi lỗ chân
lông" (Jessup và Zephir 1997:314).
Việc mô tả, trình bày về một chủ đề nào đó trong mỹ thuật có thể
được xem như là một phương cách để đo lường mức độ phổ biến của
một bộ kinh. Sự nổi tiếng của phẩm "Phổ Môn" trong Diệu Pháp
Liên Hoa Kinh là một thí dụ. Theo Pháp Hoa Truyện Kí, Trở Cừ
Mông Tốn là người được ghi công đầu trong việc phổ biến phẩm Phổ
Môn như là một bộ kinh độc lập, riêng rẻ. Vua là một Phật tử rất
thuần thành. Tương truyền vua bị một chứng bệnh hành hạ và được
khuyên là nên trì tụng phẩm Phổ Môn, vì "Bồ Tát Quán Âm đặc biệt
gắn bó với người dân của xứ này". Vua nghe theo lời khuyên và
lành bệnh. Từ đó, phẩm Phổ Môn được phổ biến rộng rãi như là một
bộ kinh độc lập dưới tên gọi là "Quan Thế Âm Kinh". (T51:52c).
Trong số những bộ kinh điển được tìm thấy trong các hang động
tại Ðôn Hoàng, chỉ nội Bảo Tàng viện Anh Quốc (British Museum)
đã có đến 1,048 bộ Pháp Hoa, và gần 200 bản Quan Thế Âm Kinh
được thu thập bên ngoài Trung Quốc (Murase 1971:41).
Một cuộc nghiên cứu gần đây cho ta một con số hoàn chỉnh hơn.
Theo Phương Quang Trường (Fang Kuang-ch'ang,) 2,000 bộ kinh Pháp
Hoa đã được lưu giữ tại Thư Viện Bắc Kinh. Nếu cọng thêm với
những nơi khác như Nhật Bản, Anh Quốc, Pháp, và Nga, Fang ước
tính con số có thể lên đến 5,000 bản. Trong số những bộ kinh
Pháp Hoa này, một số ít được xác định niên đại vào trước đời Tùy
(581-618), phần lớn còn lại là những bản sao chép được thực hiện
dưới đời Tùy, Ðường cho thấy sự gia tăng tính cách phổ thông của
Bồ Tát Quán Âm trong giai đoạn này. Ða số những bản sao chép
kinh điển đều có ghi lại những lời đề tặng giải thích lý do tại
sao những bản kinh này đã được thực hiện. Phương quân đã đưa ra
một số thí dụ cụ thể, tất cả đều có niên đại vào thế kỷ thứ bảy,
trong đó chứa đựng những lời nguyện cầu cho quốc thái dân an,
hoàng gia được an lành, mối hy vọng được lành khỏi bệnh tật hoặc
là những mong cầu cho phúc lợi của một cá nhân, gia đình và thân
quyến. Thêm vào đó là ba mươi lăm bản sao chép của triều đình
được đóng lại thành sách vào năm 671, dưới thời Hoàng đế Cao
Tông nhà Ðường (1997:215-19). Trong số những tư liệu được phát
hiện tại Ðộng số 16, Ðôn Hoàng (được niêm phong vào khoảng năm
1035), người ta thấy có rất nhiều bản “giảng kinh văn.” Ðây là
những bài giảng luận về kinh điển bằng văn xuôi hoặc văn vần mà
các vị tăng sĩ thường thuyết pháp cho quần chúng Phật tử trong
những dịp lễ hội tôn giáo, gọi là “phổ giảng”. Một trong số này
là “Bài giảng kinh văn về Pháp Hoa,” mà chủ đề chính xoay quanh
việc thờ phượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Có thể đã được viết ra dưới
thời Ðường, bài giảng này đề cao “những công đức trong việc thờ
phượng Bồ Tát Quán Thế Âm là cao hơn hết thảy” khi cho Ðức Phật
tuyên xưng, “nếu bất cứ thiện nam tử, thiện nữ nhân nào giữ gìn
và tụng đọc danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thờ phượng và cúng
dường Ngài dù chỉ trong một ngày, công đức này cũng tương tự như
cúng dường cho 62 tỷ Bồ Tát khác.” (Wang et al.
1957:II.502,515).
Học giả Miyeko Murase cũng đã gom góp một số dữ kiện trên các
phương tiện mỹ thuật truyền thông khác được bảo tồn tại Ðôn
Hoàng nhằm minh chứng cho tính cách phổ thông của Bồ Tát Quán Âm.
Trong số những bích họa trong 492 động tại Ðôn Hoàng, hơn 28 bức
hình có chủ đề liên quan đến phẩm “Phổ Môn”. Nghệ nhân đã vẽ
những bức tranh có nội dung miêu tả việc Bồ Tát cứu vớt chúng
sanh qua cơn khổ nạn ở trên tường trong một giai đoạn kéo dài
khoảng bốn trăm năm, từ đầu thế kỷ thứ bảy cho đến thế kỷ thứ
mười một. Cụ thể như động số 45, được xác định niên đại vào
khoảng thế kỷ thứ tám chứa một bức bích họa của Bồ Tát Quán Âm
với hơn ba mươi lăm cách ứng thân khác nhau (Miyeko Murase
1971:65). Hình ảnh Quán Âm đã được vẽ trên lụa hay trên giấy
trong khoảng một thời gian ngắn chừng một trăm năm, từ thế kỷ
thứ chín đến thứ mười. Những bản chép tay Kinh Quán Âm với hình
ảnh minh họa cũng đã được xuất hiện trong thời điểm này, trong
đó một cuốn kinh hiện được lưu trử tại Bảo Tàng Viện Anh Quốc
được xác định niên đại vào khoảng đầu thế kỷ thứ mười vì đã được
chép bằng bút mực thay vì bút lông. “Cách lựa chọn cảnh trí và
nội dung những câu truyện trong quyển sách này hầu như hoàn toàn
được mô phỏng theo những bức tranh vẽ Quán Thế Âm Bồ Tát trên
những bức tường trong các ngôi chùa tại động Ðôn Hoàng cũng như
trên các bức liễn treo tại đây. Từ đây một giả thuyết được nêu
ra, là những kiểu mẫu tranh ảnh hoặc loại hình sách vở này đã
được thực hiện bởi những nghệ nhân tại địa phương, và có thể họ
đã lập ra cả một cơ xưởng sản xuất mà việc sử dụng những kiểu
mẫu như thế đã tạo nên được một truyền thống khá lâu dài.” (Murase
1971:43). Dưới triều đại Bắc Tống, những sách in khổ nhỏ và các
liễn treo về kinh Pháp Hoa có hình ảnh minh họa đã bắt đầu thấy
xuất hiện có vẽ như được dùng để thay thế cho các bức bích họa
hay trướng lớn. Murase nêu giả thuyết rằng những “kinh Pháp Hoa
minh họa bỏ túi” này nay đã trở thành những vật dụng tùy thân
của các Phật tử thuần thành. Những loại sách bỏ túi này phổ biến
mạnh đến nỗi đã được sản xuất hàng loạt. Bà cũng nêu ra một ghi
nhận khác là số lượng sản xuất loại sách này đột nhiên tăng vọt
lên dưới thời nhà Nguyên và vẫn tiếp tục gia tăng trong các thời
kỳ sau đó (66-67).
