BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

GS/TS Chun Fang Yu

Khoa Trưởng Phân Khoa Triết Học & Tôn Giáo State of New Jersey University

 

CHƯƠNG III

Home

Bồ Tát Quán Thế Âm

Pháp luận

Sách

Phật Pháp Căn Bản

Links

 

 




 

CHƯƠNG 3

Những Kinh Ðiển của Người Bản Ðịa Trung Hoa

Mùa hè năm 1986, trong khi đang làm công việc nghiên cứu tại Bảo Tàng Viện Palace, Ðài Bắc, tôi đã phát hiện được hai bản kinh chép tay chưa hề thấy trước đó. Bản thứ nhất có tên là Bạch Y Ðại Bi Ngũ Ấn Tâm Ðà La Ni do nhà danh họa nổi tiếng thời Minh, Ðổng Kỳ Xương (1555-1636), sao chép vào năm 1558 được lưu trữ tại cung điện của Hoàng Ðế Càn Long với dấu ấn của cả hai vị hoàng đế Càn Long và Ung Chính. Trong bản kinh này người ta thấy có sự hiện diện của Phật Thích Ca, Phật A Di Ðà, Bồ Tát Quán Âm và Bạch Y Quán Âm cùng bài thần chú mười ba câu và lời xác tín ngắn gọn với bút tự của Ðổng Kỳ Xương: « Những ai muốn có con trai nối dõi tông đường nên trì tụng liên tục bộ kinh này. Do công đức của việc trì tụng thần chú, một đứa con đầy đủ trí tuệ và phước báu sẽ được ra đời. Nguyện cầu cho năng lực của Phật Pháp không bao giờ gián đoạn ».  Bộ kinh thứ hai gồm ba tiểu phẩm, có tên là Phật Ðính Tâm Quán Thế Âm Bồ Tát Ðại Ðà La Ni Kinh, Phật Ðính Tâm Quán Thế Âm Bồ Tát Liệu Bệnh Cứu Sản Phương Ðại Ðà La Ni Kinh, và Phật Ðính Tâm Quán Thế Âm Bồ Tát Cứu Nạn Thần Nghiệm Ðại Ðà La Ni Kinh. Bộ kinh này được viết bằng mực kim nhũ trên giấy chàm, cũng xuất hiện dưới thời Minh. Căn cứ vào lời giải thích ghi chú ở bên dưới tiêu đề của phẩm kinh thứ nhất, ta biết rằng bộ kinh này đã do một tác giả khuyết danh dịch vào đời Ðường, và bản chép lại dưới đời Minh đã căn cứ trên bản sao chép đời Nguyên được lưu trữ trong bộ sưu tập của Chung-ts'ui Palace. Trong bức tranh đầu sách, họa sĩ đã vẽ hình ảnh Bồ Tát Thủy Nguyệt Quán Âm đang ngồi trên thạch bàn, được Thiện Tài Ðồng Tử và Long Vương đảnh lễ, trong khi đó Long Nữ đang cúng dường lên Ngài một xâu chuổi hạt trai. Các bộ kinh này không thấy được liệt kê vào tam tạng  kinh điển Phật giáo hiện đang lưu hành.

Bốn tháng sau đó, vào mùa đông năm 86, tôi lại được xem qua cũng những bộ kinh này trong số những sách hiếm quý của Bộ Sưu Tập Mỹ Nghệ Phật Giáo Trung Quốc và Thư Viện lưu trữ tại Pháp Nguyên Tự, Bắc Kinh. Có đến hàng trăm bộ kinh in mộc bản khác nhau được trưng bày ở đó, cụ thể như phẩm "Phổ Môn" của Pháp Hoa và Cao Vương Quán Thế Âm Kinh, nhưng trong số này hai bộ kinh vừa nói ở trên là chiếm phần đa số. Tất cả đều được in vào dưới thời Minh, cuốn sớm nhất có niên đại vào năm 1428, số còn lại hầu hết được in dưới triều Vạn Lịch, khoảng thập niên 1600. Tất cả những cuốn kinh sách nhỏ này đều có chung một kiểu cách trình bày giống nhau. Trang hình bìa luôn luôn là chân dung của Bạch Y Quán Thế Âm đang ngồi trên thạch bàn với Thiện Tài Ðồng Tử và Long Nữ ở hai bên làm tùy tùng thị giả.  Phía sau Ngài là cánh rừng trúc, trên góc phải là một con chim vẹt trắng đang bay lơ lửng và một bình đựng nước cam lồ với nhành dương được đặt ở bên phải. Thỉnh thoảng ta cũng thấy Bồ Tát được minh hoạ đang bồng một hài nhi ở trên đùi. Những hoạt cảnh này rõ ràng là một tổng hợp của các hình tượng Nam Hải, Bạch Y và Tống Tử Quán Âm, ba kiểu mẫu nữ thân của Bồ Tát Quán Âm rất phổ biến kể từ đời Tống trở đi (sẽ được nói đến trong chương 6 và 10). Ở trang bìa sau của cuốn sách là chân dung của Vi Ðà cùng với một khung ghi tên họ, nơi chốn, lý do và ngày tháng quyển kinh được ấn tống. Thông thường các bộ kinh này đều được kèm theo những câu chuyện về phép lạ xảy ra cho những người trì tụng từ trước đến nay, trong đó không có câu chuyện nào được mô tả  vào thời Ðường mà hầu như tất cả đều được xảy ra dưới thời Nguyên, Minh. Trong trường hợp phép lạ xảy đến cho người đứng ra ấn tống kinh sách hoặc bạn bè thân quyến của họ, câu chuyện thường được kể lại với đầy đủ chi tiết tạo cho người đọc có ấn tượng như được nghe người trong cuộc kể lại lần đầu tiên. Cũng giống như những kinh sách ấn tống miễn phí mà người ta thấy trong các chùa chiền tự viện ngày nay tại Ðài Loan, phẩm chất in và giấy in của những bộ kinh này hoàn toàn khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện, tình trạng kinh tế của người ấn tống. Trong số những bộ kinh này, bộ Bạch Y Ðại Bi Ngũ Ấn Tâm Ðà La Ni có nội dung giống với bản chép tay của họa sĩ Ðổng Kỳ Xương đã nói ở trên do Công chúa Thụy An, bào muội của Hoàng Ðế Vạn Lịch (Wan-li) ấn tống vào năm 1611 là nổi bật hơn cả với  phẩm chất tối hảo về mặt in ấn cũng như giấy in. (1)

Những bộ kinh này thường được gọi là kinh ngụy tác (hay nghi kinh hoặc ngụy kinh). Trong khi nghiên cứu về tín ngưỡng tôn thờ Quán Âm tại Trung Quốc, tôi đã có dịp biết qua loại kinh điển tuyên xưng niềm tin Bồ Tát Quán Âm này. Tại sao người Trung quốc lại đặt trọn niềm tin vào những loại kinh điển như thế? Tại sao ta đã có cả một rừng kinh điển “chính thống” tuyên xưng Bồ Tát mà lại có nhu cầu cần thêm những kinh điển “giả hiệu”? Những điểm tương đồng và khác biệt giữa thật và giả là gì? Những ngụy tác này đóng vai trò gì trong việc thiết định và phổ biến tư tưởng tôn thờ Bồ Tát? Khi nêu ra một loạt câu hỏi như thế, một điều trở nên rõ ràng là chúng ta cũng cần nên khảo sát qua cái tiêu chuẩn mà theo truyền thống người ta dựa vào để phân biệt kinh thật và kinh giả để từ đó xét xem phải chăng có những tiêu chuẩn có thể minh chứng và khách quan đã được dùng từ trước đến nay. Từ vị trí ưu thế mà các nhà nghiên cứu Phât học mang tính lô-gíc đương đại đã mang đến cho ta một nhận thức sáng tỏ hơn về lịch sử phát triển toàn bộ kinh văn Phật giáo, thiết tưởng quả là một điều cần thiết ta cũng cần nên tái thẩm định lại giá trị của truyền thống phân biệt thiệt giả vừa mới được đề cập đến. Thật ra, trong ba thập niên vừa qua đã có những khuynh hướng muốn tái xét lại những thái độ sẵn có đối với kinh ngụy tác. Khởi đi từ thập niên 1970, Makita Tairyo (1970, 1976) trong những công trình nghiên cứu khác nhau của ông, đã lưu ý chúng ta về những giá trị tích cực của loại kinh điển này. Thay vì quẳng chúng đi như những “đồ giả”, nhà học giả này đã xem chúng như là những chứng liệu có giá trị, hé mở  cho ta những hiểu biết thấu đáo hơn về Phật giáo đương thời. Trong những năm gần đây, quan điểm của ông đã được một số đông học giả chấp nhận, cụ thể như Michel Strickmann, Antonio Forte, Robert Buswell, Mathew Kapstein, Li-Ying Kuo, và Stephen Teiser. Nghiên cứu những ngụy tác tương tự trong những truyền thống Phật giáo khác, họ cũng thấy rằng những kinh điển loại này mang tính sáng tạo nhằm tổng hợp hóa những giáo lý Phật giáo,  đưa chúng hội nhập vào với giòng sống văn hoá bản địa. (Strickmann 1990; Forte 1990; Buswell 1989; 1990; Kapstein 1989; Kuo 1998; Teiser 1988, 1994).

Như vậy, các từ “nghi” hay “ngụy” kinh được dùng đầu tiên là do những nhà kết tập danh mục kinh điển Phật giáo Trung quốc, gọi tắt là kinh lục. Chúng ta thử nhìn phớt qua những quan điểm truyền thống về loại kinh điển này cũng như tiêu chuẩn xét định phân loại chúng.

 

Chúng Kinh Mục Lục

và Thái Ðộ Ðối Với Nguồn Kinh Ðiển Bản Ðịa

Kết tập những danh mục kinh điển Phật giáo là những việc làm quan trọng đối với những nhà luận giải kinh điển Trung Quốc. Cho đến thế kỷ thứ mười tám, đã có đến bảy mươi sáu cuốn danh mục như thế; một số nay đã không còn hiện hữu. Ðại bộ phận, năm mưoi chín cuốn danh mục, tức 78% tổng số đã được kết tập dưới thời Ðường hoặc sớm hơn (Tokuno 1990:31). Ngài Ðạo An (314-385) là người đầu tiên soạn ra cuốn Mục Lục Kinh Ðiển vào năm 374. Cuốn danh mục này nay không còn tồn tại, tuy nhiên phần nói về những kinh điển giả hiệu, “Nghi Kinh Lục”, đã được ngài Tăng Hữu (445-518) sao chép lại trong bộ Xuất Tam Tạng Ký Tập, xuất bản vào năm 515. Trong phần này ngài Ðạo An đã dùng cụm từ Phi Phật Kinh khi đề cập đến danh sách hai mươi sáu cuốn được liệt kê trong cuốn Mục Lục này. Ðiều này cho ta thấy kinh giả đã xuất hiện sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ tư. Ngài Ðạo An đã tỏ ra rất bực mình trước tình trạng vàng thau lẫn lộn, kinh giả xen lẫn với kinh thật này nên đã xem loại kinh này như những thứ rác rưởi dơ bẩn.

Tăng Hữu, tác giả cuốn danh mục kinh điển cổ nhất hiện còn tồn tại, được coi như là nhà học giả đầu tiên đã dùng ba tiêu chuẩn để phân định kinh thật và kinh giả. Theo ông, kinh giả xét về cả lời lẽ lẫn ý nghĩa thường “thô thiển và nông cạn”, thứ đến chúng đã không có xuất xứ “ngoại quốc”, và cuối cùng, chúng đã không được phiên dịch bởi một “tăng khách Tây vực” (T 55:39a). Trong khi tiêu chuẩn thứ nhất có tính cách chủ quan có lẽ chỉ áp dụng cho riêng cá nhân mình, hai tiêu chuẩn còn lại của ông hầu như đã được các nhà kết tập sau này chấp nhận như là những tiêu chuẩn khách quan.

Trong số những cuốn mục lục về sau, cuốn Khai Nguyên Thích Giáo Lục do ngài Tri Thăng (668-740) soạn vào năm 730 dưới thời Khai Nguyên nhà Ðường là có tác dụng lâu dài hơn cả. Theo Phật Tổ Thống Chí, ra đời vào năm 1260, tất cả những bộ kinh điển nào được ông xác định như là kinh thật sau này đều đã được chấp nhận chính thức đưa vào Ðại Tạng kinh (T 49:374c). Ðặc biệt là sau khi Ðại Tạng kinh bắt đầu được in ấn, trong khoảng năm 971-983 trở đi, cuốn mục lục của ngài Trí Thăng càng trở nên có ảnh hưởng hơn nữa. Không kể đến những kinh điển được dịch sang Hán văn sau thời của ông, chỉ những kinh điển nào mà trước đây được ông chấp nhận là kinh thật mới có chỗ đứng trong các bộ sưu tập Ðại Tạng kinh sau này. Kết quả là, ngay cả những kinh điển có nghi vấn về xuất xứ nguồn gốc, nếu được sự bảo chứng của ngài Trí Thăng, chúng vẫn được tồn tại trong những bộ Ðại Tạng kinh điển của Phật Giáo Ðông Á, còn những bộ nào được coi là nghi kinh hay ngụy kinh đều bị bỏ ra ngoài. Thế nên trừ phi chúng được sao chép tay hoặc do cá nhân in ấn, thường là với một số lượng nhỏ, hạn chế, đa phần loại kinh điển này đã bị mất dấu hay đi vào quên lãng (Tokuno 1990:53). Chỉ nội những kinh điển bản địa liên quan đến Bồ Tát Quán Thế Âm, cũng đã có đến mười ba bộ không được liệt kê trong bất cứ cuốn danh mục nào (2). Tất cả những kinh điển mà chúng tôi có dịp được trông thấy tại Ðài Bắc và Bắc Kinh cũng thế, cũng như hai bộ được xem như là ngụy kinh, Kinh Quán Thế Âm Nhập Tam Muội và Cao Vương Quán Thế Âm Kinh, mà chúng tôi hiện có trong tay. Tuy nhiên, căn cứ trên những chứng liệu lịch sử khác nhau, ta biết rằng những loại kinh điển này rất phổ biến dưới thời Ðường. Thế nên mặc dù những tác giả của những cuốn danh mục đã làm hết sức mình trong công việc bảo vệ Chánh Pháp, họ cũng đã không thể ngăn ngừa được sự sáng tạo những kinh điển bản địa cũng như sự quảng bá và phổ biến chúng. Và như thế, kể từ thời của ngài Ðạo An cho đến ngài Trí Thăng, trong khoảng thời gian hơn ba trăm năm chục năm đó, số lượng những kinh điển bản địa -tức là những kinh ngụy tác- đã được ghi lại trong mười cuốn Mục Lục, gia tăng từ 26 cuốn với 30 phẩm, lên đến con số 406 cuốn với 1074 phẩm (Makita 1976:25-27).

Một lý do mà những cuốn mục lục đã không thể ngăn chặn được sự lớn mạnh của những kinh điển bản địa bởi vì có thể là giữa những tác giả này cũng đã thể hiện những quan điểm khác biệt nhau về cái gì là và không phải là "ngụy kinh". Xin đơn cử hai thí dụ cụ thể. Thứ nhất là trường hợp khá nổi tiếng của Ni-tử, pháp danh Tăng Pháp, ái nữ nhà học giả uyên bác của Viện Hàn Lâm Quốc Gia, Chiang Mi-ch'u, sống dưới thời Bắc Tề. Ni-tử bắt đầu viết kinh từ năm 499 lúc mới chín tuổi và là tác giả của hai mươi mốt bộ kinh tất cả. Những người theo quan điểm của Ðạo An và Tăng Hữu đã liệt kê những bộ kinh này là giả kinh, bởi vì, "bà ta ngồi nhắm mắt yên lặng rồi đọc ra thao thao bất tuyệt như là đã thuộc lòng từ những kiếp trước [túc tập]. Có khi thì bà ta bảo là mình đi lên những cung trời, nhưng có lúc lại nói rằng mình nhận được kinh điển này là do mặc khải" (T 55:40b). Phí Tràng Phòng đã kể lại câu chuyện này trong cuốn Lịch Ðại Tam Bảo Chí, nhưng cho rằng những kinh điển này là chính thống, đúng đắn bởi vì bà ta đã được biết từ những kiếp trước. (T 49:97a; Tokuno 1990:38, 45).

Một trường hợp khá nổi tiếng khác là cuốn Cao Vương Quán Thế Âm Kinh, sẽ được đề cập đến trong chương kế tiếp. Danh hiệu của cuốn kinh này xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn danh mục của Ðạo Tuyên, Ðại Ðường Nội Ðiển Lục, vào năm 664 trong phần nói về những phép lạ liên quan đến kinh điển trong các thời điểm khác nhau, đặc biệt nhấn mạnh đến những phép lạ đã xảy ra cho những người trì tụng kinh điển. Ông đã xếp cuốn kinh bản địa này dưới tên gọi Cứu Sanh Quán Thế Âm Kinh, ngang hàng cùng với các kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, Hoa Nghiêm trong cuốn danh mục của mình. Tác giả của một cuốn danh mục khác, Ðại Chu San Ðịnh Chúng Kinh Mục Lục, kết tập vào năm 695 cũng đã có cùng quan điểm như thế. Tuy nhiên, ba mươi lăm năm sau, ngài Trí Thăng trong Khai Nguyên Thích Giáo Lục đã liệt kê cuốn kinh này vào loại ngụy kinh. Lý do mà ông đưa ra là cuốn kinh này đã được nói ra từ giấc mộng, không phải do một công trình dịch thuật, và những cuốn kinh tương tự của Tăng Pháp (Ni-tử) cũng thế, tất cả đều nên được xem là ngụy tác (T 55:675a).

Các tác giả của các cuốn danh mục như thế không phải lúc nào cũng hoàn toàn đồng ý với nhau về vấn đề kinh thật, kinh giả. Tuy nhiên có hai tiêu chuẩn vẫn luôn được sử dụng. Trước tiên, để được xem là kinh thật, cuốn kinh này phải được kết tập từ bên ngoài mang vào Trung quốc. Như vậy sự hiện hữu của bản gốc bằng tiếng Phạn hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác của vùng Trung Á sẽ được xem là một dấu ấn của sự chân thật. Tuy nhiên nếu chỉ một mình tiêu chuẩn này thôi cũng chưa đủ, bởi vì đâu có gì bảo đảm rằng những cuốn kinh được mang từ xứ ngoài vào là kinh thật? Thế nên sự tham dự của một đại Tăng ngoại quốc vào việc phiên dịch là một tiêu chuẩn cần thiết thứ hai, bởi vì chỉ có vị đại Tăng này mới có thể thiết định được tình trạng giá trị thực sự của cuốn kinh này ngay tại nơi xuất xứ. Do lý do này, sự hiện diện của một vị đại Tăng ngoại quốc trong việc phiên dịch là một biểu hiệu sự thẩm quyền chính thống của kinh điển, dù cho những vị Tăng khách này có người không thông thạo Hán tự hoặc không phải là những dịch giả thật sự, một số những bản Hán dịch cũng được để tên tuổi của họ vào (Forte 1990:243). Tuy nhiên, học giả Hayashiya Tomojiro, bốn mươi năm trước đây đã nêu rõ rằng trong số 1,700 bộ kinh có nguồn gốc ngôn ngữ Ấn Ðộ được dịch sang Hán văn có đến 400 bộ, tức là khoảng một phần tư những dịch bản trong bộ Tam Tạng Ðại Tạng Kinh hiện nay đã sai lầm trong việc xác định tên dịch giả.

Từ những lý do này mà giới học giả đã nêu vấn đề là việc tiếp tục sử dụng danh từ "ngụy kinh" có còn thích đáng hay không. Cụ thể như Makita đề nghị thay thế danh từ này bằng cụm từ "những kinh điển được kết tập bởi người Trung quốc". Những loại kinh điển này tiêu biểu cho niềm tin của đa số quần chúng và có thể được dùng như là những chứng liệu qúy báu giúp chúng ta hiểu được tiến trình mà người Trung Hoa đã đi đến việc chấp nhận và tiếp thu Phật giáo như thế nào (Makita 1976:104). Cũng trong chiều hướng này,  Tokuno (1990:62) đề nghị nên gọi là "những kinh điển bản địa", còn Strickmaan thì mạnh mẽ hơn, đề nghị nên sử dụng cụm từ "những kinh điển Trung Hoa nguyên thủy" với một luận điểm mang tính thuyết phục:

[Nếu nói về "tính xác thực" thì không có gì khác nhau mấy giữa một cuốn kinh được viết từ thế kỷ thứ tư tại Kashmir cũng như một cuốn kinh được viết vào thế kỷ thứ tư tại Tràng An. Cả hai cũng đều tuyên bố là kinh do Phật thuyết nhưng cả hai cũng đáng ngờ như nhau; do những điều kiện tôn giáo của thời đại và địa phương, cả hai có thể đã gia tăng tầm mức quan trọng của vấn đề. Thế nên sự quan trọng của kinh điển ngụy tác Trung quốc có thể tương ứng với khoảng cách giữa chúng và nguồn kinh điển chính thống. Chúng đã cho ta một tầm nhìn mở rộng về sự điều chỉnh văn hoá và sự tổng hợp những yếu tố Phật giáo Ấn Ðộ trên mảnh đất ngoại quốc. (1990:78)

Có lẽ chúng ta sẽ có một cái nhìn khoan dung hơn đối với những quan điểm “xét lại” liên quan đến ngụy kinh nếu như có được một hiểu biết tổng quát hơn về tiến trình hoàn chỉnh kinh tạng Phật giáo, hiển giáo cũng như mật giáo, trong việc tạo dựng nên hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền. Như ta biết, Ðức Phật đã không hề viết ra một cuốn kinh nào. Kinh tạng Pali, xương sống của Phật giáo Nguyên Thủy, đã được đặt cơ sở trên khẩu truyền trong nỗ lực khơi tìm lại dấu vết của thời Ðức Phật còn tại thế và chỉ được hệ thống hoá trong thế kỷ thứ hai B.C.E., khoảng ba trăm năm sau khi Phật nhập Niết Bàn. Ðức Phật giảng dạy Giáo Pháp, nhưng điều này không có nghĩa là Giáo Pháp đã được tiết lộ một cách thấu đáo toàn diện bởi Ðức Phật Thích Ca. Ðã có vô lượng chư Phật của thời quá khứ trước khi Ðức Thích Ca Mâu Ni ra đời cũng như sẽ có những vị Phật tương lai theo dấu chân Ngài. Một cách tổng quát, Giáo Pháp là do chư Phật ban truyền. Nhưng trong thực tế, không phải chỉ riêng chư Phật, mà chư Bồ Tát hay các vị đại Thánh Tăng cao đồ của Ðức Phật cũng có thể nói ra Giáo Pháp khi được chư Phật cảm ứng. Bởi vì Pháp được tìm thấy trong những chân lý do Phật rao truyền, không phải trong lời hay tiếng của Ngài (Davidson 1990:294, 316). Vì lẽ đó, tất cả những kinh điển Ðại thừa vốn xuất hiện khá lâu sau khi Phật nhập niết bàn vẫn được xem như là những lời Phật dạy. Hơn thế nữa, Ninh Mã phái của Phật Giáo Tây Tạng còn có truyền thống “Báu Vật” (Terma) -tìm kiếm Pháp Bảo. Bao nhiêu năm qua và ngay cả bây giờ, những "pháp bảo" mới đã và đang được khám phá và được chấp nhận như là chánh pháp. Ðiều này đã được một học giả đương đại của Ninh Mã phái xác nhận: "Hàng trăm Tertons -những người khám phá Pháp Bảo- đã tìm ra hàng ngàn tạng kinh sách mới hoặc những thánh vật được ẩn dấu trong lòng đất, dưới nước, trên trời, núi non, đá sỏi, và trong tâm con người. Do hành trì những giáo pháp này mà không biết bao nhiêu người đã hoàn toàn giác ngộ, đạt đến Phật quả. Tất cả các tông phái Phật giáo Tây Tạng đều có truyền thống Terma nhưng chỉ có Ninh Mã phái là phong phú hơn cả" (Tulku Thondup Rinpoche 1986:13).