Một chỉ dấu khác cho thấy tính cách độc lập của Bồ Tát Quán Âm
như là một đấng cứu rỗi, không còn là một vị thị giả của Ðức
Phật qua việc Ngài đã được trình bày như là một khuôn mặt trung
tâm trong các tôn tượng thờ kính. Chứng liệu sớm nhất của khuynh
hướng mới này là một tấm bia đá có niên đại 548 được tìm thấy
tại Vạn Phật Tự, tỉnh Tứ Xuyên hiện đang được lưu giữ tại bảo
tàng viện tỉnh này. Tấm bia này mô phỏng theo một kiểu mẫu đã có
trước đó (năm 523), trình bày hình Ðức Phật Thích Ca được bao
quanh ở hai bên bởi một đoàn tuỳ tùng thị giả gồm bốn vị Bồ Tát,
bốn vị sa môn, và hai vị thiên vương, ở phía dưới cùng là một
nhóm những người giúp vui, nhạc sĩ và vũ công. Tấm bia Bồ Tát
Quán âm này, do một tăng sĩ biếu tặng, có cùng một kiểu cách như
trên, tuy nhiên bốn vị Bồ Tát ở đây đều là những ứng thân của
Quán Âm. Trong văn bia này Bồ Tát nghiểm nhiên đã trở thành một
nhân vật trung tâm, tương đương với vị trí của Phật. (Yuan
1991:27-32). Tấm bia 538 trong bộ sưu tập của Viện Bảo Tàng
Indianapolis với hình Bồ Tát Quán Âm với hai thị giả tùy tùng
cho ta một thí dụ đơn giản hơn về kiểu cách này. Mặc dầu những
loại bia trên thường được làm ra để thờ phượng ở những nơi công
cọng như các chùa chiền tự viện, tuy nhiên một số với tầm vóc
nhỏ hơn có thể được sản xuất đặc biệt cho cá nhân để thờ riêng
tại nhà. Một tượng đồng Quán Âm thếp vàng niên đại 599 được lưu
giữ tại Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Nelson-Atkins có cùng một kiểu
mẫu tương tự: hình Bồ Tát Quán Âm ở vị trí trung tâm, bao quanh
là tuỳ tùng thị giả gồm hai vị bồ tát và hai nhà sư. Do kích
thước khiêm nhượng của nó (8.5 inches), bức tượng này có thể đã
được an vị tại bàn thờ tư gia của những tín đồ tôn thờ Bồ Tát,
như được đề cập đến trong chương 4, nói về những phép lạ của
BồTát. Qua cách cấu trúc sắp xếp của những tự viện dưới thời
Tống đã một phần nào làm nổi bật tầm vóc tương đương giữa Ðức
Phật và Bồ Tát Quán Âm. Theo T. Griffith Foulk, "một sự sắp xếp
phổ biến khác với hình ảnh của năm trăm hoặc mười sáu vị la hán
xếp hàng đằng sau một khuôn mặt trung tâm của Bồ Tát Quán Âm hay
Ðức Phật Thích Ca. (bảo quyển Thích Già). Nhân vật trung tâm này
thường được bao quanh bởi những hình ảnh của Thiện Tài Ðồng Tử
và Trưởng Giả Nguyệt Cái" (Foulk 1933:170). Sự hiện diện của
Thiện Tài Ðồng Tử, nhân vật xuất hiện trong kinh Hoa Nghiêm,
nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của cuốn kinh này. Còn Trưởng
Giả Nguyệt Cái, trong một trùng hợp ngẫu nhiên, chính là vị đã
hướng dẫn năm trăm người đến cầu xin Ðức Phật giúp đỡ lúc xứ sở
của ông lâm vào bệnh dịch độc hại được nói đến trong kinh
Thỉnh Quán Âm Kinh (T20:34c). Sự hiện diện của khuôn mặt này
trong các tự viện dưới thời Tống là một thước đo cụ thể cho ta
thấy được tính cách phổ biến của bộ kinh này.
Hấp lực của một hình ảnh Avalokitesvara như là vị thượng đế của
cả cõi vũ trụ này vốn được trình bày trong các kinh điển Mật
tông chắc phải là rất lớn lao. Thật vậy, trong thực tế ta có thể
thấy được những đáp ứng tích cực đối với ý tưởng mới mẻ đó thông
qua những hình tượng nghệ thuật về đấng tôn thần này. Kể từ đời
Ðường trở đi, Bồ Tát Quán Âm đã được trình bày với bàn tay cầm
tịnh bình và nhành dương liễu thay cho đoá hoa sen và tịnh bình
như trong các hình tượng trước đây. Với cảm hứng được bắt nguồn
từ những kiểu mẫu Ấn Ðộ, Bồ Tát trước tiên đã được nghệ nhân
trình bày như là hình ảnh của vị "Liên Hoa Thủ". Một bằng chứng
sớm nhất thuộc loại này là bức tượng đồng Quán Âm thếp vàng có
niên đại vào năm 453 được trưng bày tại phòng triển lãm Freer
Gallery. Tuy nhiên do ảnh hưởng của Thỉnh Quán Âm Kinh và những
kinh điển Mật tông khác, cành hoa sen sau này đã được thay thế
bằng cành dương liễu. Trong một thời gian, việc cúng dường cành
dương và tịnh thuỷ cho Bồ Tát được quy định như là một yêu cầu
đầu tiên trong nghi lễ cầu xin Ngài giúp đỡ. Cành dương liễu đặc
biệt được dùng như một biểu hiệu xóa trừ bệnh tật một cách hiệu
quả đã được đề cập đến trong các kinh điển liên quan đến Thiên
Thủ Quán Thế Âm (T20:88a; 122b). Và một điều ai cũng biết, cánh
tay cầm nhành dương liễu là một trong bốn mươi thủ ấn trong Thần
Chú Ðại Bi. Thế nên kể từ đời Tống trở đi, nghệ nhân Trung Quốc
đã bắt đầu gia tăng việc trình bày hình ảnh Bồ Tát với tay cầm
nhành dương liễu. Cụ thể như một bức tranh Tam Thánh có niên đại
703 từ Thất Bảo Ðài được lưu giữ tại Bảo Tàng Viện Quốc Gia
Tokyo đã trình bày Bồ Tát Quán Âm với tay cầm cành dương. Một
bức tranh Quán Âm khác vào cuối đời Ðường của Rijksmuseum of
Amsterdam đồng thời cũng trình bày Bồ Tát đang cầm một nhánh
dương liễu trong tay phải và một bình cam lồ trong tay trái, bao
quanh là những hình ảnh diễn tả tám mối nạn lớn được mô tả trong
kinh Pháp Hoa. Dưới thời Minh và Thanh, sau khi Bồ Tát Quán Âm
hoàn toàn đã được nữ hoá, ngay cả khi Ngài được trình bày với
tay không, cành dương liễu cũng vẫn được vẽ nhô ra từ tịnh bình
để kế bên cạnh Bồ Tát.
Một chỉ dấu khác về nhành dương và tịnh thủy được thiết định như
là những biểu trưng riêng biệt của Quán Âm được trình bày trong
bài kệ tụng xưng tán Ngài trong những dịp lễ mừng Bồ Tát "đản
sanh" vào các ngày mười chín của tháng hai, tháng sáu và tháng
chín. Ðược đưa vào Thiền Môn Nhật Tụng, xuất bản năm 1834 nội
dung bao gồm cả những tư liệu của những giai đoạn trước đây,
phần kệ tụng Kuan Shih Yin P'u sa Sheng tan chu yi đã hoà trộn
những chất liệu lấy từ Diệu Pháp Liên Hoa và Thiên Thủ Kinh.
Nghi thức được bắt đầu với việc tụng niệm danh hiệu cuả Bồ Tát
Quán Âm ba lần, tiếp đến là trì tụng Thần chú Ðại Bi bảy biến
và cuối cùng là hát bài kệ tụng xưng tán Bồ Tát với âm nhạc phụ
họa:
Ngài là Ðấng Giác Ngộ Viên Mãn
Từ cánh rừng thất bảo, Ngài thị hiện chân tướng Ngàn Tay Ngàn
Mắt.
Bồ Tát ngự tại cung điện Bồ Ðà Lạc Ca. Rãi nước cam lồ với nhành
dương liễu, Ngài nuôi dưỡng tất cả mọi Pháp Giới chúng sanh. Với
quyền lực siêu nhiên và cỡi trên ngàn cơn sóng đại dương, Bồ Tát
hiện ra trong cõi chân lý này với tất cả vẻ uy nghi lộng lẫy.
Không có gì đền đáp được hồng ân
của Bồ Tát Quán Âm thần diệu,
Hạnh đức khiết tinh và sự lộng lẫy uy nghi của Ngài
Là kết tinh của bao nhiêu kiếp tu trì tinh tấn
trong khắp mọi cảnh giới với ba mươi hai ứng thân thị hiện
Ngài hoá độ chúng sanh ở cõi Diêm phù Ðề này từ vô số kiếp.
Nước cam lồ từ tịnh bình của Ngài rãi khắp mọi nơi
Và nhành dương trên tay trải qua vô số lượng mùa Thu
Ngàn tiếng khẩn cầu vọng lên từ muôn nơi đều được đáp ứng.
Ngài luôn là con thuyền đưa chúng sanh vượt qua bể khổ.
(Fo-chiao Chao-mu k’e sung, 90-92)
Một thí dụ cụ thể khác cho thấy kinh điển Mật Tông có thể đã là
nguồn cảm hứng cho nền mỹ thuật Trung Hoa trong việc sáng tạo
các hình tượng về Bồ Tát Quán Âm được minh chứng bằng sự hiện
diện của Long Nữ như là một thị giả của Bồ Tát. Trong cả hai bộ
kinh Mật tông tán dương Bất Không Quyên Sách và Thiên Thủ Thiên
Nhãn Quán Thế Âm đều có đề cập đến việc Bồ Tát thăm viếng cung
điện Long Vương ở tận dưới đáy biển để hoá độ chúng sanh ở đây
thần chú cứu nạn của Ngài. Ðể tạ ơn, Long Nữ đã cúng dường lên
Bồ Tát xâu chuổi ngọc trai vô giá của nàng (T 20:88b; 252b). Rất
nhiều bảo quyển được viết vào thời quân chủ gần đây cho Long Nữ
cúng dường Bồ Tát hạt ngọc trai là điểm then chốt trong cốt
truyện của họ (chương 10).
Trong những họa phẩm và điêu khắc của Trung Hoa về Bồ Tát Quán
Âm kể từ sau đời Ðường, Bồ Tát thường được trình bày với hai thị
giả tùy tùng, một đồng nam và một đồng nữ. Ðồng nam thường là
Thiện Tài Ðồng Tử, kẻ hành hương cầu đạo trong kinh Hoa Nghiêm
và đồng nữ chính là Long Nữ. Tuy nhiên trong một cuốn kinh do
Ngài Thiện Vô Úy (636-735) dịch, Thiên Thủ Quán Âm Tạo
Thứ-Ðệ Pháp Nghi-Quy, mô tả các quy cách về nghi lễ thờ
phượng Thiên Thủ Quán Thế Âm, có thể đã là nguồn cảm hứng sớm
nhất cho loại hình tượng này. Cuốn kinh được mở đầu bằng cách
diễn tả cách thức tạo hình như thế nào cho thực giống với hình
ảnh của Bồ Tát: Trước tiên, Ngài phải có thân màu hoàng kim,
ngồi kiết già trên một toà sen lớn ba mươi hai cánh, mỗi cánh
sen lại chứa rất nhiều những cánh sen nhỏ, tất cả đều được trang
điểm với vô số ngọc trai. Ðoàn tùy tùng thị giả của Ngài gồm có
ba nhóm: tám vị đại bồ tát, hai mươi tám vị tùy tùng, và trước
mặt Ngài là "một thiên nữ với đôi mắt trẻ thơ, tay cầm những đóa
hoa tươi đẹp cùng với một đồng nam bảy tuổi đang cầm một cuốn
kinh" (T 20:138). Kinh văn cũng nêu rõ các danh hiệu, thần chú,
và đầy đủ chi tiết về hình ảnh của hai mươi tám vị tùy tùng của
Bồ Tát Avalokitesvara (22). Tuy
nhiên ta cũng không thể khẳng định rằng cuốn kinh này hay những
cuốn kinh khác đã là nguồn cung cấp trực tiếp những chi tiết
kiểu mẫu về hình tượng của Bồ Tát cho các giai đoạn sau này, bởi
lẽ các nghệ nhân thường là vô danh, và ngay cả trong trường hợp
dù biết được tên tuổi của tác giả, họ cũng không hề cho ta biết
họ đã lấy những ý tưởng đó từ đâu ra. Thế nên tốt nhất ta có thể
cho rằng các nghệ nhân Trung Quốc không thể nào sáng tạo ra
những hình tượng mà không theo một số quy luật nào đó, mặc dù
thông thường họ đã không theo những quy luật này một cách nghiêm
túc, nhưng theo chọn lựa cá nhân, mô phỏng và cải biến. Trong
một số trường hợp, thay vì bắt chước theo những kiểu mẫu mô tả
trong kinh điển, nghệ nhân Trung Quốc có thể đã sao chép lại
những hình tượng tranh vẽ về Bồ Tát do các tăng sĩ truyền giáo
mang vào Trung Quốc. Tuy nhiên các kiểu mẫu này có theo đúng
kinh điển ở một mức độ nào đó hay không thì lại là một vấn đề
khác. May mắn thay, ta có thể đem ra so sánh những kiểu mẫu được
miêu tả trong kinh điển và một vài thực tế do nghệ nhân sáng tạo.
Sự khác biệt thường là đáng ngạc nhiên. Kích thước, phương tiện
và những vật biểu trưng của hình tượng hiếm khi theo đúng qui
cách được mô tả trong kinh điển. Trong tất cả những thể dạng
của Bồ Tát Avalokitesvara mang màu sắc Mật tông hiện còn tồn tại,
kiểu mẫu thập nhất diện (mười một đầu) là nhiều hơn cả. Donald
Wood (1985) đã mô tả toàn bộ những kiểu hình tượng này hiện còn
được lưu giữ tại Trung Quốc và Nhật Bản. Bảy hình tượng khắc
chạm Thập Nhất Diện Quán Thế Âm từ Ch’i pao t’ai hoàn tất
năm 703 dưới triều đại của nữ Hoàng Ðế Vũ Tắc Thiên (ca.
624-705) hiện còn tồn tại đang được lưu giữ tại một số bảo tàng
viện khác nhau trên thế giới (23).
Bức tượng tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Tokyo cho thấy Bồ Tát có
mười chiếc đầu nhỏ được bố trí thành ba hàng ở phía trên của
chiếc đầu chính như là được gắn vào một kiểu tóc.
Trong những hang động tại Ðôn Hoàng, người ta tìm thấy rất nhiều
hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm theo kiểu cách Mật Tông. Trong số
này, căn cứ vào thống kê của Henrik Sorensen, kiểu mẫu Thập Nhất
Diện là phổ biến hơn cả, với hơn một trăm hình ảnh được trình
bày trên những bức trướng hay bích họa. Tiếp đến là Thiên Thủ
Quán Thế Âm với trên 40 bức, Như Ý Luân, 39 bức và cuối cùng là
Bất Quyên Sách Quán Thế Âm với 6 bức. (Sorensen
1991-1992:302-5). Hang động 334 chứa một bức vẽ Thập Nhất Diện
Quán Thế Âm hai tay đang ngồi có niên đại khoảng trước năm 642,
trong khi đó tại hang động 321 một bức Thập Nhất Diện Quán Thế
Âm khác có niên đại vào thời Hoàng Ðế Vũ Tắc Thiên, với sáu tay
đang đứng, cánh tay thấp nhất phía trái đang cầm một tịnh bình,
và cánh tay thấp nhất bên phải cầm một nhành dương liễu. (Trung
Quốc Thạch Quật Ðôn Hoàng Mạc Cao Quật, III:82,55).
(24) Một bức hình khác trong hang
động IX tại Thiên Lũng San có cùng thời điểm với bức hình trên,
vẽ Bồ Tát là nhân vật trung tâm với hai Bồ Tát tùy tùng là Văn
Thù và Phổ Hiền (Lee & Ho 1959:136). Một số hình tượng có giá
trị khác cũng được tìm thấy tại Nhật Bản, cụ thể như bứchình tại
Horyuji, sáng tạo vào khoảng thế kỷ thứ tám theo kiểu cách đời
Ðường. Bất Quyên Sách và Như Ý Luân Quán Thế Âm đồng thời cũng
được biểu trưng qua mỹ thuật sau khi những bộ kinh này được dịch
sang Hán văn vào đời Ðường. Tuy nhiên, trong số tất cả những
hình tượng của Bồ Tát Quán Thế Âm theo kiểu cách Mật Tông, Thiên
Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm được coi như là phổ cập hơn cả tại
Trung Quốc. Lý do tại sao sẽ được nói đến trong những chương kế
tiếp.