Truyền thống Phật giáo Trung Hoa có vẽ như đã được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận loại kinh điển này bởi vì trên một phương diện nào đó, chúng cũng không khác gì trường hợp những ngụy kinh của Khổng giáo đã xảy ra trước đây. Theo Jack Dull, với sự soán ngôi của Vương Mãng (9-23 CE), triều đại này đã là một khúc quanh cho sự phát triển của các kinh điển Khổng giáo giả hiệu. Hoàng đế Quang Vũ sau khi phục hồi đế nghiệp và dựng lên nhà Hậu Hán (25-220 CE) lại tỏ ra rất thiện cảm với việc quảng bá những kinh ngụy tác và cho ban hành một đạo dụ vào năm 56 C.E. buộc toàn bộ giới nho sĩ phải học tập chúng. Những ngụy kinh Khổng giáo được biết đến dưới những danh xưng khác nhau, tuy nhiên những tên thông dụng nhất của chúng là sấm kýkinh vĩ. Những người ủng hộ loại kinh điển này -thuộc học phái Kim văn- cho rằng những kinh ngụy tác đã được các giống vật thần thoại trong huyền sử Trung Hoa như rồng, phượng mang đến cho các người có chân mạng đế vương trong tương lai hoặc do chính Khổng Tử viết ra để giải thích những ý nghĩa sâu kín trong cựu kinh (Dull 1966:479). Những học giả của phái Cổ Văn thì cho rằng những kinh văn này là giả hiệu, sản phẩm của bọn Tục Nho nhằm phục vụ cho những mục tiêu chính trị. Với chiến thắng của phe Cổ Văn, những kinh ngụy tác đã bị bài trừ triệt để vào năm 217 C.E. Tuy nhiên điều này cũng đã không ngăn cản được quần chúng tìm kiếm những lời chỉ dạy trong các kinh sách loại này hoặc thậm chí sáng tác ra những kinh sách giả hiệu mới. Sau triều đại nhà Hán, trong khoảng một ngàn năm, tối thiểu đã có hơn mười đạo luật bài trừ nguỵ tác được ban hành tuy nhiên xem chừng không mấy tác dụng. Bởi vì ngay từ đợt bài trừ đầu tiên xảy ra dưới thời Hậu Hán, một phần nội dung của loại kinh sách này đã được gán ghép một cách an toàn vào các cựu kinh dưới hình thức những lời chú giải. Thế cho nên, "ngụy tác lại được tiếp tục duy trì dưới dạng những đoạn rời như là một bộ phận thiết yếu của truyền thống Khổng giáo" (Dull 1966:498).

Trong phần kết thúc của công trình nghiên cứu, Dull kêu gọi nên có một cuộc tìm hiểu về  tầm mức ảnh hưởng của các kinh ngụy tác Khổng giáo đã tác động lên sự phát triển của Lão giáo và Phật giáo: "Nói chung, cả Lão giáo và Phật giáo đã bị ảnh hưởng sâu đậm bởi phái Kim Văn Khổng giáo, đặc biệt là kinh ngụy tác kể từ sau thời Hậu Hán trở đi. Lão giáo trên mặt tín ngưỡng hay bình dân đều nương tựa nặng nề trên những ý tưởng được rút ra từ kinh ngụy tác và Phật giáo hình như cũng đã khéo lợi dụng những ý tưởng này một cách gián tiếp từ Lão giáo hoặc một cách trực tiếp từ ngay chính những ngụy tác." (Dull 1966:443). Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm này và trong chương kế tiếp sẽ thảo luận về sự quan trọng của cảm ứng (kích thích và đáp ứng) trong thế giới quan Âm Dương của Khổng giáo vốn được diễn đạt một cách phong phú trong các ngụy tác Khổng giáo. Ðiều này rõ ràng không nhiều thì ít đã tạo ảnh hưởng trong việc sáng tác những mẫu chuyện về phép lạ của truyền thống Phật giáo. Tôi nghĩ rằng việc người Trung quốc chấp nhận các kinh ngụy tác Khổng giáo chắc chắn là đã dẫn đến chuyện họ có một cái nhìn cởi mở và khoan dung hơn đối với các loại kinh sách mặc khải của Lão giáo cũng như kinh điển Phật giáo do người bản địa Trung Hoa sáng tác.

Makita đã phân chia kinh điển của người bản địa Trung quốc ra làm sáu loại: (1) loại quảng bá cho lợi ích của giới cầm quyền; (2) loại phê bình những chính sách của họ; (3) loại cố gắng hòa đồng Phật giáo với các truyền thống tư tưởng Trung Hoa hay so sánh giữa hai bên; (4) loại dẫn dắt người ta về một tín ngưỡng đặc biệt nào đó;  (5) loại liên hệ đến những tên tuổi đặc biệt nào đó; (6) loại hứa hẹn chữa trị bệnh tật, ban phước và những hình thức "mê tín" khác (1976:40). Makita liệt những kinh điển bản địa tuyên xưng tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Quán Âm vào loại 4 và 5 ở trên. Tuy nhiên, một vài kinh điển, theo tôi, có thể xếp vào loại 1 hay loại 6 một cách dễ dàng. Trong thực tế, Bồ Tát Quán Âm đã trở thành một nhân vật kiệt xuất được sùng mộ trong kinh điển Trung quốc bản địa, thế nên tôi cho rằng loại kinh điển này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc địa phương hóa, bản địa hóa vị thánh giả vĩ đại này của Phật giáo.

 

Một Số Kinh Ðiển Bản Ðịa Quan Trọng Tuyên Xưng Bồ Tát Quán Âm

 

Quán Thế Âm Bồ Tát

Vãng Sanh Tịnh Ðộ Bổn Nguyện Kinh.

Bản kinh còn tồn tại hiện nay không có tên dịch giả mặc dù Tăng Hữu khẳng định rằng Ðàm Vô Sấm là người đã dịch cuốn kinh này vào khoảng năm 421 C.E. trong chuyến du hành vào Tây Vực (T55:12a-b). Diana Paul đã chuyển dịch toàn bộ cuốn kinh qua Anh ngữ kèm theo những lời chú giải. Bà cũng nêu nhận định rằng vì không tìm thấy bản gốc bằng tiếng Phạn hay Tây Tạng cho nên cuốn kinh này có thể là của người Trung quốc chứ không phải có xuất xứ từ Ấn Ðộ (Paul 1985:264). Quả là điều khó khăn trong việc xác định thời điểm chính xác của bộ kinh. Chúng ta không có một nguồn tư liệu nào bên ngoài khả dĩ cho thấy kinh được dùng hay được đề cập đến với ngày tháng rõ ràng và như vậy bộ mục lục trên không đưa ra được một chứng cứ nào khác ngoài  nguồn gốc mơ hồ của bộ kinh. Thế nên ta có thể xem đây như là bộ kinh đầu tiên của người bản địa, không phải vì tính cách cổ kính của nó mà, qua một số đặc tính, ta thấy nó đã phản ảnh đặc trưng chung của loại kinh điển do người Trung Hoa sáng tác.

Cuốn kinh đưa ra những lời tán dương nồng nhiệt đối với niềm tin Tịnh Ðộ đồng thời cũng nhấn mạnh đến ý tưởng rằng Quán Âm sẽ là một vị Phật tương lai vì Ngài là một vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ -chỉ tái sanh một lần nữa trước khi đắc thành Phật quả. Cả hai chủ đề này đều tương tự như trong bộ kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký Kinh do ngài Dharmodgata dịch vào năm 453 đã được nói đến trước đây. Mặc dầu nội dung của cuốn kinh này không đưa ra một ý niệm thần học mới mẻ nào ngoại trừ sáng tạo ra một câu chuyện liên quan đến cuộc sống gia đình và hành trình tâm linh của Quán Âm.

Cuốn kinh đã giới thiệu khung cảnh mở đầu với Ðức Phật Thích Ca đang ở trên núi Linh Thứu bao quanh bởi thính chúng gồm những loài nhân và phi nhân. Ðột nhiên một luồng ánh sáng rực rỡ phóng chiếu đến phía trước Ðức Phật, làm sáng rực toàn cõi phương Nam Ấn Ðộ và dần dần lan đến các vùng đất khác. Cũng cùng lúc đó, ở trong luồng ánh sáng này, vọng lên âm thanh của một bài kệ:

Với lòng đại từ bi mở ra những cánh cửa giải thoát

Ta vĩnh viễn trụ xứ trên núi Bồ Ðà Lạc Ca của thế giới này

Ngày đêm sáu thời ta không ngừng quan sát

Với tâm nguyện ban sơ mang phúc lợi đến cho muôn loài

Sửng sốt trước luồng ánh sáng và âm thanh kỳ diệu kia, đại chúng hỏi lẫn nhau để tìm lời giải thích và cuối cùng một vị đại Bồ tát có danh hiệu là Tổng Trì Tự Tại (Dharanisvara-raja) đã đảnh lễ hỏi Phật và được giải đáp như sau:

Ở về phương Tây, phía bên kia những cõi Phật còn nhiều hơn hai mươi muôn ức lần số cát của những sông Hằng, có một thế giới được gọi là “Tịnh Ðộ”. Chúng sanh ở trên cảnh giới này không hề biết đến đau khổ. Họ sống hoàn toàn trong hạnh phúc, an lạc. Trong quốc độ này có một vị Phật tên là A Di Ðà. Những thánh giả của Tam Thừa đều có mặt đông đủ ở đây. Trong số này có một vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ tên là Quán Thế Âm. Trải qua môt thời gian hành trì tu tập lâu xa trong quá khứ, vị Bồ Tát này hoàn tất hạnh từ bi. Quán Âm Bồ Tát nay đang muốn đi đến quốc độ này để nói cho đại chúng biết do những nguyên nhân gì mà được sinh về cõi Tịnh Ðộ. Bằng cách phóng quang rực rỡ chiếu sáng khắp cả cõi thế gian này, Bồ Tát Quán Âm sẽ đến đây trong giây lát. Lúc đó ngươi hãy hỏi Bồ Tát về nguyên nhân của bài kệ này. (Paul 1985:268).

Bồ Tát Quán Âm liền xuất hiện cùng với một đoàn hàng trăm ngàn vị đại Bồ Tát khác đến đảnh lễ Phật. Xong rồi Ngài kể lại cho Bồ Tát Tổng Trì Tự Tại và đại chúng nghe về cuộc đời chua cay và bi thảm của ngài trong kiếp quá khứ. Vô số a tăng tỳ kiếp về trước, có một quốc độ tên là Manivati ở phía Nam Ấn Ðộ. Ở đó có một người Bà La Môn giàu có sống với vợ. Họ rất buồn khổ vì không có con nối dõi tông đường. Thế rồi họ cầu khấn với chư thiên và không lâu sau đó người vợ thụ thai và sanh được một người con trai. Ba năm sau, một đứa con trai nữa ra đời. Cả hai đều rất kháu khỉnh, đẹp trai làm người cha vô cùng hoan hỉ. Ông cho mời thầy tướng số đến để đoán vận mệnh hai đứa con trai mình. Nhưng điều mà vị tướng số này trông thấy, bất hạnh thay, không phải là điềm lành. Sau một phút lưỡng lự, ông ta miễn cưỡng báo cho vợ chồng người Bà La Môn biết: "Những đứa trẻ này, mặc dù rất khôi ngô tuấn tú, nhưng số phận chúng phải lìa xa cha mẹ rất sớm. Tôi đặt tên cho đứa lớn là Tảo Ly và đứa nhỏ là Tức Ly". Quả đúng như lời tiên đoán của ông thầy tướng số, khi đứa lớn lên bảy và đứa nhỏ lên năm thì người mẹ lâm bạo bệnh và qua đời.

Thoạt tiên người chồng không muốn tục huyền. Nhưng rồi số mệnh đưa đẩy, ông ta kết hôn với con gái của một người Bà La Môn nổi tiếng là hung ác. Chẳng bao lâu sau đó thì nạn đói trên thế giới đã lan tràn đến địa phương này và vì không còn thực phẩm người cha quyết định đi vào vùng núi non ở phía Bắc gọi là Dandaka kiếm cây trái để nuôi sống gia đình. Thông thường phải mất khoảng bảy ngày để thực hiện một chuyến đi như thế. Tuy nhiên đã hơn mười bốn ngày trôi qua (3) mà người chồng vẫn chưa thấy trở về khiến người vợ vô cùng lo lắng.  Ðiều mà bà ta lo sợ là nếu người chồng không trở về, bà không thể nào nuôi nổi hai đứa trẻ. Và ngay cả nếu ông ta trở về, cũng chưa chắc là bà sẽ  được một trái cây nào vì ông ta sẽ dành hết cho hai đứa con ruột mà ông rất thương yêu. Thế là người kế mẫu quyết định tống xuất hai đứa con ghẻ này bằng cách thuê một người chèo thuyền chở hai đứa trẻ đến một hải đảo hoang vu, hứa hẹn với chúng là sẽ kiếm được thực phẩm ở đó. Khi thuyền đến đảo bà ta bảo hai đứa trẻ lên bờ tìm cây trái rau cỏ rồi lặng lẽ bí mật chèo thuyền trở về nhà. Khi hai đứa trẻ biết là mình bị bỏ rơi, chúng không ngừng kêu khóc thảm thiết suốt ngày đêm. Nhưng rồi đứa lớn, Tảo Ly, chợt nhớ lại lời trối trăn của mẹ trước khi mất: " Tôi phải tỉnh thức trong ý niệm hướng đến giác ngộ siêu việt, viên mãn, đạt đến tâm đại từ bi của  Bồ Tát, và mở tung những cánh cửa hướng đến giác ngộ. Trước tiên tôi phải cứu độ tha nhân  rồi sau đó sẽ trở thành một vị Phật. Với những kẻ mồ côi không cha mẹ, tôi sẽ hoá hiện và phục vụ như cha mẹ của chúng. Ðối với những kẻ không có đạo sư xuất sắc, tôi sẽ hóa hiện thành bậc đạo sư tuyệt vời của chúng. Ðối với người nghèo tôi biến thành người mang đến ân sủng. Ðối với những bậc quân vương, quan chức, thương gia, chủ tể, và Bà La Môn; đối với bốn loài, tám cõi và tất cả các loài chúng sanh  hữu tình, không có cái gì mà tôi không thể hoá hiện ra để cứu giúp. Tôi nguyện rằng sẽ an trụ mãi mãi trên hải đảo này. Trong tất cả mọi cảnh giới, khắp mười phương, tôi sẽ mang đến hạnh phúc và an lành. Tôi sẽ thay đổi (4) núi non, sông lạch, đất cát, rau cỏ, ngũ cốc, cùng cây lành trái ngọt đủ cho chúng sanh dùng và cầu cho chúng mau chóng thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Tôi phát nguyện rằng tôi sẽ sinh về nơi mà mẹ tôi đang ở và không bao giờ ly cách khỏi cha tôi. Trong ý hướng này, tôi thực hiện một trăm lời nguyện cho đến cuối đời”. (Paul 1985:272-73).

Khi người cha trở về nhà sau chuyến đi tìm trái cây, ông lập tức hỏi về hai đứa con. Người kế mẫu liền nói láo với chồng bảo rằng chúng đã đi ra ngoài để tìm thực phẩm. Ông ta chạy đi tìm hỏi người bạn thân và biết được sự thật. Người cha vội đi ngay đến hải đảo hoang vu ngoài biển Nam Hải để tìm con, nhưng khi đến nơi, những gì còn lại là những mảnh xương trắng và y phục rách nát của những đứa con vương vải trên bờ biển. Biết là những đứa con thân yêu của mình đã chết, người cha gom góp những mảnh xương và y phục của con vào một nơi, rơi nước mắt mà phát nguyện: “Tôi nguyện rằng tôi sẽ cứu độ tất cả mọi loài chúng sanh và đạt thành Phật quả. Tôi sẽ là đất lành, là nước mát, là lửa ấm, là gió hoà, là rau trái, là rừng cây để giúp đỡ mọi loài chúng sanh. Tôi sẽ là ngũ cốc để gia tăng thực phẩm cho đồng loại. Là trời, là người, qủy thần, tất cả mọi giống loài có giá trị hay không, không nơi nào mà tôi sẽ không hóa hiện ra”. Nói xong, người cha thực hiện năm trăm lời nguyện.

Sau đó, Bồ Tát Quán Âm đã hé mở cho ta biết căn cước lai lịch của những khuôn mặt chính trong tấn bi kịch này. Người cha không ai khác hơn là Ðức Phật Thích Ca, người mẹ là Phật A Di Ðà, người con trai lớn, Tảo Ly, chính là Bồ Tát Quán Thế Âm và người em trai, Tức Ly, chính là Bồ Tát Ðại Thế Chí. Người thiện hữu là Tổng Trì Tự Tại Bồ Tát (Dharanisvara-raja), núi Dandaka chính là núi Linh Thứu và hòn đảo hoang kia là đảo Bồ Ðà Lặc Ca. Bồ Tát Quán Âm cũng nêu ra một điểm đặc biệt là ngài luôn luôn có mặt trên thánh đảo này. Ngài sẽ ngồi thuyết pháp trên một tấm thạch bàn hình kim cương trong lâu đài thất bảo, và nơi đây ngài sẽ gọi tên của cha mẹ mình. Bồ Tát  phải chuyên tâm vào ý  niệm này để được sinh về cảnh giới Tịnh Ðộ và đạt quả vị Bồ Tát bất thối.

Cuốn kinh được kết thúc với lời Phật Thích Ca Mâu Ni tán thán công đức của Bồ Tát Quán Âm và khẳng định rằng những điều kiện để được tái sanh vào cảnh giới Tịnh Ðộ hoàn toàn đúng như những điều mà Bồ Tát Quán Âm đã tuyên thuyết. Ðức Thế Tôn còn nói thêm:

Trong vô lượng kiếp, ta và Phật A Di Ðà đã thường thay đổi vị trí lẫn nhau. Hãy xem trường hợp câu chuyện của một cặp vợ chồng chỉ có một đứa con duy nhất bị rơi xuống giếng sâu. Người cha đã phải đi xuống tận đáy giếng để tìm kiếm đứa con và đưa nó lên bờ. Người mẹ ở trên bờ ôm lấy con và săn sóc chu đáo. Những bà con thân thuộc và bạn bè thân hữu đã tiếp giúp người mẹ chăm sóc nó. Ðứa con không còn rơi trở lại vũng bùn trong đáy giếng. Ta chẳng khác gì người cha nhân từ kia. Năm con đường ác (ngũ thú) giống như đống bùn trong đáy giếng. Phật A Di Ðà chính là người mẹ nhân từ chờ ở trên bờ dụ như cõi Tịnh Ðộ. Bồ Tát Quán Thế Âm là hình ảnh của người bằng hữu đã thực chứng quả vị bất thối chuyển và sẽ không bao giờ đi trở lại [những bước chứng đắc ban đầu của quả vị Bồ Tát]. Ngươi phải nên biết rằng bằng cách lựa chọn đi vào cảnh giới này giữa năm đường ác, bằng cách giáo huấn và chuyển hóa những chúng sanh mê lầm trong lục đạo luân hồi, ngươi đã tạo nhân duyên cho chúng tái sanh về cõi Tịnh Ðộ. Phật A Di Ðà sẽ tiếp độ ngươi và chẳng bao giờ bỏ rơi ngươi. Bồ Tát Quán Âm và Thế Chí bảo hộ và tạo nhân duyên bất thối chuyển cho tất cả [Bồ Tát và các kẻ khác] đã vun trồng nhân lành trong quá khứ với những hạnh nguyện. (Paul 1985:272-73).

Cuốn kinh này rất đáng lưu ý bởi nhiều lý do. Trước tiên, không giống như tất cả những kinh sách “đại tạng” đã được đề cập đến trong chương 2, bộ kinh này đã cho ta một chuyện kể có tính cách liên tục về cuộc đời và phả hệ gia đình của Quán Âm. Bồ Tát không những đã có những mối liên hệ với Phật A Di Ðà như những kinh sách Tịnh Ðộ thường tuyên xưng mà còn với cả Phật Thích Ca Mâu Ni. Hai vị Phật là thân phụ, thân mẫu của Ngài và vị Bồ Tát quan trọng thứ hai trong Tịnh Ðộ, Ðại Thế Chí, là em trai. Mối liên hệ huyết thống giữa các vị Phật và Bồ Tát là đặc điểm nổi bật thứ hai của cuốn kinh này. Ở đây ta thấy được dụng ý của tác giả cuốn kinh là không muốn để Ðức Phật Thích Ca, vị giáo chủ của Phật giáo đồng thời là người tuyên thuyết kinh Pháp Hoa, bị đặt ra ngoài khung cảnh Tịnh Ðộ. Giải pháp duy nhất là cho hai vị Phật này làm vợ chồng. Ðây cũng là bộ kinh duy nhất mà Phật A Di Ðà được trình bày như là một người nữ. Thứ ba, mặc dầu mục đích tối hậu của cuốn kinh này là tuyên xưng việc tái sanh về cõi Tịnh Ðộ, tác giả cũng đã tỏ ra quen thuộc với trào lưu tư tưởng của các truyền thống kinh điển khác. Cụ thể như câu văn nói rằng Quán Âm sẽ hóa hiện như là cha mẹ cho những kẻ mồ côi, đạo sư cho những kẻ không thầy, v.v... phảng phất nguồn gốc từ phẩm "Phổ Môn" của kinh Pháp Hoa. Cũng tương tự như vậy, Quán Âm phát nguyện sẽ biến thành núi non, sông ngòi, đất lành, rau trái, ngũ cốc, trái ngọt để nuôi sống mọi loài chúng sanh, rất giống với tinh thần vô ngã rộng lượng trong Ðại Thừa Tam Muội Bảo Vương Kinh.

Tinh thần chiết trung và cởi mở đối với những tính cách đa dạng của những học thuyết tư tưởng là  nét đặc trưng phổ quát của kinh điển bản địa. Cuối cùng, ta có thể nói rằng, những tác giả của kinh điển bản địa đều nhắm vào việc gói ghém những tư tưởng ngoại quốc vào trong cái thể dạng quen thuộc của mình. Ðâu có hình ảnh nào được nhiều người biết đến trong nền văn hoá Trung Quốc hơn là hình ảnh của bà mẹ ghẻ độc ác hoặc hình ảnh của đứa trẻ con bị rơi vào đáy giếng? Một niềm tin khá phổ biến của người Trung Hoa là  những bà mẹ ghẻ thường độc ác và không đáng tin cậy vì thế một số những bức tượng kỷ niệm đời Hán đã được dùng để đặc biệt vinh danh những bà kế mẫu công chính đạo đức chẳng hạn như Bà kế mẫu họ Tề để cho người đời chiêm ngưỡng tán tụng. (Wu Hung 1989:264-66, 1995:204-5). Trong cuốn sách nổi tiếng của nhà học giả Nhan Chi Thôi thế kỷ thứ sáu, Nhan Thị Gia Huấn, đã khẳng định dứt khoát chân lý  “mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng” (Teng 1968:13). Cũng vậy, qua hình ảnh của đứa trẻ và cái giếng, những độc giả Trung Quốc quen thuộc với Mạnh Tử (IIA:6) khi đọc đến đoạn kinh văn này chắc chắn sẽ không khỏi liên tưởng đến.

 

Phật Thuyết Quán Âm Tam Muội Kinh

Bộ kinh này đã được đề cập đến lần đầu tiên trong cuốn danh mục Chúng Kinh Mục Lục vào năm 594. Ngoại trừ hai mảnh được tìm thấy tại Ðôn Hoàng, thủ bản của nguyên bộ kinh này đã được sao chép dưới thời Nara (710-784), hiện được lưu trữ tại Bảo Tàng Viện Quốc Gia Kyoto. Học giả Makita Tairyo (1976:212-46) đã nghiên cứu kỹ lưỡng bộ kinh này và gần đây Hurami Hirano Ziegler (1994) đã phiên dịch bộ kinh sang Anh ngữ và thực hiện một luận án cao học về đề tài này. Bà đã đưa ra giả thuyết cho rằng bộ kinh này do ngài Trí Giả (538-579), tổ sư Thiên Thai Tông, sáng tác trong khoảng từ năm 560 đến năm 568 mà mục đích chính là lợi dụng sự phổ biến của tín ngưỡng Quán Âm nhằm tạo điều kiện cho mọi tầng lớp quần chúng có thể  bước vào cánh cửa thiền định một cách dễ dàng hơn. Một vài đặc tính khác của bộ kinh cũng khá nổi bật. Nó đã đưa Bồ Tát Quán Âm lên đến vị trí tuyệt đỉnh bằng cách tuyên xưng rằng Ngài đã là một vị Phật của thời quá khứ với danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai mà Ðức Phật Thích Ca cũng đã từng là một đệ tử theo học Ngài. Bồ Tát sẽ thoả mãn tất cả những mong ước của bất cứ ai tiếp tục trì tụng bộ kinh này trong suốt một tuần lễ nhập thất thiền định. Quả thật tên của bộ kinh đã được ngài Trí Giả đề cập đến lần đầu tiên trong cuốn Quán Âm Huyền Nghĩa của Ngài, được viết trong khoảng sau năm 593. Trong thực tế người ta cũng thấy ngài Trí Giả và phái Thiên Thai nói chung đã quảng bá mạnh mẽ tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Quán Âm. Hơn thế nữa, không phải chỉ riêng Trí Giả mà tất cả những vị đại tăng thân cận với Ngài hoặc nằm trong thuộc truyền thống Thiên Thai đều xác tín rằng Bồ Tát Quán Âm trong quá khứ đã từng là một vị Phật và Ðức Thích Ca Mâu Ni đã từng được Ngài giáo huấn (5). Cuối cùng, việc nhấn mạnh đến thiền định như là con đường siêu tuyệt nhất để vươn tới giác ngộ cũng như có khả năng loại trừ tất cả mọi tội lỗi được trình bày trong cuốn kinh này  là một màu sắc đặc biệt của phái Thiên Thai (xem chương 7). Bởi những lý do đó, tuy Ziegler không đưa ra lời kết luận một cách xác quyết rằng ngài Trí Giả là tác giả của bộ kinh, nhưng căn cứ trên những chứng liệu mà ta có, đây là một khả năng có thể xảy ra. Mà ngay cả nếu Trí giả không phải là tác giả, việc biểu lộ một thái độ khoan dung đối với kinh điển bản địa của ngài và những người khác bằng cách học tập kinh điển này là một thái độ mà tất cả những người học tập Phật giáo Trung Quốc cần lưu ý trong việc đánh giá nguồn kinh điển bản địa.

Sau đây là nội dung tóm tắt của bộ kinh và một vài trích đoạn căn cứ trên bản dịch Anh ngữ của Ziegler. Bộ kinh được mở đầu bằng việc Ðức Thế Tôn nhập vào định tam muội rồi giữ yên lặng, tịnh khẩu trong một thời gian khá lâu. Lấy làm bối rối, A Nan đã hỏi Phật lý do và được ngài tuyên thuyết với đại chúng như sau: “Ta quán chiếu rằng ba cõi tam giới đều trống rỗng, không hiện hữu, và cũng không bền vững. Hơn thế nữa tất cả mọi hiện hữu đều vô thường và không xuất hiện một cách chân thực. Vạn pháp vốn trống không và thanh tịnh. Chúng xuất hiện do nhân duyên. Khi [nhân và duyên] phối hợp, [vạn pháp] phát sinh. [Những điều này] có thể được tuyên thuyết hay không tuyên thuyết” (Ziegler 1994:103).

Bồ Tát Quán Âm là người duy nhất đáp ứng bài học này về Tánh Không và ban một thời pháp của riêng ngài về chủ đề này. Ðức Thế Tôn lại bảo A Nan: “Bộ kinh này được gọi là Avalokitesvara Nhập Tam Muội Kinh. Khi ta còn là mộ vị Bồ Tát trong thời quá khứ, ta luôn thấy vị Phật của thời quá khứ trì tụng bộ kinh này. Bây giờ ta là một vị Phật và cũng tiếp tục trì tụng bộ kinh này không ngưng nghỉ. Ta đã đạt thành Phật quả cũng là do nhờ trì tụng bộ kinh này” (104). Như vậy trong bộ kinh này Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã xác nhận rằng Ngài đạt đến giác ngộ là do nhờ trì tụng bộ kinh này. Chủ đề này sau đó đã được lập lại một lần nữa với lời tán tụng của Ðức Thế Tôn tuyên xưng vị thế siêu việt của Bồ Tát Quán Âm: “Ta nhớ lại thuở lâu xa trong quá khứ Bồ Tát Avalokitesvara đã thành Phật trước ta với danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai… Lúc đó ta là một môn sinh theo Ngài thực hành hạnh khổ hạnh. Ta đã tuyệt thực và liên tục trì tụng bộ kinh này trong suốt bảy ngày đêm không ngưng nghỉ. Hơn thế nữa, ta cũng đã không hề nghỉ đến việc ăn uống cũng như ngũ dục. Và nhờ thế ta đã trông thấy hằng hà sa số chư Phật trong khắp mười phương  hiện ra trước mặt ta. Cũng nhờ đó mà ta trở nên tỉnh giác trên con đường đạo và bây giờ đạt thành Phật quả. Danh hiệu của ta là Thích Ca Mâu Ni. Ta tiếp tục tuyệt thực và trì tụng bộ kinh này như đã từng thực hiện trong quá khứ » (115).

Trọng tâm của bộ kinh là trình bày phương pháp hành thiền kèm theo việc mô tả những hình ảnh mà hành giả sẽ được thực chứng trong bảy ngày đêm nhập thất:

Nếu hành giả muốn thực hành theo [những lời dạy] của cuốn kinh này, trước tiên phải dọn dẹp cửa nhà sạch sẽ, treo trướng liễn, rải hoa, đốt nhang và ngồi kiết già ngay thẳng trong bảy ngày đêm rồi chuyên tâm trì tụng bộ kinh này không nghĩ tưởng đến bất cứ chuyện gì khác. Lúc đó Bồ Tát Avalokitesvara sẽ hiện ra với sắc thân màu vàng tía. Ngài cao một trượng hai tấc (ch'ih -khoảng 12 feet). Một vầng hào quang màu trắng bạc tỏa trên đầu. Trên tay cầm một cành hoa sen, Ngài sẽ thị hiện ra trước mặt hành giả. Trong suốt bảy ngày này đều sẽ có phép lạ hiện ra [mỗi ngày]. Vào ngày thứ nhất Bồ Tát sẽ cho hành giả ngữi thấy mùi hương thơm của gỗ chiên đàn và kunduruka. Vào ngày thứ hai Ngài sẽ làm hiện ra một luồng ánh sáng rực rỡ lúc nữa đêm mà hành giả có thể thấy được và tâm sẽ vô cùng hoan hỷ. Vào ngày thứ ba Ngài sẽ làm hiện ra một đoá sen lớn bằng chiếc bánh xe, đây là một đoá hoa đang nở có màu trắng bạc. Vào ngày thứ tư Ngài sẽ làm hiện ra một thiên nhơn cao khoảng một trượng (10 feet). [Thiên nhơn này] trong y phục cõi trời sẽ xuất hiện ngay trước mặt hành giả. Sau khi các hành giả trông thấy sự việc này, họ sẽ càng hoan hỷ hơn nữa và cùng nhau thảo luận về Ðạo Pháp.  Vào ngày thứ Năm Bồ Tát Avalokitesvara sẽ hiện ra và ấn chứng cho việc hành giả nhập định tam muội. Lúc này hành giả sẽ có khả năng thấy lại được tất cả những kiếp luân hồi bất tận của mình trong quá khứ. Vào ngày thứ sáu, [Bồ Tát Avalokitesvara] sẽ làm hiện ra một toà lâu đài của thiên giới làm bằng mọi thứ châu báu tỏa chiếu hào quang năm sắc cùng với bốn vị Bồ Tát đang ngồi kiết già ngay thẳng diễn nói Phật pháp. Sau khi hành giả chứng kiến việc này, tâm của họ sẽ dần dần sáng tỏ và họ sẽ có khả năng nhìn thấu suốt trong khắp mười phương. Từ đó họ sẽ vô cùng hoan hỷ và tôn kính Phật pháp với tất cả tâm thành. Vào ngày thứ bảy, Bồ Tát Avalokitesvara sẽ lại hiện ra trong ánh hào quang rực rỡ còn hơn cả mặt trời. Sau khi hành giả trông thấy Ngài, tâm của họ sẽ vô cùng rúng động. Bồ Tát Avalokitesvara sẽ đưa cánh tay trái của Ngài lên xoa đảnh của hành giả. Tâm của hành giả sẽ đạt đến cảnh giới an tịnh và kiên cố. (106-7)

Với năng lực của Bồ Tát Quán Âm, hành giả không phải chỉ thấy riêng cõi Phật A Di Ðà ở Tây Phương mà bốn cõi Phật khác ở phương Ðông, phương Bắc, trên và dưới đều hiện ra rõ ràng. Những lợi lạc do việc trì tụng bộ kinh này theo cách thức vừa được mô tả bao gồm cả sáu quyền lực siêu nhiên, đạt đến trí tuệ bát nhã và tẩy trừ tất cả mọi tội lỗi. Bộ kinh sau đó đã tiết lộ một câu thần chú (111) với lời khuyến cáo là hành giả nên trì tụng và được tiếp tục với những lời hứa khả đặc biệt về những lợi ích lớn sẽ mang đến cho họ. Trong số những lời khả hứa này, có vài điều tương tự được tìm thấy  trong phẩm "Phổ Môn" của kinh Pháp Hoa, ngoại trừ  loại bỏ việc cầu xin con cái theo ý muốn, cùng với những điều ta thấy trong các kinh hiển giáo đã được đề cập đến trong chương 2. Từ đó bộ kinh hứa hẹn sẽ mang đến cho hành giả một đời sống tốt đẹp, chấm dứt vòng sinh tử luân hồi, được tái sanh về cõi Phật, không còn bị đọa vào các cảnh giới của địa ngục, ngạ qũy, súc sanh và a-tu-la, không bị sanh làm thân nữ, và đảm bảo rằng "khi Bồ Tát Di Lặc giáng sanh vào cõi trần này, hành giả sẽ trở thành một cao đồ trong cả ba pháp hội" (112). Sự khẳng định cuối cùng của bộ kinh tuyên xưng Ngài như là một nhân vật có năng lực phổ độ chúng sanh thật sự, xuất hiện vào phần cuối của cuốn kinh khi Bồ Tát Qưán Âm tuyên thuyết rằng thông qua việc trì tụng bộ kinh, ngay cả những người phạm tội ngũ nghịch vẫn có thể đạt thành Phật quả. (6)

Cũng giống như cuốn Ðại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh được đề cập đến trong Chương 2, cuốn kinh hứa hẹn sẽ mang đến sự giác ngộ không phải chỉ riêng cho hành giả mà ngay cả đối với những ai được nghe hoặc nhớ đến bộ kinh này. "Nếu người nào nghe được cuốn kinh Avalokitesvara Nhập Tam Muội này, thì [ngay cả] kẻ đui mù cũng vẫn đạt được ánh sáng giác ngộ. Nếu có bất cứ chúng sanh nào được nghe qua và nhớ thuộc cuốn kinh, họ sẽ không bao giờ còn rơi vào A tì địa ngục (Avici) trong năm kiếp” (104). Ðồng thời cuốn kinh cũng cảnh báo trước là sẽ có những hạng người "không tin tưởng vào cuốn kinh này và nói với nhau rằng, 'kinh này không do Ðức Phật tuyên thuyết mà là do ma qủy nói'. Họ sẽ nói với nhau như thế và rồi đốt bỏ cuốn kinh này. Họ sẽ cùng thi đua nhau trong việc hủy diệt [cuốn kinh này]" (116).

Cũng giống như đặc tính chung của những cuốn kinh bản địa khác đã được nói đến trong chương này, Phật Thuyết Quán Âm Nhập Tam Muội Kinh mang tính tổng hợp. Mặc dầu có một vài đoạn được cấu trúc theo lối tiểu thuyết hóa, điểm cách mạng nhất trong cuốn kinh này là chi tiết Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là một đệ tử của Quán Âm  lúc Bồ Tát là một vị Phật trong thời quá khứ. Ngoài ra, ta cũng có thể truy tìm nguồn gốc những tư tưởng chính của bộ kinh này trong nguồn kinh điển “chính thống”. Chẳng hạn như việc kết hợp giảng dạy về Tánh Không với công thức nhập thất tuyệt thực thiền định trong bảy ngày đã từng được nhấn mạnh đến trong Ban Chu Tam Muội kinh, một bộ kinh được dịch sang Hán Văn sớm nhất bởi ngài Chi Ca Lâu Sấm, vào khoảng thế kỷ thứ hai (Harrison 1990). Bộ kinh này đồng thời cũng giảng dạy một phương pháp thực chứng “tánh không”, tuệ giác căn bản của Phật giáo Ðại thừa, thông qua nỗ lực tập luyện nghiêm nhặt về quán Phật. Ðược xem như là một trong những bộ kinh phôi thai của pháp môn niệm Phật tại Trung quốc, bộ kinh đã thuyết giảng về Niệm Phật Tam Muội, được định nghĩa như sau:

Ðây là một hình thái tập trung tư tưởng cao độ nhằm giúp tín đồ có thể trông thấy được tất cả chư Phật “như là đang xuất hiện trước mắt mình”. Cuốn kinh chỉ rõ rằng hành giả cần phải tập trung quán tưởng về Phật trong suốt bảy ngày đêm, và cuối cùng Ðức Phật A Di Ðà sẽ hiện ra trong giấc mơ, nếu không thì ngay lúc y còn tỉnh táo… Theo Ban Chu Tam Muội Kinh, tiến trình quán Phật gồm hai bước, bắt đầu với việc tập trung tư tưởng hay cố gắng hình dung ra hình ảnh Ðức Phật A Di Ðà, từ đó dẫn đến việc thực chứng bất nhị giữa năng quán (tâm của người quán tưởng) và sở quán (Phật A Di Ðà, đối tượng được quán tưởng). Yếu tố trọng yếu trong việc chuyển tiếp vào bước thứ hai là do kinh nghiệm thiền định tam muội. Tập trung nỗ lực quán tưởng Phật A Di Ðà một cách mãnh liệt dẫn đến việc hiệp nhất năng quán và sở quán. Một khi nhập vào tam ma địa, hành giả bước vào cảnh giới của Tánh Không, không còn mang tâm thức nhị nguyên –không còn phân biệt giữa chủ thể và đối tượng. (Yu 1981:49-50).

Phật Thuyết Quán Âm Nhập Tam Muội Kinh đã có một tầm ảnh hưởng khá lớn lao dưới thời Lục Triều. Trong số những người tuân thủ theo có cả những vị đại Tăng tên tuổi như các ngài Huệ Viễn (344-416) và Trí Giả. Ngoại trừ việc bộ kinh bản địa này đã thay thế hình ảnh Ðức Phật A Di Ðà bằng hình ảnh Quán Âm, nội dung tư tưởng chính của bộ kinh này không có gì khác biệt lắm so với bộ Ban Chu Tam Muội Kinh. Cũng vào thời điểm này, ảnh hưởng của kinh Pháp Hoa và các bộ kinh Mật tông khác cụ thể như Ðà La Ni Tạp Tập cũng đã được nhận thấy một cách rõ ràng. Từ đây, thay vì quán tưởng hình tượng Quán Âm, người ta chuyên tâm vào việc đọc kinh và trì chú.

Một điều ta có thể thấy được rằng, tác giả của bộ kinh này đã thu nhặt tư tưởng từ các nguồn kinh điển khác nhau rồi tổng hợp chúng lại -một khuynh hướng đã được lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần trong các kinh điển bản địa. Nội dung của nó, cũng giống như những mẫu chuyện về phép lạ được phân tích trong chương kế tiếp, bao gồm việc mô tả hình tượng của Quán Âm một cách rất chi tiết, là kết quả  nỗ lực thực hành thiền định của hành giả: ánh sáng rực rỡ, sắc thân màu vàng tía, chiều cao của Ngài, cánh tay xoa đảnh... Tất cả những chi tiết này đều được tường trình lại bởi những người đã thực chứng được những linh ứng của Bồ Tát Quán Âm. Như vậy, phải chăng đã có sự ảnh hưởng lẫn nhau? Phải chăng cả hai đều đã chịu ảnh hưởng của các truyền thuyết về Quán Âm? Kinh điển bản địa và những câu chuyện về phép lạ là hai phương tiện truyền thông mạnh mẽ và hữu hiệu nhất trong việc phổ biến, quảng bá tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Quán Âm tại Trung Quốc. Ta có thể khẳng định rằng chúng đã hiện hữu trong cùng một mục tiêu tín ngưỡng và chuyên chở cùng một sứ mạng thu phục tín đồ. Thế nên không có gì là ngạc nhiên khi chúng cùng chia xẻ những niềm tin và ngôn ngữ giống nhau.

 

Cao Vương Quán Thế Âm Kinh

Trong số tất cả những bộ kinh bản địa có mục đích quảng bá tư tưởng tôn thờ Bồ Tát Quán Âm, bộ kinh này là nổi tiếng hơn cả. Không những nó đã được sự quan tâm đặc biệt của giới học giả (Makita 1970, 1976) mà còn là một bộ kinh được những Phật tử thuần thành ưa thích, trãi qua bao thời đại và cả đến ngày hôm nay, lựa chọn để ấn tống. Tính cách phổ thông của nó được thể hiện qua việc tín đồ đã không ngại bỏ tiền ra để bảo tồn cũng như quảng bá qua mỹ thuật. Cụ thể như trong một tấm bia đá tạ ơn có niên đại vào thời Bắc Tề (550-577) hiện được lưu trữ tại Bảo Tàng Viện Mỹ Thuật Á Châu, San Francisco, nội dung của bản kinh này đã được khắc vào phần dưới của tấm bia, nữa phần trên là hình của Bồ Tát Quán Âm cùng với đoàn tùy tùng thị giả gồm A Nan, Ca Diếp, hai vị Bồ Tát và hai vị Thiên vương (7). Bộ Kinh này đã được ngài Ðạo Tuyên đề cập đến lần đầu tiên trong bộ Ðại Ðường Nội Ðiển Lục vào năm 664. Hiện năm bản kinh vẫn còn tồn tại: một bản được khắc vào động Lôi Âm vào khoảng năm 616, một bản khác tại Ðộng số 3 Phòng Sơn, gần Bắc Kinh khắc trong khoảng từ năm 665 đến 669, bản thứ ba là nguyên bản kinh văn được khám phá tại Turfan nay được bảo quản trong bộ sưu tập Deguchi, Nhật Bản. Bộ này có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ tám, hiện đang được các nhà học giả nghiên cứu kỷ lưỡng. Bản thứ tư được khám phá tại Ðôn Hoàng và bản thứ năm được ghi lại trong bộ Ðại Chính Tân Tu Ðại Tạng Kinh. Cả hai bộ sau này chưa thể xác định được niên đại. (Kiriya 1990:10).

Bộ kinh này có những tựa đề khác nhau. Cụ thể như trong tấm văn bia tại Ðộng Lôi Âm thì được gọi là Phật Thuyết Quán Thế Âm KinhÐại Vương Quán Thế Âm Kinh. Ðồng thời nó cũng mang những tên khác là Cứu Sanh Quán Thế Âm KinhTiểu Quán Thế Âm Kinh. Bản Nhật Bản có tên là Quán Thế Âm Chiết Ðao Trừ Tội Kinh. Những bản kinh ra đời sớm nhất, nội dung không có gì khác hơn là danh sách liệt kê danh hiệu của một số vị Phật và lời hứa hẹn sẽ đạt được những lợi ích thế tục nếu thờ phượng Bồ Tát Quán Âm. Nhưng càng về sau thì phần văn tự càng được thêm vào dài dòng hơn kể cả những lời sám nguyện, cầu nguyện, những thần chú cùng danh hiệu của các vị Phật. Ý tưởng chủ yếu của bộ kinh này đặt cơ sở trên niềm tin được quảng bá trong đại bộ phận kinh điển Ðại thừa đã được dịch sang Hán văn và củng cố vững chắc kể từ thế kỷ thứ sáu: những tội lỗi có thể được tiêu trừ do niệm danh hiệu Phật, trì tụng kinh điển hay thần chú. Cũng giống như kinh Pháp Hoa khuyên những kẻ thuần thành nên trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Âm, những bộ kinh khác nói về danh hiệu Phật (Phật Danh Kinh) khuyến khích thực hành sám hối tội lỗi bằng cách niệm hồng danh chư Phật (Shioiri 1964).

Bản kinh này nguyên thủy kể lại câu chuyện một người đã được cứu vớt ra khỏi chốn ngục tù và thoát khỏi bị hành hình do trì tụng bộ kinh mà Bồ Tát Quán Âm đã tuyên thuyết. Phép lạ xảy ra đã làm cho "Cao Vương" rúng động, hồi tâm, ra lệnh ân xá cho tội nhân và phổ biến bộ kinh này. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra là nhân vật tù nhân và Cao Vương trong bộ kinh này là ai? Các cuốn biên niên sử Phật giáo và sử  sách thế tục đã đưa ra ba tên tuổi khác nhau về nhân vật chính của câu chuyện: Vương Huyền Mô (388-468), Lư Cảnh Vu (d. 542), và Tôn Kính Ðức, tất cả đều sống trong khoảng thế kỷ thứ sáu. Còn Cao Vương thì chắc chắn không ai khác hơn là Cao Hoan (496-547) vị Tể tướng đầy quyền lực của nhà Ðông Ngụy và cũng là người sáng lập nên triều đại Bắc Tề.

Trong số ba người được kể tên nói trên, Lư là người có mối quan hệ mật thiết với Cao Hoan hơn cả. Makita đã cung cấp cho ta một chi tiết khá đầy đủ về mối quan hệ lâu dài và khá phức tạp này. Lư nguyên xuất thân từ một gia đình thế gia vọng tộc tại Hồ Bắc. Người bác của Lư có phẩm hàm bá tước đã được vua ban cấp thái ấp vào năm 528, tuy nhiên Lư không bước vào chốn quan trường mà lựa chọn sống một cuộc đời thanh bạch và đạo đức. Ông rất thân cận với giới tu sĩ Phật giáo đương thời và đã viết nhiều lời đề tựa cho các cuốn kinh được dịch sang Hán Văn. Sau khi Cao Hoan dựng Hiếu Kinh lên ngôi Hoàng đế và dời đô về đất Diệp, thuộc địa phận tỉnh Hồ Bắc ngày nay, thúc đẩy cho việc tách rời nhà Ðông  Ngụy ra khỏi Bắc Ngụy, ông đã mang theo Lư cùng một số những người có trình độ học thức khác về kinh đô mới. Mặc dù Cao Hoan trên danh nghĩa là Tể Tướng nhưng uy quyền của ông rất lớn, bao trùm lên tất cả. Chẳng bao lâu sau, vào khoảng cuối năm 537, những người anh em bà con trong gia tộc của Lư đã nổi dậy chống lại Cao nhưng cuộc nổi loạn này đã bị dẹp tan khoảng mười tháng sau đó. Lư bị tình nghi có dính líu vào âm mưu phản loạn và bị tống giam vào ngục để chờ ngày xét xử. Căn cứ vào tự truyện của Lư vừa mới tìm thấy gần đây trong Bắc Sử thì, "Khi Cảnh Vu bị giam trong ngục tối tại Tân Dương, ông đã nhất tâm trì tụng bộ kinh này. Bỗng nhiên tất cả các gông cùm xiềng xích đều tự tan rã. Cũng trong lúc này có một người tù khác đang bị án tử hình, tuy nhiên một đêm y nằm mộng thấy một vị Tăng dạy cho y bộ kinh này và sau khi tỉnh dậy đã âm thầm chuyên trì tụng đọc hàng ngàn lần, đến ngày xử chém, lưỡi gươm đã bị gảy đôi khi hành hình. Khi nghe chuyện này, nhà vua liền lập tức ra lệnh ân xá cho người tù kia. Bộ kinh này vì thế được phổ biến rộng rãi dưới nhan đề là Cao Vương Quán Thế Âm Kinh" (Makita 1970:161-66).

Tác giả của Bắc Sử đã căn cứ vào tự truyện của Lư trong bản gốc đã bị mất và được kể lại  trong bộ Ngụy Sử của Ngụy Thu. Ngụy Thu là bạn thân của Lư thế nên đây là một nguồn xuất xứ rất đáng tin cậy. Tuy nhiên câu chuyện đã nói đến hai phép lạ khác nhau, một của Lư và một của người tù vô danh. Lư được biết là đang chuyên tâm trì tụng một bộ kinh Phật giáo, không rõ tên. Ông là một học giả Khổng giáo tên tuổi đồng thời cũng là một Phật tử thuần thành, thế nên  một điều chắc chắn là ông phải thuộc rành kinh điển Phật giáo, không cần phải nhờ ai chỉ dạy. Tuy nhiên đối với trường hợp người tù vô danh mô tả là được một Tăng sĩ trong giấc mơ truyền dạy cho một bộ kinh, vị Tăng này không ai khác hơn là Bồ Tát Quán Âm vì hầu như trong các cuốn kinh nói về thần chú, cụ thể như cuốn được tuyên thuyết bởi Thiên Thủ Quán Thế Âm do ngài Trí Thông dịch, Bồ Tát thường được mô tả xuất hiện dưới hình thức như thế. Khi người tù này chuyên tâm trì tụng hơn một ngàn biến, lúc hành hình lưỡi gươm đã bị gãy đôi và y được ân xá. Những hoàn cảnh và chi tiết trong câu chuyện này rất gần giống với trường hợp của Tôn Kính Ðức. Xét về mặt sử liệu, câu chuyện được ghi lại trong Bắc Sử có phần nào mơ hồ và không thỏa đáng. Trong kinh, câu chuyện của Lư và người tù vô danh kia đã được đan lồng vào nhau. Tuy không nói ra nhưng người ta đoán biết rằng bộ kinh mà Lư trì tụng và bộ kinh mà người tù được vị Tăng ban cho trong giấc mơ là một. Thế nhưng ta không có chứng cớ nào để chứng minh điều này. Và Cao Vương là ai? Ðiều này cũng không được nói rõ. Ta biết được rằng sau khi ra khỏi tù, Lư đã được Cao Hoan mướn làm gia sư và hai người con trai của Cao Hoan sau này đều trở thành những vị Hoàng đế của nhà Bắc Tề. Một điều hơi mỉa mai là bộ kinh được đặt tên của người đã ngược đãi Lư và sau này lại trở thành kẻ ân nhân. Nhân vật Cao Vương trong kinh chắc chắn không ai khác hơn là Cao Hoan. Ðiều này cho ta một lý do để giải thích tại sao so với bao nhiêu bộ kinh bản địa khác bị đào thải thì bộ kinh này lại tồn tại vì có thể nó đã được hổ trợ bởi một đấng quân vương đầy quyền lực.