Qua phần nghiên cứu này người ta có thể thấy một điều khá rõ là
nghệ nhân trong việc tạo nên những hình ảnh khác nhau về Bồ Tát
Quán Thế Âm cứu độ chúng sanh có thể đã sử dụng những kiểu mẫu
từ nguồn mạch phong phú của cả kinh điển mật giáo lẫn hiễn giáo.
Rất nhiều hình tượng và tranh vẽ về vị Bồ Tát này đã được sáng
tạo trên cơ sở của những nguồn kinh điển như thế. Và rồi những
tôn tượng công cọng trong các tự viện Phật giáo cũng tương tự
như thế. Thế nhưng khi ta nhìn những bộ tranh vẽ Quán Âm,dù là
bộ năm bức, ba mươi hai hay năm mươi ba bức do các nghệ nhân
sáng tác để dành cho tín đồ thưởng ngoạn riêng trong thời quân
chủ trước đây, người ta không thấy có một sự quan hệ nào với
kinh điển cả. Ðây là những sáng tác của người bản địa cho thấy
nghệ nhân Trung Hoa đã để cho đầu tưởng tượng phong phú của
mình hình dung ra hình ảnh của một Quán Âm trong dáng dấp của
một người đẹp quý phái Trung Quốc. Người ta cũng thấy một kiểu
cách tương tự như thế được áp dụng đối với kinh văn Phật giáo.
Trong khi tại tự viện, kinh điển được tụng đọc theo một nghi
thức định sẵn, các kinh điển của người bản địa được sáng tác
thường được sử dụng cho mục đích riêng tư. Khi khảo sát những
kinh điển loại này, chúng sẽ làm cho ta sửng sốt khi thấy mức
tưởng tượng phong phú cùng với màu sắc rất "Tàu" của chúng.
Trong số những bộ tranh vẽ về Bồ Tát Quán Âm, bộ tranh với năm
bức có thể được xem như xuất hiện sớm nhất. Một bộ thuộc loại
này do Ðinh Vân Bằng (1547-ca.1628) vẽ hiện được lưu trữ tại Bảo
Tàng Viện Nelson-Atkins, Kansas City. Quán Âm trong cả năm bức
tranh này đều là nữ nhân. Trong các bộ ba mươi hai và năm mươi
ba bức, nữ thân cũng chiếm phần đa số. Tối thiểu có đến bốn bộ
ba mươi hai bức hiện còn tồn tại. Một bộ do Hình Từ Tỉnh, một nữ
hoạ sĩ sống trong khoảng thế kỷ mười lăm đến thế kỷ mười sáu
dưới thời Minh vẽ, hiện được lưu trữ tại Bảo Tàng Viện Palace,
Ðài Bắc. Một bộ khác được xem như là của họa sĩ Ðỗ Cận sáng tác
vào khoảng giữa thế kỷ thứ mười lăm tại Bảo Tàng Viện Quốc Gia
Tokyo. Một bộ nay chỉ còn hai mươi tám bức trong ba mươi hai bức
nguyên thủy của Ðinh Vân Bằng (1547-ca.1621) tại Bảo Tàng Viện
Tỉnh An Huy và bộ thứ tư được vẽ bởi ái nữ của nhà danh họa
Ch'ou Ying (1494-ca.1552) hiện được lưu giữ tại Hoa Kỳ bởi một
nhà sưu tập tư nhân (Laing 1988:70-72). Những bức họa trong bốn
bộ tranh này đều tương tự như nhau và tất cả đều được vẽ theo
họa pháp “bạch miêu” (vẽ bằng bút mực hay bút chì), tuy nhiên
những bài kệ kèm theo bức tranh nội dung thỉnh thoảng khác nhau.
Cụ thể như một bức vẽ Bồ Tát Quán Âm đang ngồi trên mình con
hống (25) -một con vật trong
huyền thoại Trung Hoa, gần giống con sư tử - một hình tượng chưa
thấy xuất hiện trước thời Minh. Bức vẽ này đều giống nhau trong
cả bốn bộ sưu tập nói trên duy những bài kệ thì khác nhau.
Một bộ tranh năm mươi ba bức về Quán Âm được kết tập và in ấn do
Hồ Ứng Lân (1551-1602) -một sử gia rất ái mộ những truyền thuyết
về Quán Âm- đề tựa đã được tái bản nhiều lần với các ấn bản hiện
đại. Bộ tranh này bao gồm đủ bộ ba mươi hai bức và được thêm vào
nhiều bức tranh mới, trong số đó bốn mươi hai bức Bồ Tát Quán Âm
được vẽ dưới dạng nữ thân, mười một bức còn lại là nam thân dưới
dạng các ứng thân khác nhau từ tăng sĩ đến quan chức, v.v... lấy
cảm hứng từ các kinh Pháp Hoa và Lăng Nghiêm. Con số năm mươi ba
này không phải là một con số ngẫu nhiên mà được gợi ý từ năm
mươi ba cuộc thăm viếng các thiện trí thức của Thiện Tài Ðồng Tử
để tìm cầu học đạo được mô tả trong kinh Hoa Nghiêm, một cuốn
kinh cũng được xem như nền tảng cho tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát
Quán Âm tại Trung Quốc. Bộ Tứ Thập Hoa Nghiêm do ngài Bát Nhã
đời Ðường dịch (798) đặc biệt rất quan trọng. Bộ kinh này còn
được gọi là Hoa Nghiêm Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm với phần
miêu tả cuộc hành hương cầu đạo của Thiện Tài Ðồng Tử trong đó
Bồ Tát Quán Âm là vị "thiện trí thức" thứ hai mươi tám mà Thiện
Tài Ðồng Tử viếng thăm để nhận lời giáo huấn. Ngự trên một thạch
bàn bằng kim cương giữa một khu rừng cây lá xum xuê, Bồ Tát Quán
Thế Âm trong bộ kinh này được tôn xưng là "dũng mãnh đại trượng
phu" đã ban một thời pháp cho đồng tử Thiện Tài.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Quán Âm cũng được đề cập đến với
năng lực cứu vớt con người qua cơn khổ nạn như được mô tả trong
kinh Pháp Hoa. Bất cứ ai nếu niệm đến danh hiệu của Bồ Tát có
thể đi vào những cánh rừng đầy đạo tặc và ác thú mà không còn
phải sợ hãi. Hành giả được giải phóng khỏi mọi gông cùm xiềng
xích, được cứu vớt không bị chìm đắm trên bể cả. Bất cứ ai nếu
bị liệng vào biển lửa, do niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát,
ngọn lửa dữ sẽ biến thành những cánh sen trong hồ nước và người
đó sẽ không bị hại. Vào cuối thời Ðường, nghệ nhân thường có
khuynh hướng tổng hợp hình ảnh của Bồ Tát Quán Âm được miêu tả
trong cả hai bộ kinh trên. Ðây là một chủ đề khá phổ biến trong
các bích họa tại động Ðôn Hoàng (Fontain 1967:78) và trong các
bức tranh minh họa trong các bản kinh in mộc bản dưới thời Tống
và sau này. Một bản kinh in mộc bản vào năm 1432 có hình minh
họa Bồ Tát Quán Âm thị hiện, phía trên là một quan chức được mô
tả trong kinh Pháp Hoa, bên dưới là hình Thiện Tài Ðồng Tử của
kinh Hoa Nghiêm đang đảnh lễ Ngài. Một điểm đáng lưu ý là Quán
Âm trong cả hai bức tranh đều có dáng vẻ phụ nữ.