Lúc bản dịch Chánh Pháp Hoa Kinh của ngài Đàm Vô Sấm -bản dịch sớm nhất của Kinh Pháp Hoa, xuất hiện vào năm 286, phẩm Phổ Môn có thể đã tồn tại một cách độc lập. Như ta đã biết, phẩm kinh này đã được lưu hành một cách rộng rãi do sự chiếu cố đặc biệt của Hoàng đế Bắc Lương, Trở Cừ Mông Tốn (r.401-433), người đã được ngài Tan Wu chen (Đàm Vô Sấm 385-433) củng cố niềm tin. (8). Ngài Cưu Ma La Thập đã hoàn tất bản dịch Kinh Pháp Hoa vào năm 406 , trong đó phẩm “Phổ Môn” đã được những tín đồ thuần thành gọi là “Kinh Quán Âm”. Chúng ta hãy trở lại câu chuyện của Vương, được ghi chép lại trong bộ Thái Bình Ngự Lãm (chuyện 654) và Thái Bình Quảng Chí (chuyện 111), xuất bản vào năm 983. Đoạn văn có liên quan đến Vương Huyền Mô được mô tả như sau: [Vương] nằm mơ thấy một người đến bảo ông ta rằng nếu tụng Kinh Quán Âm một ngàn biến, ông sẽ được cứu thoát qua khỏi tai họa. Vương Huyền Mô trả lời rằng mình có thể bị mang ra chém đầu bất cứ lúc nào làm sao có đủ thì giờ để tụng một ngàn biến Phổ Môn? Người này liền dạy Vương hãy chuyên tâm trì tụng mười câu kinh như sau: Nam Mô Quán Thế Âm, Vị Phật Đáng Tôn Kính, do nhân lành mà con biết Phật, do duyên lành mà con biết Phật, Phật và Pháp không hề rời nhau; vĩnh cữu, cực lạc, thực ngã, và tinh khiết; con niệm Quán Thế Âm vào buổi sáng, con niệm Quán Thế Âm vào buổi tối, niệm niệm xuất phát từ tâm, Phật tức tâm’. Khi Vương thức dậy, ông lập tức tụng đủ một ngàn biến. Lúc Vương sắp bị đem đi hành hình, tướng Shen Ching Ch’ih đã vội can gián với Hoàng đế và nhờ đó Vương được ân xá.”

Lý do tại sao thoạt tiên Vương nghĩ là mình không thể thực hiện theo lời chỉ bảo của người trong giấc mơ? Vì ông tin rằng Quán Âm Kinh chính là Phẩm Phổ Môn, và quả thực như ta biết phẩm kinh này tương đối khá dài. Trong khi đó, với mười câu kinh ngắn gọn và cô đọng sẽ rất dễ dàng cho mọi người đọc tụng được nhiều lần. Mặc dầu cả hai bộ sách nói trên đã không nói rõ mười câu kinh này thuộc về Cao Vương Quán Thế Âm Kinh, nhưng sau này Chí Bàn, tác giả Phật Tổ Thống Kỷ vào năm 1269 đã nhìn nhận và cho biết:

Kinh này chỉ có mười câu. Đây chính là những câu đã được truyền cho Vương Huyền Mô vào đời nhà Tống (424-479) cũng như được Tôn Kính Ðức trì tụng và được in ấn phổ biến trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên do người đời sau đã thêm thắt vào một cách tùy tiện làm cho câu văn trở nên thông tục, mất cân đối khiến những kẻ có học thức nghi ngờ tính cách chân thực của kinh này. Trong vương triều của chúng ta, dưới thời Chia-yu (1056-63), người vợ của Long Tuyết Mai (Lung Hsueh-mei) mù cả hai mắt, được khuyên là nên đến cầu nguyện tại chùa Thiên Trúc Thượng. Một đêm bà nằm mơ thấy có người mặc áo trắng đến bảo hãy trì tụng “Kinh Quán Thế Âm Mười Câu”, bà nghe lời và trì tụng liên tục không ngưng nghỉ, đôi mắt của bà sau đó đã được phục hồi hoàn toàn. Triệu tiên sinh của Thanh Hiên (Ch’ing-hsien) đã viết và phổ biến câu chuyện này. Bồ Tát Quán Âm đã truyền dạy mười câu kinh cực ngắn này để cứu vớt con người ra khỏi những đại họa, và từ trước đến giờ đã có ba câu chuyện linh ứng xảy ra. Chúng ta có dám không tin tưởng hay không? (T 49:357c).

Trong bộ Cao Vương Quán Thế Âm Kinh được tu chính hiện còn tồn tại người ta thấy có sáu câu đầu tiên của bản kinh mười câu này, còn bốn câu sau thì bị mất. Tuy nhiên đã có giả thuyết, cụ thể như Chí Bàn, cho rằng thực ra bản kinh mười câu này có thể chính là dạng nguyên thủy của bộ kinh bản địa nói trên (Kiriya 1990:15-16 (9). Điều đáng nói ở đây là thái độ của Chí Bàn, chẵng những ông đã không lên án bản kinh này là ngụy kinh mà còn khuyến khích người đương thời tin tưởng vào nó bằng cách trưng dẫn những phép lạ đã xảy ra cho hai nhân vật trong quá khứ cũng như một nhân vật sống gần với thời đại của ông hơn. Một chi tiết đáng lưu ý khác là người nói ra nội dung của kinh cũng thay đổi theo với thời gian, từ một nhà sư thành một người đàn bà áo trắng. Như ta biết, kể từ thế kỷ thứ mười trở đi, Bồ Tát ngày càng được biết đến dưới hình ảnh Bạch Y Quán Thế Âm, và ngôi chùa Thiên Trù Thượng tại Hàng Châu được coi như là trung tâm thờ phượng Ngài (xem chương 6). Cho nên quả là điều dễ hiểu khi ta thấy bà Long đã được Bồ Tát Quán Âm cho nằm mơ thấy sau khi đến cầu nguyện tại chùa Thiên Trù Thượng. Bồ Tát Quán Âm đã cứu Vương Huyền Mô và Tôn Kính Ðức ra khỏi tù tội và cái chết, nhưng đồng thời cũng đã cứu bà Long thoát khỏi bị mù. Từ đây, ta có thể khám phá  ra một đặc tính tổng quát cho tất cả các kinh điển bản địa.  Mặc dầu Cao Vương Quán Thế Âm Kinh không theo một kiểu mẫu cố định và có cùng văn phong của loại kinh điển truyền thống, sự “chính thống” của nó cũng đã được hợp thức hoá và cập nhật bởi những câu chuyện về phép lạ đã xảy đến cho những con người thật trong những thời điểm và không gian nhất định có thể kiểm chứng được. Trong cách thế như vậy, những kinh điển bản địa, giống như những tài liệu lưu trữ phép lạ, đã đặt Bồ Tát Quán Âm một cách vững chắc vào mảnh đất Trung Quốc bằng cách nối kết một cách mật thiết hạnh nguyện cứu độ của Bồ Tát với những mảnh đời đau thương của quần chúng Trung Quốc.

Chí Bàn đã đề cập đến cuốn kinh bản địa này dưới ba tên gọi  (Kinh Cao Vương, Kinh Thập Cú và Kinh Cứu Khổ) ở chín vị trí khác nhau trong các truyện 36, 38, 52 và 53 của Phật Tổ Thông Kỷ với ba nhân vật được dùng như là những nhân vật tuyên truyền chính trong những mẫu chuyện về phép mầu của Bồ Tát. Cung cách này cũng giống như Thái Bình Quảng Ký ghi lại những câu chuyện của Lư Cảnh Vu (truyện 102) và Tôn Kính Ðức (truyện 111). Khác với Lư và Vương, Tôn không phải là một viên tướng hay nhà học giả mà chỉ là một mạc sĩ, người nha lại tầm thường phục vụ trong nha huyện. Câu chuyện của Tôn đã được ngài Ðạo Tuyên ghi chép lại lần đầu tiên trong Tục Cao Tăng Truyện (truyện 29), với chi tiết như sau:

Dưới thời Thiên Bình (534-537) của triều đại Bắc Ngụy, một nha lại ở Tinh Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc) tên là Tôn Kính Ðức có đúc một ảnh tượng của Bồ Tát Quán Âm để thờ tại nơi công quán của y. Mỗi khi công chuyện trở về, y đều cúng lễ rất nghiêm chỉnh. Sau đó có một đám cướp bị bắt đã cáo gian Tôn là đồng lõa. Tôn bị bắt giam vào ngục và vì không chịu nỗi cực hình tra tấn, Tôn đã nhận tội mà mình không hề phạm rồi bị kết án tử hình. Ðêm trước khi bị hành hình Tôn cảm thấy nổi lên một niềm ăn năn thống hối và chảy nước mắt mà phát nguyện rằng: "Ðây chính là do kết quả những tội lỗi của kiếp trước nên nay tôi mới bị cáo gian. Bây giờ là lúc tôi trả món nợ nghiệp báo này. Tôi xin nhận chịu sự đau khổ của hết thảy chúng sanh". Sau đó Tôn bỗng rơi vào trạng thái buồn ngũ và mộng thấy một vị Tăng đến dạy cho mình trì tụng bộ kinh Quán Âm Cứu Khổ Cứu Nạn, trong đó có rất nhiều danh hiệu của các vị Phật, rồi bảo Tôn phải tụng đủ một ngàn biến thì có thể thoát khỏi bị hành hình. Sau khi thức giấc, Tôn liền trì tụng bộ kinh được vị Tăng truyền cho trong giấc mơ không hề vấp váp, nhưng vừa mới tụng được một trăm biến thì trời đã sáng. Trên đường dẫn đến pháp trường, Tôn vừa đi vừa tiếp tục tụng niệm và khi hoàn tất xong một ngàn biến cũng vào lúc mà đao phủ đưa đao lên để chém đầu, nhưng mầu nhiệm thay, lưỡi đao vừa chém xuống lập tức bị gảy thành ba mảnh. Người đao phủ đã phải  thay đao đến ba lần nhưng kết quả cũng vẫn như cũ. Ngạc nhiên trước sự kiện lạ lùng này, họ vội báo cho quan Tể tướng Cao Hoan và xin khoan hồng cho Tôn. Cao nghe chuyện liền ra lệnh cho chép lại bản kinh và phổ biến rộng rãi khắp nơi vì thế bộ kinh bây giờ mới có tên gọi là Cao Vương Quán Âm Kinh. Sau khi được phóng thích, Tôn trở về nơi công quán và thấy trên cổ của bức tượng Quán Âm có dấu của ba nhát dao chém. (T 50: 692c-6903a).

Thu hút mạnh mẽ bởi câu chuyện này Ngài Ðạo Tuyên đã đưa vào cả trong ba bộ biên niên sử khác nhau, Thích Già Phương Chí (T 51:972b) kết tập vào năm 650, Tập Thần Châu Tam Bảo Cảm Thông Lục (T 52:420a, 427a) kết tập năm 664, và bộ Nội Điển Lục (T 53:339a) được kết tập cùng năm với bộ trên. Trong cả ba bộ biên niên này, ngài Ðạo Tuyên đã không hề đề cập đến hai nhân vật Vương hoặc Lư. Có thể là do ảnh hưởng của ngài Ðạo Tuyên, một số các cuốn biên niên sử Phật giáo khác như Pháp Uyển Châu Lâm (668), Phật Tổ Lịch Đại Thông Tái (1333), và Thích Thị Kê Cổ Lược (1354) cũng chỉ đề cập đến câu chuyện của Tôn Kính Ðức mà thôi (Kiriya 1990:44-49). Như vậy có thể nói mà không sợ võ đoán rằng, ngài Ðạo Tuyên chính là người đã đưa Tôn trở thành nhân vật chính của truyền thống bí nhiệm này. Tuy nhiên câu chuyện của Tôn một phần nào mang tính chất bi thảm hơn là Vương hoặc Lư nên đã có ưu thế trong việc tô đậm nét cả hình ảnh lẫn bản kinh nhằm xiễn dương những ân đức cứu độ của Bồ Tát Quán Âm. Thế nên đến thế kỷ thứ mười ba, nếu không nói là sớm hơn, Tôn đã trở thành một nhân vật nối kết chặt chẽ với bộ kinh bản địa này một cách độc quyền, bất khả phân ly.

Ý thức hệ cơ bản cũng như phương pháp hành trì tu tập được tuyên xưng bởi bộ kinh này hoàn toàn  đặt cơ sở trên phẩm "Phổ Môn" của Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Và như vậy, nếu như Pháp Hoa đã không được biết đến một cách rộng rãi trong xã hội đương thời thì Cao Vương Quán Thế Âm Kinh cũng khó mà được nổi danh một cách nhanh chóng. Cũng không có gì là khó hiểu khi ta thấy những kinh điển bản địa thường  dựa vào tiếng tăm của những kinh điển "chính thống" để được chấp nhận. Ngay sau khi bản dịch đầu tiên của bộ Pháp Hoa ra đời vào năm 286, đã có rất nhiều mẫu chuyện về phép lạ của những người đã khấn cầu đến Bồ Tát dưới cái tên đặc biệt là Quang Thế Âm, theo cách dùng của ngài Ðàm Vô Sấm. Sau khi ngài Cưu Ma La Thập đưa ra một bản dịch Pháp Hoa mới với danh hiệu của Bồ Tát là Quán Thế Âm, trong khoảng một trăm năm, Lư Cao (459-523) đã kết tập một bộ sưu tập các mẫu chuyện vào năm 501 trong đó Bồ Tát được đề cập đến dưới danh hiệu Quán Thế Âm. Trong lúc này, một số tác giả đương thời như Liu-I-Ch'ing : Lưu Nghĩa Khanh (403-444) và Vương Diễm cũng đồng thời kết tập những bộ sưu tập các mẫu chuyện về phép lạ linh ứng trong đó có những câu chuyện liên quan đến Bồ Tát Quán Âm (Makita 1970:1968; Kiriya 1990:21-22). Có không biết bao nhiêu chứng cớ cho thấy phẩm "Phổ Môn" càng phổ biến rộng rãi bao nhiêu, Bồ Tát Quán Âm càng trở nên được quần chúng dưới thời Lục Triều tôn thờ sùng bái rộng rãi bấy nhiêu.

Cũng chẳng có gì khó hiểu lý do tại sao phẩm "Phổ Môn" lại được ưa chuộng như thế. Bởi vì nó đã đưa ra lời hứa hẹn rằng bất cứ ai nhất tâm cầu nguyện đến danh hiệu Bồ Tát, họ sẽ được cứu vớt ra khỏi bảy đại nạn (lửa, nước, gió bảo, dao kiếm, ma qũy, gông cùm xiềng xích và kẻ thù) và ba độc (tham, sân, si), cũng như đạt được hai điều nguyện ước (sinh con trai hay con gái). Hơn thế nữa, những lợi ích cụ thể và chắc chắn mà người ta sẽ đạt được không đòi hỏi phải có một kiến thức thông tuệ hay thông qua thiền định nhưng chỉ do niệm danh hiệu Bồ Tát -một phương thức thực hành rất là bình đẳng, dân chủ. Thế nên chẳng có gì là ngạc nhiên khi tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát trở nên phổ cập và đại chúng. Khi chúng ta nhìn vào sáu mươi chín mẫu chuyện về phép lạ trong  “Ghi Chú Thêm về Những Mẫu Chuyện Linh Ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm” của Lư Cao, tám mẫu chuyện nói về tai nạn đao kiếm, hai mươi hai câu chuyện về gông cùm xiềng xích, và mười bốn câu chuyện khác liên quan đến những hiểm nguy đối với kẻ thù nghịch. Như vậy có thể xem đây là những vấn nạn tiêu biểu, chiếm hơn phân nửa cuốn sách. Nhưng kể từ bản dịch đời Tùy (601), với phần kệ tụng được thêm vào trong phẩm Phổ Môn, bảy nạn lớn đã được phân ra thành mười hai trong đó các vấn nạn số 4 và số 6 trở thành “bị triều đình kết án tử hình, dao kiếm sẽ gãy rời thành từng mảnh” và “bị giam vào ngục tối, xiềng xích tay chân, sẽ được giải thoát”. Ðây chính  là những nạn tai mà Tôn Kính Ðức, Vương Huyền Mô, và Lư Cảnh Vu mắc phải. Ngoài ra, một số mẫu chuyện được thêm vào trong bộ sưu tập này phần nào tương tự như trường hợp xảy ra cho ba nhân vật nói trên. Cũng giống như những kinh điển mà chúng ta đã biết, những mẩu chuyện về phép lạ này cũng đã mô tả chi tiết tỉ mỉ với đầy đủ tên tuổi của người được cứu nạn. Ðể chứng tỏ rằng mình không bịa chuyện, tác giả đã cẩn thận nêu rõ nguồn gốc của những câu chuyện này. Hơn thế nữa, một ngàn biến thường là con số tiêu chuẩn được yêu cầu phải trì tụng nếu muốn đạt đến kết quả.

Thông thường giới tăng sĩ Phật giáo được xem như là những người bảo vệ sự chính thống của kinh điển và hay chỉ trích lên án bất cứ ai tạo ra những kinh điển bản địa. Ðây là vị thế thông thường của những nhà kết tập mục lục kinh điển Phật giáo, tuy nhiên trong thực tế, vấn đề không phải lúc nào cũng đơn giản như vậy. Như ta đã thấy, cả hai ngài Ðạo Tuyên và Chí Bàn đã không hề đặt vấn đề về tính cách chân thực của bộ kinh Cao Vương Quán Thế Âm mà ngược lại còn làm cho nó trở nên danh tiếng. Một thí dụ có ý nghĩa khác là bộ kinh này cũng đã được chọn để khắc vào hang động tại Phòng Sơn. Kiriya (1990) đã lưu ý chúng ta về một sự kiện khá thích thú là nội dung của bản kinh này đã được khắc hai lần vào các hang động khác nhau. Thứ nhất là Ðộng Lôi Âm, vào năm 616, một trong tám bản khắc sớm nhất do Tĩnh Uyển, nhà sư mở đầu cho dự án khắc kinh vào đá tại Phòng Sơn thực hiện. Có tất cả mười chín bộ kinh đã được khắc trên 146 mảnh đá mỏng, trong số này bảy mươi sáu mảnh, tức là hơn phân nữa,  khắc những kinh điển thuộc truyền thống Pháp Hoa. Cao Vương Quán Thế Âm Kinh là một trong những bộ kinh này. Số còn lại là các bộ kinh Duy Ma Cật, Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Ða, và Kinh Thắng Man (Srimala,) tất cả đều là những bộ kinh Ðại thừa “chính thống” (Kiriya 1990:28, 64). Thế cho nên khi nhà sư Tĩnh Uyển tin rằng thời kỳ Mạt Pháp đã đến và trong ý hướng muốn bảo tồn kinh điển Phật giáo cho những thế hệ tương lai, ông đã chọn cho khắc bộ “ngụy kinh” này cùng với các kinh điển khác. Cũng giống như thái độ của các ngài Ðạo Tuyên và Chí Bàn trước đây, Tĩnh Uyển đã không mảy may kỳ thị về xuất xứ đáng ngờ của bộ kinh này. Ðây là một chứng cớ cho thấy bộ kinh này có thể đã rất phổ biến trong thời kỳ tiền bán thế kỷ thứ bảy. Một sự kiện khác mà ta không thể không lưu ý là bộ kinh này có xuất xứ từ Hồ Bắc, quê hương của nhà Ðông Ngụy và Bắc Tề nơi mà Cao Hoan và giòng tộc của ông nắm quyền cai trị do đó mới được lựa chọn trong dự án khắc kinh tại Phòng Sơn. Những đỡ đầu, hậu thuẩn chính trị đương nhiên đóng một vai trò quan trọng trong việc sáng tạo và phổ biến nguồn kinh điển bản địa.

 

Hai Bộ Kinh Mật Chú Phổ Thông Kể Từ đời Ðường

Trong khi thảo luận về năm bản Cao Vương Quán Thế Âm Kinh còn lưu hành, chúng ta có lưu ý rằng hai bộ kinh trong số này, một tại Ðôn Hoàng và một trong bộ Ðại Chính Tân Tu Ðại Tạng Kinh đều có chứa đựng những câu thần chú. Trong số những kinh điển bản địa tuyên xưng Bồ Tát Quán Âm được đề cập đến trong phần này sẽ tập trung nhấn mạnh về thần chú, một bộ phận không thể tách rời trong truyền thống kinh điển Phật giáo Mật Tông. Mật Tông tại Trung quốc được thiết lập dưới thời Ðường bởi ba vị đại Tăng, Thiện Vô Úy (Subhakarasimha, 636-735), Chin Kang Chih (Kim Cương Bồ Ðề, Vajrabodhi 670-741) và Bất Không (Amoghavajra 705-774), những người đã tuyển dịch một số lượng lớn kinh điển Mật giáo sang Hán văn  đồng thời thiết định những quy luật liên quan đến Mật giáo. Trong số ba vị này, quan trọng hơn cả là ngài Bất Không Kim Cương, người được sự hậu thuẩn mạnh mẽ của ba vị Hoàng đế  Huyền Tông, Túc Tông và Thái Tông. Giống như tất cả những hành giả Mật tông, ngài đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc trì tụng và đeo giữ thần chú ở trong người. Cụ thể như Ngài đã tặng Hoàng đế Túc Tông một thần chú do mình phiên dịch vào năm 758 và yêu cầu nhà vua phải luôn luôn mang theo thần chú này trong mình. Ðây chính là thần chú Đại Tùy Cầu Đà La Ni mà một bản khắc gỗ đã được khám phá tại Ðộng số 17, Ðôn Hoàng. Bản khắc này đề ngày hai mươi lăm tháng sáu, năm thứ năm của niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (980) của thời Bắc Tống, miêu tả Đại Tùy Cầu, một thể dạng Mật tông của Quán Âm, đang ngồi ở trong một vòng tròn lớn, trên tám cánh tay của Ngài mang những vũ khí và các dụng cụ tùy thân. Những từ Phạn ngữ cũng được viết ở trong vòng tròn này và ở phía dưới là nội dung bản kinh bằng tiếng Trung Hoa cùng với lời hứa hẹn những lợi lạc sẽ đạt được do việc trì tụng thần chú này. Tên tuổi của những người ấn tống và người khắc cũng được thấy rất rõ ràng (Whitfield and Farrer 1990:106-7). Vào năm 763, nhân dịp sinh nhật Thái Tông, ngài Bất Không lại tặng vua một bộ thần chú khác mà ông mới vừa phiên dịch. Cũng vậy, bộ thần chú này hứa hẹn người trì tụng sẽ đạt được những điều mong ước. Hoàng Ðế Thái Tông đã ra lệnh cho Tăng Ni trong khắp nước phải học thuộc lòng thần chú này trong vòng một tháng và trì tụng hai mươi mốt biến mỗi ngày và cứ đến ngày đầu năm mỗi người phải báo cho vua biết số lượng thần chú mà mình đã trì tụng trong năm qua. Hoàng Ðế cũng đồng thời ra lệnh cho dựng lên những trụ đá khắc thần chú này trên khắp cả nước. (Ch'en 1964:325-26).

Trong chương trước, chúng ta đã có dịp biết qua một số những kinh điển Mật tông quan trọng xiển dương việc trì tụng thần chú. Tất cả những bộ kinh này có thể được xem như là những khuôn mẫu hay ít ra là những gợi ý cho những tác giả sáng tác kinh điển chân ngôn của người bản địa mà chúng ta đang thảo luận trong phần này. Tuy nhiên giữa hai loại kinh này có một điểm khác biệt cần lưu ý, kinh điển chính thống thường mô tả việc trì tụng thần chú phải  tuân theo một nghi lễ nhất định: được thực hiện trước tôn tượng của Bồ Tát Quán Âm và là một bộ phận trong số những chuẩn bị khác như thanh tịnh hoá, tuyệt thực, tế lửa hoặc các nghi lễ mật tông khác. Trong khi đó yêu cầu duy nhất của kinh bản địa chỉ là trì tụng thần chú.

Không giống với ba bộ kinh bản địa vừa đề cập mà các tựa đề đều có ghi lại trong các cuốn Mục Lục kinh điển, tất cả những nội dung của các bộ thần chú được nói đến trong phần này đã không được đề cập đến trong bất kỳ cuốn mục lục nào. Bộ thần chú thứ nhất gồm ba phẩm có thể khẳng định mà không sợ sai lầm là đã được phiên dịch vào đời Ðường. Thực vậy, trong số những thủ bản do Paul Pelliot mang ra ánh sáng từ hang động được niêm phong số 17 nổi tiếng tại Ðôn Hoàng vào năm 1907, đã có hai bản sao chép viết tay bộ kinh thần chú này vào khoảng đầu thế kỷ thứ mười một (P 3916). (10). Một chỉ dấu khác về tính cách phổ thông đại chúng của bộ kinh thần chú này  trong thế kỷ thứ mười một là do một khám phá bất ngờ hai bản sao chép viết tay vào năm 1974 được dấu kín cùng với các kinh điển khác trong kho chứa tượng Phật Thích Ca Mâu Ni chính trên lầu bốn của một ngôi chùa gỗ tại Ngưỡng Quận (?), tỉnh Sơn Tây. Ðây là chùa Thích Ca Mâu Ni thuộc tu viện Buddha Palace được xây dựng vào năm 1056 dưới thời Liêu (11). Mặt trước của bản khắc gỗ đã in bản sao chép của bộ kinh này có niên đại vào năm 1102 được xuất bản trong bộ Tuyển Tập Những Bản In Khắc Gỗ Cổ Ðại Trung Quốc của Trịnh Chấn Đạc. Bên cạnh bản chép tay được phát hiện tại Ðài Bắc và những bản in gỗ được tìm thấy tại Bắc Kinh, một số những bản sao chép khác cũng đang được lưu giữ tại các Bảo Tàng Viện Sackler tại Ðại Học Harvard và Bảo Tàng Viện Mỹ Thuật Indianapolis. Một điều rất hiển nhiên là bản kinh bản địa này đã được phổ biến rất rộng rãi ít nhất là kể từ thế kỷ thứ mười một.

Bản chân ngôn kinh thứ nhất được mở đầu với lời Bồ Tát Quán Âm bạch Phật, “Tôi sẽ dạy cho tất cả chúng sanh đau khổ những nghi qũy của Vô Ngại Tự Tại Ngũ Trí Tâm Ngưỡng Đại Đà La Ni Kinh có thể bảo vệ họ trước mọi tai họa, cứu vớt họ khỏi mọi khổ đau và thoả mãn tất cả những mong cầu của họ. Một khi nghe qua thần chú này, hết thảy mọi tội lỗi đều được tiêu trừ: tội lỗi khinh mạn Tam Bảo, Thầy Tổ, cha mẹ; tội lỗi sát sanh gây ra do tiệc tùng đám cưới hay ngày đầy tháng của con cái. Mặc dầu những tội lỗi này thông thường ai phạm phải sẽ bị đọa vào A Tỳ địa ngục, nhưng nếu được người sao chép thần chú này và tụng đọc hàng ngày trước tôn tượng Phật, cúng dường hương hoa, người đó sẽ tránh được nghiệp báo này. Thực hành những nghi qũy này còn được nhiều lợi lạc hơn thế nữa, bởi vì trước giờ lâm tử, người đó sẽ được chư Bồ Tát từ mười phương đến viếng và chúc mừng. Các Ngài sẽ xoa đảnh ngươi với cánh tay vàng mà nói rằng: ‘Thiện nam tử (hay Thiện nữ nhân), khi ngươi tái sanh vào cõi Tịnh Ðộ, chúng ta sẽ hỗ trợ bảo bọc ngươi như chính con mắt mình với lòng thương yêu bất tận’”.

Bản kinh này cũng rao truyền một thông điệp đặc biệt cho nữ giới: Tất cả phụ nữ nếu vì nhàm chán thân nữ và muốn tái sanh thành người nam nên nhờ người viết và thờ thần chú này trước tôn tượng Phật, “Ngày ngày cúng dường hương hoa không được gián đoạn. Khi ngươi chết lập tức sẽ được tái sanh vào cõi Tây Phương Cực lạc dễ dàng như kẻ nam tử duỗi cánh tay. Ngươi sẽ thấy mình ngồi trên toà sen, bao quanh bởi những thiên nữ luôn luôn làm đẹp lòng ngươi”.

Bản kinh cũng hứa hẹn sẽ bảo hộ cho kẻ hành trì không bị mất mát tiền bạc, ác mộng, và mắc phải những chứng bệnh kinh niên. Kim Cương Mật Tích đồng thời cũng sẽ bảo vệ nhà cửa cho kẻ hành trì không bị ma qủy quấy phá. Và cuối cùng, hành giả được đoan chắc là sẽ trông thấy Bồ Tát Quán Âm hiện ra nếu y tìm đến một chỗ yên lặng thanh tịnh và tụng thần chú này từ một đến bảy biến. Khi điều này xảy ra, hành giả đồng thời cũng sẽ được thấy kim thân của Phật và hoan hỷ đón nhận những phước lành của một vị chuyển luân vương.

Bản kinh bao gồm ba phẩm ngắn, duy chỉ có phẩm thứ nhất là có thần chú. Khoảng phân nửa thần chú này có nội dung tương tự như trong Thiên Thủ Kinh. Ðây không phải là chuyện ngẫu nhiên mà chắc chắn phải là một sự sao chép cố ý và nếu như ta muốn tìm hiểu cho đến cùng thì  cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy nội dung của phần còn lại có thể cũng đã được sao chép lại từ những bộ thần chú khác.

Phẩm thứ hai là một đạo bùa nhằm bảo vệ sản phụ khi gặp phải sinh nở khó khăn. Người sản phụ trong lúc lâm bồn, nếu bị ma quỷ quấy nhiễu làm cho đau đớn, nên lập tức nhờ người viết giúp thần chú này cùng với đạo bùa sau đây bằng mực chu sa rồi nuốt chúng bằng nước nhang; người này sẽ lập tức sinh con trai thông minh hoặc con gái xinh đẹp. Nếu cuống nhau không chịu tách rời và sẽ gây nguy hại cho hài nhi khiến cho hoặc là đứa trẻ hay người mẹ phải chết hoặc cả hai mẹ con đều chết cả, người sản phụ cũng nên làm theo cách thức như trên. Trong trường hợp đứa con đã chết, nó cũng sẽ được trục ra và nên liệng xuống sông ngay lập tức. Sản phụ cũng được khuyên bảo là không nên ăn thịt chó, thịt lươn và chim chóc. Họ phải luôn niệm danh hiệu của Bảo Nguyệt Quán Âm Tự Tại Vương Như Lai, một vị Phật đã được đặc biệt đề cập đến trong kinh Ngũ Ấn.

Bên cạnh chuyện sinh nở, bộ kinh này cũng đưa ra những lời hướng dẫn trước giờ lâm tử. Khi có thân nhân sắp chết, hãy lấy một ít đất sạch từ hướng tây, trộn với tro đốt ra từ thần chú này để trên ngực của người hấp hối trước khi tẩm liệm. Do năng lực của thần chú này, người chết sẽ lập tức được vãng sanh về cõi Tây phương Tịnh Ðộ mà không cần phải đi qua giai đoạn bốn mươi chín ngày của thân trung ấm.  

Không công khai nói ra nhưng ta thấy những cuốn kinh bản địa này đã ẩn chứa một thách đố với truyền thống tin tưởng và hành trì của Phật giáo chính thống. Bộ kinh tuyên bố rằng, nếu bất cứ ai sao chép bộ kinh này -gồm ba bản- sẽ có công đức tương tự với người đã in ấn toàn bộ tam tạng kinh điển Phật giáo. Người ta cũng được khuyên là nên đúc tôn tượng chư Phật thếp vàng như là những phẩm vật cúng dường cho những bộ kinh này. Ở đây gợi cho ta nhớ lại lời tuyên bố cho rằng Cao Vương Quán Thế Âm Kinh là siêu tuyệt hơn so với phẩm Phổ Môn. Một thí dụ tương tự như thế cũng được tìm thấy trong bộ  Phật Thuyết Quán Âm Nhập Tam Muội Kinh. Như ta đã biết, trong bộ kinh bản địa này, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được gán cho là môn đệ của Quán Âm lúc Ngài là một vị Phật có danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ đạt thành đạo quả sau khi đã trì tụng bộ kinh này trong suốt bảy ngày đêm.

Phẩm thứ ba dài nhất và mang mùi vị Trung hoa hơn cả. Cấu trúc và kiểu cách của bản kinh có màu sắc của một biến văn” hay “bảo quyển”. Trong một cung cách làm người ta nhớ lại phần mở đầu của Thỉnh Quán Thế Âm Kinh, phẩm kinh này cũng được bắt đầu với khung cảnh của một trận dịch tể kinh khủng đang hoành hành. Dân chúng trong vùng Kashmir đang nhiễm bệnh dịch này và không ai tránh khỏi cái chết sau một hay hai ngày nhiễm bệnh. Trong tình hình tuyệt vọng này thì Bồ Tát Quán Âm đã thị hiện ra dưới hình dáng của một cư sĩ áo trắng đi đến từng nhà một chữa trị cho mọi người và dạy họ chép lại ba phẩm kinh này để thờ cúng với tất cả tâm thành. Khi mọi người thực hành theo, bệnh dịch liền chấm dứt và chuyển sang những xứ khác. Phần còn lại của bản kinh nêu ra ba mẫu chuyện về phép lạ, tất cả đều có mục đích cho thấy sự linh nghiệm của Bồ Tát Quán Âm.

Câu chuyện đầu tiên mô tả một người lão niên sinh sống tại thành phố Ba La Nại. Ông ta rất giàu có và chỉ có một đứa con trai duy nhất. Khi đứa bé lên mười lăm tuổi bỗng nhiên nhuốm bệnh mà tất cả những danh y đương thời đều bó tay. Một người bạn già ở trong vùng tình cờ đến thăm và khi trông thấy tình cảnh tuyệt vọng của người cha đã hỏi lý do. Sau khi biết chuyện ông ta khuyên người cha nên chép lại ba bản kinh này trên lụa trắng rồi treo đối diện với tôn tượng Phật. Ðồng thời ông ta cũng phải thắp hương đèn lễ bái trước những phẩm kinh này để kéo dài thọ mạng của người con. Người cha theo đúng lời dạy này và kỳ diệu thay, ngay cả trước khi việc sao chép bản kinh hoàn thành, đứa con đã hoàn toàn hồi phục. Diêm Vương đã vô cùng rúng động trước phép lạ này nên vội cho quỷ sứ đến báo cho người cha biết: “Số của con ngươi chỉ sống đến mười sáu tuổi mà bây giờ nó đã mười lăm tuổi rồi. Lẽ ra nó chỉ còn sống thêm một năm nữa thôi nhưng vì người bạn tốt của ngươi đã dạy ngươi chép lại ba phẩm kinh này, thế nên thọ mạng của y được tăng lên chín mươi tuổi. Ta đến đây để báo cho ngươi biết chuyện vui mừng này.” Hai vợ chồng già vô cùng hoan hỷ, vội mở tất cả kho đụn, bán tất cả vàng bạc châu báu để làm thêm hơn một ngàn bản kinh nữa. Câu chuyện này rất giống với mẫu chuyện về phép lạ được nói đến trong kinh Thiên Nhãn Thiên Thủ Quán Thế Âm Bồ Tát Ðà La Ni Thần Chú Kinh do ngài Trí Thông dịch được đề cập đến trong Chương 2. Tác giả của phẩm kinh bản địa này đã sao chép hầu như nguyên văn câu chuyện này và thêm vào một đoạn để nối kết câu chuyện vào phẩm kinh.

Phép mầu thứ hai kể lại câu chuyện của một người phụ nữ không nói rõ xuất xứ. Bà đã luôn giữ thần chú này trong mình và hàng ngày tụng đọc những phẩm kinh này. Trong ba kiếp về trước bà đã từng đầu độc và giết chết một người. Người này đã tìm cách phục thù báo oán nên trong kiếp này đã tìm cách đầu thai làm con của bà. Trong thời gian mang thai, trong bào thai y đã cố ý làm động đến tim gan gây đau đớn cho người mẹ cũng như tìm cách để giết bà. Sau khi ra đời, y là một đứa bé rất mũm mĩm dễ thương và vâng lời cha mẹ nhưng chỉ sống được hai năm thì đột ngột qua đời. Người mẹ vô cùng đau khổ không ngớt khóc than rồi liệng xác đứa con xuống sông. Câu chuyện lại được tái diễn với một chu kỳ tương tự với các đứa con thứ hai và thứ ba. Ðến đưa con thứ ba thì người mẹ đã không còn chịu đựng nỗi sự đau khổ này nên khi mang xác con đến bờ sông, bà đứng bên bờ sông một thời gian rất lâu, không ngừng than khóc thảm thiết và không còn muốn liệng xác đứa con thân yêu xuống sông nữa. Lúc này thì Bồ Tát Quán Âm hiện ra dưới dạng một vị Tăng, bảo người mẹ: "Ðừng khóc nữa,  hỡi người đàn bà kia! Ðó không phải là con ngươi đâu mà thật ra là kẻ thù mà ngươi đã giết trong ba kiếp trước. Y đã tìm cách để giết ngươi trong ba lần, nhưng bởi vì ngươi luôn mang theo thần chú trong mình nên nó đã không hãm hại được ngươi. Nếu ngươi muốn nhìn thấy rõ nhân dạng thực sự của kẻ thù, hãy nhìn theo hướng chỉ của ngón tay ta". Nói xong, Bồ Tát Quán Âm vận dụng thần lực của Ngài chỉ vào xác chết của đứa trẻ ở trên sông, lúc này đã biến thành một ngạ qủy hung dữ, đứng trên mặt nước nói với người đàn bà rằng y đã tìm mọi cách để trả thù cho cái chết của y trước đây nhưng không thành công vì người đàn bà luôn luôn được bảo vệ suốt ngày đêm bởi những thiện thần do công lực của thần chú này mang lại. Nay Bồ Tát Quán Âm đã làm y hiện nguyên hình, y không còn nghĩ đến việc trả thù báo oán nữa. Nói xong, ngạ qủy chìm vào dòng sông và biến mất. Người đàn bà vô cùng kinh hoàng, cảm tạ Bồ Tát không hết lời. Sau khi về nhà, bà liền bán hết tất cả tư trang y phục và nhờ người thực hiện cho bà một ngàn bản kinh này để ấn tống. Từ đó bà đã thờ phượng bổn kinh này không bao giờ ngưng nghỉ và sống cho đến năm chín mươi bảy tuổi. Sau đó bà được tái sanh trở lại thành một nam nhân ở nước Đông Tấn. (Trung Quốc).

Câu chuyện này phần nào đã phản ảnh niềm tin tưởng của người Trung Hoa về những "đứa con ranh, con lộn", được gọi như vậy vì "có những đứa trẻ không phải là những đứa con bình thường mà là những hồn ma được ra đời để gây buồn khổ cho cha mẹ, có thể là để báo oán về những tội lỗi mà họ đã gây ra từ kiếp trước” (Ebrey 1993:175). Một số chuyện trong Di Kiên Chí của Hồng Mại đã được Ebrey trích dẫn cho thấy niềm tin tưởng này rất phổ biến dưới thời Tống. Những đứa con ranh, con lộn này thường gây nên những khó khăn trong lúc thai sản bằng cách túm lấy ruột gan của người mẹ, hoặc chết sớm sau khi sinh làm cho người mẹ buồn khổ. Những chi tiết này sẽ được đề cập đến trong chương nói về những mầu nhiệm của Bồ Tát.

Phép mầu sau cùng được nói đến trong kinh này xảy ra tại Trung Quốc mà những địa danh có thể kiểm chứng được. Một nho sinh vừa được bổ nhiệm vào chức huyện lệnh tại Hoan Châu (nay là Jui-yang thuộc tỉnh Hồ Nam). Vì nghèo không đủ tiền đi đường nên ông ta đã vay mượn 100 đồng tiền của chùa Phổ Quang tại Tứ Châu. Vị sư trú trì liền sai một chú tiểu đi theo ông ta đến nơi trấn nhậm để lấy lại khoản tiền nợ. Họ cùng đi chung thuyền với nhau, nhưng vào lúc đêm xuống, viên quan bỗng nổi máu tham muốn quỵt luôn tiền nợ của chùa. Y liền ra lệnh cho người nhà bỏ chú tiểu vào bị rồi liệng xuống sông. Thế nhưng chú tiểu này đã luôn giữ thần chú này từ hồi mới bảy tuổi và đi đâu cũng đều mang theo bên mình. Khi bị liệng xuống sông, chú có cảm giác như ai đó đã nâng chú lên trên không rồi khiêng chú qua khỏi một cái phòng tối. Dĩ nhiên chú không bị hề hấn gì và đã đến Hoan Châu một cách an toàn. Hai hôm sau thì vị tân quan cũng đến nơi và khi y trông thấy chú tiểu đang đứng trước công đường chờ mình thì sợ đến điếng người không còn nói năng gì được cả. Chú tiểu giải thích là mình đã được bảo hộ bởi ba phẩm kinh mang theo trong người. Vị tân quan vô cùng hối hận nên đã dùng tiền lương của mình sao chép lại một ngàn bộ kinh từ bản gốc mà chú tiểu mang theo. Ông ta để kinh tại chùa và luôn cúng dườngi hương đèn, hoa trái. Chẳng bao lâu sau thì vị tân quan này được thăng chức tri phủ cai quản cả toàn khu vực.

Những câu chuyện nói về sự linh ứng trong phẩm cuối cùng này có nội dung rất đáng ngờ. Ðây chẳng khác gì những lời của người đời sau thêm thắt vào nhằm xác nhận cho sự hiệu nghiệm của bộ kinh thần chú này. Bởi vì một điều hiển nhiên, nếu ta xem câu chuyện của chú tiểu chùa Phổ Quang là một phần của cái được gọi là phẩm thứ ba của bộ kinh thì chú không thể nào mang theo trong mình cả “ba phẩm kinh” được, khi mà phẩm thứ ba lại nói về chuyện của chú đã được cứu vớt như thế nào! Thế nhưng, một điều rất có ý nghĩa là chú tiểu trong câu chuyện đã được xác nhận là đang tu tại chùa này do sư Seng-chieh -người được xem như là hoá thân của Thập Nhất Diện Quán Âm- xây dựng dưới thời Đường (710). Tu viện Phổ Quang thường được biết đến dưới tên Phổ Quang Vương Tự, tọa lạc tại Ssu-chou (nay là Ssu-hung, Kiangsu) là một trung tâm tín ngưỡng thờ phượng Bồ Tát Quán Âm khá quan trọng.

Bây giờ chúng ta hãy đi vào nội dung của bản Bạch Y Ðại Bi Ngũ Ấn Tâm Ðà La Ni. Ðổng Kỳ Xương (Tung Ch’i-Ch’ang) đã thực hiện một bản sao chép của bộ kinh này, đồng thời một số bản khắc gỗ dưới thời Minh hiện vẫn còn tồn tại. Nội dung của bản kinh tương đối ngắn. Để giúp cho người đọc nắm rõ nội dung, sau đây là bản dịch được căn cứ vào bản in năm 1609:

Tịnh khẩu nghiệp chân ngôn:

Án tu rị tu rị, ma ha tu rị, tu tu rị, ta bà ha. 

 

Án thổ địa chân ngôn:

Nam Mô tam mãn đa, một đà nẫm, án độ rô độ rô địa vĩ, ta bà ha.

 

Kệ Khai Kinh:

Phật pháp thậm sâu rất nhiệm mầu

Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu

Con nay nghe thấy chuyên trì tụng

Nguyện giải Như Lai nghĩa nhiệm mầu

 

Khấn Cầu Thần Chú:

Con cúi đầu cung kính trước Đấng Đại Từ Đại Bi, Bà-Lô-Kiết-Đế

Đi vào thiền quán tánh nghe, (Bồ Tát) nhập tam muội

Vang lên tiếng hải triều âm,

Đáp lời kêu cầu của thế gian.

Tất cả mọi điều ước nguyện

Bồ Tát đều gia bị viên mãn.

Nhất Tâm Đảnh lễ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nhất Tâm Đảnh Lễ Đức Bổn Sư A Di Đà Phật

Nhất Tâm Đảnh Lễ Đức Bảo Nguyệt Quang Âm Tự Tại Vương Phật

Nhất Tâm Đảnh Lễ Đức Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát

Nhất Tâm Đảnh Lễ Đức Bạch Y Quán Thế Âm Bồ Tát

Tiền ấn, hậu ấn, hàng ma ấn, tâm ấn, thân ấn.

Thần Chú. Con nay trì tụng thần chú này. Nguyện cầu Đức Đại Từ Đại Bi hoá hiện gia hộ cho con. Đây là thần chú:

 

Nam mô hắt ra đát na, đá ra dạ da, nam mô a lị gia, bà lô kiết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà ha, ma ha ca lô ni ca da, án tu rị, tu rị, tô tu rị, tô tô tu rị, ta bà ha.

Nếu ngươi nhờ người khác tụng đọc thần chú này thì sự linh nghiệm cũng y như vậy.  

Theo Toshio Ebine (1986), bằng chứng văn bản sớm nhất liên quan đến bản kinh thần chú ngắn này là một tấm bia đã mòn có ghi niên kỷ vào năm 1082. Hình Bạch Y Quán Âm bồng một đứa bé trên tay đã được khắc lên tấm bia này cùng với bút tự của Ch’in Kuan (1049-1100) ghi lại nội dung bản kinh. Tấm văn bia này đã được công bố trong một cuốn sách về mỹ thuật xuất bản năm 1981, “Những Bức Tranh Nổi Tiếng về Những Hình Tượng Tuyệt Vời của Bồ Tát Quán Âm Qua Các Triều Đại”, và một bài viết của Toshio Ebine về đề tài này (1986). Thế nhưng cả hai vẫn không đưa ra được những thông tin liên quan đến lai lịch nguồn gốc của tấm bia. Tuy nhiên căn cứ vào bút tự cũng như nghệ thuật mô tả hình tượng, ta khó mà có thể nói rằng tấm bia này được tạc vào thời Tống, có lẽ là vào thời Minh hay Thanh thì đúng hơn.

Bản kinh bản địa này đã trình bày Bạch Y Quán Âm như là một vị nữ linh thần cứu sản, và như vậy, hình ảnh này thực sự cũng chẳng khác xa bao nhiêu với một “Quán Âm Tống Tử”, mang hình ảnh một người mẹ ẳm một đứa bé trai ở trên tay. Rất nhiều những bức tượng sành sứ nhỏ mang chủ đề này được biết dưới tên gọi đồ sành Te-hua đã được sản xuất tại Phúc Kiến dưới đời Thanh kể từ thế kỷ 17 trở đi hiện vẫn còn được lưu giữ, bảo tồn. Mang biệt danh “Nữ linh thần cứu hộ” bởi các nhà truyền giáo và những du khách ngoại quốc thăm viếng Trung hoa, kiểu mẫu Quán Âm này thường được xem như là một hình tượng biểu trưng cho nghệ thuật tôn giáo dân gian. Không được xác nhận qua kinh điển, văn bản cũng như nghệ thuật mô tả hình tượng, Quan Âm Tống Tử đã không được giới học giả chú ý đến. Ngược lại, Bạch Y Quán Âm là một chủ đề rất được ưa chuộng của cả giới trí thức lẫn họa sĩ thiền gia kể từ đời Tống, và được xem như là một biểu tượng đặc biệt của tranh Thiền. Tiêu biểu cho giáo lý Tánh Không trong Tâm Kinh và là biểu trưng cho sự thanh thản trầm lặng trong các cảnh giới Thiền, Bạch Y Quán Âm là một hình tượng thích hợp cho giới thiền gia trong các bức tường của tu viện cũng như ngoài đời. Thế nên chẳng là điều ngạc nhiên chút nào khi ta thấy những hình tượng kiểu mẫu này đã được bảo lưu trong rất nhiều các tự viện Nhật Bản, cụ thể như Mu-ch’i, tọa lạc tại Daitokuji, Đông Kinh. 

Như vậy, nếu ta phải chọn lựa hai hình tượng tiêu biểu cho Bồ Tát Quán Âm -một bên mang tính cách dân gian, trần tục và một bên của giới thượng lưu, trí thức- thì đó hẵn phải là một Quán Âm Tống Tử và một Bạch Y Quán Âm. Thế nhưng, cả hai hình tượng Quán Âm này đã không khác biệt nhau là mấy trong ý nghĩa như mới thoạt nhìn. Bạch Y Quán Âm đã là một đại thiền giả đồng thời cũng là một vị nữ linh thần cứu sản. Thế nên Quan Âm Tống Tử cũng chỉ là một nét biến thể của Bạch Y Quán Âm, tiêu biểu cho một săc thái khác của Bồ Tát. Như là một vị nữ linh thần cứu sản, Bồ Tát đã được thờ phượng bởi giới trí thức cũng như của cả giới phụ nữ dân giả. Hơn thế nữa, những kẻ tôn thờ Bạch Y Quán Âm như là người ban phát con trai cho họ đã nhận được quyền năng đó từ nguồn kinh điển bản địa –như là bản kinh mà chúng ta đang thảo luận-cũng như từ kinh điển chính thống như Diệu Pháp Liên Hoa. Sau rốt, chính do sự quảng bá của những kẻ nhận được ân sủng từ trong giới thức giả, những người nhờ trì tụng những kinh điển bản địa này mà được sanh con trai, hình ảnh của Bạch Y Quán Âm đã nổi bật lên như một Quán Âm Tống Tử. Sự sáng tạo nên bộ kinh bản địa này là một minh chứng cho sự phổ biến của một Bạch Y Quán Âm, một hình ảnh nữ thân mang màu sắc Trung hoa sớm nhất của Bồ Tát Avalokitesvara, mà tín ngưỡng tôn thờ ngài xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ mười.