Những nghệ nhân sáng tác các bộ tranh về Bồ Tát Quán Âm có vẽ
như đã ưa thích một vài kiểu mẫu phụ nữ nào đó nên kiểu cách này
đã được lập đi lập lại nhiều lần trong một số họa phẩm (sẽ nói
đến trong các chương 6 và 10). Họ đã trình bày Ngài như thế bởi
vì Bồ Tát Avalokitesvara nam thân lúc này đã hoàn toàn chuyển
hóa thành một Quán Âm nữ thân dưới các triều đại Trung Quốc gần
đây. Lúc nào thì sự thay đổi quan trọng này xảy ra? Xảy ra như
thế nào và ai trách nhiệm về những đổi thay đó? Và cuối cùng,
tại sao? Ðây là những vấn đề mà chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu
trong các chương kế tiếp. Những tranh tượng mỹ thuật miêu tả Bồ
Tát Quán Âm là một trong những nguồn mạch quan trọng nhất để
truy tìm dấu vết của tiến trình chuyển hóa. Cách thức mà một
nghệ nhân đã chọn để miêu tả Bồ Tát như thế nào, trong một chừng
mực nào đó chắc chắn đã phản ánh những quan niệm của người đương
thời về Bồ Tát, dĩ nhiên trong đó cũng có phần cải biến. Và rồi
hình ảnh của Bồ Tát Quán Âm được trình bày như thế nào trong mỹ
thuật đồng thời cũng đã uốn nắn nhãn quan về Bồ Tát đối với
người xem. Thế là đã có một vòng luân chuyển giữa phương tiện
thể hiện, nguồn gốc và ảnh hưởng của nó. Vấn đề này không phải
chỉ thuần túy hạn chế trên phương tiện thể hiện mỹ thuật mà được
áp dụng đồng đều cho tất cả các phương tiện truyền thông khác
liên quan đến việc tạo dựng và phổ biến tín ngưỡng tôn thờ Bồ
Tát Quán Âm của người Trung Hoa.
Trong chương này chúng ta đã nói đến tầm mức quan trọng của kinh
điển đối với niềm tin vào Bồ Tát Quán Âm. Nhưng để hiểu được sự
tác động này ta phải đặt chúng vào bối cảnh Trung Hoa: những
kinh điển này đã thật sự được đọc, nghiên cứu và hành trì? Ai đã
thực hành, giới tu sĩ, quần chúng Phật tử hay là cả hai? Và có
thể một điều quan trọng hơn, do đâu mà ta biết được những kinh
điển này rất dược phổ biến tại Trung quốc? Ðây là những câu hỏi
khó trả lời. Trong những chương kế tiếp ta sẽ nỗ lực tìm cách lý
giải vấn đề đứng trên những góc cạnh khác nhau. Mỹ thuật, những
truyền thuyết, các kinh điển do người bản địa sáng tác, bảo
quyển, v.v... đã cho chúng ta biết sự tiếp thu, đồng hoá và
những biến cải của người Trung Hoa đối với nguồn kinh điển này.
Trong phần kết luận của chương này cũng như sẽ được nói thêm
trong những chương tiếp, tôi cho rằng người Trung Hoa chắc chắn
là đã không hoàn toàn tiếp nhận tất cả các kinh điển một cách
thụ động hay đồng đều. Một số kinh điển cụ thể như Diệu pháp
Liên Hoa và Thiên Thủ Kinh nhanh chóng trở thành những bộ kinh
được ưa chuộng, trong khi đó một số khác chỉ được liệt kê trong
danh sách tham cứu của giới tu sĩ bác học hay Phật tử trí thức,
còn quảng đại quần chúng nói chung ít ai biết đến hoặc không
thèm quan tâm đến. Ðối với trường hợp những kinh điển Mật giáo,
bởi vì quá phức tạp rườm rà lại đòi hỏi quá nhiều nghi lễ thiền
quán rất tốn thì giờ và nỗ lực tập trung của hành giả, có khi
chỉ được hạn chế cho một nhóm đặc biệt nào đó (một số kinh đã
nói công khai là chỉ dành cho đàn ông) thế nên rất hiếm được
quảng đại quần chúng tuân thủ hành trì. Chưa kể là những đòi hỏi
nghiêm nhặt về việc làm tôn tượng Bồ Tát trên một phương diện
nào đó đã hạn chế thêm khả năng hành trì của một con người bình
thường. Thế nên cả hai điều này đã giới hạn những nghi qủy Mật
giáo cho một nhóm tinh hoa thường là giới tu sĩ phái nam. Tuy
nhiên sự nhấn mạnh của kinh điển trong việc tạo tượng ảnh và trì
tụng thần chú đã tạo nên một tác động lâu dài và ảnh hưởng sâu
sắc lên Phật giáo Trung Hoa trong tu tập cũng như việc phát
triển tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Quán Âm. Ðiều này chúng ta có
thể nhận thấy qua việc quần chúng mọi giới đã bày tỏ niềm tin
tưởng của mình đối với Bồ Tát được thể hiện qua việc tụng đọc
kinh điển (thông thường là phẩm Phổ Môn của Pháp Hoa) hoặc trì
chú (thường là Chú Ðại Bi), và tạo dựng tôn tượng của Ngài hầu
mang đến lợi lạc cho mình hay cả gia đình. Thông dụng nhất là
việc niệm danh hiệu của Bồ Tát, được xem như là một phương thức
“dân chủ” nhất trong biểu hiện tín ngưỡng, nó không hạn chế cho
một giai tầng, đẳng cấp xã hội hay phái tính nào, ai cũng có thể
làm được, và từ đây người Phật tử Trung Hoa thuần thành có thể
tiếp xúc với Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu xin những phúc lợi thế
gian cũng như để được cứu độ.
CHÚ THÍCH:
1.
Eric Zurcher đã xem bộ kinh này như là một phần trong
nhóm nhỏ của những kinh điển Trung quốc nguyên thủy tiêu biểu
cho “khuynh hướng đại chúng hóa” mà “những đặc tính chung là bao
gồm một số lượng đáng kể những trộn lẫn cổ điển, những thuật ngữ
mang phong các riêng, và trên tất cả, thực tế cho thấy là những
dịch giả này đã cố gắng hết sức để phiên dịch mọi thứ sang Hán
văn kể cả những danh từ riêng.” Zurcher tin rằng đặc tính sau
cùng này cho thấy “cái ý hướng muốn phục vụ giới thưởng ngoạn
thuộc một bầu khí văn hoá đại chúng chứ không thuộc giới chuyên
môn”. (1991:290).
2.
Do tiếng tăm của ngài Chi Ca Lâu Sấm, những gán ghép
sai lạc cho ngài là dịch giả của bộ kinh này trở thành một vấn
nạn nhức nhối. Cuốn danh mục cổ xưa và có thẩm quyền nhất, Xuất
Tam Tạng Ký Tập, kết tập bởi ngài Tăng Hữu (515) đã không liệt
kê dịch giả của bộ kinh này là Chi Ca Lâu Sấm. Một số học giả
cho rằng bộ kinh này thực ra là do ngài Ðàm Ma La Sát (265-313)
dịch, còn bản dịch của ngài Chi Ca Lâu Sấm thì đã bị thất lạc.
Nếu đúng như thế thì bộ kinh Ðại A Di Ðà (Ðại Kinh) do cư sĩ Vũ
Chí Khiêm dịch (220-252) có thể được xem như là bản dịch sớm
nhất còn tồn tại của kinh điển Trung quốc. Bukkyo daijiten
5:4851b.
3.
Những nhà học giả đương đại đồng thời cũng đặt vấn đề về
sự gán ghép này: “Bây giờ có vẻ như cái được gọi là bản dịch của
ngài Khương Tăng Ngãi là cả một công trình tập thể của bộ phận
phiên dịch do danh tăng dịch giả đời Ðường (sic), Phật Ðà Bạt Ðà
La (359-429 C.E.), chủ trì”. (Gómez 1996:126)
4.
Một trong những bộ kinh này là Quang Thế Âm Ðại Thế Chí
Thụ Giác Kinh do ngài Ðàm Ma La Sát dịch vào khoảng năm 265, và
một bộ khác là Quán Thế Âm Thụ Ký Kinh do cư sĩ Nhiếp Ðạo Chân
dịch vào khoảng năm 300. Mặc dù chúng đã bị thất lạc, nhưng
những tựa đề vẫn còn được lưu lại trong bộ Xuất Tam Tạng Ký Tập
của ngài Tăng Hữu (515).
5.
Năm bộ kinh khác là Phật Thuyết Quán Hư Không Tạng Bồ Tát
Kinh (T no. 409), Phật Thuyết Quán Phật Tam Muội Hải Kinh (T no.
643), Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Ðâu Suất Thiên
Kinh (T no. 452); Phật Thuyết Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hình Pháp
Kinh (T no.277); và Phật Thuyết Quán Dược Vương Dược Thượng Nhị
Bồ Tát Kinh. (T. no 1161) (Pas 1995:42-43).