Bạch Y Quán Âm về mặt hình tượng sẽ được thảo luận đến một cách chi tiết hơn trong Chương 6, ở đây chúng ta chỉ nói đến niềm tin tôn giáo được xây dựng chung quanh hình ảnh của vị linh thần mà cuốn kinh bản địa này đã làm nổi bật lên. Đối với tác giả của cuốn Bạch Y Ðại Bi Ngũ Ấn Tâm Ðà La Ni, Ngài trước tiên là một vị nữ linh thần cứu sản. Đã có rất nhiều những chuyện linh ứng do giới thức giả ghi chép lại về việc họ có con trai như là phép lạ xảy ra cho ngay chính bản thân họ và bạn bè thân quyến, tất cả đều được đính kèm theo trong phần phụ đính của cuốn sách như là chứng cớ cho sự linh nghiệm. Những câu chuyện này được in ngay sau phần kết thúc bài kinh và trước phần liệt kê danh tánh những người ấn tống cuốn kinh. Mặc dầu chỉ có một vài câu chuyện trong số này mang tiêu chuẩn của một bộ sưu tập về những phép mầu, đa phần không như thế. Hơn thế nữa, những nguồn thông tin loại này thường không được đưa vào trong những bộ hợp tuyển hay sưu tập pháp luận của giới trí thức vì nội dung mang tính cách rất mực riêng tư tiểu sử cá nhân của nó. Thế nên, nếu không do một tình cờ may mắn mà những câu chuyện này được lưu trữ lại, ta thật khó mà biết được khía cạnh sinh hoạt tín nguỡng của giới thức giả trong những vương triều Trung quốc trước đây.

Trong số những mẫu chuyện linh ứng được góp nhặt lại trong ba mươi lăm bản kinh mà tôi nghiên cứu tại Thư viện của Pháp Nguyên Tự, Bắc Kinh, những thời điểm sớm nhất được đề cập đến xảy ra vào thế kỷ thứ mười một, một số dưới thời Nguyên, còn đa phần đều xảy ra dưới thời Minh. Nghiên cứu phân loại những người ấn tống cho thấy bao gồm: giới nho sĩ (thành phố và tỉnh lỵ), quan toà,  các huyện lệnh, viên chức tại các học đường Khổng giáo, các nhân viên giám thị, nha lại, các chủ sự tại bộ Hình và cả những quan chức trong quân đội. Những vị phò mã cũng như các thân quyến trong hoàng gia cũng là những khuôn mặt đóng góp nổi bật. Người ta không thấy có điểm đặc biệt nào về mặt phân bố địa dư mặc dù vùng trung nguyên và miền bắc Trung quốc (thủ đô và những vùng phụ cận) là những nơi thường được đề cập đến hơn là miền nam và những vùng biên địa.

Phép lạ mở đầu những mẩu chuyện kể linh ứng trong những bản sao chép lại của cuốn kinh hầu như đã được xảy ra dưới thời Đường. Điều này cũng được dùng để giải thích về xuất xứ của cuốn kinh, được gọi một cách đơn giản là “Bạch Y Quán Thế Âm Kinh”. 

Dưới thời Đường có một nho sĩ sinh sống tại Hằng Dương (nay thuộc tỉnh Hồ Nam). Ông ta tuổi đã già những vẫn không có con trai nối giỏi nên đã chạy đi cầu khấn khấn vái khắp nơi mong cầu có được một đứa con trai. Một hôm tình cờ ông gặp một vị sư trao cho ông cuốn  Bạch Y Quán Âm Kinh và bảo rằng đây là cuốn kinh do chính Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết, hễ bất cứ ai trì tụng kinh này đều có thể thỏa mãn được tất cả những điều mong ước. Nếu ông cầu sinh con trai, ông sẽ được ban cho một đứa con thông minh và điều kỳ diệu là hài nhi sẽ được sinh ra trong một cái bọc nhau trắng. Sau đó, cả hai vợ chồng đều thành khẩn trì tụng kinh này và chỉ trong vòng vài năm họ đã sinh hạ được ba người con trai cùng một kiểu cách giống như vị sư mô tả. Khi vị quan thái thú Hằng Dương nghe được chuyện này, ông liền phát tâm ấn tống bản kinh để cầu sinh một đứa con trai. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, vị thái thú này đã được toại nguyện. (HTC 134:969) 

Trong một vài bản khác, câu chuyện chứa đựng nhiều chi tiết hơn. Cu thể như vị thái thú họ Trương tại Vũ Dương (nay thuộc tỉnh Sơn Đông) có người bà con sinh sống tại Hằng Dương đã tận mắt chứng kiến câu chuyện linh ứng này. Cả hai vợ chồng người bà con đã trì tụng bản kinh này để cầu con trai và cũng được toại nguyện. Họ liền chuyển bản kinh đến cho ông Trương và khuyên ông ta nên trì tụng thần chú này. Đó là lý do tại sao bản kinh này đã trở nên nổi tiếng (nos. 285, 289). Trong cả hai trường hợp, người ta thấy thông qua sự phổ biến của giới nho sĩ quan chức trong vòng thân cận của họ mà bản kinh thần chú đặc biệt này đã trở nên phổ cập. 

Bản kinh này cũng đã được đề cập đến vào một thời điểm được xác định khác trong mối quan hệ với một nhóm tín ngưỡng thờ phượng Bạch Y Quán Âm như là vị Quán Âm tống tử, đó là vào thế kỷ thứ 13 dưới thời Nguyên. Cũng giống như trước đây, bản kinh này đã được lưu hành trong giới thân hữu có cùng địa vị xã hội. Một điều khá thích thú là, lần này bản kinh có nguồn gốc xuất phát từ miền Nam, có thể là tỉnh Quảng Đông. Theo nội dung của một câu chuyện kể thì Vuơng Vũ, một người sinh quán tại Nam Kinh, đã trên bốn mươi tuổi mà chưa có con trai. Năm 1265, ông ta viếng thăm một người bạn họ Mã và trông thấy bản kinh này được để cung kính ở trên bàn thờ. Người bạn kể lại rằng vào dịp mùa xuân năm năm trước đây, khi đoàn quân chinh nam trở về, một trong số những tù binh miền nam trú lại tại nhà ông đã để lại cuốn kinh này. Vương liền thỉnh cuốn kinh về nhà và ngày đêm chuyên tâm trì tụng. Vào đêm rằm tháng tư năm 1267, bà vợ của ông ta nằm mộng thấy một người trong y phục trắng, đôi vương miện vàng, dẫn theo một đứa bé và bảo bà ta rằng, “Ta mang đến cho ngươi một thánh nô». Người vợ, Liu, đón nhận đứa bé và sáng hôm sau, khi thức giấc thì liền chuyển bụng hạ sanh một bé trai kháu khỉnh được bọc trong bọc nhau trắng. Họ liền đặt tên cho đứa con là Thánh Tăng Nô.

Ngay cả trong hai trường hợp này, một điều khá rõ ràng là bằng chứng cụ thể nhất về sự linh ứng của thần chú là cách thức mà hài nhi được sinh ra –“bạch y trùng bao, được bọc hai lần trong màng thóp trắng- cũng là cách thường thấy xuất hiện trong hầu hết các mẫu chuyện linh ứng. May mắn thay, cả hai câu chuyện làm cho cái thành ngữ bí ẩn này trở nên sáng tỏ, chứng tỏ cho thấy điều linh cảm ban đầu của tôi là đúng. Câu chuyện thứ nhất liên quan đến Ch’ao Yung-hsien, vị quan tả thị lang của hoàng thái tử, quê quán ở Ch’ang shu, tỉnh Giang Tô. Vợ của ông là người hết lòng tin tưởng vào bộ kinh này. Vào hôm 16 tháng 7 năm 1586, vợ ông ta hạ sinh một bé gái mà đầu, mặt, ngực, và lưng được bao trong môt cái bọc trắng như tuyết. Khi gở cái màng thóp ra, người ta có thể trông thấy rõ ràng mắt và lông mi của đứa bé. Ông này tuy đã có nhiều con trai trước đó, nhưng chỉ có đứa con gái này là mang dấu hiệu của phép mầu sinh trong “màng thóp trắng”. Đó là lý do tại sao câu chuyện này được ghi lại và phổ biến (số 291). 

Chuyện thứ hai liên hệ đến một tín đồ thuần thành đời sơ Thanh mà đứa con trai khi sinh ra đã “được bao trong một cái màng thóp trắng” (pao-i chieh pai) (Quán Thế Âm Bồ Tát Linh Cảm Lục:56a-b). Lối chơi chữ “bạch y” được dùng ở đây như là một dấu hiệu chỉ cho những kẻ sùng tín thấy rằng đứa bé chính là một tặng phẩm của Bạch Y Quán Thế Âm. Có thể niềm tin này đã làm cơ sở cho một bức họa của nhà danh hoạ Nhật Bản Kano Hogai vào năm 1888 dưới nhan đề là Từ Mẫu Quán Âm, hay qua một cái tên phổ thông  được nhiều người biết đến là Quán Âm Với Chiếc Bong Bóng. Mặc dầu trong bức tranh này Quán Âm đã được vẽ với hàng ria mép, tuy nhiên Bồ Tát đang bận một bộ y phục trắng. Trong hình, một đứa bé được bao bọc trong một cái bong bóng đang ngước nhìn lên Bồ tát Quán Âm, người đang tưới nước cam lồ lên chiếc bong bóng, có vẻ như sẵn sàng để được gởi đến cho những người đang cầu tự ở cõi thế gian. Đây là một hình ảnh minh họa khá rõ ràng cho thấy tại sao đứa bé đã được mang danh hiệu “bạch y chủng bào” trong những câu chuyện nói về sự linh ứng của Bồ Tát. Đáng tiếc là tôi đã không gặp những bức tranh tương tự như thế tại Trung Hoa, cũng như tôi không biết được người Nhật đã hiểu nội dung của bức tranh theo ý nghĩa này hay không. (14)

Một bản sao chép bộ kinh có nhan đề là “Phép Trì Tụng Kinh Điển” mang niên đại vào năm 1614 chứa đựng một mô tả khá hữu ích về cách trì tụng thần chú với nôi dung như sau: Mỗi buổi sáng, thanh lọc miệng và thân thể. Xong đốt hương và đảnh lễ. Trước tiên tụng đọc ba câu thần chú mở đầu cuốn kinh. Mỗi câu nên trì tụng 3 biến. Tiếp đến đọc bài “Kệ Khai Kinh” (một lần). Sau đó qùy xuống và tụng đọc Bạch Y Thần Chú 7, 11, 51 hay 108 biến. Một khi đã quyết định chọn lựa tụng bao nhiêu biến thì phải giữ luôn như vậy không được thay đổi hay bỏ sót lần nào. Nếu vì bận công chuyện phải đi ra ngoài thì có thể đọc thầm trong miệng. Mỗi lần trì tụng có thể cầu xin con trai, cầu nguyện một cách tổng quát hoặc cầu được kéo dài thọ mạng, tùy theo điều mình mong cầu mà hồi hướng công đức việc trì tụng kinh này đến mục tiêu đó. Nếu vì bất cứ lý do gì mà không thể tự mình trì tụng kinh này thì cũng có thể nhờ người khác tụng dọc dùm. Không nên chờ đợi kết quả đến với mình một cách nhanh chóng. Hễ càng chuyên tâm chừng nào và càng tiếp tục trì tụng trong thời gian lâu dài thì một điều chắc chắn là sẽ đạt được kết quả. Tụng thần chú này 5,084 biến thì gọi là một tạng và được coi như hoàn tất xong một công đức lớn. Hành giả có thể bắt đầu lại cho một lời nguyện cầu khác. (số 299).

Bên cạnh việc trì tụng thần chú với tất cả tâm thành, một thiện sự đòi hỏi cần làm để đền đáp ân đức của Bồ Tát trong việc giúp có con nối dõi luôn luôn được thực hiện dưới hình thức bỏ tiền ra ấn tống kinh sách phát không. Số lượng thông thường là 500 hay 1,000, và tối đa là 5,084 bản, cũng được gọi là một tạng (15). Một chứng liệu đã cung cấp cho ta một số thông tin liên quan đến những hoạt động tín ngưỡng của giới quan chức trong việc trì tụng thần chú. Đinh Hoằng, người ở huỵện Nam Dương (nay thuộc tỉnh Hồ Nam), đã vào tuổi năm mươi mà vẫn chưa có con. Ông đã cho ấn tống bản kinh này đồng thời đúc một bức tượng Quán Âm bằng sắt mạ vàng cao 16 trượng dựng ở phía nam công viên thành phố. Một viên lãnh binh, Hsin Ch’ien, vì muốn cầu tự cũng đã cho xây một ngôi miếu thờ Bạch Y Quán Âm ở phía bắc thành phố và bức tượng này sau đó đã được dời về ngôi tự viện này. Giới quan chức địa phương cũng đã mua nhiều mẫu đất tốt nhằm lấy lợi tức lo việc nhang đèn để ngôi đền thờ này có thể hoạt động lâu dài. Chẳng bao lâu sau đó thì Đinh Hoằng nằm mộng thấy một người phụ nữ mang đến cho ông ta một con cá chép trắng. Sáng hôm sau, vào ngày mồng 4 tháng chạp năm 1583, vợ ông hạ sanh một đứa con trai được bao trong một cái bọc trắng.

Khi bức tượng này được dời đi thì người chăm sóc công viên nằm mộng thấy Bồ Tát Quán Âm hiện ra với vẻ không được hài lòng. Đinh Hoằng liền cho đúc thêm một bức tượng khác giống y như cũ đồng thời mời một vị sư đến trú trì và chăm sóc bức tượng. Ông ta liền nằm mộng thấy một lão ông trong y phục trắng hiện ra có vẻ như chấp nhận việc làm này. Vào sáng hôm sau, trong khi  đang nói chuyện với một người khách đến thăm về giấc mộng đêm rồi thì bỗng nhiên có người mang đến bán một bản khắc gỗ của bản kinh. Ông liền mua ngay và cho in ra một ngàn bản để ấn tống, đồng thời mướn họa sĩ giỏi vẽ hàng trăm hình Bạch Y Quán Âm để phát không cho những người tin tưởng vào Bồ Tát. Vào tháng Tư năm 1586, Đinh Hoằng sinh thêm một đứa con trai khác. Viên lãnh binh Hsin Ch’ien, người xây dựng ngôi miếu thờ Quán Âm, lúc này cũng đã sanh được một con trai và một con gái (số 291).

Qua chứng liệu  đầy đủ chi tiết này, ta có thể hé nhìn vào cách thức mà tín ngưỡng tôn thờ Bạch Y Quán Âm với mục đích cầu tự đã được khởi phát tại khá nhiều nơi ở Trung Quốc. Họ hoặc đã truyền tay nhau bán những bản khắc gỗ bộ kinh, hoặc ấn tống kinh sách, vẽ hình, đúc tượng Bạch Y Quán Âm, cũng như cho xây dựng những am miếu tự viện để thờ phượng Ngài. Những người quảng bá tín ngưỡng này, cũng giống như những người xiễn dương nguồn kinh điển bản địa và thu thập các mẫu chuyện linh ứng, đều là những người dồi dào phương tiện và có ảnh hưởng trong quần chúng. Tín ngưỡng này hầu như độc lập đối với sự ủng hộ của triều đình. Bất cứ ai cũng có thể tụng đọc kinh điển tại nhà riêng của mình mà không cần đến những lễ nghi do giới tăng sĩ thực hiện. Vị tăng được đề cập đến trong câu chuyện vừa rồi cũng chỉ được mời đến để chăm sóc cho bức tượng trong một đền miếu tư nhân. Những bức tượng Bạch Y Quán Âm có kích thước như người thật dưới dạng Tống Tử với đứa bé trai được ẳm trong tay như những bức tượng lưu trữ tại Viện Bảo Tàng Rietburg có thể đã được tạo dựng để dâng cúng tại những đền miếu thờ phượng Ngài. Những bức tượng khác có kích thước nhỏ hơn, như là bức tượng bằng đồng mạ vàng tại Bảo Tàng Viện Mỹ Thuật Á Châu, San Francisco, có thể được tạo ra để thờ phượng tại tư gia. Đối với những người phương tiện eo hẹp hơn thì những  bức tranh khắc bản gỗ cũng được dùng với một mục đích tương tự.

Thế nhưng phải chăng những nhà Phật học chuyên môn đã không đóng vai trò nào vào việc sáng tác bản kinh này cũng như những bộ kinh bản địa khác?  Tôi ngờ rằng câu chuyện về vị tăng sĩ thời Đường, người đưa bản kinh Bạch Y cho nhà học giả Heng-Yang không phải hoàn toàn là ngụy tác. Thực ra, những vị tăng sĩ thường được đề cập đến như là những người tiết lộ nội dung của  bộ kinh này hay bộ kinh khác trong những bộ sưu tập những mẩu chuyện linh ứng liên quan đến Bồ Tát Quán Âm như trường hợp bộ Cao Vương Quán Âm Kinh. Như vậy phải chăng chính những tăng sĩ là người đã sáng tác ra những bộ kinh bản địa này và rồi những tín đồ trong giới học thức đã đem chúng ra phổ biến? Nếu quả đúng như thế thì truyền thống phân đôi giữa hai nhóm này, cũng giống như giữa trí thức và bình dân, cần phải được duyệt xét lại.  

Mặc dù những bộ kinh này không phải là những bản dịch từ nguyên bản Phạn ngữ, nhưng những kinh điển bản địa, cụ thể như những bộ kinh mà chúng tôi vừa đề cập, rõ ràng không phải là những đồ giả. Chúng chứa đựng những chi tiết nội dung được rút ra từ những kinh điển Đại thừa được mọi người biết đến. Điều này đã được nhà học giả Viên Hoàng (1533-1606), đồng thời cũng là người quảng bá những bộ sách về đạo đức, khám phá. Hơn bất cứ những ai khác, Viên Hoàng có thể là người đã đại chúng hoá việc trì tụng bộ kinh Bạch Y Quán Âm. Ông này đã ở vào tuổi bốn mươi mà vẫn chưa có con trai nên bắt đầu chuyên tâm trì tụng bộ kinh và vào năm 1580 thì có con trai đầu lòng. Khi làm công việc kết tập lại những kinh văn nhằm giúp đỡ những người có mục đích cầu tự dưới nhan đề là Kỳ Tự Chân Thuyên (Những hướng dẫn chân thực về việc cầu tự), ông đã sắp xếp bản kinh này vào những trang đầu tiên. Đồng thời ông cũng là người nhận ra rằng bộ thần chú này có nội dung tương tự như bộ thần chú trong Quán Tự Tại Bồ Tát Tùy Tâm Đà La Ni Kinh, do Trí Thông phiên dịch dưới thời Đường. Bộ thần chú này cũng đã được tin cậy bởi vị Tam Tạng Pháp Sư danh tiếng Huyền Trang, người đã vượt qua bải sa mạc hiểm nguy hành hương vào Ấn Độ trong thế kỷ thứ bảy. Bộ thần chú, theo Viên Hoàng, là một bản phiên dịch từ Phạn ngữ và đã được chứa trong tam tạng kinh điển Phật giáo, mặc dù bây giờ người ta đã không tìm thấy. 

Địch Nhữ Tắc(1548-1610) và người bạn, Nghiêm Đạo Triệt, hai nhà học giả trách nhiệm trong việc kết tập một biên niên sử về Thiền –Chỉ Nguyệt Lục- cũng là những người chuyên tâm trì tụng bộ thần chú này. Địch Nhữ Tắc đã viết một lời bạt cho bộ kinh được để vào phần cuối của ấn bản 1607. Ông đã mô tả lại việc ông cùng với một nhóm thân hữu đã trì tụng bộ thần chú này cho mục đích cầu tự như thế nào, những kinh nghiệm tâm linh mà ông đã có và lý do tại sao ông lại muốn quảng bá bộ kinh này. Tuy rằng nội dung của bản văn này tương đối dài, chúng tôi cũng dịch toàn bộ ra đây vì nó cho chúng ta có một cái nhìn khá hiếm hoi về sinh hoạt tín ngưỡng của giới học thức cao trong những triều đại trước đây, đồng thời cũng cung cấp cho ta những thông tin quan trọng về những mạng lưới trong giới văn nhân trí thức thờ phượng Bồ Tát Quán Âm.

Tôi bắt đầu trì tụng bộ thần chú này vào tháng Hai năm 1580 cùng với hai người bạn thân Li P’o-shu và Nghiêm Đạo Triệt. Không bao lâu sau đó thì Lý sanh được một đứa con trai và ba năm sau Nghiêm cũng có con trai. Chỉ có riêng mình tôi là không nhận được sự linh ứng này. Tôi thường luôn tự than trách mình vì nghiệp ác quá sâu dày nên đã không thể thành tựu được sự mong cầu như hai người bạn kia. Thế rồi vào một đêm tháng Ba năm 1583 tôi nằm mộng thấy mình đi vào một ngôi chùa và một vị tăng sĩ đến bảo tôi, “Trong khi trì tụng thần chú, ngươi đã bỏ sót tên của một vị Phật, nếu như ngươi niệm đúng danh hiệu, ngươi sẽ có con trai.” Tôi thức dậy bàng hoàng không hiểu ý nghĩa mà vị tăng nói tôi đã bỏ sót tên vị Phật nào vì tôi luôn luôn tụng niệm đầy đủ tất cả những danh hiệu trong mọi lễ lạc liên quan đến Ngài. Thế rồi vào mùa Đông năm 1585 khi có công chuyện phải đi về miền bắc, dọc đường vì con sông bị đóng băng tôi bị kẹt lại phải tạm trú tại một nhà công quán. Vào ngày 12 tháng Chạp, khi đi thăm viếng một ngôi chùa nhỏ trong vùng, tại đây tôi trông thấy bản kinh này được đặt kế bên một bức tượng Bồ Tát Quán Âm đang ngự trên một con hống, do một viên thư ký Bộ Hình cúng tặng. Tôi mở ra và đọc thấy tên của Bảo Nguyệt Quán Âm Tự Tại Vương Như Lai, một danh hiệu mà tôi chưa từng nghe trước đó, và tôi như chợt bừng tỉnh ra. Thế rồi tôi qùy xuống khấu đầu đảnh lễ Ngài. Trên đường trở về quê tôi đã chuyên tâm trì tụng danh hiệu này và chỉ ba ngày sau khi về đến nhà, đứa con trai của tôi chào đời. Thế là giấc mộng đã ứng nghiệm một cách tuyệt vời.

Vào năm 1586 tôi đến kinh đô. Ở đây cùng với Hsu Wen-ch’ing, Yu Tsung-pu và những bạn bè thân hữu khác, tất cả chúng tôi đều trì tụng bộ thần chú này cho mục đích cầu tự. Và rồi, bà vợ của Yu thụ thai sau khi nằm mộng thấy một điềm lạ. Thế là chúng tôi bàn luận với nhau về việc cho in ấn và phổ biến bộ kinh này. Trước đó thì tôi cũng đã từng tham cứu qua các bộ Nam Tạng và Bắc Tạng (hai bộ đại tạng kinh được kết tập dưới thời Minh) nhưng không thấy được liệt kê trong đó. Tôi nghĩ rằng chắc đây là một bộ chú luyện đan được bí truyền bởi các tăng sĩ ngoại quốc. Nhưng sau này Viên Hoàng cho tôi biết rằng thực ra đây là bộ thần chú vốn đã có sẵn trong bộ kinh “Thần Chú Sở Cầu Tâm Nguyện” mà hai phiên bản đã có trong Tam Tạng kinh điển. Khi biết được chuyện này, tôi đã vội vã tìm đến Long Hoa Tự để kiểm chứng lại trong bộ Tam Tạng được lưu trữ tại thư viện của chùa. Mặc dầu có một vài thay đổi trong thứ tự của nhũng câu văn cũng như một vài ngôn từ không hoàn toàn giống hệt giữa hai bản văn của Tam Tạng và bản phổ biến ngoài dân gian, nhưng tựu trung cả hai đều đảm bảo sự hiệu quả của việc trì tụng thần chú. Tôi đã có một ấn tượng vô cùng sâu đậm trước sự cảm ứng nhiệm mầu của Bồ Tát và sự linh nghiệm của những người trì tụng với tâm  thành. Bản kinh trong bộ Tam Tạng không những hứa hẹn mang lại con trai mà còn thỏa mãn tất cả những mong cầu của chúng sanh. Theo bản kinh này, thần chú chỉ nên tiết lộ cho những ai có tâm đại từ bi, còn nếu trao truyền cho người xấu thì sẽ mang lại những hậu quả khốc hại, bởi vì ác nghiệp sẽ được tạo nên do lòng thù hận nếu như họ sử dụng thần chú vào việc báo thù trả oán hay khuất phục kẻ thù. Đón nhận lời khuyến cáo này một cách sâu sắc, tôi và bạn tôi, Hsu tiên sinh, đã quyết định thay vì cho ấn tống toàn văn bản kinh trong Tam Tạng, chúng tôi chỉ cho in lại phần thần chú và những câu chuyện linh ứng về cầu tự kể cả những chuyện đã được lưu hành rộng rãi trong phiên bản này. Sau khi tắm gội sạch sẽ và nhịn ăn, Hsu đã chép lại bộ kinh và giao cho người thợ khắc bản gỗ để in ra. 

Danh từ “đà-la-ni” có nghĩa là giữ lại hoàn toàn những công đức, nói rộng ra là tích lũy công đức. Bởi lý do này mà công đức trì tụng thần chú là vô lượng vô biên. Điều này có nghĩa là Bồ Tát Quán Âm dạy cho người đời phải biết làm điều thiện. Thế nên nếu hành giả thực hiện hạnh lành thì mỗi lần y tụng đọc từng chữ của thần chú, những phước đức nhiều như cát sông Hằng sẽ lập tức đến với y; bằng ngược lại y sẽ mất đi sự cảm ứng với thần chú và dù cho có trì tụng thật nhiều thì công đức cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi không dám cho rằng mình đã thực hiện được trọn vẹn lý tưởng này, tuy nhiên tôi cùng với những người bạn đồng tu khác sẽ nỗ lực không ngừng để vươn tới. Cách nhìn chung của thế gian thường cho rằng những người bình thường hoàn toàn khác biệt hẵn với những vị thánh và họ không thể nào chuyển hoá thành một thánh nhân. Bởi vì y đã tự hạn hẹp những tiềm năng của mình lại trong cách thế như vậy, do tính khinh xuất y không thể trì tụng thần chú được. Ngược lại, nếu một người quá thiên về chủ nghĩa hư vô và cho rằng trong tánh không không hề có luật nhân quả, cũng vì tính khinh xuất như thế y không thể trì tụng thần chú. Thế nhưng khi một người nhận thức được rằng một người bình thường và một vị thánh đều có một cái tâm giống nhau không có một khác biệt nhỏ nào, y đã bước ra khỏi vòng tục đế. Cũng vậy khi một người nhận thức được rằng cái Tâm Nhất Như này có thể biểu hiện ra như kẻ bình thường hoặc thánh nhân và rõ ràng điều này chi phối bởi luật nhân quả, y đã bước ra khỏi vòng đoạn kiến. Đoạn tuyệt với hai tà kiến này và đi theo Tâm Nhất Như trong giáo hoá thế gian, đó là lúc mà y có thể trì tụng thần chú này. Giống như thụt vào ống bệ để lấy gió, đánh vào đá lửa để lấy lửa, kết quả sẽ là điều chắc chắn.

Như Địch Nhữ Tắc đã kể lại, bởi vì ban đầu ông ta đã không biết tụng niệm danh hiệu Bảo Nguyệt Quán Âm Tự Tại Vương Như Lai vì đã không biết đến cái tên này, thế nên ông ta đã không có con sớm. Đây là vị Phật nào? Như ta đã biết trước đây, Ngài đã xuất hiện trong một bô kinh bản địa khác. Đây không phải là một vị Phật giả tưởng. Ngược lại là một trong bảy vị Phật có công năng giúp tiêu trừ tật bệnh được đề cập đến trong bộ kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bản Nguyện Công Đức Kinh. Lý do mà Ngài được lựa chọn ra để tôn thờ có thể là vì trong lời nguyện thứ ba của vị Phật này là bảo vệ các sản phụ khi sinh đẻ.

Mặc dù những kinh điển bản địa đã sử dụng những chất liệu rút ra từ kinh điển truyền thống, thế nhưng họ cũng phải tìm một cách thế diễn tả cho phù hợp với cảm quan văn hoá và những điều nhạy cảm của người Trung quốc mới có thể tạo nên một hấp lực rộng rãi, như đối với trường hợp hình tượng Quán Âm. Trong phần phân tích cuối cùng, sự sáng tạo những kinh điển bản địa, cũng giống như việc sáng tạo những thể dạng khác nhau về Bồ Tát cụ thể  như Thủy Nguyệt Quán Âm, Bạch Y Quán Âm, cũng như việc lựa chọn những thắng địa linh thiêng trên đất nước mình để làm trú xứ cho những vị linh thần quan trọng của Phật giáo chẳng hạn như bốn trung tâm hành hương lớn tại Trung quốc (xem chương 6 và 9), tất cả đều là những bước đi cần thiết trong tiến trình biến đổi và bản địa hoá Phật giáo. Để làm điều này, những vị hoàng đế (và hoàng hậu), thứ dân, tăng sĩ, nho sĩ, giới thượng lưu cũng như bình dân tất cả hầu như đều có góp phần vào.

 

Hai Bộ Kinh Bản Địa Được Xem Như

Công Trình của Các Bà Hoàng Hậu Thời Minh

Quả thật rất khó, nếu không nói là không thể nào xác định được vấn đề tác giả và thời điểm sáng tác của những bộ kinh bản địa vừa được đề cập. Lý do tại sao thì cũng chẳng có gì là khó hiểu. Bởi vì những người sáng tạo ra những bộ kinh này muốn chúng được truyền lưu ra như là những bộ kinh thật, thế nên sẽ không ngạc nhiên khi người ta phủ lên chúng một bức màn bí mật. Vì lý do này mà hai bộ kinh bản địa được xem như do hai bà hoàng hậu thời Minh là tác giả khi cho rằng mình đã được trao truyền trong giấc mơ rất đáng được chúng ta lưu ý bởi vì chúng có thể chiếu dọi một vài ánh sáng vào những tình huống bao quanh việc sáng tác những bộ kinh bản địa.

Bộ kinh đầu tiên có tên là Đại Minh Nhân Hiếu Hoàng Hậu Mộng Cảm Phật Thuyết Đệ Nhất Hi Hữu Đại Công Đức Kinh (Bộ kinh về đại công đức hiếm có do Phật thuyết cho Hoàng hậu Nhân Hiếu của nhà Đại Minh trong giấc mơ). Bộ kinh này đã được đưa vào Hán tạng kết tập dưới thời Minh (HTC 1). Hoàng hậu Nhân Hiếu (1361-1407) là phu nhân của Hoàng đế Vĩnh Lạc, được biết là một người rất yêu chuộng văn chương, có tiếng tăm trong giới văn học với tác phẩm Cổ Kim Liệt Nữ Truyện (Tiểu sử những danh nhân phụ nữ từ xưa đến nay). Bà cũng là người bảo trợ cho việc kết tập các tác phẩm Nội Huấn và Khuyến Thiện Thư (Khuyên Làm Lành). Mayumi Yoshida (1998) đã đưa ra luận chứng khá thuyết phục cho rằng bà hoàng hậu đã dùng những tác phẩm có tính cách giáo dục này để chính thống hoá việc cầm quyền của chồng mình, hoàng đế Vĩnh Lạc. Không phải là không có lý do khiến Vĩnh Lạc muốn mình được xem như là một người cổ vũ cho những giá trị đạo đức, bởi vì ông là người đã truất phế cháu mình -Huệ đế, người kế vị chính thức của vị vua sáng lập triều Minh, Minh Thái Tổ- để chiếm ngôi và chính thức lên ngôi hoàng đế vào năm 1403, chỉ ba năm sau khi Huệ đế bị truất phế. Bà hoàng hậu đã đề cập đến sự đổi thay chính trị này mà sự thực là tuyên dương sự thành công của chồng mình do sự tiết lộ cuốn kinh này mà được bảo vệ.  

Trong một bài giới thiệu khá dài có ghi niên đại vào năm 1403, tức là năm mà phu quân của mình lên ngôi hoàng đế, bà đã giải thích xuất xứ của bộ kinh này. Bà kể lại rằng vào một đêm tháng giêng năm Hồng Võ thứ 31 (1398) sau khi đã đốt nhang và thiền định, bà còn đang đọc kinh trong phòng riêng của mình thì đột nhiên một luồng ánh sáng vàng tía tràn ngập cả căn phòng và rồi bà như chìm ngập vào một giấc mơ với sự xuất hiện của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm ở trong luồng ánh sáng này. Bà liền đứng dậy đón chào Bồ Tát và được hướng dẫn đi du hành cùng Ngài. Đứng trên một đóa sen ngàn cánh, tay cầm một xâu chuổi thất bảo, Bồ Tát bước đi trước và bà nối gót theo sau. Họ đi xuyên qua những đám mây ngũ sắc, vượt qua một chiếc cầu có tên là “Trí Tuệ” rồi bước vào một cảnh giới thánh hoá được đánh dấu bằng một cánh cổng có tấm bảng mang chữ vàng “Đệ Nhất Bồ Đề Đạo Tràng của Linh Thứu Sơn”. Sau khi đi qua khỏi cổng, bà nhận thấy những con đường ở đây đều được lót bằng vàng, cẩm thạch, san hô, hổ phách và những đồ trân châu khác. Có vô số những cây qúy và những loài chim hiếm cất tiếng hót lên những bài diệu pháp. Những đồng nam và đồng nữ tới lui nhộn nhịp cúng dường chư Phật và chư Bồ Tát. Bà vô cùng sửng sốt trước quang cảnh diệu kỳ này và tự hỏi không biết là mình đã tích lũy được những công đức gì trong những kiếp trước mà hôm nay lại có được diễm phúc như vậy. 

Như đọc được ý tưởng của bà, Bồ Tát mĩm cười cho biết đây chính là nơi mà Đức Phật Thích Ca đã từng giảng pháp. Chưa hề có bất cứ ai trong tất cả những kiếp đời nào đã có được cơ hội đặt chân đến đây. Tuy nhiên bởi vì bà hoàng hậu là người đã chứng đắc giác ngộ trong kiếp trước nên nay được ưu tiên chọn để trao truyền bộ kinh Phật Thuyết Đệ Nhất Hi Hữu Đại Công Đức Kinh, và hơn thế nữa bà sắp sẽ phải đối đầu với một thảm họa gần kề. Bộ kinh này được tuyên xưng là vượt trội hơn tất cả những bộ kinh khác và có thể cứu con người ra khỏi tất cả mọi thảm trạng. Nếu một người tinh tấn chuyên tâm trì tụng bộ kinh này trong vòng một năm y sẽ đạt đến quả nhập dòng thánh lưu; trong hai năm đạt quả nhất hoàn; trong ba năm đạt quả bất hoàn; trong bốn năm đạt quả a-la-hán; trong năm năm đạt quả vị Bồ Tát, và trong sáu năm đạt thành Phật quả. Rồi Bồ Tát lấy nước cam lồ tưới lên đầu bà để tẩy sạch tâm bà một cách hoàn toàn. Sau đó, Bồ Tát Quán Âm đưa cho bà một cuốn kinh -tức là cuốn kinh này- mà sau khi đọc qua một lần bà có thể hiểu được ý nghĩa tổng quát của bộ kinh. Đọc qua đến lần thứ hai thì bà hiểu được trọn vẹn ý nghĩa, và đến lần thứ ba thì thuộc nằm lòng toàn thể bộ kinh. Đến đây Bồ Tát Quán Âm hẹn với bà là sẽ gặp lại nhau trong vòng mười năm nữa. Trong khi bà hoàng hậu đang cố gắng nói thêm một điều gì đó thì chợt thức giấc vì tiếng ồn của những cung nữ. Bà liền lập tức lấy giấy bút ghi lại từng chữ, từng câu thần chú đã được Bồ Tát tiết lộ với bà trong giấc mơ. Trong suốt thời gian bốn năm gặp khổ nạn –mà bà gọi là những năm  32-35 của niên hiệu Hồng Võ thay vì những năm 1-4 thuộc niên hiệu Chien-wen (1399-1402)- dưới triều Huệ đế, bà đã không ngừng trì tụng bộ kinh này hàng ngày và nhờ đó đã vượt qua tất cả mọi nỗi lo lắng sợ hãi. Bây giờ một lần nữa thái bình đã trở lại, bà không còn muốn giữ bộ kinh quý báu này cho lợi lạc của riêng mình mà muốn đem ra chia xẻ với tất cả mọi người bằng cách cho ấn tống và phát hành rộng rãi. 

Bộ kinh gồm hai phẩm. Phẩm thứ nhất ngắn hơn, khoảng bốn trang giấy in. Phẩm này nói về bản tánh của tâm và thiên nhiên, tương tự với quan điểm được trình bày trong những kinh sách Đại thừa khác như Lăng Nghiêm, Viên Giác, hai bộ kinh được giới thiền gia và trí thức dưới các triều đại trước đây ưa chuộng. Để trả lời cho những câu hỏi của Xá Lợi Phất liên quan đến việc làm thế nào để hiểu được thực tánh của tâm và thiên nhiên, và bằng cách nào để hiểu được tánh không, Đức Phật đã tuyên thuyết với đại chúng rằng, “*”

Phẩm thứ hai dài gần gấp đôi, khoảng sáu trang giấy in, bao gồm những thần chú do các vị Bồ Tát tuyên thuyết. Rõ ràng đây chính là thông điệp trung tâm của bộ kinh. Người đọc được khuyến khích nên trì tụng bộ kinh và thần chú này. Việc chuyên tâm trì tụng sẽ giúp cho hành giả thuần thành giải thoát khỏi tất cả mọi lo lắng phiền não, khổ đau. Nó sẽ cứu thoát con người ra khỏi những đại nạn về lửa, nước, cướp bóc, thuốc độc, và ác thú. Nó sẽ giúp giải thoát cho cửu huyền thất tổ đã quá vãng. Nó sẽ mang lại những đứa con trai thông minh cho những ai cầu tự. Nó sẽ bảo vệ cho ta không bị đọa xuống địa ngục A Tỳ. Và cuối cùng, “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào dù chỉ tụng đọc một câu, một bài kệ, hay một bài thần chú của bộ kinh này sẽ hưởng được nhiều lợi lạc và công đức vô lượng.” (HTC I:693). Những ý tưởng này người ta có thể tìm thấy xuất xứ một cách dễ dàng trong Thỉnh Quán Âm Kinh, Thiên Thủ Kinh, và Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh, cũng như trong những kinh sách Đại Thừa chính thống khác. 

Có nên xem những bộ kinh được trao truyền qua giấc mơ là khả tín hay không, đó là vấn đề đã từng được đem ra tranh luận rất sớm giữa những người soạn thảo các bộ sưu tập. Như ta đã từng biết, trước đây đã có quan điểm khác biệt giữa Tăng Hữu và Phí Tràng Phòng liên quan đến 21 phẩm kinh của Ni Tử nhận được trong giấc mơ. Tuy nhiên dưới con mắt của Nhân Hiếu hoàng hậu cũng như những người đương thời thì câu hỏi này không hề được đặt ra, bởi vì nếu như có vấn đề thì cuốn kinh này đã không được đưa vào đại tạng. Bộ kinh đã cho ta một hình ảnh thống nhất, và có thể nói là nó như đã hiện hữu ở trong cõi Phật. Trong giấc mơ, Bồ Tát Quán Âm đã trao truyền cuốn kinh này cho bà hoàng hậu nhưng không đọc ra từng lời như trong Kinh Cao Vương. Điều này có thể là do ảnh hưởng bởi truyền thống cựu phái gTerma (Báu Vật) của Phật giáo Tây Tạng. Chúng ta biết rằng Hoàng đế Vĩnh Lạc là một tín đồ thuần thành của Lạt Ma giáo Tây Tạng mà ông đã thừa hưởng được dưới thời Nguyên. Những động cơ thúc đẩy ông tôn sùng Lạt Ma giáo có thể là vừa cả lý do niềm tin tôn giáo lẫn chính trị. Trước đây vua Thái Tổ đã ban tặng phẩm hàm Quốc Sư cho bốn vị thầy dạy đạo của triều đình thời Nguyên. Hoàng đế Vĩnh Lạc đã nâng cao uy tín lẫn thế lực của những vị Lạt ma Tây Tạng. Trong thời ông, ông đã ban tặng năm tước Vương, bốn Pháp Vương, hai Tây Thiên Phật Tử, chín “Quán Đảnh Đại Quốc Sư”, và mười tám vị “Quán Đảnh Quốc Sư” (Minh Sử:331). Năm vị Vương không phải chỉ là những phẩm hàm tôn giáo có tính cách danh dự mà họ đã được ban tặng cả thái ấp và trong thực tế không có gì khác biệt lắm về những quyền hành thế tục. Lạt Ma giáo Tây Tạng đã ảnh hưởng sâu đậm đối với triều đình nhà Minh và đó là điều cần phải được lưu ý bởi vậy quả là điều dễ dàng cho bà Nhân Hiếu hoàng hậu đã đưa một vài quan điểm của  Lạt Ma giáo vào trong những bộ kinh điển này.

Truyền thống cựu phái “Báu Vật” -dấu kín, cất giữ kinh sách, bí kíp trong một chỗ bí mật để chỉ được khám phá ra lúc cơ duyên chín mùi- tại Tây Tạng được đại diện bởi Ninh Mã phái (Nyingmapa), một truyền thống lâu đời bắt nguồn từ thế kỷ thứ 11 và có liên hệ mật thiết với ngài Liên Hoa Sanh, người đã mang Phật giáo truyền vào Tây Tạng từ thế kỷ thứ 8. Những kinh điển thuộc truyền thống “Báu Vật” được khám phá và giải mả bởi những cá nhân đặc biệt, gọi là “người khám phá báu vật”. Họlà những người mà theo sự tin tưởng là được chọn lựa bởi ngài Liên Hoa Sanh, cũng là người cất dấu những kinh điển này trong những thế kỷ trước để cho người đời sau khám phá. Người ta phân chia ra hai loại báu vật chính: “Trước tiên là ‘Địa Báu’ (sa-gter) tức là những vật cụ thể, không hẵn hoàn toàn là kinh sách nhưng cũng có thể là những vật dụng dùng trong nghi lễ, được công khai hoá là tìm kiếm ra tại một địa điểm cụ thể nào đó: dưới lòng đất, sườn núi, trong một bức tượng, hay là trong một cấu trúc nào đó như một cột trụ chẳng hạn. Một loại Báu Vật khác được gọi là ‘Tâm Báu’ (dgongs-ter), được cho là cất dấu trong ký ức của người khám phá; những loại này chỉ có thể tiếp cận được kinh qua thực chứng mộng tưởng.”  (Gyatso 1998:147) Mặc dầu tôi ngờ rằng truyền thống Báu Vật của Phật Giáo Tây Tạng có thể đã có ảnh huởng trực tiếp trong việc sáng tạo những kinh điển bản địa dưới thời Minh, nhưng không hẵn chỉ có một chiều như thế. Janet Gyatso, người nghiên cứu sâu rộng về truyền thống Báu Vật cho thấy là đã có những kiểu cách tương tự cũng như những ảnh hưởng cụ thể bắt nguồn từ những truyền thuyết Lão giáo xa xưa liên quan đến những kinh sách được gọi là Linh Bảo trong truyền thống Lão giáo. Giống như những kinh sách nổi tiếng do những người “khám phá báu vật” tìm ra được viết bằng ngôn ngữ dakini, những vị tiên trên thiên giới cũng có những bí kíp được viết ra bằng ngôn ngữ cõi trên và dấu kín trong những hộp tráp mà chỉ có những nhà luyện đan lão luyện của Lão giáo khám phá ra sau này (Bokenkamp 1986). Tuy nhiên, như đã được đề cập đến trong Chương I, không phải chỉ có Linh Bảo, mà ngay cả phái Thiên Sư Đạo  cũng như những truyền thống Thượng Thanh tất cả đều hãnh diện cho rằng những kinh sách được truyền lại của giáo phái mình đều do những vị đế quân hay tiên trưởng đọc hay tiết lộ vì lợi ích của tín đồ. Quả là điều khó khăn khi xác định đúng đắn các đầu mối liên hệ giữa những bí kíp của Lão giáo, những kinh văn thuộc phái “Báu Vật” của Lạt Ma giáo Tây Tạng cùng những kinh điển của người bản địa Trung Hoa, một điều khá quan trọng mà chúng ta cần nên lưu ý là chắc chắn giữa chúng đã có một mối liên hệ khá mật thiết.

Cuốn kinh bản địa thứ hai được sáng tác dưới thời Minh được xem như do bà Lý Thái hậu (Dowager Li), thân mẫu của Hoàng đế Vạn Lịch tiết lộ qua một giấc mơ. Nhan đề của bộ kinh là  Phật Thuyết Đại Từ Chí Thánh Cửu Liên Bồ Tát Hoá Thân Cứu Thế Tôn Kinh. Bản kinh hiện còn tồn tại đã do con của bà, hoàng đế, ấn tống  vào năm 1616, hai năm sau khi bà qua đời. Theo bản hồi hướng công đức  ở cuối bản kinh, vị hoàng đế đã cho in một tạng -5,084 bản- để vinh danh mẹ. Song song với việc này, cũng cùng năm đó, hoàng đế đã cho in một bộ kinh khác của Lão giáo hiện còn tồn tại mà nhan đề đồng thời cũng liên hệ đến cái danh hiệu đặc biệt “Cửu Liên” (Chou 1985:310) (16). Cả bà Lý thái hậu lẫn vị Hoàng đế con mình đều đã quảng bá cho tín ngưỡng tôn thờ Cửu Liên Bồ Tát mà bà được xem như là hoá thân của vị Bồ Tát này. 

Giấc mơ của bà Lý Thái hậu như đã được báo trước bởi những đóa sen nở rộ báo điềm lành vào ngày 7 tháng 7 năm 1586 trong cung điện của bà. Hai ngày sau, vào ngày mùng chín, lại có thêm những đóa sen nở rộ bất thường trong cung điện. Hoàng đế Vạn Lịch  rất hài lòng và ra lệnh thái giám cho mời quan chức trong triều đến thưởng hoa và làm thơ vịnh cảnh. Năm sau bà nhận được bộ kinh trao truyền qua giấc mơ. Để kỷ niệm biến cố này, Hoàng đế Vạn Lịch đã cho dựng lên một tấm bia tại Thánh Thọ Tự, thủ đô Bắc Kinh, mặt trước cho khắc hình ảnh “Thánh Mẫu Cửu Liên” còn phía sau là những bài “Thơ Vịnh Hoa Sen Hiếm Qúy”. Bài văn tán đã tuyên xưng rằng vì lòng nhân đức và từ bi của mẫu hậu đã làm cảm động đến Trời Phật nên thượng giới đã gởi xuống cho bà những đóa sen lành.

Để kỷ niệm sự kiện may mắn này và lưu dấu lại cho những thế hệ đời sau, một bức hình của vị “Đại Sĩ” (Quán Âm) đã được cho khắc vào đá. Bằng cách để hình ảnh của thân mẫu mình, người được tôn xưng là “Thánh Mẫu Cửu Liên” vào mặt trước và mặt sau là bài văn tán ca ngợi Bồ Tát Quán Âm, vị Hoàng đế đã khôn ngoan chỉ ra cho mọi người thấy rằng thân mẫu của mình chính là Cửu Liên Bồ Tát, một hoá thân của Bồ Tát Quán Âm. Hai tấm bia khác cũng được dựng lên sau đó, một cái tại Thánh An Tự vào năm 1589, và một cái khác tại Từ Ân Tự vào năm 1594. Tất cả ba tấm bia này hiện vẫn còn tồn tại. Trong tấm bia 1587 chẳng hạn, Bồ Tát đã được vẽ hoàn toàn giống  với hình ảnh Bạch Y Quán Âm, đang đứng một cách nhàn nhã trên ban-công, nhìn xuống ao nước ở phía dưới trong đó có 9 bông sen, hai trắng và bảy hồng, đang nở rộ. Sau lưng Bồ Tát là những cây trúc qúy, trên cành có một con chim vẹt trắng đang đậu. Phía bên phải của Ngài là một cái bình đựng những cành dương liễu được đặt trên một chiếc đài sen. Phía góc trái ở bên dưới là hình ảnh của Thiện Tài đồng tử cầu đạo đang chắp tay đảnh lễ Bồ Tát –trong tấm bia 1592 có hình của cả Thiện Tài đồng tử lẫn Long Nữ đứng ở phía góc phải bên dưới. Lựa chọn hình tượng này để khắc vào bia, rõ ràng không phải là chuyện ngẫu nhiên, ngược lại nó cho ta thấy được rằng Bồ Tát là một hình ảnh quen thuộc nhất trong thế kỷ thứ 16. Thông qua tấm bia này, những người quảng bá tín ngưỡng tôn thờ Cửu Liên Bồ Tát muốn cho mọi người nhận thức không mấy khó khăn rằng bà hoàng thái hậu chính là một vị bồ tát, hay nói rõ hơn là dạng nữ thân của Bạch Y Quán Âm. Cũng có tài liệu cho thấy rằng trước đây đã có một bức hoành phi được thờ tại Trường Xuân Tự, xây dựng vào năm 1618, trên đó có một tấm bài vị thờ tên của Cửu Liên Bồ Tát song hành với tấm bài vị thờ bà Lý Thái hậu, hàm ý rằng cả hai cũng chỉ là một người (Li and Naquin 1988:61). Cửu Liên Bồ Tát không phải chỉ được thờ phượng trong những ngôi chùa tại kinh đô mà người ta còn tìm thấy dấu vết của ngài tại núi Thái Sơn. Trong Thái Sơn Chí bản in năm 1802, có trích một đoạn văn trong bài nghị luận của Cố Viêm Vũ, nói rằng: “Tiền sảnh của lâu đài Bích Hà Nguyên Quân có bàn thờ của bà Lý thái hậu Wan-shou chung-tsun hsio ting (Li) tức là Cửu Liên Bồ Tát. Bà được thờ trong một đại sảnh ngay phía sau Nguyên Quân” (10:28b).