6.
Charles Luk đã chú giải về ý nghĩa của đoạn kinh văn này
như sau: “Bằng cách không tự quán cái tiếng, mà quán cái tâm
năng-quán, tức là cái tánh nghe, Bồ Tát đã vượt ra ngoài cả lục
căn lẫn lục trần và như thế đã thực chứng được Phật tánh của
mình vốn bao gồm cả mọi loại chúng sanh. Triển khai niềm tin
thuần túy vào Ngài bằng cách niệm danh hiệu Bồ Tát, hoặc tập
trung quán tưởng về Bồ Tát, hành giả đạt đến tình trạng nhất tâm,
hoà nhập với bản tánh Bồ đề của Bồ Tát và trở nên đồng nhất
với ngài, từ đó giải thoát mọi khổ nạn vốn không hề hiện
hữu trong cảnh giới tuyệt đối.” (Lu K’uan Yu [Charles Luk]:1966:139).
7.
Trong một cuộc trao đổi riêng với tác giả Angela Howard
(April 7, 1997), sự phân biệt giữa hai vị Bồ Tát này trở nên rõ
ràng hơn kể từ thế kỷ thứ sáu khi Quán Âm thay thế Di Lặc như là
một vị Bồ Tát phổ thông và vị trí của Di Lặc trở thành một vị
Phật tương lai.
8.
Tsukamoto Zenryu cũng đã dịch một câu chuyện tương tự từ
Fa-yuan chu-lin 16 (T53:406a-c). Theo Tao-shih (d.683) thì Ðái
Ngung và thân phụ là Ðái K'uei là những nhà tạc tượng nổi tiếng
đương thời. Bức tượng Di Lặc đặc biệt này lúc trược được thờ tại
chùa Lung-hua, Ku'ai Chi (bây giờ là Chekiang) và "những kiểu
cách hình tượng do cha con nhà họ Ðái sáng tạo ra rất nhiều và
đồng nhất, phổ biến rộng rãi khắp nơi, khó có thể thu thập toàn
bộ được" (1985:626-27).
9.
Căn cứ trên văn tự chú thích về căn cước của những hình
tượng của thời Bắc Ngụy (386-534), có tất cả hai mươi chín hình
tượng của Di Lặc, hai mươi của Phật Thích Ca, mười sáu của Quán
Âm, và mười hai của Phật A Di Ðà. Khuynh hướng này được tiếp tục
dưới thời Ðông Ngụy (534-550) với hai mươi chín bức Thích Ca Mâu
Ni, hai mươi mốt bức Di Lặc, mười sáu bức Quán Âm và năm bức
Phật A Di Ðà. Nhưng kể từ sau đời nhà Tùy, với sự thành lập
Thiên Thai Tông và tín ngưỡng Tịnh Ðộ trở nên phổ biến, khuynh
hướng này đã đảo ngược với trên 280 bức A Di Ðà nhưng chỉ có
khoảng trên 40 bức Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên Quán Âm và Di Lặc
có cùng số lượng tương tự trên 40 bức (Matsumoto 1937:9).
10.
Tuy nhiên trong bản dịch bộ Pháp Hoa sớm nhất hiện còn tồn tại,
số lượng ứng thân ít hơn là ba mươi ba. Bộ Chánh Pháp Hoa Kinh
liệt kê mười bảy ứng thân như sau: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác,
Thanh Văn, Phạm-vương, Càn Thát Bà, Ma qủy, Trưởng giả và quyền
thế, Trời, Chuyển Luân Vương, La Sát, Ðại Tướng Quân, Tăng Sĩ,
Kim Cương Thủ, Tiên và nho sinh (T9:129b-c). Ðiều đáng lưu ý là
không có một ứng thân nào là nam thân.
11.
Tôi đồng ý với cách Hurvitz (1976:314) chuyển hai từ ngữ này ra
tiếng Anh. Trước đó, Watson (1933) đã dịch là "the heavenly
being Freedoom" và "the heavenly being Great Freedoom", đối với
người nói tiếng Anh, không chuyên chở một ý nghĩa nào cả. Hai
danh hiệu này thật ra là của thần Siva, Ấn Ðộ Giáo nhưng cả
Hurvitz lẫn Watson đã không nhận ra.
12.
Xem thêm Nicole Nicolas-Vandier (1976:vol.2, pp.51-103).
13.
Mười bốn pháp thí vô úy gồm:
Một, là do tôi không tự quán cái tiếng, mà quán cái tâm năng-quán, nên
khiến cho chúng-sinh khổ-não thập phương kia, quán cái âm-thanh,
thì liền được giải-thoát.
Hai, là tri-kiến đã xoay trở lại, khiến cho các chúng-sinh,
dầu vào đống lửa, lửa không thể đốt được.
Ba, là quán cái nghe đã xoay trở lại, khiến cho các
chúng-sinh bị nước lớn cuốn đi, mà không chết-đuối.
Bốn, là diệt hết vọng-tưởng, tâm không sát-hại, khiến các
chúng-sinh vào những nước quỷ, quỷ không thể hại được.
Năm, là huân-tập và thành-tựu được tính-nghe, cả sáu căn đều
tiêu về bản-tính, đồng như cái nghe, cái tiếng, có thể khiến cho
chúng-sinh, lúc đương bị hại, dao gãy từng đoạn, khiến cho các
binh-khí chạm vào thân người như cắt dòng nước, như thổi
ánh-sáng, bản-tính không hề lay-động.
Sáu, là huân-tập tính-nghe sáng-suốt thấu khắp pháp-giới,
thì các tính tối-tăm không thể toàn được, có thể khiến cho
chúng-sinh, tuy các loài dược-xoa, la-sát, cưu-bàn-trà,
tỳ-xá-già, phú-dan-na, vân vân ... ở gần một bên, con mắt chúng
vẫn không thể thấy được.
Bảy, là các tiếng đều viên-tiêu, thấy-nghe đã xoay vào
tự-tính, rời các trần-cảnh hư-vọng, có thể khiến cho các
chúng-sinh, những thứ cùm, dây, gông, xiềng không thể dính vào
mình được.
Tám, là diệt tướng âm-thanh, viên-thông tính-nghe, phát-sinh
từ-lực cùng khắp, có thể khiến cho chúng-sinh đi qua đường hiểm,
giặc không cướp được.
Chín, là huân-tập phát ra tính-nghe, rời các trần-tướng,
sắc-dục không lôi-kéo được, có thể khiến cho tất-cả chúng-sinh
đa-dâm, xa rời lòng tham-dục.
Mười, là thuần một thật-tướng của âm-thanh, không còn gì là
tiền-trần, căn và cảnh điều viên-dung, không có năng, sở đối-đãi,
có thể khiến cho tất-cả chúng-sinh nóng-giận, rời-bỏ lòng
thù-ghét.
Mười một, là tiêu-diệt trần-tướng, xoay về tính bản-minh,
thì pháp-giới, thân, tâm đều như ngọc lưu-ly, sáng-suốt không
ngăn-ngại, có thể khiến cho những kẻ ngu-ngốc u-mê, xa-rời hẳn
sự si-mê tối-tăm.
Mười hai, là viên-dung các hình-tướng, xoay tính-nghe trở về
đạo-trường bất-động, hòa vào thế-gian mà không hủy-hoại thế-giới,
cúng-dường được chư Phật Như-lai như số vi-trần, cùng khắp mười
phương, ở bên mỗi mỗi đức Phật, làm vị Pháp-vương-tử, có thể
khiến cho trong pháp-giới, những chúng-sinh không con, cầu có
con trai, sinh ra đứa con trai có phúc-đức trí-tuệ.
Mười ba, là sáu căn viên-thông, soi-sáng không hai, trùm
khắp thập phương thế-giới, thành-lập đại-viên-kính
Không-như-lai-tạng, vâng-lĩnh pháp-môn bí-mật của thập-phương
vi-trần Như-lai, không có thiếu-sót, có thể khiến cho trong
pháp-giới, những chúng-sinh không con, cầu có con gái, sinh ra
người con gái có tướng-tốt, đoan-chính, phúc-đức, dịu-dàng, được
mọi người yêu-kính.
Mười bốn, là trong tam-thiên đại-thiên thế-giới này, có trăm
ức mặt trời, mặt trăng, các Pháp-vương-tử hiện ở trong thế-gian,
số-lượng có đến 62 số cát sông Hằng, đều tu Phật-pháp, nêu
gương-mẫu, giáo-hóa chúng-sinh, tùy-thuận chúng-sinh,
phương-tiện trí-tuệ của mỗi mỗi vị không đồng nhau. Do tôi được
tính viên-thông, phát ra diệu-tính của nhĩ-căn, cho đến thân-tâm
nhiệm-mầu bao trùm khắp pháp-giới, nên có thể khiến cho
chúng-sinh chấp-trì danh-hiệu của tôi, so với những người
chấp-trì danh-hiệu của tất-cả các vị Pháp-vương-tử số-lượng bằng
62 số cát sông Hằng kia, phúc-đức hai bên thật bằng bậc, không
sai khác.
Bạch Thế-tôn, một danh-hiệu của tôi cùng với rất nhiều
danh-hiệu kia không khác, là do tôi tu-tập được tính viên-thông
chân-thật. Ấy gọi là 14 sức thí-vô-úy, đem phúc khắp cho
chúng-sinh.
(Luk 1966:139-41 - Bản Việt
dịch: Tâm Minh Lê Ðình Thám - Quyển 6- Ðoạn XXVII).
14.
Cụ thể như Robert Sharf đã viết: “Tuy nhiên giới học giả phương
Tây cũng phải nên thận trọng với sự phân loại này vì nó phục vụ
cho một cuộc luận chiến thế tục nhằm thiết định ưu thế cho một
tông phái Mật tông mới được ngài Không Hải (Kukai) và Saicho
mang vào Nhật Bản. Thực ra, giới học giả Nhật Bản, y cứ vào
những chú giải thuộc truyền thống Mật giáo (Mikkyo) đã trộn lẫn
cả hai sắc thái đặc biệt khi thảo luận về mật tông Ðông Á: một
là giữa hiển giáo và mật giáo (kengyo và mikkyo) và thứ hai là
giữa thuần mật và tạp mật (junmitsu và Zomitsu). Trong cả hai
trường hợp đã có một sự phân biệt máy móc tương phản về giáo
thuyết được giảng dạy bởi vị Pháp thân Phật Tỳ Lô Giá Na và Hoá
Thân Phật Thích Ca Mâu Ni. Kukai đã vận dụng sự phân biệt đầu
tiên -giữa hiển giáo và mật giáo- như là một phần của cuộc luận
chiến với quan điểm khá rõ: (1) cho thấy sự siêu việt của mật
giáo đối với hiển giáo. Ðồng thời ông cũng muốn chứng tỏ rằng
(2) những kinh điển sớm nhất của hiển giáo đều có hàm chứa những
lý thuyết mạt giáo mà các tăng sỉ hiển giáo đã không nhận ra,
(3) và Phật giáo Mật tông bao gồm toàn bộ giáo lý hiển giáo. Ước
muốn duy trì ba điều khẳng định trên đây đã tạo nên một bầu khí
căng thẳng đưa đến sự phân biệt giữa “thuần” và “tạp” mật sau
này. (Sharf 1991:213-14). Michel Strickmann cũng lưu ý chúng ta
là không nên y cứ vào những phân biệt giả tạo do giới học giả
thế tục Nhật Bản tạo ra, vốn dành ưu tiên cho những kinh sách,
chú giải, và nghi thức hành lễ xuất hiện tại Trung Quốc trong
thế kỷ thứ tám là “thuần” mật. Những kinh sách này tập trung
chung quanh hai mạn đà la: Bảo Tạng Mạn Ðà La nữ và Kim Cương
Mạn Ðà La nam, chứa 361 và 91 vị thần tương ứng, tất cả được xem
như là những trình hiện hay là một loạt những nhân cách hóa của
vị Pháp thân Phật nhiều quyền lực Tỳ Lô Giá Na. Ngược lại, những
kinh sách được dịch hay kết tập trước thời gian đó được cho là
do Phật Thích Ca tuyên thuyết, một vị Hoá thân Phật, được xem
như là thấp và hạn chế hơn là Phật Tỳ Lô Giá Na, bởi vì Ngài chỉ
hành hoạt hạn định trong một khung thời gian và không gian nhất
định (Strickmann 1996:128-31).
15.
Sáu thần chú trong các phẩm thứ 5 và 10; một thần chú trong các
phẩm 7, 8, và 9; hai mươi hai thần chú trong phẩm thứ 6.
16.
Ariane MacDonald (1962:36-37). Nội dung của bản Hán văn như sau:
“Có những vị Bồ Tát Ma Ha Tát đã dùng những phương tiện thiện
xảo hoá thân thành phụ nữ để có thể hóa độ chúng sinh bằng những
phương cách thế tục. Qúy Ngài làm cho tâm chúng sinh kiên cố
không lay chuyển xa rời Ðạo pháp, có khả năng nắm vững minh chú
(vidya-pada) và thần chú. Qúy Ngài có thể hoá thân thành các
loài chim chóc, dạ xoa, la sát, châu ngọc, nhơn hoặc phi nhơn để
có thể hoá độ các loài chúng sanh, tạo điều kiện cho chúng sanh
đi vào con đường bồ tát đạo, thực hành phương pháp vidyaraja để
đạt đến giác ngộ.” (T20:838b). Những vị bồ tát có khả năng hoá
thân tuyệt vời như thế thường được ban cho một số danh hiệu kết
thúc bằng hai tiếng tôn xưng “Tự Tại” hoặc Tự Tại Thiên
(Isvara), trong số này có Quán Tự Tại tức Avalokitesvara. Mười
một danh hiệu khác là P’u Pien tzu-tsai (Sammatesvara),
Shih-chien tzu-tsai (Lokesvara), Diệu Quán Tự Tại (Miao-kuan
tzu-tsai: Sulokitesvara), Sheng-quan tzu-tsai (Vilokitesvara),
Hsin tzu-tsai (Vidhvastesvara), Shan tzu-tsai (Somesvara),
Hsu-kung tzu-tsai (Gagana-ganja), Ti tzu-tsai (Ksitesvara), Ðại
Tự Tại (Ta tzu-tsai : Mahesvara) Diệu Pháp Tự Tại (Miao-fa
tzu-tsai : Dharmisvara), và Wu-hsing tzu-tsai (Abhavesvara)
(T20:838c).
17.
Trong các ấn bản đương đại, tám mươi bốn câu thần chú này được
kèm theo hình ảnh của những vị Phật, Bồ Tát Quán Âm, những
khuôn mặt tiêu biểu của Phật giáo hay là những nhân vật thần
thoại, thường được những tín đồ thuần thành ấn tống phát không
trong các chùa chiền tự viện tại Ðài Loan và Trung Quốc. Tôi
không nắm chắc được việc ấn tống này bắt đầu tại Trung Quốc sớm
nhất là vào lúc nào, tuy nhiên tôi đã được trông thấy một bản
kinh viết tay trang trí bởi những hình minh họa rất đẹp có niên
đại vào thời Tống trong bộ sưu tập Những Sách Qúy Hiếm trưng bày
tại Bảo Tàng Viện Tai-pei Palace (Ðài Loan). Có thể việc in kinh
biếu không này đã được phát khởi từ đời Ðường. Những tranh minh
họa này là những trợ khí cụ giúp đỡ những người trì tụng thần
chú quán tưởng dễ dàng hơn.
18.
Tôi sử dụng những danh xưng tiếng Phạn của các thủ ấn dựa theo
Lokesh Chandra, người đã xuất bản một dịch bản với hình vẽ minh
hoạ từ một bản kinh chép tay có niên đại 1780, mà theo ông là
được chép lại từ một nguyên bản của thế kỷ thứ mười hai. Ngoại
trừ một vài thay đổi thứ tự, trên cơ bản, bản kinh này có nội
dung ăn khớp với bản dịch của ngài Bất Không Kim Cương trong Ðại
Chính Tân Tu Ðại Tạng Kinh. Cả hai đều có thủ ấn cam lồ (amrta)
để xoa dịu sự đói khát mà trong bản dịch của ngài Dà Phạm Ðạt Ma
không có. Thủ bản này có đầy đủ minh họa các loại thủ ấn. Muốn
biết ý nghĩa của các thủ ấn này cũng như một số các thủ ấn quan
trọng và các vật tiêu biểu được cầm giữ ở trong tay, có thể đọc
thêm “Mudra: A Study of Symbolic Gestures in Japanese Buddhist
Sculpture” của Dale Saunders.