Bộ kinh được bắt đầu bằng cuộc đối thoại giữa Đức Phật và Bồ Tát Quán Âm, người  đang buồn rầu trước những khổ đau của nhân sinh gây ra bởi vô minh và những ác nghiệp và cầu xin được Phật giúp đỡ.  Để trả lời, Đức Phật đã đưa ra lời tiên đoán về sự xuất hiện của Cửu Liên Bồ Tát, người sẽ mang lại hòa bình và hạnh phúc cho toàn thể nhân loại. Sử dụng một loại ngôn ngữ tương tự như trong kinh điển truyền thống khi nói về Tây Phương Cực Lạc, Đức Phật đã mô tả cái vương quốc của Cửu Liên Bồ Tát. Bộ kinh được kết thúc bằng những lời sách tấn đại chúng nên tinh tấn trì tụng đặc biệt là những câu thần chú được nói ra trong bộ kinh này. Tuy không trình bày một cách chi tiết, thế nhưng bộ kinh hàm ý cho thấy đã có một mối liên hệ mật thiết giữa Quán Âm và Cửu Liên Bồ Tát tức cũng chính là bà Lý thái hậu. Trong kinh, vị Bồ Tát được mô tả như có một mối liên hệ mật thiết với hoa sen qua chín cách thế khác nhau: được xuất phát từ trái tim, nhận biết bởi bản tánh, trông thấy bằng mắt, nghe bằng tai, ngữi bằng mũi, sinh ra bằng miệng, được trưởng dưỡng từ trên đỉnh đầu, được bồ tát ngồi lên và nâng đỡ những bước chân của bồ tát (cửu liên có ý nghĩa như thế).

Về xuất xứ của thuật ngữ “Cửu Liên”, người ta không tìm thấy có một ý nghĩa tương tự nào trong kinh điển Phật giáo. Tuy nhiên do ngôn ngữ phản ánh màu sắc Tịnh Độ của bản kinh này, có thể là nó đã được bắt nguồn từ chữ “Cửu phẩm vãng sanh” hay “Cửu phẩm liên hoa” hay “Cửu phẩm liên đài” thường được dùng trong kinh văn Phật giáo.

Như sẽ được đề cập đến trong chương 11, dưới thời Minh mạt, các bảo quyển của giáo phái cũng thường sử dụng danh từ “cửu liên”.  Nó xuất hiện khá sớm qua nhan đề của một cuốn bảo quyển có tên là Hoàng Cực Kim Đan Cửu Liên Chánh Tín Quy Chân Hoàn Hương Bảo Quyển. Ta không biết cuốn này được viết ra vào năm nào nhưng ấn bản lần thứ nhất được ghi vào năm 1523 (17). Giống như các kinh văn khác của giáo phái Bạch Liên, cuốn bảo quyển này đã tuyên xưng Vô Sanh Lão Mẫu như là một vị tối linh thần. Theo đó, lịch sử nhân loại được chia làm ba đại kiếp, mỗi kiếp đều có một vị Phật ra đời, đó là Phật Nhiên Đăng, Phật Thích Ca Mâu Ni, và Phật Di Lặc. Cửu Liên tượng trưng cho cảnh giới cao nhất nơi mà những người được cứu độ tham dự Hội Long Hoa và tái hợp với đấng sáng tạo, Vô Sanh Lão Mẫu. Cửu Liên và ý hệ tương tự cũng được tìm thấy trong Dược Sư Bản Nguyện Bảo Quyển, 1543 và Tiêu Thánh Tiếp Tục Liên Tông Bảo Quyển, 1659 (Li & Naquin 1988:151, 161). Trong kinh điển của truyền thống giáo phái Bạch Liên, thực sự đã có một danh từ phổ quát là “Cửu Liên Kinh,” và đã có hơn một cuốn kinh mang danh hiệu này (Ma & Han 1992:612). Như vậy một điều hiển nhiên đây là một danh hiệu được ưa chuộng trong những giáo phái Bạch Liên. Bà Lý thái hậu được biết là một tín đồ trung thành của Bảo Minh Tự, một trong những bản doanh của tín đồ Bạch Liên giáo –mà viện chủ là ni sư Qui Viên, một nhân vật lãnh đạo có uy tín và khả năng thu hút quần chúng (sẽ được nói đến trong chương 11). Danh từ Cửu Liên được sử dụng có thể bắt nguồn từ mối liên hệ với vị ni sư này. Ngoài ra bộ kinh của bà Nhân Hiếu hoàng hậu trước đây vốn chú trọng đến những câu thần chú hẵn nhiên cũng là nguồn xuất xứ thứ hai.

Tôi đã khởi sự chương này với những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa những kinh điển bản địa và kinh điển chính thống cũng như những vai trò mà kinh điển bản địa đã đóng góp trong việc tiếp nhận Phật giáo hay là tín ngưỡng tôn thờ Quán Âm tại Trung Quốc. Chúng ta đã khảo sát qua những trường hợp của một số kinh điển loại này. Có những bộ kinh khá nổi tiếng cũng như có những bộ mà ít người biết đến. Và bây giờ, để kết luận, chúng ta sẽ rút ra một vài nhận xét tổng quát. 

Trước tiên, mặc dầu kinh điển bản địa được viết ra tại Trung Quốc, thế nhưng chúng vẫn dựa vào những kinh điển Phật giáo chính thống, thế nên đã có những phù hợp cả trong giáo lý lẫn phương pháp thực hành. Trong khi Pháp Hoa cũng như các truyền thống Tịnh Độ và Mật Tông cung cấp những trụ chống căn bản về ý hệ, việc niệm danh hiệu và trì chú  được sử dụng như là những đạo lộ đúng đắn dẫn đến quả vị đời sống tâm linh. Kinh Cao Vương đã dựa vào Pháp Hoa trong khi những bộ kinh thần chú khác đa phần đều dựa vào Thiên Thủ Kinh, rút từ đó ra những thần chú đặc biệt. Sáng tác kinh bản địa như thế không có nghĩa là giả tạo, những tác giả của những bộ kinh này chỉ làm cái công việc mà người ta thường gọi là “bình mới rượu cũ”. Điều này cho ta  thấy cái khía cạnh bảo thủ của kinh điển bản địa. 

Thứ hai, mặc dầu những kinh điển bản địa đều có tính bảo thủ nhưng đồng thời cũng cho thấy nó cũng mang màu sắc độc lập và sáng tạo. Cụ thể như Kinh Cao Vương cô đọng hơn là phẩm “Phổ Môn” của Pháp Hoa. Một số những kinh điển bản địa khác có ý hướng làm cho việc thực hành tín ngưỡng dễ dàng tiếp thu và chấp nhận hơn. Để làm được như thế, thỉnh thoảng họ đã tỏ ra thách đố trong việc bày tỏ một thế đứng quyết liệt đối với khuynh hướng chính thống. 

Thứ ba, bằng cách khẳng định việc liên hệ về xuất xứ của những kinh điển bản địa với những điều linh ứng của những nhân vật có thực trong lịch sử, tác giả đã đặc thù hoá, địa phương hoá và cá nhân hoá những chân lý phổ quát của Phật giáo và bằng cách ấy đưa chúng bám rễ vào mảnh đất Trung Quốc. Những chân lý vì thế đã không còn được tuyên thuyết bởi Đức Phật ở một nơi chốn xa xôi hẻo lánh nào đó của xứ Ấn Độ trong quá khứ, mà đã được Bồ Tát Quán Âm nói ra ngay bây giờ và tại đây. Một điều chắc chắn, trong việc thiết định và phát triển tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Quán Âm tại Trung Quốc, nguồn kinh điển bản địa đã đóng một vai trò quan trọng. Cũng giống với các bộ sưu tập những mẫu chuyện linh ứng, những cuộc hành hương, và việc tạo dựng hình tượng, nguồn kinh điển bản địa là một khí cụ cần thiết trong việc chuyển hóa vị bồ tát phổ quát này thành một vị linh thần Phật giáo Trung quốc được yêu mến vào bậc nhất. 

CHÚ THÍCH:

  1. Cũng bà Công chúa này trong cùng năm đã bảo trợ cho việc ấn tống cuốn kinh Lão giáo tuyên xưng Bích Hà Nguyên Quân (xem Chou Shao-liang 1987: vol. 8,10-11).

  2. Đó là: Quán Thế Âm Sám Hối Trừ Tội Kinh, Đại Bi Quán Thế Âm Kinh, Thụy Ứng Quán Thế Âm Kinh, Quán Thế Âm Thập Đại Nguyện Kinh, Di Lặc Hạ Sanh Quán Thế Âm Châu Bảo Kinh, Quán Thế Âm Vịnh Thác Sanh Kinh, Quán Thế Âm Thành Phật Kinh, Quán Thế Âm Sở Thuyết Hành Pháp Kinh, Quán Âm Vô Uý Luận, Nhật Tạng Quán Thế Âm Kinh, Tân Quán Âm Kinh, Quán Thế Âm Quán Kinh, Thanh Tịnh Quán Thế Âm Phổ Hiền Đà La Ni Kinh. Nhìn vào nhan đề của những cuốn kinh bản địa bị thất lạc này ta cũng có thể thấy chúng hầu như căn cứ vào nội dung của những bộ kinh được dịch sang Hán văn có phần thần chú hứa khả những lợi lạc về thế tục cũng như tâm linh như đã được đề cập đến trong Chương 2. 

  3. Tôi gọi “nhị tuần” tức là 14 ngày thay vì 27 ngày như Diana Paul đã làm. Những người theo đạo Phật xem 7 ngày là một đơn vị. Ví dụ như trong nghi lễ dành cho người chết được thực hiện mỗi một “tuần” trong “thất tuần”, tức 49 ngày: nhất tuần, nhị tuần cho đến thất tuần.

  4. Diana Paul đã sửa đổi nội dung thành “thay đổi” thay vì đúng nguyên văn là “hóa thành”. Bà làm như vậy vì tin rằng những vị bồ tát chỉ có thể hoá thân thành những loài hữu tình hơn là những vật vô tri giác và như vậy câu văn hoá thân thành núi non, sông ngòi là không có ý nghĩa. Bà đã diễn dịch đoạn văn này với ý nghĩa là Quán Âm nguyện sẽ thay đổi những sự vật vô dụng hay có hại cho con người trở thành những vật hữu dụng hay vô hại (Paul: 1985:280). Tuy nhiên nếu như chúng ta đã từng đọc qua bộ Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh được đề cập đến trong chương 2 có nói đến khả năng của Ngài có thể biến thành bất cứ cái gì mà mình chọn lựa bởi vì ngài tạo dựng ra thế giới và tất cả mọi sự trong thế gian này đều được tạo ra từ ngài.

  5. Cụ thể như, cả hai nội dung này đều được tìm thấy trong những công trình của các ngài Cát Tạng (549-623) với “Pháp Hoa Nghĩa Sớ” (T no. 1721), Tuệ (Huệ) Hiệu (650-714) với “Thập Nhất Diện Thần Chú Tâm Kinh Nghĩa Sớ”, Trí Lễ (960-1028) với “Quán Âm Huyền Nghĩa Tập” (T. no. 1728) và “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Diệu-Tôn Sao” (T no. 1751), và Trí Viên với “Thỉnh Quán Âm Kinh Sớ Sao -Ch’ing Kuan-yin ching shu ch’an-I ch’ao” (T no. 1801) được viết vào năm 1009. Tất cả những bộ luận này đều được sáng tác bởi những tăng sĩ có liên hệ mật thiết với ngài Trí Giả hoặc thuộc truyền thống Thiên Thai Tông mà ngài Trí Giả là một vị tổ có nhiều ảnh hưởng nhất.

  6. Bản văn chỉ ra năm loại người: Trong thế giới có năm loại người không có khả năng thành Phật. Trước tiên là những quốc vương tại những vùng bán khai, những người luôn luôn nóng giận, không cưỡng nổi những thói hư đồi bại, dùng quân đội để chinh phục kẻ thù, những xứ sở chỉ biết chiến tranh và giết chóc lẫn nhau và là những kẻ đêm ngày chỉ biết nghĩ đến điều ác với lòng ham muốn lường gạt kẻ khác. Bởi lý do này mà họ thường bị tái sanh vào những nơi khó khăn. Loại thứ hai là những chiên-đà-la, những người chỉ luôn luôn nghĩ đến việc ăn uống máu người, chạy quanh nghĩa địa để tìm kiếm xác chết và không bao giờ được yên nghỉ. Loại thứ ba là những tỳ kheo và tỳ kheo ni vi phạm giới luật. Theo giáo pháp đạo Phật, kẻ phạm giới là những kẻ trộm cắp. Tâm của họ luôn dày vò bởi ganh tỵ, đặt điều thêu dệt cho kẻ khác, chỉ cho mình là tốt còn thì luôn nói xấu người, họ không bao giờ muốn trông thấy những điều lành mạnh, chẳng hề nói xấu về mình và chẳng bao giờ có một chút lương tâm sỉ diện gì cả. Loại thứ tư là những người tham đắm nhục dục, tăng cũng như tục, kẻ trưởng giả cũng như người bình dân, đêm ngày chỉ biết tơ tưởng đến những dục vọng đê hèn không bao giờ ngưng nghỉ, họ chẳng bao giờ bỏ ra một giây phút nào để nghỉ đến chánh pháp. Loại thứ năm là những người rời bỏ tăng thân, hủy diệt chánh pháp, những kẻ đi rao truyền với mọi người trên thế giới rằng Đức Phật không phải là một thánh nhân, không hề có phép thần thông siêu nhiên, và rằng Đức Phật không có khả năng đưa con người vượt qua bờ giải thoát, và đó là những người một  khi lăng mạ Phật, họ đã đi vào con đường tà, trôi nổi chung quanh tất cả những số phận xấu ác và luôn luôn bị dày vò bởi lo âu, khổ đau. Tuy nhiên nếu như trong số những loại người nói trên, có những ai có thể ăn chay trì niệm Quán Thế Âm Tam Muội Kinh, biết cải tà quy chánh, sám hối lỗi lầm trong quá khứ, vun trồng nhân lành cho tương lai, ăn chay trì tụng kinh này trong bảy ngày đêm và thấu hiểu thông suốt hoàn toàn nội dung cuốn kinh, thì tất cả những tội lỗi của họ thảy đều tiêu trừ và họ sẽ hưởng được những ơn phước như đã được giải thích trước đây. Hơn thế nữa, nếu họ có khả năng vun trồng đạo lộ suốt cuộc đời mình và chuyên tâm trì niệm kinh này, họ sẽ không bao giờ bị thối chuyển hay quên mất (những lời dạy của kinh). Cho dù nếu một người quên mất, ta sẽ dạy lại cho y trong giấc mộng, cũng như sẽ khiến cho y phục hồi lại được. (Ziegler 1994:121-23)

  7. Sylvia Chen-Shangraw, người viết lời giới thiệu cho cuốn danh mục “Chinese, Korean, and Japaneses Sculpture in the Avery Brundage Collection” (d’Argence & Turner, 1974) đã bày tỏ sự dè dặt liên quan đến niên đại của tấm bia khi cho rằng đó là kiểu cách của thời Bắc Tề, tuy nhiên “có lẽ đã được thực hiện sau này”. Những luận điểm chính của bà khi nêu nghi vấn về niên đại sớm hơn là “không hề có hình tượng của một Quán Âm đứng, trang điểm châu báu như là một nhân vật trung tâm trong một nhóm hình trong tranh thờ hay bia đá xuất hiện dưới thời Đông hay Tây Ngụy” và bởi vì tấm văn bia Philadelphia mang niên đại 551 với cùng những đầu cột mang hình hoa sen và rồng uốn vòng cung được tìm thấy trong tấm bia mang dấu khắc của năm 1562. Vì thế bà cho rằng đây có thể là một sản phẩm được khắc lại hay tái sản xuất vào thời Minh (d’Argence & Turner, 1974:146). Về niên đại 548 của tấm lắc Tứ Xuyên được đề cập đến trong Chương 2, tôi cảm thấy việc sắp xếp Quán Âm như là một hình tượng trung tâm, như trong trường hợp này, có thể cũng đã từng được thực hiện dưới thời Bắc Tề.

  8. Trong Lịch Ðại Tam Bảo Chí kết tập dưới thời Tùy qua cuốn kinh được phiên dịch bởi Trúc Pháp Hộ, đã được ghi chép lại như sau: “Quán Thế Âm Kinh, một phẩm: phát xuất từ Chánh Pháp Hoa Kinh” (T 49:64c). Trí Giả, vị tổ sư Thiên Thai, (538-597) đã viết trong cuốn “Quán Âm Huyền Nghĩa” của mình như sau: “Những kinh Quán Âm thì rất nhiều. Cụ thể như Kinh Quán Thế Âm, Quán Âm shou chi, Quán Âm Tam Muội, Quán Âm Sám Hối, Ta-pei hsiung-meng Kuan shih yin, v.v… Những gì đang được chuyển qua ở đây chỉ là một chương gồm 1530 chữ từ kinh Pháp Hoa. Lý do tại sao nó được chuyển qua một cách riêng rẻ là do ngài Pháp Sư Ðàm Ma La Sát (T’an-mo-lo-ch’en : Trúc Pháp Hộ) cũng được biết đến như là I-po-le Bồ Tát. Khi ngài đi ngang qua dãy Onion Range (tức là dảy núi Belaturgh Mountains xứ Turkestan), đến vùng Ho-hsi (nay là tỉnh Cam Túc), lúc đó vị quốc vương của xứ này là Trở Cừ Mông Tốn, một người nhiệt thành tin tưởng vào Phật giáo đang lâm bệnh. Nhà vua cho Pháp Sư biết bệnh trạng của mình và được ngài cho biết, bởi vì Bồ Tát Quán Thế Âm có mối quan hệ đặc biệt với mảnh đất này thế nên nhà vua nên trì niệm (danh hiệu hay cuốn kinh ?). Nhà vua nhờ đó mà khỏi bệnh và do đó mà chương này đã được chuyển dịch ra một cách riêng rẽ” (T 34 :891c). Điều nổi bật là bên cạnh bộ Thỉnh Quán Âm Kinh (tức là Thỉnh Quán Thế Âm Bồ Tát Tiêu Phục Ðộc Hại Ðà La Ni Kinh) do ngài Trúc Nan Đề dịch dưới thời Đông Tấn (317-420), tất cả những bộ kinh khác được ngài Trí Giả đề cập đến ở trên đều là những nguỵ kinh. (Kiriya 1990 :220).

  9. Bốn đoạn cuối tương tự như một vài đoạn trong cuốn kinh được tìm thấy tại Đôn Hoàng, Cứu Khổ Quán Thế Âm Kinh (S4456), được biết dưới một tên khác là Cao Vương Quán Thế Âm Kinh, với những câu sau đây: “Tôi niệm Quán Thế Âm vào buổi sáng, tôi niệm Quán Thế Âm vào buổi tối, tôi niệm Quán Thế Âm trong khi ngồi, tôi niệm Quán Thế Âm trong khi đi, niệm này phát sinh ra niệm khác, câu niệm Phật  không hề rời khỏi tâm”. Makita trong Gikyo kenkyu (1976 :69), cho rằng bộ kinh này được kết tập cuối thời nhà Đường hoặc là vào thế kỷ thứ tám. Cái được gọi là “Kinh Quán Âm Mười Câu” hình như bao gồm những phần của cả hai bộ Cao Vương Quán Thế Âm Kinh và Cứu Khổ Quán Thế Âm Kinh. Kiriya đã so sánh một cách cẩn thận giữa “Kinh Quán Âm Mười Câu” và năm bản hiệu đính của Cao Vương Quán Thế Âm Kinh hiện đang được lưu hành.

  10. P 3916 có đủ cả toàn bộ ba phẩm, trong khi P 3236 chỉ gồm có một phần của phẩm thứ ba. Bản kinh đồng thời cũng được khắc vào văn bia năm 1143 tại Phương Sơn. Có thể xem Fang-shan shih-ching t’i-chi hui-pien (1987 :617). Xin được cảm ơn Quách Ly Anh đã chia xẻ thông tin này với tôi.

  11. Những bản sao chép của những kinh điển này được tìm thấy trong số hai mươi bản chép tay những thủ bản tạp loại được xuất bản trong Ying-hsien mu-t’a Liao-tai mi-tsang 應現Ứng Hiện số 64 và 65 do Shansi Bureau of Cultural Artifacts and Chinese Historical Museum hiệu đính (1991). Số 64 (pp.457-459) ở trong tình trạng tốt hơn là 65. Trong số 35 bộ kinh mộc bản được tìm thấy trong hình tượng Phật cũng có một bản Cao Vương Quán Thế Âm Kinh với lời bạt nói rằng người vợ của Jen Wei-sheng, nhũ danh Châu, tại Yung-chi-yuan (nay là Tsun-hua, tỉnh Hồ Bắc) đã ấn tống 1,000 cuốn kinh (p.200). Tất cả những bộ kinh này đều được in tại Yen-ching (ngày nay là Bắc Kinh) trong khoảng từ năm 990 đến 1070 C.E.

  12. Tâm (hsin) ở đây tôi muốn nói đến nhục-đoàn-tâm đà la ni (hrdaya-dhrani) tức là cái cốt lõi của đà la ni theo ý nghĩa mà Fukui Fumimasa (1987 :213) đã giải thích. Năm đại thủ ấn trí tuệ bắt nguồn từ Du Già Hành Tông cho thấy thần thông của một vị Phật biểu tượng qua cái nhục kế (usnisa) của ngài. Tôi không thể không biết ơn Msatoshi Nagatomi cung cấp những dẫn chứng liên hệ.

  13. Hiện tượng này hẵn nhiên gây ra do những màng nhầy không bị đụng chạm đến thay vì bị vỡ ra khi đứa bé chào đời. Cảm ơn Charles B. Jones đã cho tôi những thông tin này sau khi đã tham khảo ý kiến của mẫu thân, Bác sĩ Mary B. Jones, cũng như đã gởi đến cho tôi dẫn chứng sau đây từ Williams Obstetrics (16th edition): “Sự vỡ những màng nhày đa phần xảy ra trong khi sinh nở. Thông thường, sự bể vỡ màng nhày được biểu hiện bởi sự đột nhiên phun ra một lượng chất lỏng hơi đục hoặc trong suốt, thường hầu như là không màu. Đôi khi những màng nhày này không bị hư hại gì cho đến khi đứa bé được sinh ra. Nếu trong trường hợp hản hữu mà những màng nhày này không hề bị hề hấn gì sau khi hài nhi được sinh ra, thai nhi vẫn còn được bọc trong những tấm màng này, và phần bọc ở trên đầu đứa bé được gọi là màng thóp” (386b).

  14. Cảm ơn Martin Collcutt và Christine Guth là những người đầu tiên đã tạo sự chú  ý của tôi đối với bức tranh này.

  15. Chu Thiệu Lương đã giải thích lý do tại sao cái số lượng đặc biệt này được gọi là một tạng. Bởi vì trong Khai Nguyên Thích Giáo Lục, một cuốn danh mục có ảnh hưởng nhất do Trí Thăng kết tập vào năm 730, đây là con số tất cả những bộ kinh đã được liệt kê trong danh mục này.

  16. Bản sao chép bộ kinh Phật còn tồn tại thuộc bộ sưu tập tư nhân của Chu Thiệu Lương. Bộ kinh Lão giáo có nhan đề là T’ai-shang Lao-chun shuo Tzu-tsai T’ien hsien Chiu-lien Chih-sheng Ying-hua tu-shih chen-ching đã được lưu trử trong phần Sách Hiếm Qúy của Thư Viện Cổ Vật Phật Giáo tại Pháp Nguyên Tự, Bắc Kinh.

  17. Gần đây, Liên Lập Xương căn cứ vào một chứng liệu nội bộ cho rằng bản kinh này đã được viết vào năm 1498. (1996 :116).

 

   

| LGT | CH1 | CH2 | CH3 | CH4 | CH5 | CH6 | CH7 | CH8 | CH9 | CH10 |

 
       

Copyright © 2005, Tam Ha Le Cong Da, All rights reserved.