19.
Trong nguyên bản Hán văn tiếng này là “tang yu” có nghĩa là “nên
là” mà theo tôi, hành giả cho rằng thủ ấn được đặt tên như thế
để cho họ làm theo. Bản dịch của Bất Không Kim Cương có vẽ như
đã củng cố cho giả thiết này bởi vì mỗi hình minh họa đều được
kèm theo một câu thần chú cho người trì tụng. Tuy nhiên nó cũng
có thể mang một ý nghĩa khác, là hành giả nên quán tưởng Bồ Tát
với từng thủ ấn đặc biệt trong từng trường hợp. Trong trường hợp
này, có thể mục đích ban đầu của những hình vẽ bốn mươi bàn tay
đang cầm nắm những vật dụng hàm chứa ý nghĩa được tạo ra nhằm
giúp cho người xem trong việc quán tưởng để họ học hỏi thêm về
thủ ấn. Bởi vì có quá nhiều thủ ấn và lại rất phức tạp, một giả
thiết hợp lý là tín đồ cần sự trợ giúp để có thể làm quen với
chúng. Thế nên những thủ bản với hình vẽ minh họa như trong bản
kinh do Lokesh Chandra khám phá tại Nhật Bản cũng như các tượng,
ảnh khác của Bồ Tát đáp ứng cả hai chức năng vừa học tập lẫn thờ
phượng. Tôi nêu ra một dẫn chứng sau đây để hậu thuẫn cho giả
thiết này: Trong cuốn Fo-tsu t'ung chi có kể lại chuyện một nhà
sư đời Tống,Yu-yen, ở tại Lin-hai (bây giờ là Chkiang) có mẹ đau
mắt nặng. "Trước bàn thờ Bồ Tát Quán Âm, sư quán tưởng đến thủ
ấn Nhựt tinh ma ni (mặt trời). Cùng đêm hôm đó, mẹ của sư nằm
mộng thấy một vầng mặt trời chiếu sáng trước mặt mình. Khi thức
dậy, mắt của bà lành hẵn." Truyện không nói rõ là phép lạ xảy ra
vào lúc nào, phỏng đoán là vào khoảng năm 1100 (T49:218b). Thủ
ấn mà sư quán tưởng là thủ ấn số 8, suryamuni mudra. - (CHÚ
THÍCH CỦA DỊCH GIẢ: Hai ý nghĩa trên cũng được phản ánh qua hai
bản dịch Việt ngữ khác nhau. Bản dịch của Giác Hải trong Ðại Bi
Sám Pháp, dịch theo ý nghĩa thứ nhất ở trên là: "nên làm theo
tay", còn Hoà Thượng Thích Thiền Tâm trong Kinh Ðại Bi Tâm
Ðà La Ni thì dịch theo ý nghĩa thứ hai là "nên cầu nơi tay".
LCD.)
20.
Bản dịch của Bồ Ðề Lưu Chi khác với bản dịch này ở điểm cho Bồ
Tát Avalokitesvara tuyên thuyết rằng trong thời quá khứ Ngài đã
gặp vị cổ Phật Tỳ Bà Thi thị hiện ra như là người hàng ma phục
quỷ với ngàn tay ngàn mắt và bây giờ Bồ Tát cũng đã thị hiện ra
với ứng thân như thế. (T20:101c).
21.
Hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu được chia ra thành mười bốn cõi
dục giới (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, bốn châu lục và
sáu cõi trời), bảy cõi sắc giới (tầng trời sơ thiền, Trời nhị
thiền, Trời tam thiền, Trời tứ thiền), và bốn cõi vô sắc giới
(Trời không vô biên xứ, Trời thức vô biên xứ, Trời vô sở hữu xứ,
Trời phi phi tưởng xứ). (T 20:120b-c). Hai mươi lăm hóa thân
Avalokitesvara được gởi đến hai mươi lăm cảnh giới này để giải
phóng tất cả chúng sanh đang bị giam giữ ở đây. Hai mươi lăm
danh hiệu tượng trưng cho năng lực siêu việt của Bồ Tát: Thu tóm
khổ đau, ban phát trí tuệ, thành đạt ước vọng, loại trừ chiến
tranh, loại trừ vô minh, tiến đến chân lý, duy trì chánh kiến,
làm không sợ hãi, ban phát ánh sáng, ban nước cam lồ, đạt đến
cõi trời, ban tặng kỳ diệu, đạt đến an lạc, hàng ma phục qủy,
suy tư tỉnh lặng, sáng tạo văn chương, nhập thiền, nhập tam
muội, hoà hợp, đạt đến tánh không, bảo lưu quyết định, khôn
ngoan chín chắn, tinh khiết, chánh Pháp, từ bỏ dục vọng, và
thường kiên cố (T20:121b).
22.
Angela Howard đã thấy và chụp hình lại một nhóm như thế tại
Tzu-chung, Tỉnh Tứ Xuyên, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ tám,
được xem như là hình tượng Thiên Thủ Quán Âm được sáng tạo sớm
nhất tại Trung Hoa. Tại sao tìm thấy ở Tứ Xuyên mà không phải
Ðôn Hoàng là một câu hỏi đòi hỏi sự khảo sát kỹ càng hơn (trao
đổi riêng với Howard, tháng 5, 1997).
23.
Theo Yen Chuan-yin, bộ tượng điêu khắc này được sáng tạo do lợi
ích riêng của Hoàng đế Vũ Tắc Thiên. Thoạt tiên có tất cả tám
bức tượng khắc nổi trấn giữ ơ ở tám góc của lầu bát giác. Thập
Nhất Diện Quán Âm được chọn để trưng bày vì người ta tin rằng
Ngài có năng lực giải trừ mọi nạn tai, mang lại phúc lành cho
mọi người. Trước đó, thất bại trong cuộc chiến chống người Khiết
Ðan (Kitans), Võ Hậu đã nhờ sư Pháp Tạng (643-712) giúp đỡ với
những thần lực siêu nhiên. Sư Pháp Tạng đã cho lập một đàn tràng
cầu khấn với Thập Nhất Diện Quán Âm và chẳng bao lâu sau đó,
người Khiết Ðan đã bị đánh bại với sự trợ giúp của người Thổ.
Hoàng đế Võ Hậu vô cùng hân hoan, lấy năm 679 làm năm đầu của
niên hiệu Thần Công (Shen-kung). (1987:45, 57).
24.
Không thể không bày tỏ lòng biết ơn đến Jennifer McIntire đã lưu
ý tôi về những hình tượng sớm nhất của Avalokitesvara tại Ðôn
Hoàng.
25.
Ðiều này hầu như đã có quan hệ mật thiết với giáo phái tôn thờ
"Tam Ðại Bồ Tát" (Quán Âm, Văn Thù, và Phổ Hiền) khởi phát từ
cuối đời Ðường. Bức số 10 trong bộ điêu khắc của Ying-pan-p'o
tại Ta-tsu, Tứ Xuyên có niên đại vào khoảng cuối đời Ðường, có
vẽ như cung cấp cho ta những chứng cớ sớm nhất về nhóm này trong
đó hình Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm đứng ở vị trí trung tâm bao
quanh bởi hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền trong khi đó phổ
thông nhất mà ta được biết vị trí này là của Phật Tỳ Lô Giá Na
chứ không phải QuánÂm (Ta-tsu shih-k'e yen chiu, 432). Một khi
giáo phái này đã trở nên phổ biến, một điều cần thiết là hình
tượng Quán Âm cũng được vẽ ngồi trên một con thú để giống với
hai vị Bồ Tát kia. Những bộ Tam Thánh tương tự như vậy hiện có
rất nhiều trong các tự viện Trung Quốc.
|